Gian sau nhà thầy đồ Lê nhìn thẳng ra ao Sen, ao Sen lại nối rộng với đường lớn, đường lớn chỉ ngăn với ao sen bằng một vòng tường gạch thấp tà tà, đám trẻ con xung quanh vẫn hùa nhau leo lên bờ tường ấy để nhảy ùm xuống ao. Chơi thì chơi thế, nhưng chúng cũng chỉ lựa đoạn ao phía ngoài gần đường không có nhiều Sen mọc, sợ làm gãy cành thì thầy bu lại quở trách vì làm phiền tới thầy đồ Lê. Ngoài tụi trẻ con, đôi lúc vẫn có vài anh học trò của thầy đồ Lê cùng vài trai làng lấp ló núp sau gốc cây ngô đồng cạnh bờ, ngó ngiêng vào sân sau nhà thầy đồ Lê, cái cớ sự của việc lén lút ấy vừa giống đám trẻ con phần “sợ thầy đồ Lê”, nhưng lại khác phần “nhìn cô Phức”.
Nắng chiều tà buông nhẹ xuống chiếc chõng tre nằm cạnh lu nước nơi góc sân sau, bóng cô Phức cúi khom khom, một chân cuộn lên chống xuống chõng, một chân lại buông thõng đung đưa, hai bàn tay thoăn thoắt gấp lá trầu, cắt cạnh lá, quét vôi, thêm thuốc,cuộn lại ở phần giữa rồi dùng chính cuống trầu mà ghim lại, hai phần rìa lá vẫn chìa ra bên ngoài. Hóa ra là một miếng trầu têm cánh phượng nho nhỏ, cô giơ lên cao, để ánh nắng chiều muộn nhuộm vàng miếng trầu xanh tươi như chim phượng bay ra từ lửa đỏ, ngắm nghía thỏa thuê cô bỏ miếng trầu vừa têm vào khay tròn khảm xà cừ của bu cô. Cuối góc chõng, bu đẻ của cô Phức là bà đồ Lê đang ngồi khoanh chân, một chân chống lên cao, tất cả trùm trong chiếc váy đụp đen tuyền làm dáng bà đồ Lê như một chiếc bánh ú, bà nhịp nhè nhẹ bàn chân nhô ra dưới váy, tay thì cầm lấy miếng trầu têm cánh phượng cô Phức vừa bỏ vào. Bờ môi hơi nhăn của tuổi tác mím vào miếng trầu, rồi nhai tóm tém, răng bà đồ Lê vừa đen vừa bóng làm nước trầu tuôn ra cũng chẳng ánh lên nổi xíu màu đỏ nào.
"Con têm thêm một khay cho thầy con, sáng mai thầy con trả bài cho học trò. Cậu nào đạt thầy con sẽ cho một miếng trầu."
"Lần trước dùng trà sen con ướp, lần trước nữa lại dùng bánh rán đậu xanh con làm, lần kia là dùng đài sen con hái. Thầy cũng thật khéo “tá hoa hiến Phật” mà."
"Tiên sư cô!" Bà đồ Lê dùng ngón tay trỏ dí nhẹ vào trán cô Phức, cười móm mém "Cô thì thư thả chứ thầy bu cô thì lo ngay ngáy lên mà tìm chồng vừa ý cho cô kia kìa."
"Con chẳng lo đến thế, tuổi con vừa mới mười sáu chưa gọi là lớn, vả chăng con cũng muốn bên thầy bên bu thêm vài năm mà bưng trà rót nước."
Cô Phức vẫn thoăn thoắt têm trầu, miệng nhỏ cười không dùng son vẫn thắm màu phấn hồng nhè nhẹ. Nói muốn phụng dưỡng thầy bu là nói thật lòng cô, nhưng một phần cô cũng có nỗi lòng khó nói, bởi cô không phải là người nơi này, mà là một linh hồn từ hiện đại nhập vào thân cô Phức vừa mất do té ao lúc chèo thuyền hái Sen cách đây ba năm, khi cô Phức mới mười ba tuổi.
Khi ấy linh hồn hiện đại kia cũng vừa bị tai nạn nằm thực vật ở tuổi hai mươi bốn. Linh hồn ấy cũng là một cô gái tên Phức, nhưng là “Hữu Phức”. Hữu Phức vừa áy náy vì chiếm thân thể và cuộc sống của một con người khác, vừa hoang mang vì cách biệt thời đại lẫn lề thói, lại càng mong ngóng được trở lại bên mẹ cha ở hiện đại. Hữu Phức mang theo tâm trạng ấy cố gắng sống qua ngày, nhưng lòng vẫn không thể sống cho trọn cái tên “Ngọc Phức” đi mượn này.
Có lẽ là thân thể đi mượn, nên có những kí ức vẫn còn nguyên lại đó, từ lối sống đến hành động, chỉ có linh hồn cũ kia thì có lẽ đã đầu thai một kiếp khác, hoặc có lẽ tan biến mất rồi.
Nắng đã tắt hoàn toàn phía chân trời, tiếng dế hòa cùng tiếng gió lạo xạo cả một khoảng sân sau, cô Phức đóng nắp khay xà cừ đã đầy những miếng trầu têm cánh phượng nho nhỏ. Cô bước xuống chõng, thắp ngọn đèn dầu rồi đỡ bà đồ Lê lên gian trên, ghé vào gian giữa mời thầy lên dùng cơm cùng bu. Những ngày có khách thì thầy đồ Lê sẽ theo lề thói quy củ mà ăn mâm trên cùng các ông các bác, nhưng ngày thường nhà neo người thầy lại bảo cô và bà cùng ăn với thầy cho vui vầy.
Bữa cơm có bát canh cua nấu cùng mồng tơi trồng sau nhà, cà muối ăn kèm mắm tôm cùng một đĩa thịt luộc. Nhà thầy đồ Lê không gọi là cao sang, nhưng cũng là bậc trung lưu trí thức trong vùng. Hàng ngày thầy dạy chữ, bà đồ Lê và cô Phức thì lo việc gánh hàng buôn bán, việc đồng áng có anh hầu và bà vú lo liệu, gia cảnh cũng gọi là đủ ăn đủ tiêu.
***
Cậu Cử nhìn chằm chằm vào miếng trầu têm cánh phượng trên tay, dù đã hơi héo một chút ở rìa cánh nhưng hãy còn gọn đẹp, ngón tay cậu vân vê phần bụng phượng no đủ được nhồi đầy thuốc và vôi. Cậu chưa bao giờ ăn trầu và hút thuốc lào, bởi cậu xem đó là thú vui kém tao nhã vì tiếng nhai trầu và nước trầu vương trên mép, cùng âm thanh rít thuốc cũng như bộ dạng “say” thuốc lào cậu hay bắt gặp.
“Say như điếu đổ,
Gầy như se điếu.”
(Thành Ngữ)
Hẳn nhiên ấy chỉ là cái suy tưởng của riêng cậu, cậu dành để răn dạy chính bản thân chứ chẳng dùng để suy xét ai, người quân tử không dùng cái của ta đo cái của người bao giờ. Thầy đồ Lê bảo rằng đây là phần thưởng cho những bài văn được chấm đạt, cậu Cử lấy làm mừng vì học hành tấn tới, nhưng cũng lại ủ ê vì chưa nhai trầu bao giờ. Bên cạnh cậu là cậu ba Hoàng Thành Thế nhà phú ông Hoàng, cũng được nhận trầu, đang xì xào to nhỏ cùng cậu học trò ngồi chõng phía trước.
"Này này, cậu có biết ai têm miếng trầu này không?"
"Cậu Thế à, tôi nói này, cậu chớ mà khoe khoang nhé. Lần trước tôi được ăn bánh rán nhân đậu xanh cũng còn chưa huênh hoang như cậu đâu."
"Không dám, tôi với cậu hôm qua còn núp sau cây ngô đồng tấm tắc khen tay nghề cô Phức, ấy thế mà giờ tôi có thể sờ còn cậu lại chỉ có thể ngó không."
Hai cậu học trò chỉ dám nói nhỏ với nhau, không dám để thầy đồ Lê nghe thấy, sợ thầy phạt tội vô lễ. Nhưng chỉ chừng đó đã đủ để cậu Cử hiểu rõ nguồn cơn, hóa ra cô Phức hay làm quà lễ để thầy đẻ cô thưởng cho học trò.
Đôi mắt nâu cùng hương trà sen thơm lại như loáng thoáng trước mũi cậu, người đâu mà lạ mà lùng, gặp chỉ một lần mà in mãi không nhạt. Miếng trầu têm cánh phượng được cậu vân vê qua lại giữa hai ngón tay, vừa như tò mò muốn đưa lên nếm, lại vừa như ngập ngừng không dám thử. Chúng đồng môn xung quanh ai bị phê bài liệt hạng thì đương độ rầu rĩ, người được chấm đạt thì háo hức nhai trầu và chuyện trò. Dường như quyết tâm sự gì đó mang tính đột phá với một người luôn theo quy củ như cậu, cậu giơ miếng trầu lên.
Cậu Cử nhét cả miếng trầu vào miệng, nghiến răng nhai vội, nước bọt hòa cùng lá trầu trộn thuốc phết vôi, vừa cay vừa đắng, mà chẳng hiểu cớ gì nhai mãi tự nhiên thấy thoáng ngọt là lạ.
Đến lúc đó cậu dường như ngẫm ra cái sự nghiện của những người răng đỏ nước trầu, miệng rít thuốc lào kia. Ấy chẳng phải là vì những thức ấy đưa người ta đến miền tiên thánh phiêu diêu lâng lâng hay sao. Nhưng cậu chẳng rõ bản thân say trầu hay là say người têm trầu nữa.
_
*Chú thích:
Ở đây hai chữ "Phức" đều mang hàm ý là "Mùi Hương/Thơm", khác nhau ở tên đệm. Ngọc Phức hàm ý đẹp tựa ngọc duyên tỏa hương, Hữu Phức hàm ý có mùi hương, sở hữu mùi hương.
Bình luận
Chưa có bình luận