Chương 5. Cõi trần giấc mộng hòe, duyên kiếp buông không đặng.


 Giấc Nam Kha khéo bất tình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.” (1)


Trăng treo cao trên lũy tre, ánh sáng chiếu xuống mờ mờ nhạt nhạt tựa sương tựa khói, tô vẽ cho cảnh vật cái chất tranh thủy mặc nhàn nhã. Giữa ao sen, một quầng trăng lặng lẽ tan ra sau một cái quẫy đuôi của con cá chép vây đen, rồi lại chầm chậm tụ vào hợp thành một bóng trăng mờ. Trăng in bóng nước, dập dờn theo lá sen đùa gió. Ánh trăng ngà ấy đậu bên ô cửa hé mở phòng cô Phức, phủ sáng lên tấm thân ngọc ngà đang say ngủ hệt như tấm lụa trong suốt quấn quanh miếng ngọc đẹp, những lụa là châu báu của miền tiên thánh chắc cũng chỉ đẹp quý đến bực này.

Giữa giấc nồng đêm trăng, đôi mày lá liễu nâu đậm của cô Phức vẫn nhíu chặt vào nhau, bên khóe mắt đọng lại đôi giọt sương buồn. Cô Phức đang mộng về ngày xưa, ngày xưa của linh hồn “Hữu Phức” kia.

Khung cảnh cứ chập chờn giữa những bóng trăng và ánh nước, rồi xoay đảo liên tục về lại ngày năm Hữu Phức mười ba tuổi. Hôm ấy cả gia đình đưa cô bé đi cắm trại tại một hồ câu cá trong rừng để mừng sinh nhật cô. Thế nhưng không may cô bé sảy chân ngã xuống ao, vùng vẫy mãi tưởng chừng chìm xuống giữa bóng tối đêm trăng mà không ai kịp nhận thấy, nhưng lại được một anh cứu hộ gần đó vớt lên. Cứ ngỡ không qua khỏi vì Hữu Phức lúc đó đã thoi thóp với đôi mắt mờ nhòe, điều duy nhất đọng lại trong tâm trí cô bé là ánh trăng treo cao giữa trời, soi rọi khuôn mặt nhỏ nhắn của cô. May mắn thay cô bé tỉnh dậy sau hai ngày nằm viện, cứ hệt như một kì tích cả đời góp nhặt lại mà thành.

Bóng trăng ánh nước lại lập lòe xoay chuyển về cái ngày định mệnh năm Hữu Phức hai mươi bốn tuổi, cả gia đình lại cùng nhau mừng một sinh nhật cùng cô. Cây hòe bên hông nhà đã ra hoa, được mẹ cô tỉ mỉ phơi khô,rang lên rồi pha cho cô uống để dễ ngủ. Lẫn trong hương hoa hòe sáng ấy, còn có mùi cơm thơm trong chén, cá kho trong đĩa, cả nhà quây quần ăn một bữa sáng bình thường. Hôm ấy, Hữu Phức đã đề nghị lái xe chở cả nhà đi chơi, mừng sinh nhật cô, mừng cô lấy được bằng lái.

Nhiều đêm trong thân xác Ngọc Phức, cô đã thức trắng với những suy nghĩ và hối hận, giá như hôm ấy cô không lái xe, thì biết đâu cả nhà đã không gặp nạn. Tiếng còi ré lên cùng tiếng thắng xe như xé tan mặt đường vẫn vọng lên trong tâm trí rối loạn của cô mỗi đêm yên tĩnh ngồi ngắm ao sen sau nhà thầy đồ Lê. Cơ sự xảy ra như một màn chiếu chậm, từng ảnh từng màu điểm đi điểm lại tới đoạn tiếng “rầm” vang lên thì tắt ngấm như đĩa cassette bị rối dây. Hữu Phức hôn mê sâu và xuyên thời không mà nhập vào thân Ngọc Phức ở niên đại này. Cô không biết bản thân ở hiện đại và cha mẹ đã mất hay vẫn sống, chỉ có thể hàng ngày làm trọn đạo hiếu với thầy bu của Ngọc Phức, nhưng đêm đêm đều mong sáng mai tỉnh dậy chỉ là một cơn mơ, cô có thể về lại căn nhà hai tầng màu xanh ngọc có cây hòe nhỏ bên hiên và cha mẹ vẫn cưng nựng gọi cô là “bé thúi ình” của họ.

Trăng đậu trên nước bỗng vỡ tan dưới từng hạt mưa tuôn xuống giữa đêm, bóng nước nổi bập bềnh giữa ao, một tiếng sấm nổ ầm vào không gian tĩnh mịch, theo sau là ánh chớp lóe sáng chiếu rọi khuôn mặt vừa bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị của cô Phức. Khóe mắt cô ẩm ướt những muộn phiền không thành tiếng, mái tóc mây nâu đậm buông dài trên bờ vai trần vẫn còn run run trong tiếng nấc nghẹn kìm nén.

Cô Phức xoay người từ phía đang nằm đối diện cửa sổ, sang nhìn chiếc bàn con con đặt giữa phòng, trên bàn đặt một mẹt tre đang phơi đầy hoa hòe. Mùi hoa hòe nhẹ thôi nhưng giữa đêm mưa bụi bặm được gột rửa lại tỏa ra mùi thơm thấm tâm can. Hóa ra cô đang mơ, nhưng cô cứ ngỡ mơ là thực mà thực lại mong là mơ.

Sống tại niên đại này đã ba năm tròn, cô Phức nhận ra rằng “Ngọc Phức” và “Hữu Phức” đều có những nét tương đồng, từ tính cách bướng bỉnh đến yêu thích nữ công. Khuôn mặt khi soi vào chum nước ngắm nghía cũng có đôi ba phần tương tự, chỉ có điều Hữu Phức thì bị cận thị khá nặng, nên làm giảm đi đôi phần sắc nhan so với Ngọc Phức.

Tương đồng thì tương đồng ấy thế nhưng lại chẳng phải là đồng nhất, suy cho cùng cô vẫn có những luyến lưu của riêng mình.

Nhiều đêm nhiều ngày cô vẫn ra ngóng cái ao sau nhà nơi Ngọc Phức vong thân, cái suy nghĩ hay là thử gieo mình xuống xem có thể tạo một đường về hay không, nhưng tới độ thực sự làm thì cô lại nấn ná. Một là bản thân cô không phải là chủ nhân thực sự của cơ thế này. Hai là cô không chắc là sẽ tìm được đường về hay là cũng sẽ hoa nát thân vong dưới đáy ao kia. Như thế thì hóa ra cả Hữu Phức lẫn Ngọc Phức đều không còn tồn tại, khác nào dã tràng xe cát biển Đông đâu.

Gió lùa vào song cửa kêu lạch cạch, cô Phức khẽ vươn mình trở dậy, khoác ngoài chiếc yếm trắng một cái áo rồi vén tóc thắp đèn. Ngọn đèn dầu sáng lên một quầng cam ấm áp, soi lên khuôn mặt tròn của cô một vòng sáng dịu ngoan, giữa tim đèn lượn lờ bay lên từng vòng khói đen. Cô Phức lấy một mảnh mo cau khô, để lên phía trên chỗ khói đen tỏa ra, đợi khói đen tụ lại thành từng mảng, cô lấy chiếc dao nhỏ cạo nó vào chiếc hộp gỗ to bằng hai đầu ngón tay, đậy nắp cất đi. Ở niên đại này có nhiều cách vẽ lông mày, nhưng cô thích dùng cách này, thực ra chỉ là đôi lúc chấm nhẹ lên chứ cô vẫn thích để tóc và lông mày màu nâu gỗ lim tự nhiên của mình hơn.

Con gà trống leo lên ụ rơm, đoạn lấy giọng mà gáy liền mấy tiếng “ò ó o”, cô nhắm chừng đã đến lúc thức dậy chuẩn bị gánh hàng cho kịp buổi chợ của bu cô. Gánh hàng của bu cô ngày trước được gánh ra mỗi kì họp chợ, nhưng tuổi ngày càng cao sức lại yếu, cô đành dùng chút vốn liếng để dành góp cùng bạc thầy đồ Lê cho, xây một sạp hàng nhỏ để bày bán đủ thức quà quê trà bánh, cùng giấy bút nghiên mực.

Gia đạo nhà thầy đồ Lê, hẳn nhiên không gọi là sang quý nhưng thầy gõ đầu trẻ dạy chữ vỡ lòng cho biết bao người, nên nhất mực được trọng vọng trong vùng. Chả thế mà chị cả nhà cô được gả cho anh học trò của thầy cô, anh ta cũng vừa đỗ quan Nghè làm lễ vinh quy bái tổ rình rang đấy thôi.

Ngoài sân vọng vào tiếng chổi loẹt xoẹt, có lẽ là bà vú đang quét sân buổi sáng để chuẩn bị bày bàn chõng ra cho thầy đồ Lê lên lớp. Độ rày thầy vừa nhận thêm lứa học trò tuổi tầm tầm với cô Phức, nên cô cũng ít khi lui tới cửa trước quá nhiều, tránh những sự không hay cho bản thân. Tất nhiên thời đại này, đàn bà con gái buôn gánh bán bưng hay có chăng làm đồng áng thì cũng đều lộ mặt bình thường chả việc gì mà ngại. Nhưng là một gia đình gia giáo, cô vẫn giữ trọn cái đạo vẹn toàn, tránh lời ong tiếng ve mà buồn lòng thầy bu cô. Hơn thế, cô cũng chẳng muốn gây ra duyên sự không mong muốn, bởi lẽ còn nặng cái lòng chuyện thân phận.

_

*Chú thích:

(1) Cung Oán Ngâm Khúc – Nguyễn Gia Thiều.

Giấc mộng Nam Kha hay Giấc mộng cây hòe là điển tích trong “Nam Kha ký thuật” kể về một nho sinh nghèo tên Thuần Vu Phần, ngủ dưới gốc cây hòe. Trong mơ, anh ta thấy mình lạc tới nước Hòe An, được Hoàng Đế nước Hòe An vừa lòng và gả Công chúa cho, phong làm Phò mã, trở thành Thái thú quận Nam Kha, rồi lại gặp nạn mất hết. Tới khi tỉnh giấc vẫn ngủ dưới gốc hòe, vạn sự trên đời như giấc mộng, tỉnh mộng tan tuồng.

1

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout