Nắng nhạt, mặt trời ngả bóng về tây.
Bên trong nhà ga xe lửa Cái Mân, giữa lúc thiên hạ đang lao nhao, thình lình có tiếng còi tàu vang rân, thanh âm “oéc oéc” từ xa đưa lại làm không ít kẻ đang chộn rộn phải giật mình.
Gần như tức khắc, một tiếng trai non nớt cất lên: “Ê tụi bay! Cóc lửa về!”
Thằng nhỏ vừa nói dứt câu thì ở phía sau, đám con nít đang nằm ngồi ngổn ngang đều vùng hết dậy, chen nhau đứng ngó.
“Ủa? Về sớm đa!” Một đứa nhíu mày nghi hoặc.
Oéc... Oéc! Tiếng còi dài đã sát bên tai. Biết xe lửa sắp đổ ga, thằng nhỏ cầm đầu mới nói lớn: “Thây kệ! Mau chạy ra kiếm mối!”
Nói rồi nó ôm cái giỏ tre vọt lẹ, đám con nít phía sau cũng lật đật chạy ùa theo, đứa đội thúng, đứa bưng sàng, tranh thủ lôi kéo chào mời khách mua bánh trái quà vặt, hoặc không thì đứng ngóng làm cu li¹ cho khách sai biểu.
Xe lửa chạy xình xịch rồi dừng hẳn. Từ trong các toa, hành khách rào rào bước xuống, rồi lại có từng tốp rộn rịp leo lên, người xách gói, kẻ bồng con, ông vẫy tay kêu trẻ mang va li, bà gọi mua chả giò bánh ú, cảnh tượng thật là náo nhiệt.
Trong đám hành khách ấy, có hai người trai tuổi độ mười chín đôi mươi, trang phục chỉn chu, mặt mày sáng láng, cùng nhau bước xuống sân ga. Tuy là kết bạn mà đi, song xét ra dễ thấy gia cảnh bất đồng. Người trai bên trái mặc quần lụa áo trắng, chân mang giày da, đầu đội nón nỉ, nhìn vào liền biết ngay là con nhà giàu có; còn người trai bên tay mặt thì trên bận áo vải sờn vai, dưới bận quần cũng bằng vải cũ, ròng thuộc con nhà nghèo khó.
Thiên hạ đời nay phần đông đều trọng danh hám lợi, hễ thấy giàu thì nịnh, thấy khó thì khinh, chẳng thế mà khi đôi bạn cùng bước ra một lượt lại chỉ có người trai mặc đồ lụa trắng được đám trẻ nhỏ tranh nhau lôi kéo mời chào còn người trai bận đồ vải cũ lại bị ngó lơ.
“Thầy Hai, mua bánh ăn chơi thầy.”
“Thầy Hai, mua nhật trình² đọc chơi thầy Hai. Bữa nay có nhiều tin hay lắm đa.”
“Thầy Hai...”
“Được rồi! Được rồi!” Lý Hồng Thái bị đám trẻ lôi lôi kéo kéo, nghĩ thương tình, thò tay vào túi lấy bạc lẻ ra mua bánh.
“Thầy Hai, mua nhật trình luôn đi thầy.”
“Thôi, nhật trình bữa nay qua³ xem rồi, mua nữa làm chi.”
Đám trẻ tản đi, Hồng Thái mới day sang ngó bạn, nhún vai một cái rồi nhấc chân bước lại.
“Toa⁴ ăn bánh ú chơi.”
Người bạn lắc đầu: “Toa ăn đi, moa⁵ không thấy đói.”
“Ăn cho vui miệng chớ phải biểu toa ăn đặng lấp đầy bụng sao mà toa từ.” Hồng Thái vừa nói vừa bóc vỏ bánh, dúi vào trong tay bạn.
Trần Minh Phong đành phải nhận. Bánh cũng bóc ra rồi, còn biết làm sao?
Thấy bạn nhận rồi, Hồng Thái vui vẻ cắn bánh ăn, được chừng đôi ba miếng anh ta gật gù khen: “Bánh ngon đó toa.”
Minh Phong không nói gì, lẳng lặng nhai từng miếng nhỏ.
Cách một lát, từ phía mặt đường đi hướng Cai Hạ có một chiếc xe thổ mộ⁶ chạy ngược lên, trừ xa phu ra, trên xe ngồi ba người, hai người đàn ông và một người con gái.
Trai trẻ mắt tinh, Hồng Thái vừa ngẩng đầu nhìn đã nhận ra người quen. Anh ta đứng dậy nói với Minh Phong: “Cha mỏa lên rước mỏa đó toa.”
Minh Phong sửa quần áo cho ngay, nối gót theo bạn hiền tiến ra ngoài nghênh đón.
Ngựa dừng, khách xuống.
Đi đầu là Hương cả Lý Hồng Phát, tuổi ngoài năm mươi, trán cao mắt sáng, mặc đồ lụa trắng, chân mang đôi giày hàm ếch⁷, chắc do đi lại nhiều nên mặt ngoài bám bụi, bùn lem mắt cá.
Gần một năm xa cách, nay cha con gặp mặt, sớm nhận được tin con báo cho hay đã đậu Tú tài kỳ nhất⁸ khoa này, ông Cả Phát khó tránh xúc động, lòng khấp khởi, mặt tươi cười mà tay cặp cây dù cứ run run.
Đương lúc bồi hồi, cha hé môi, con tính mở miệng thì bỗng nghe ù một tiếng, chừng ngó lại thì thấy thân thể Hồng Thái đã lật gọng, nằm dang tay nhăn mặt.
Cả Phát, Hương sư Quản và Minh Phong ai cũng ngơ ngác, nhất là Minh Phong. Anh ngó “cái bóng” đang ngang nhiên ngồi đè lên bụng bạn mình giữa thanh thiên bạch nhật trân trân.
Một cô thiếu nữ tuổi độ trăng rằm, mặc quần lãnh đen, áo thêu bông đỏ, tay phải đeo vòng cẩm thạch, tay trái đeo một chuỗi huyền, người dong dảy, nước da trắng trong, mặt mày sáng rỡ...
“Khục khục...” Hồng Thái nằm dưới đất, cố ngóc đầu dậy, giọng nói bất lực song ý lại cưng chiều: “Em Ba, mạnh giỏi há.”
Té ra cô đây là em của Lý Hồng Thái, đứa con thứ hai của ông Cả Lý Hồng Phát: cô Ba Lý Hồng Nhật. Minh Phong vỡ lẽ, bụng không còn nghi ngại chi nữa.
Vốn là chỗ thân thiết, dầu chẳng bà con song tình như thủ túc, dĩ nhiên anh đã được nghe Hồng Thái kể về cô Ba. Cô Ba nhỏ hơn Hồng Thái năm tuổi, năm nay vừa tròn mười lăm, không biết do tại hồi nhỏ sinh khó hay sao đó mà trí óc cô dường chẳng phát triển, cứ mãi như một đứa trẻ con, nhiều khi còn hơi “mát mát”.
Ừm, giống như hiện tại.
“Hai... Hì hì...” Hồng Nhật ngồi đè trên bụng anh trai, miệng xinh ríu ríu: “Hai mạnh giỏi.”
Mạnh giỏi? Em còn không xuống là anh Hai em tắt thở đó đa. Hồng Thái thầm kêu khổ.
Con mắt trợn ngược mà cái miệng vẫn như cũ tươi cười, anh vỗ vỗ bắp chân em mình: “Em Ba, em xuống hén? Xuống cho anh Hai đứng dậy, đặng anh Hai lấy quà cho em.”
Cô Ba nghe có quà cho mình thì mắt hạnh lấp lánh, tay đặt trên ngực anh vô thức ấn mạnh.
“Ặc ặc...” Hồng Thái như kẻ sắp chết đuối với tay cầu cứu.
Minh Phong đứng gần đó nhịn cười, rảo bước tiến qua, trong trí thừa hiểu Hồng Thái không phải không có sức thoát thân, tại sợ mình lỡ tay làm đau em nên mới nằm cam chịu như vậy.
Minh Phong đi đã đủ nhanh, Hương cả Phát chạy còn nhanh hơn. Ông bước sau mà tới trước, khom người nắm lấy tay cô Ba Hồng Nhật, vừa gỡ ra vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ.
Hồng Thái mới đứng lên, mũi đương hít vô, chưa kịp thở ra thì một bàn tay đeo huyền cẩn đã chìa ra ngay trước mặt.
Cườm tay no tròn, ngón tay suông đuột, mắt lấp lánh như sao Mai mới mọc, miệng tươi cười lộ ra răng nhỏ rức trong ngần, vẻ thanh tao không bút nào tả xiết.
“Quà đâu?”
Bao nhiêu thanh tao tức thì bay sạch.
Hồng Thái chép môi, lúc day mặt vô tình bắt gặp hình ảnh Minh Phong đang mím môi cố nhịn cười.
Cha chả! Thân mình chịu nạn mà bạn nó đứng vui cười chớ!
Cặp mắt Hồng Thái nheo lại, trong trí đã nảy ra ý muốn kéo người cùng chịu nạn. Trước, anh chắp tay xá cha với ông Hương sư Quản là người đã theo cha mình lên đây đón rước; sau, đợi Minh Phong cũng xá chào xong rồi, anh mới nắm tay cô Ba Hồng Nhật, chỉ thẳng vào Minh Phong mà nói: “Em Ba, quà của em đó em Ba.”
Hương Cả Phát nghi hoặc ngó con, Minh Phong thì càng chưng hửng. Đương tính mở miệng hỏi xem Hồng Thái đang tính giống gì thì bóng cô Ba Hồng Nhật đã áp sát.
Theo lẽ thường, gái gặp trai phải nên giữ ý, mắt không liếc ngang, lời cần dè dặt, nhưng riêng với cô Ba Hồng Nhật đây, mấy thứ lễ tiết ấy căn bản chẳng có ý nghĩa gì. Cô cứ đứng sát bên mà ngó sững Minh Phong, đã không biết ngại lại còn cười duyên.
Thình lình, ngay lúc Minh Phong định mở miệng, hai cánh tay cô bỗng bất ngờ dang ra rồi vòng ôm chặt. Cô tựa cằm lên ngực anh, hé răng, ngước mắt ngắm nhìn.
“Quà... Ôm...”
Minh Phong: “...”
(1) Cu li: người làm thuê bằng lao động chân tay nặng nhọc như kéo xe, khuân vác dưới thời thực dân.
(2) Nhật trình: như nhật báo.
(3) Qua: đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất.
(4) Toa: mi, mày, tiếng gọi người đồng trang lứa hoặc nhỏ tuổi hơn (từ chữ “toi” trong tiếng Pháp).
(5) Moa, hay mỏa: tôi, tao (từ chữ “moi” trong tiếng Pháp).
(6) Xe thổ mộ: xe hộp quẹt, thứ xe một ngựa kéo, thùng vuông, mui khum, dài và rộng bản, phía sau có bàn đạp sắt thòng xuống như cái đuôi.
(7) Giày hàm ếch: giày quay kín miệng rộng hình vòng cung, không bọc gót.
(8) Tú tài: ở đây chỉ học vị của người tốt nghiệp trường trung học thời thực dân Pháp. Tú tài chia ra làm Tú tài I (Tú tài bán phần) và Tú tài II (Tú tài toàn phần). Học sinh học xong năm thứ 2 Trung học Đệ nhị cấp (lớp 11) phải thi Tú tài I, thi đậu mới được học tiếp, học xong năm thứ 3 thì thi Tú tài II.
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận