Hai mươi tám Tết, ngồi bên cổng chợ bán nốt gánh hàng rong. Gánh hàng chẳng có gì nhiều, vài cái bánh giò, vài cái bánh chưng, đôi ba cặp bánh đúc. Tính ra, công việc ấy cũng đã theo tôi cả nửa đời người. 


Chợ Tết đông vui tấp nập. Người người xuống đường ngắm hương, ngắm hoa, thả mình trong tiết xuân sang của đất trời. Nhìn tà áo dài thướt tha của mấy người thiếu nữ ngang qua mà trong lòng vừa vui sướng rạo rực vừa luyến tiếc cái chữ "xuân". 


Cái thời xuân năm ấy, tôi cũng đã từng trẻ, từng mộng mơ, từng lưu luyến và từng nhung nhớ. Cái thời xuân năm ấy, tôi đã một lòng một dạ với anh. 


Năm ấy, lần đầu tiên tôi được mặc áo dài, tết bím hai bên, dịu dàng mà e thẹn bước chân xuống con ngõ nhỏ về phía chợ Tết. Nào đào, nào mai, nào câu đối đỏ, nào bánh chưng xanh. Cái Tết ngày xưa nó đậm vị, đậm sắc, thi thoảng còn phảng phất hương thơm dìu dịu. Hương của mùa xuân đang gõ cửa, len vào từng đường làng ngõ xóm. 


Anh cũng đến cùng mùa xuân. 


Trong cái tiết trời se lạnh với những cánh đào mỏng manh lướt qua gò má, tôi đã đem lòng thổn thức và nhớ nhung một người con trai. Gia đình anh khi ấy khá giả nhất làng, lại có học thức cao. Gia đình tôi thì cũng chỉ làm ăn buôn bán nhỏ, ba mẹ cũng chẳng học sâu hiểu rộng. Thành ra,m sợ không môn đăng hậu đối, chúng tôi quen nhau cũng là lén lút, giấu giếm gia đình đôi bên. 


Mỗi ngày tôi sẽ phụ mẹ bán bánh rong ngoài chợ, anh biết nên kiếm cớ đi qua rồi ngồi xuống ăn miếng bánh, uống miếng trà. Tôi lén nhìn anh, anh cũng đáp lại tôi bằng một ánh cười. Không biết bao nhiêu lần như thế, trái tim người thiếu nữ đã đập rộn ràng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, muốn được bắt lấy cái gọi là tình yêu. 


Cho tới một ngày, anh nói phải lên thành phố học, nghe nói là đi năm năm. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi chẳng muốn anh đi, muốn mãi được ở bên anh như thế này. Tôi sợ xa anh, sợ mất anh, sợ không còn được gặp lại anh nữa. Nhưng nghĩ đến tương lai tươi sáng đang chờ anh phía trước, không thể mãi chôn chân mãi ở cái làng này được. Tôi đành phải nói lời từ biệt. 


Ngày anh đi, tôi đứng tiễn anh cùng bà con trong làng. Ai cũng vui vẻ chúc mừng cho anh, chỉ có tôi đứng đó với ánh mắt đượm buồn. Chúng tôi nhìn nhau, có lẽ một ánh mắt cũng đủ hiểu tâm tình của đối phương. 


Anh đi, dân làng cũng giải tán, chỉ còn lại mình tôi đứng đó trông bóng hình anh khuất sau lũy tre làng. Bóng lưng ấy, không biết bao giờ mới có thể gặp lại. Vậy nên tôi muốn khắc ghi thật sâu. 


Ba tháng tháng sau ngày anh đi, tôi nhận được bức thư tay đầu tiên của anh. Tôi vui mừng khôn xiết, ôm vào một góc phòng để đọc. Từng nét chữ như hiện lên gương mặt của anh. Trong thư, anh kể cho tôi những câu chuyện về một thành phố xa lạ tôi chưa từng được đặt chân tới, kể về con người và cuộc sống tấp nập tôi chưa mường tượng ra hết. Nhưng những gì tôi nhớ nhất chính là bốn chữ "ráng chờ anh nhé!" nơi cuối dòng thư. 


Chỉ bốn chữ đó thôi cũng đủ rồi. 


Bốn chữ ngày hôm đó đã cho tôi một niềm tin mãnh liệt rằng nhất định anh sẽ quay lại tìm tôi. Tôi sẽ chờ, chờ anh. Chờ ngày qua tháng lại, đông đi xuân về mặc cho gia đình luôn hối thúc đến chuyện lập gia đình.


Nhà tôi có năm anh chị em, tôi là út. Anh cả tôi lấy vợ cũng đã có hai đứa con, các chị thì cũng lần lượt được gả đi ở cái thì mười tám đôi mươi. Giờ thì chỉ còn tôi đếm qua những mùa xuân sang. Tính đến giờ, anh đi đã năm năm, tôi cũng vừa bước sang tuổi hai mươi hai, cái tuổi được coi là gái ế trong làng. Bạn bè tôi cũng đi lấy chồng cả rồi, mỗi đến một nơi. Gia đình vì lời ra tiếng vào nên cũng sốt sắng muốn kiếm cho tôi một tấm chồng nhưng lần nào xem mắt, tôi cũng cố tình từ chối người ta. 


Cái Hoa, đứa bạn thân nhất của tôi đi lấy chồng cũng đã được hai năm. Nhà chồng nó ở trên tỉnh, khá giả lắm, hôm nay gần Tết, nó mới về quê thăm ba mẹ nên cũng tiện ghé qua nhà tôi biếu ít quà. 


Xong xuôi, chúng tôi ngồi xuống hiên nhà tâm sự. 


"Mày còn định chờ đến bao giờ? Đi lâu như vậy rồi, có khi người ta cũng quên mày rồi lập gia đình lúc nào không hay. Mày cứ ngu ngốc ngồi đợi ở cái góc này thì có đáng không? Ngoài kia còn bao nhiêu thằng nhòm ngó mày cơ mà. Bây giờ mày xinh đẹp thế này nhưng rồi vài năm nữa thì sao? Làm một bà cô xấu xí, già nua và bị đem ra bàn tán. Không đáng!"


Cái tính Hoa nó thẳng, nó nói luôn vào trọng tâm vấn đề mà chẳng cho tôi có cơ hội ngắt lời. Nhưng nó nói cũng đúng, từ khi anh đi, đã ba năm không thể liên lạc, tôi lo nhưng chẳng thể làm gì. Đúng vậy, vì bốn chữ ấy, tôi cứ ngây ngốc đợi anh mặc cho cánh đào cứ rơi từ năm này qua tháng nọ. Nhưng tôi yêu anh, yêu cái xuân hai đứa gặp nhau. Anh là tình đầu, tình khó phai. 


"Mày thấy tao ngu ngốc lắm phải không?" Tôi lấy cành cây khô vẽ những đường xiên xẹo trên mặt đất. Tôi không biết mình có nên chờ anh hay nên từ bỏ. 


"Đúng vậy. Nhân lúc mày còn trẻ, đừng để lỡ cái xuân của mình vì anh ta." Hoa gật đầu, vỗ vai tôi chắc nịch. 


"Nhưng tình cảm đâu phải nói quên thì sẽ quên, nói không nhớ thì sẽ không nhớ." Tôi không biết mình có thể chờ anh bao lâu nữa. Nhỡ mà tôi bị gả đi, anh về chẳng thể tìm được tôi nữa. Rồi tình cảm này cũng trở thành những lưu luyến, bịn rịn thời trẻ, không có kết quả xứng đáng. 


Xuân đến rồi đi, mỗi năm một lần, tôi yêu xuân nhưng cũng ghét xuân. Nó làm tôi phải đối mặt với sự già nua và bệnh tật. 


"Bà ơi, lấy cho cháu một chiếc bánh chưng nhỏ." Một cậu thanh niên vẻ khôi ngô ghé vào gánh hàng khiến dòng hồi tưởng trong tâm trí tôi bị đứt quãng. 


"Của cậu đây, hai mươi lăm ngàn." Tôi cẩn thận gói bánh vào túi rồi đem cho cậu thanh niên. 


"Dạ, đây là năm mươi ngàn, còn dư con biếu bà năm mới." Cậu thanh niên cười tươi rạng rỡ, trước khi cất bước rời đi còn không quên vẫy tay chào. Thanh niên bây giờ mấy ai được dễ thương như cậu ta. Nghĩ rồi lại bật cười, cô nào mà vớ được cậu này thì có phúc lắm đây. 


"Cái bà này lại cười tủm tỉm gì thế không biết?" Chẳng biết từ khi nào, ông nhà đã dựng chiếc xe đạp cạnh sạp hành, đứng trước mặt tôi chau mày dò xét. 


"Cái ông này, tôi dặn ông ở nhà cắt rau cho tôi đi bán sao giờ lại ở đây?" Tôi lớn giọng đứng dậy nhéo vào eo ông một cái. Đã dặn là ở nhà cắt rau rồi cơm nước mà cứ đi ra chợ làm gì, ngày Tết ngày nhất xe cộ thì nườm nượp, ông thì thi thoảng lại bị lãng tai. 


"Bà nghe tôi nói đây này, thằng Ba nó nói ngày mai gia đình nó về ăn Tết đấy." Ông vỗ vai tôi, nói từng câu từng từ rõ ràng rành mạch khiến tôi tròn mắt, ngay giây thứ hai thì sống mũi đã cay xè. Cái thằng Ba đã hai năm rồi không về nhà ăn Tết với chúng tôi. Vậy mà năm nay...


"Được rồi, ông giúp tôi dọn đồ, tôi về ngay, về còn cơm nước dọn dẹp." Tôi cuống cuồng chân tay, đầu óc loạn cả lên vì vui mừng. 


"Cái bà này, tôi còn chưa nói hết cơ mà." Ông quở trách rồi giữ vai tôi lại:" Tôi đã dọn dẹp nhà mình sạch sẽ rồi. Giờ tôi ở đây bán nốt gánh hàng với bà rồi ta về vẫn kịp." 


"Cái ông này thật là!"


"Đấy, thấy tôi tốt với bà chưa? Vậy mà năm xưa còn suýt bỏ tôi đi lấy người khác."


"Ai bảo ông bắt tôi chờ lâu như vậy..." 


Xuân, tôi chẳng biết mình còn bao nhiêu mùa xuân nữa. Xuân của năm mươi năm về trước và xuân của bây giờ đã khác nhiều, có điều, hai chúng tôi vẫn vậy, vẫn ở đây, vẫn có nhau, vẫn cùng ngắm xuân sang. 

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout