Quân được vua cử về làm quan tại quê nhà. Ngày chàng mũ áo võng lọng hồi hương cũng là ngày chàng thành thân. Họ hàng, bạn bè, làng xóm đều đến chúc tụng song hỷ lâm môn. Lễ cưới diễn ra linh đình. Khi trăng lên cao, tiệc tàn, tiếng chúc tụng thưa dần, người đến dự lễ cưới lần lượt ra về. Quân lảo đảo trong men say bước vào phòng tân hôn. Thị Nghi đỡ lấy chồng. Chàng mỉm cười áp tay lên má nàng:
- Vợ ta thật là xinh đẹp. Nhưng sao da dẻ nàng lại lạnh ngắt vậy?
- Sau này có chàng bên cạnh sưởi ấm cho thiếp, người thiếp sẽ không còn lạnh nữa. - Thị Nghi đáp.
...
Sáng hôm sau, ánh mặt trời len lỏi qua khe cửa vào trong phòng. Thị Nghi nhíu mày, từ từ mở mắt. Nàng ngồi dậy nhìn Quân vẫn đang say giấc nằm bên cạnh mình. Nàng dịu dàng đưa tay vẽ khẽ vuốt ve từng đường nét trên gương mặt Quân, từ đôi mày kiếm đến sống mũi cao rồi làn môi. Không nghĩ đến một ngày, nàng có thể cùng chàng trở thành vợ chồng. Mặc dù thị Nghi biết những ngày tháng hạnh phúc nàng được hưởng sẽ không dài.
.
Khi Quân thức giấc thì bữa sáng cùng y phục đã được vợ chuẩn bị tươm tất. Cơm dẻo canh ngọt. Quần áo sạch sẽ thơm tho, phẳng phiu không một nếp nhăn. Khi chiều tối, Quân trở về nhà, nước ấm để tắm rửa đã sẵn sàng. Thị Nghi lo toan mọi việc đâu vào đây, tỉ mỉ, ân cần, chu đáo. Cuộc gặp gỡ tình cờ bên bờ sông ngày hôm đó đã giúp chàng tìm được một hồng nhan tri kỷ.
.
Mẹ Quân hài lòng gật đầu nhìn mâm cơm cúng thị Nghi vừa bày lên bàn thờ. Một mình nàng chuẩn bị hết cỗ cúng giỗ cha chồng. Lúc đầu, Quân đưa nàng về nói làm muốn cưới làm vợ, bà vốn không ưng bụng. Thị Nghi tuy dung mạo xinh đẹp, đoan trang nhưng lại lai lịch bất minh, không rõ gia cảnh xuất thân thực sự như thế nào. Trong khi đó con trai bà đã làm quan, có thể tìm nhiều đám tốt hơn. Nhưng trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Quân cứ một mực khăng khăng đòi cưới thị Nghi, còn nói không phải nàng thì cả đời không cưới vợ, bà đành phải chấp nhận. Nhưng chung sống một thời gian ngắn thôi, mẹ Quân đã dần dần có thiện cảm với thị Nghi. Nàng quan tâm chăm sóc bà chu đáo, chiều chồng hết mực, nết na thùy mỵ, ăn nói lễ phép, biết kính trên nhường dưới. Chắc đúng là con nhà khá giả, có gia giáo chỉ vì không may nhà gặp nạn mà lâm vào cảnh cơ cực bần hàn.
.
Ngày giỗ cha của Quân, họ hàng, khách khứa tới rất đông. Thị Nghi không yên tâm để người hầu làm, tự tay nàng sắp bát đũa tất cả các mâm rồi lại tất tả chạy lên chạy xuống để phục vụ khách. Khi xong việc thì nàng cũng mệt phờ người nhưng chẳng hề than vãn một câu.
- Nào lại đây ăn đi, cả buổi mình cứ chạy tới chạy lui, có ăn được gì đâu. - Quân kéo thị Nghi vào bàn rồi ấn nàng ngồi xuống.
- Được rồi, chàng cứ mặc thiếp. - Thị Nghi đáp. - Chàng cũng mệt cả buổi rồi. Mau đi nghỉ đi. Kẻo mẹ nhìn thấy lại không vui.
- Mẹ đi ngủ rồi. - Quân cười đáp rồi ngồi xuống cạnh nàng. - Mà mẹ có nhìn thấy thì có sao đâu. Nào, để tôi bóc vỏ tôm cho nàng.
Thị Nghi chống cằm nhìn Quân đang chăm chú bóc vỏ tôm cho mình rồi hỏi:
- Bóc vỏ tôm xong, chàng có bón cho thiếp luôn không?
- Nếu nàng thích thì tôi chiều. - Quân vừa nói vừa đút cho thị Nghi con tôm mình vừa bóc.
- Ai nói là thiếp thích chứ. - Nàng bĩu môi.
- Nàng chứ ai. - Quân cười. - Nếu không thích thì hỏi tôi làm gì.
- Thiếp hỏi để xem thành ý của chàng đến đâu. - Thị Nghi nháy mắt.
- Tôi đương nhiên không có thành ý rồi. Tôi chỉ có chân thành mà thôi.
Biết không thể nói lại được Quân, thị Nghi tập trung ăn cơm. Trời lặng gió, oi nóng. Quân với cái quạt nan quạt gió cho nàng.
- Sang tháng, anh Toàn, bạn thân của tôi làm lễ tân gia. Nàng giúp tôi chọn quà mừng nhé.
- Vâng ạ. - Thị Nghi đáp.
..................................
Nghe tiếng nước sôi sùng sục, thị Nghi mở nắp vung xem thử. Thấy nước lá thuốc đã sôi già, nàng bắc nồi xuống bếp rồi bê vào phòng mẹ chồng.
- Mẹ ơi, con nấu xong nước xông rồi. Mẹ ngồi dậy xông mình một lúc là hết cảm ngay.
- Ừ, cảm ơn con. - Bà Thường đáp. - Đúng là có tuổi rồi, chỉ dính tí nước mưa lúc đi chùa về cũng bị cảm.
Thị Nghi để nồi nước lá dưới gầm giường, rồi giũ tung một chiếc chăn mỏng chùm kín người bà Thường.
- Con xuống bếp nấu cháo cho mẹ, khi nào mẹ vã mồ hôi thì bảo cái Lành gọi con nhé.
Thị Nghi nói xong thì đi ra ngoài nhưng bà Thường gọi với lại dặn dò thêm:
- Nghi ơi, con đừng viết thư báo cho thằng Quân biết là mẹ bị ốm nhé. Để nó đi kinh lý cho yên tâm.
- Vâng, con biết rồi ạ. - Nàng trả lời.
.....................................
Thị Nghi áp tay lên trán bà Thường, thấy trán bà không nóng mới bê bát cháo đã hết đi. Nàng dặn người hầu đang đứng bên ngoài cửa:
- Bà đỡ ốm rồi, đêm nay con kê chõng vào trong phòng bà ngủ để trông bà. Nhớ đừng ngủ say quá để bà gọi còn biết, rõ chửa?
- Vâng, con biết rồi mợ. - Lành che miệng cười đáp. - Con còn biết hôm nay cậu về nên là mợ không ngủ ở đây để trông bà nữa.
- Biết nhiều là bị thủ tiêu đấy con ạ. - Thị Nghi nửa đùa nửa thật nói.
.................................
Quân lướt ngón tay lên từng đường nét thêu chữ "Thành" tinh xảo ở tấm lụa đỏ căng trên khung thêu giữa phòng. Bức thư pháp này vẫn chưa hoàn thiện.
- Sao chàng báo trong thư là giờ Tuất mới về đến nơi mà? - Thị Nghi ngạc nhiên khi mở cửa phòng ngủ thì thấy Quân ở bên trong. - Chàng về lúc nào thế?
- Tôi vừa mới về thôi. - Quân đáp.
- Chàng ăn uống gì chưa để thiếp dọn cơm? - Nàng hỏi.
- Tôi ăn dọc đường rồi.
- Mẹ bị ốm đấy nhưng đã đỡ nhiều rồi. - Nàng nói. - Mẹ vừa mới ngủ thôi.
- Mai tôi gặp mẹ cũng được, tránh làm bà mất ngủ. - Quân gật đầu rồi chỉ bức tranh thêu. - Đây là quà nàng chuẩn bị cho tôi ngày mai mừng tân gia nhà anh Toàn phải không?
- Vâng. Còn mấy mũi kim nữa là xong rồi ạ. - Thị Nghi mỉm cười.
- Thêu xong bức này cũng phải mất cả đêm. Nàng chăm sóc mẹ mấy ngày vất vả rồi. Không phải làm cố đâu. Mai tôi lựa món quà khác là được.
- Không sao đâu, thiếp thêu rất nhanh. - Thị Nghi lắc đầu. - Việc đang làm không nên bỏ dở giữa chừng. Anh Toàn là bạn thân của chàng. Thiếp giúp chàng chuẩn bị quà mừng cũng phải có tâm ý chứ.
..........................
Sáng hôm sau, Quân từ phòng mẹ trở về phòng mình thì thấy thị Nghi đã thêu xong bức thư pháp và đóng khung cẩn thận.
- Nàng có muốn đi cùng tôi không? - Quân hỏi nàng
Thị Nghi lắc đầu:
- Thiếp ít chữ, không hiểu nhiều lễ nghĩa. Đi cùng sợ thiếp sợ sẽ khiến bạn bè chê cười chàng.
- Đâu có. - Quân cười, đưa tay vuốt tóc nàng. - Bạn bè tôi ai cũng khen nàng đẹp người đẹp nết.
- Chàng nói thật chứ? - Thị Nghi ngước nhìn chàng rồi hỏi. - Không phải chỉ là nói lời ngọt ngào để dỗ thiếp vui phải không?
-Thật còn hơn đếm. - Quân khẳng định.
- Cũng sắp tới giờ rồi, chàng đi đi kẻo muộn. - Thị Nghi vừa nói vừa lấy nón cho Quân.
- Trời râm mát mà. Không cần nón đâu. - Chàng từ chối rồi hỏi lại. - Nàng không đi cùng tôi à?
- Mẹ vừa khỏi ốm, để bà ở nhà với người hầu, thiếp không yên tâm. - Nàng đáp
- Vậy nhờ nàng chăm sóc mẹ. Tôi sẽ đi sớm về sớm, không rượu chè la cà. - Quân gật đầu.
- Ngày vui của bạn, chàng cứ nán lại chơi, đã có thiếp ở nhà. - Thị Nghi cười. - Nhưng mà tuyệt đối không được mắt đưa mày lại với cô nào ở đó.
- Ở nhà có con hổ cái dữ như vậy, tôi làm gì có gan. - Quân nói rồi vừa dứt lời thì liền quay lưng, rảo bước rời đi
Đến khi thị Nghi hiểu ý chàng thì chàng đã đi khuất dạng. Nàng chỉ có thể trơ mắt đứng đó, vừa tức vừa buồn cười.
............................................
Thị Nghi nhíu mày khi thấy Quân từ lúc ở nhà bạn về cứ soi gương ngó qua ngó lại mặt mình.
- Chết nhé, hôm nay chàng đi bị cô nào hớp hồn rồi mà về nhà lại để ý đến dung mạo của mình như vậy? - Thị Nghi lườm Quân. - Cả tối cứ soi gương.
- Không phải. - Quân lắc đầu rồi hỏi. - Nàng nhìn xem sắc mặt của tôi có phải rất kém, trông xanh xao thiếu sức sống không?
Nàng cau mày:
- Ý chàng là đang chê thiếp chăm sóc chàng không tốt?
Quân vội lắc đầu:
- Không phải. Tại hôm nay ở nhà anh Toàn, có một vị cao tăng đến cúng lễ nhập trạch, nhìn thấy tôi liền phán tôi dương khí suy yếu, có âm khí quấn thân, sẽ hại đến sức khỏe.
Thị Nghi nheo mắt nhìn kỹ Quân, càng nhìn đôi mày thanh tú của nàng càng chau lại, vẻ mặt ngưng trọng trong chốc lát rồi rất nhanh trở lại bình thường.
- Có lẽ chàng đi kinh lý về mệt nhọc nên sắc mặt kém. Để mai thiếp đi chợ mua đồ về tẩm bổ cho chàng. Qua mấy hôm sẽ tốt hơn. - Thị Nghi nói.
Nhưng qua mấy hôm thì sức khỏe của Quân đột nhiên bị suy yếu nhanh chóng. Một sáng thức giấc, Quân rơi vào trạng thái hoảng hốt, sau đó như bị mắc bệnh điên cuồng. Đôi mắt chàng dại ra, vô hồn, miệng gào thét rồi chạy loạn khắp nhà.
Lành lo sợ níu lấy tay áo Nghi, hỏi nàng:
- Mợ ơi, cậu bị sao thế? Làm sao bây giờ hả mợ.
- Đóng cổng vào, đừng để cậu chạy ra ngoài. Mau gọi mấy người đàn ông to lớn, khỏe mạnh để giữ cậu lại. Lành đi gọi thầy lang giỏi nhất vùng đến. - Thị Nghi dặn dò người hầu. - Còn nữa đừng để bà biết lại lo lắng.
Năm người đàn ông lực điền đuổi theo Quân cả ngày mà không giữ nổi chàng. Cho đến khi sẩm tối khi chàng đang chạy loạn bỗng nhiên đựng khựng lại rồi đổ vật ra, ngất lim đi.
- Mấy anh khiêng chàng vào giường giúp tôi. - Nghi vừa lau nước mắt vừa nói.
........................
Choang, choang.
Từ trong phòng của Quân liên tục vọng ra tiếng đập phá đồ đạc cùng tiếng quát tháo mắng chửi. Đám người hầu ngó vào mà sợ hãi. Từ trước đến giờ Quân là người nho nhã, lại làm quan, chưa bao giờ cư xử lỗ mãng như vậy.
- Cút, cút, đồ lang băm nhà ông thì biết gì xem mạch. Đồ lang băm chết bằm. Ha… ha...
- Ta ném ông này, ném chết ông này...
Thầy lang lắc đầu bất đắc dĩ nói với thị Nghi đang mặt mày lo lắng đứng bên cạnh:
- Nếu quan cứ như này thì tôi không có cách nào bắt mạch để bốc thuốc được thưa mợ.
- Xin thầy đợi cho một chút. - Thị Nghi nói rồi ngó ra ngoài gọi người vào trói chặt Quân lại.
Mấy người to khỏe vật vã một hồi mới trói được người.
- Thầy bắt mạch tiếp giúp ạ. - Thị Nghi nói với thầy lang.
Quân dù bị trói chặt như khúc giò nhưng vẫn giãy giụa, lăn qua lăn lại trên giường. Thầy lang ngán ngẩm lắc đầu:
- Bệnh nhân cần ở trạng thái tĩnh, bắt mạch chẩn bệnh mới chuẩn được. Xin mời mợ ra ngoài phòng, tôi có chút chuyện muốn trao đổi.
...
Thị Nghi đưa thầy lang ra một góc sân yên tĩnh.
- Tình trạng của quan như bây giờ nếu muốn bắt mạch thì chỉ có cách cho quan uống thuốc để ngủ yên. Như vậy tôi mới có thể bắt mạch chẩn bệnh được. - Thầy lang nói
Thị Nghi gật đầu:
- Thầy nói phải. Vậy thầy mau kê đơn, tôi sai người đi bốc thuốc rồi sắc ngay. Có điều thầy nhớ lựa đơn thuốc không gây tổn hại cho thân thể giúp tôi.
- Xin mợ cứ yên tâm. Thuốc này chỉ có tác dụng an thần mà thôi, không có hại gì cả.
Bát thuốc nhanh chóng được bê lên. Nhưng Quân không chịu uống thuốc. Dù dùng vũ lực cưỡng ép nhưng cứ cho thuốc vào được miệng thì chàng lại nhổ ra.
- Mợ ơi, trời đã tối rồi, tôi xin phép về. Ngày mai mợ hãy mời thầy lang khác đi ạ. - Thầy lang chán nản lắc đầu.
Thị Nghi thở hắt ra rồi bước tới dứt khoát chặt mạnh vào gáy Quân khiến chàng ngất xỉu. Nàng bảo thầy lang:
- Bây giờ thầy có thể xem mạch được rồi ạ.
- Sao mợ không dùng cách này sớm?
- Tôi sợ chàng đau.
Thầy lang bắt mạch xong liền thở dài lắc đầu:
- Ngày mai mợ vẫn phải tìm thầy lang khác rồi. Tôi tài hèn sức mọn không tìm ra căn nguyên bệnh.
Thị Nghi cho người tiễn thầy lang ra về. Nàng lấy khăn ướt lau mặt cho Quân. Vừa lau vừa rơi nước mắt. Lành bê mâm cơm vào đặt lên bàn rồi khuyên nàng:
- Mợ ăn một chút đi ạ. Cả đêm qua mợ đã không ngủ, hôm nay lại chưa ăn gì. Sức nào mà mợ chịu được.
Thị Nghi lau nước mắt rồi gật đầu:
- Ừ. Cứ để đấy, lát mợ ăn. Mai bà đi lễ chùa về, biết cậu bị như vậy chắc rất lo lắng. Mợ bận chăm sóc cho cậu, nhờ em để ý đến bà, đừng để bà đổ bệnh. - Nàng dặn dò thêm.
Lành đáp vâng xong rồi đi ra ngoài. Thị Nghi đứng dậy đóng cửa lại. Nàng bước tới đứng cạnh giường, nhìn Quân đang nằm bất tỉnh với vẻ mặt phức tạp.
.........................
Những ngày sau đó, phủ của Quân liên tục có các thầy lang ra vào. Nhưng ai cũng đều lắc đầu. Việc Quân bị như thế chẳng có cách nào có thể giấu được bà Thường mãi. Bà vừa khóc lóc vừa bảo Nghi:
- Con ơi, mẹ thấy đã mời bao nhiêu thầy lang đến rồi mà chẳng ai tìm ra bệnh. Thuốc thang cũng chẳng thấy có tác dụng. Có khi nào là do yêu ma quỷ quái làm hại không? Chắc phải mời thầy cúng về để lập đàn cúng tế thôi.
- Vâng ạ. Để con bảo Lành đi mời thầy cúng. - Thị Nghi đáp.
...............
Thị Nghi và bà Thường căng thẳng nhìn thầy cúng đang chuyên chú vẽ đạo bùa. Họ nhíu mày khi nhìn những hình vẽ khó hiểu trên mấy tờ giấy vàng. Vẽ xong, thầy cúng bắt đầu làm lễ, khấn vái một hồi thì mang những tờ bùa đã vẽ kia vào phủ lên người Quân. Quân liền liên tục chửi bới:
- Cút đi đồ thầy mo chết bầm...
Hai mắt chàng long lên sòng sọc, tóc tai rũ rượi, miệng tru tréo. Chẳng còn ai nhận ra một vị quan nho nhã phong độ mấy ngày trước. Đây đã là người thầy cúng thứ mười mấy rối. Cứ cho là Quân bị yêu ma quỷ quái làm hại thật, thì thị Nghi vẫn chưa tìm được người có thể trừ con ma ấy.
Người bạn thân mới khánh thành nhà của Quân nghe chuyện liền tới thăm. Toàn còn mời tới cả vị cao tăng đã cúng lễ nhập trạch cho nhà mình hôm ấy. Vị cao tăng tới bên giường bệnh xem khí sắc của Quân, gương mặt và môi chàng tím tái. Ông ngẩng lên nhìn bà Thường và thị Nghi. Khi ánh mắt dừng lại ở Nghi, đôi mày bạc của vị cao tăng nhíu lại.
- Bần tăng lực bất tòng tâm, cũng không có cách nào có thể trị bệnh được cho quan.
Nói xong, vị sư liền cáo từ ra về. Thị Nghi nhận ra thái độ của ông khi nhìn mình có điểm lạ nên khi tiễn khách ra cổng, nàng hỏi:
- Dường như cao tăng có điều gì đó muốn nói với tôi?
Vị cao tăng nghiêm mặt nhìn nàng:
- Âm dương khác biệt. Yêu thương, oán hận hay chấp niệm gì đó đều nên buông đi kẻo hồn phi phách tán, vô phương vào cõi luân hồi.
- Đa tạ cao tăng đã chỉ bảo. - Thị Nghi mỉm cười điềm đạm đáp, ánh mắt đượm buồn nhưng kiên quyết. - Những điều ngài nói, tôi đều hiểu. Nhưng nếu bây giờ tôi rời đi, không ở bên bảo vệ chàng, chàng sẽ bị hại chết.
- Chỉ sợ thí chủ ở bên cũng là hại đến anh ta. - Vị sư lắc đầu rồi rời đi.
Thị Nghi trầm ngâm trong chốc lát. Nàng khẽ chớp chớp mắt rồi quay vào nhà.
..................
Bệnh tình của Quân ngày càng nặng. Thị Nghi nắm lấy bàn tay của Quân, áp lên má mình. Nàng trìu mến ngắm nhìn gương mặt đang say ngủ của chàng. Đôi mắt ngấn lệ.
- Con trai tôi nằm ở đây. Mời thần y vào ạ. - Bà Thường dẫn thêm mấy người thầy lang và thầy cúng vào nữa. Đi cùng họ là họ hàng, bạn bè của Quân biết tin đến thăm bệnh hoặc dẫn theo thầy lang mà mình mời tới đây để giúp đỡ đến.
Trong đó có một người ăn mặc vô cùng rách rưới lôi thôi, đầu tóc bù xù, trông hình dáng không khác gì ăn mày. Vừa nhìn thấy người đàn ông này, thị Nghi biến sắc.
- Ta chính là thần y của thần y. Trên đời không có bệnh gì là ta không thể chữa được. - Ông ta vỗ ngực tự tin nói.
Bà Thường nghe vậy thì vội giục:
- Thần y xin mau mau bắt mạch cho con trai tôi.
Quân tuy rằng những ngày qua điên điên khùng khùng những vẫn có vài lúc thần trí minh mẫn tỉnh táo. Tỷ dụ như lúc này, chàng rất hợp tác đưa tay cho người tự xưng thần y kia bắt mạch. Người này sau khi bắt mạch xong thì tươi cười, nhẹ nhàng phán:
- Bệnh tình của quan không có gì nghiêm trọng cả. Việc thần trí mê mê tỉnh tỉnh là do phủ tạng không điều hòa mà thôi. Ở đây ta có một phương thuốc tiên cho quan uống sẽ đỡ. Sau đó gia đình hãy soạn cỗ thịnh soạn để làm lễ cúng quỷ thần.
Ông ta vừa nói vừa lấy từ trong cái bị rách nát của mình ra một gói thuốc, rồi lấy thuốc ấy cho vào một bình sứ trắng, sau đó đổ thêm nước vào lắc đều. Bình thường mấy ngày nay, ai đưa thuốc của Quân uống, chàng đều hất đổ hoặc đập vỡ hoặc có uống xong thì không chịu nuốt mà lại nhổ ra hoặc phun bậy khắp nơi. Nhưng lần này Quân rất hợp tác mở miệng để người tự xưng thần y dốc thuốc vào. Thị Nghi căng thẳng nhìn chằm chằm chàng, không chớp mắt. Quân vừa uống xong thuốc thì giật lên đùng đùng, sủi bọt mép rồi nôn thốc nôn tháo. Sau đó lăn ra ngất xỉu. Bà Thường lao tới ôm lấy con trai vừa gào khóc vừa gọi tên con nhưng Quân không có động tĩnh gì. Thị Nghi tức giận, giật lấy cái bình trong tay ông ta rồi đập vỡ. Nàng mắng sa sả:
- Ông là ai, từ đâu đến? Có thực sự biết gì về chữa bệnh không mà cho chồng tôi. Ông đã cho chàng uống thứ linh tinh gì mà bây giờ chàng bị như thế này? Ông nói đi.
Mọi ngày, thị Nghi ăn nói nhẹ nhàng cử chỉ dịu dàng, chưa từng to tiếng với ai. Người hầu, họ hàng, bạn bè của Quân lần đầu tiên thấy nàng tức giận như vậy. Trước những lời mắng nhiếc của thị Nghi, người đàn ông nọ rất bình tĩnh, rồi ông ta bất ngờ lấy ra một đạo bùa và ném vào mặt nàng. Vì quá nhanh và bất ngờ nên thị Nghi không kịp tránh. Nàng kêu lên một tiếng đau đớn thảm thiết rồi ngã vật xuống đất. Mọi người có mặt trong phòng kinh hãi khi chứng kiến cảnh một thiếu nữ xinh đẹp trong chớp mắt hóa thành một đống xương trắng. Trong lúc họ còn chưa hết sững sờ, kinh hãi, người thần y tiếp tục lất nước nóng thất hương ra rót vào ngực Quân. Chừng nhai giập miếng trầu thì Quân mở mắt tỉnh lại. Bà Thường dù suýt chết ngất khi thấy con dâu ngoan ngoãn hiếu thảo đảm đang của mình hóa thành một đống xương trắng nhưng Quân vừa tỉnh, bà vội vã nhào tới ôm lấy chàng, hỏi han rối rít:
- Con tỉnh lại rồi. Con thấy thế nào? Có đau hay khó chịu ở đâu không?
- Con không sao ạ. - Quân an ủi mẹ rồi chàng đưa ánh mắt ngạc nhiên nhìn tất cả mọi người trong phòng. - Nhưng mà có chuyện gì thế ạ? Sao mọi người lại đến đây hết thế này? - Chàng thắc mắc chỉ vào những người thầy lang, thầy cúng đang dứng đó. - Những người này là ai?
- Mấy ngày qua con điên điên dại dại, không rõ bị bệnh gì, cho nên nhà phải tìm kiếm các thầy khắp nơi để chạy chữa cho con. - Bà Thường vừa lau nước mắt vừa nói.
- Con điên điên dại dại? - Quân ngẩn ra rồi hỏi lại.
- Phải. - Bà Thường gật đầu. - Con không nhớ gì à?
Chàng ngơ ngác lắc đầu.
- Tôi thấy ánh mắt cháu đã có thần lại, chắc đã hồi phục. - Một người họ hàng lên tiếng.
- Tỉnh lại là tốt rồi.
- Vị này quả là thần y, có thể chữa khỏi kỳ bệnh.
-...
Những người khác trong phòng xôn xao, mỗi người một câu.
- Đúng rồi, thần y, mọi chuyện là như thế nào? Ông mau nói rõ.
- Tại sao vợ thằng Quân lại biến thành một đống xương trắng. - Cơn xúc động qua đi, lúc này bà Thường liền vội vã hỏi người thần y.
- Cái gì, vợ con biến thành một đống xương trắng? - Quân thảng thốt.
Chàng giật mình khi nhìn thấy giữa phòng có một đống xương trắng ở đó. Khi nãy vừa tỉnh, thần trí còn chưa minh mẫn hoàn toàn, chàng chưa để ý đến.
Những người khác trong phòng cũng nhao nhao lên hỏi dồn nguyên cớ.
Người thần y thủng thẳng đáp:
- Khi vừa đi đến cổng nhà là tôi đã thấy yêu khí bao quanh rồi. Lúc nhìn gương mặt và ấn đường của quan thì tôi thấy yêu khí càng dày đặc. Nguồn gốc của yêu khí là từ người vợ của quan. Ả không phải người. Ả đã chết rồi nhưng do oán hận và chấp niệm nên linh hồn không siêu sinh mà hóa thành ác linh, biến huyễn để hại người.
Bà Thường nghe nói vậy thì mặt xanh mét sợ hãi rồi khóc than:
- Giời ạ. Từ lúc thằng Quân đưa nó về tôi đã thấy bất an. Nó lai lịch bất minh, ai ngờ lại còn là loại tà yêu. Tí nữa hại con tôi mất mạng. Xin thầy làm ơn làm phúc chỉ cho cách trừ tà.
- Muốn trị bệnh, phải biết căn nguyên. - Thần y đáp. - Quan có thể cho tôi biết ngài đã gặp ả như thế nào không?
- Trên đường đến kinh thành nhậm chức, một đêm tôi đỗ thuyền nghỉ lại bờ sông gần thành Xương Giang thì nghe tiếng khóc của thị Nghi. - Quân kể. - Nàng nói với tôi rằng cha mẹ nàng bị cướp giết hại ném xác xuống sông. Nàng không còn ai thân thích bơ vơ xứ người, cũng không dám tìm về quê cũ vì hài cốt cha mẹ vẫn bị vùi ở đáy sông. Tôi thương tình thấy nàng tội nghiệp nên đã thuê người giúp nàng vớt hài cốt của cha mẹ...
Nói đến đây chàng chợt ngẩn người. Người phu thuyền được chàng nhờ vào trong làng và thành tìm thuê người vớt hài cốt, khi trở về đều nói không ai dám nhận việc này. Nhưng nguyên nhân tại sao thì anh ta lại không nói rõ. Mãi đến khi chàng phải bỏ ra số tiền lớn hơn thì mới có chịu đồng ý lặn xuống sông. Có điều khi ông ta đang nói dở lý do thì lại dừng giữa chừng.
- Vậy là rõ rồi. - Thần y gật gù. - Hài cốt được vớt lên ở dưới sông chẳng phải của cha mẹ ả ta mà chính là của ả. Theo suy đoán của tôi, có lẽ ả sau khi chết thường xuyên giở phép hại người nên dân chúng trong vùng mới đào mả đem hài cốt vứt xuống sông. Như vậy ả sẽ bớt tác oai tác quái.
Quân vỡ lẽ. Thảo nào dân chúng trong vùng chẳng ai dám lặn vớt hài cốt dưới sông.
Bà Thường nghe vậy thì kêu lên:
- Vậy là con ma này nó đã biến hóa để lừa gạt con trai tôi lấy nó, rồi hút dương khí nên mới khiến thằng Quân điên điên dại dại như thế?
Vị thần y gật đầu rồi nói tiếp:
- Trước tiên đem đống xương này đi thiêu. Tôi đã yểm bùa, ả sẽ không thể biến hóa được nữa. Sau đó quan đến thành Xương Giang hỏi người ở đó về gốc tích của ả, đồng thời phải đến bờ sông Bạch Hạc, đào ngôi mộ đã táng ở đó lên để diệt trừ tận gốc.
Thần y vừa dứt lời, bà Thường vội gọi người hầu vào rồi giục:
- Mau mau, chúng mày đem đống xương này đi thiêu. Mau mau.
Đám người hầu sợ hãi nhìn nhau, kẻ nọ đẩy cho kẻ kia. Đột nhiên có một luồng sáng xuất hiện giữa phòng khiến tất cả lóa mắt. Khi vầng sáng đó tan đi thì đống xương trắng trên đất đã biến mất.
Bình luận
Chưa có bình luận