I

Ta bị tiếng huyên náo của bọn nước mưa nô đùa nhau đánh thức. Thân làm một cây đa đã tám trăm tuổi, ngày thường được dân chúng quanh vùng cung kính cũng không thể tránh khỏi cái kiếp bị bọn nước mưa đè đầu cưỡi cổ, bị lũ ong bướm vờn trêu. Nhiều đêm trăng thanh gió mát, tắm trong thứ ánh sáng bàng bạc dịu dàng đó, ta lại trăn trở những câu hỏi triết lý thâm sâu kiểu như “sống mà suốt ngày bị bắt nạt như thế thì sống lâu để làm gì?” Trả lời ta chỉ có mặt trăng tròn xoe trơ trơ trên cao, tiếng gió đùa lá lào xào, cùng mấy con ếch gọi nhau ngoài đồng ồm ộp.

Trận gió lớn dẫn theo một quân đoàn nước mưa ào vào tập kích mé bên phải thân cây của ta. Mấy đứa yêu yếu sau cú va khoa trương đó đã biến hình thành bọt nước, hòa luôn vào thân, rễ phụ và cành của ta. Chúng thi nhau nhảy lộp độp trên tán lá của ta. Chúng nối đuôi nhau trượt dài từ phiến lá xuống cành rồi thân cuối cùng lủi vào đất quyện vào mấy cái rễ đang nằm im của ta. Hùa cùng với chúng còn có tiếng sấm đì đùng và ánh sáng lòe loẹt của mấy tia sét. Đúng là một tổ hợp ầm ĩ.

Nhưng mà, vào mấy tháng mùa khô vắng chúng, ta lại thấy bản thân như mấy bà lão loài người, một mình ngồi thềm cửa ngóng trông con cháu về thăm.

Trong khi ta đang loay hoay che chắn cho mấy búp non mỏng manh khỏi sự nghịch ngợm quá khích của cơn mưa mùa hè, trên đường làng xuất hiện hai bóng người làm ta chú ý. Cả hai đều trùm áo tơi, cúi thấp người đi trong cơn mưa tầm tã. Một người ta đã quen mặt, tính ra đây đã là kiếp thứ tư ta nhìn thấy hắn. Tạm thời lờ đi đám loi nhoi đang nhảy nhót trên đầu, ta tập trung quan sát hai kẻ đang bước đến gần. Kẻ quen mắt kia đi cùng với một tên mặt quắt tai dơi. Ta chẹp miệng. Qua mấy kiếp rồi mà tên đó vẫn không có mắt nhìn bạn đồng hành. Nhờ quân đoàn mưa hè đang mải mê nô nghịch ầm ĩ, hai kẻ đi cùng phải gào lên để nói chuyện với nhau, ta cũng thuận tiện mà nghe rõ mồn một:

-     Đận này lên kinh, bác Kha mang theo tiền vàng đủ dùng không đấy?

-     Bác yên tâm, chuyến này tôi quyết chí đổi đời nên đã bán hết ruộng vườn đi, gom cũng được kha khá rồi.

Nghe đến đây thì ta lại chẹp miệng lắc đầu. Oang oang khoe lắm tiền ở giữa đường như thế rồi lúc chết lại khóc lóc mà trách trời than đất. Ta chưa kịp lắc đầu đến cái thứ ba thì tên mặt choắt kia đã vòng ra sau lưng người tên Kha, đoạn rút ra con dao quắm sáng choang toan chém tới, nhưng dao chỉ đi được nửa đường thì bị mắc vào mớ rễ phụ lòng thòng của cây đa – bản thể của ta – tên mặt choắt bị bất ngờ mà buột miệng kêu lên ối á. Dù ta cũng không phải là kẻ thích chõ cành chỉa lá vào chuyện người khác lắm nhưng để một kẻ bốn kiếp liền cứ chết mãi ở gốc cây của mình thì cũng không phải là phẩm tính hay. Sư thầy trụ trì chùa làng này thỉnh thoảng qua đây cũng sẽ dừng lại dặn dò giáo hóa ta vài câu, trong đó có câu “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, hôm nay tiện việc coi như mấy hôm nữa có cái để khoe khoang với sư thầy rồi. Nghĩ đến đấy, ta liền tận tâm siết thêm mớ rễ phụ vào tay tên mặt choắt kia vài vòng cốt để người tên Kha kia tiện đường mà chạy thoát khỏi hiểm nguy. Nhưng phản ứng của Kha làm ta có chút trở cành không kịp.

Sau phút ngỡ ngàng khi thấy bạn đồng hành bỗng nhiên bị treo lên cây, lại ngỡ ngàng hơn khi tay hắn đang cầm một con dao lớn, Kha cười nhạt rồi tiến tới giật phăng hành lý của tên kia, vác lên người. Đáp lại lời chửi bới của tên mặt choắt, Kha rút con dao trong hành lý ra, gọn gàng rạch một đường sâu hoắm nơi cổ họng tên mặt choắt, màu đỏ bất ngờ túa ra chiếm trọn một vùng lớn quanh gốc đa của ta. Mấy hố nước mưa trong vắt trong tích tắc bị thay thế bằng màu đỏ gai người. Ta bàng hoàng nhìn Kha gằn giọng nói với kẻ đang giẫy chết:

-     Mày đã bất nhân thì đừng trách tao bất nghĩa.

Một tia sét rạch ngang bầu trời chiếu sáng rực không gian vốn âm u mịt mờ mưa gió này. Dưới ánh sét, nửa khuôn mặt Kha dính đầy máu đang dần được nước mưa gột sạch, nhưng ánh nhìn của một con thú vừa cắn chết đồng loại vẫn còn rực lên sòng sọc nơi mắt hắn. Ta vừa làm gì thế này? Tiếp tay cho kẻ giết người ư? Chẳng phải ba kiếp trước hắn luôn bị đồng bạn sát hại nơi đây sao? Ba kiếp trước cũng là khuôn mặt đầy máu kia, cũng tái nhợt vì nước mưa như thế, nhưng ánh mắt của ba kiếp trước chỉ là đớn đau và ngạc nhiên chứ không hề có tia hung ác nào. Ta không hiểu…

Có vẻ như thiên đình cảm thấy chờ ta tự hiểu sẽ hơi tốn thời gian nên đã trực tiếp đánh một tia sét xẻ đôi thân cây của ta, gọn gàng đè chết luôn kẻ giết người tên Kha kia.

Đứng nhìn nửa thân cây bị sét đánh bắt lửa bốc cháy phừng phừng bất chấp trời đang giông to gió lớn, linh thức ta cũng chịu đau đến choáng váng. Đây là Thiên phạt. Đáng lẽ hôm nay chỉ có một người chết, đột nhiên có ta hứng chí tham dự vào thành ra Âm phủ lại phải thêm việc. Mắt nhìn thấy linh thể đang mờ dần theo tốc độ cháy của chân thân, ta chỉ có thể tự khen bản thể vài câu an ủi:

-     Mưa to thế mà cháy tốt thật, không hổ hấp thụ tinh hoa tám trăm năm, gỗ thế mới gọi là gỗ chứ!

Sau lưng ta là tiếng hừ lạnh:

-     Không nhờ sư thầy bên kia dâng hương sám hối thay thì ngươi còn sức mà đứng đó khen cháy to nữa không? Dám cản trở vòng nhân quả nghiệp báo, ngươi to tội lắm.

Lúc quay đầu lại, ta chỉ còn thấy bóng lưng của hai vị quỷ dẫn đường kèm hai vong hồn vừa chết kia tan dần trong bóng tối. Đến không hỏi, đi không chào, đấy là phong cách làm việc của quan sai dưới Âm phủ sao? Hách dịch như vậy bảo sao mỗi lần ta vui miệng báo tin người nào đó sắp phải xuống Âm phủ, trăm lần như một ai ai đều có chung một bộ mặt trắng bệch, mắt trợn, mồm há như nhau. Dân chúng khắp thiên hạ này ai mà chẳng sợ mấy vị quan sai kém thân thiện chứ.

Dẹp qua chút ái ngại về thái độ làm việc của bên Âm phủ, ta khẽ ngoảnh mặt hướng về phía chùa làng. Từ ngày ta xuất hiện linh tính thì đã thấy ngôi chùa khiêm nhường đứng đó. Nó cũng qua dăm lượt bị đốt, phá, sập, sửa, đập, xây theo những lượt chuyển mình của giang sơn, vẻ ngoài của nó giờ đã khác nhiều so với lần đầu ta thấy, nhưng cảm giác vừa hiền vừa uy nó đem lại vẫn y hệt như xưa. Các vị tăng ở đó dường như mặc định cho ta vào hàng đệ tử tục gia của nhà chùa. Thỉnh thoảng sẽ có một vài vị tăng đến ngồi dưới gốc cây của ta thuyết giảng về một chút Phật pháp cho người qua kẻ lại, đôi khi chỉ đơn giản là đến tĩnh tọa vài canh giờ cho đến vài ngày rồi đi. Ta cứ thế mà được các sư thầy nơi đó để tâm hàng trăm năm trời. Là một cây đa sống tám trăm năm, ta đương nhiên biết thế nào là sống có gốc có ngọn, vì thế lần này ta quyết định đến nhà chùa để cám ơn sư thầy.

Khi ta mới lắc lư lướt được một đoạn thì đã thấy bóng sư thầy trùm áo tơi bước tới. Sư thầy thấy bóng ta thì tay khẽ vẫy ý bảo quay về gốc cây đi. Ta ngoan ngoãn quay lại đứng chờ. Sau khi bị cháy nửa chân thân, hiện thân của ta giờ chỉ như bóng nắng ngày trời râm. Rời xa chân thân khiến hiện thân của ta càng nhòe hơn.

Sư thầy tới làm lễ thanh tẩy xung quanh khu vực có người chết tránh cho oán khí vương lại ảnh hưởng đến sự tu tập vốn đã chậm chạp của ta. Xong việc, sư thầy ngồi xuống nửa gốc cây còn đứng được rồi vẫy ta đến ngồi bên. Chắc hiện thân của ta giờ lập lòe, chập chờn trông cũng khôi hài sao đó mà sư thầy nhìn một lúc rồi bật cười. Đoạn phẩy lên cho ta thứ gì đó dễ chịu, rồi hỏi:

-     Lần đầu phát thiện tâm mà bị phạt nặng thế này, có sợ không?

Ta hơi nghiêng đầu ngẫm nghĩ, còn chưa kịp trả lời thì sư thầy lại cười hiền một cái:

-     Đừng sợ… Chẳng ai làm tốt ở lần đầu cả. Đa cứ giữ vững lòng sáng mà kiên trì hành sự rồi sẽ nhìn được đường đúng để đi thôi.

Nói đoạn, sư thầy cầm một chiếc chuông đồng nhỏ khe khẽ rung theo nhịp đồng thời bắt ấn, linh thức ta bỗng dưng như lạc vào một ngày trời thu. Ta đứng ngập trong chiều nắng vàng quyện cùng gió heo may. Cảm giác dịu dàng phủ khắp linh thức khiến ta bắt đầu buồn ngủ, trước khi chìm vào cõi mộng, ta nghe tiếng sư thầy hiền từ dặn dò:

-     Chân thân của Đa bị tổn thương nặng nên tạm thời ngủ để dưỡng thương đi nhé.

II

Khi linh thức ta tỉnh lại thì ngôi chùa đã lần nữa bị phá hủy. Khói lửa chiến tranh vẫn còn luẩn quẩn vương trên khóe mắt của người thiếu phụ ôm con đứng chờ chồng, của bà lão chống gậy đứng ngóng con, trên những mái rạ xác xơ đã lâu ngày không người sửa chữa… Ta thở dài thầm cảm thán lẽ bể dâu vô tình. Tiếng thở dài của ta đánh động đến bà lão đang ngồi ôm gậy dưới gốc cây. Bà run run đứng dậy rồi quỳ xuống lạy chân thân của ta như giã gạo, miệng lẩm bẩm:

-     Thần Đa hiển linh! Con lạy Thần! Lạy Thần!

Tiếng vái lạy của bà lão làm ta cảm thấy cần phải hiện thân để đính chính:

-     Ta không phải là Thần. Ta chỉ là linh của cây Đa này thôi. Khi nào ta phải lăn lộn giúp đời, tạo công đức vô lượng, được công nhận rồi sắc phong thì ta mới được thành Thần. Không được gọi lung tung như thế. Phải tội đấy!

Sau khi ta hiện thân nghiêm túc đính chính, bà lão ngừng lạy, mặt bà vẫn ngẩn ra, dường như đã hóa đá. Đoán chừng bà đang nghiền ngẫm về kiến thức sai lệch của mình bao năm qua, ta ẩn thân tránh gây phiền nhiễu thì đột nhiên bà thất thanh hô lớn:

-     Ối giời ơi… Ối làng nước ôi… Ối Thần đa hiển linh…

Ô hay…

Từ ngày hôm đó, sáng sáng chiều chiều, ngày đêm không kể, ta bị hun trong đống hương khói mịt mờ. Ẩn trong thân đa ta bỗng có xúc cảm đồng bệnh tương liên với lũ chuột ngoài đồng trong những ngày mùa. Tại sao con người lại tỏ sự kính trọng bằng cách hun đối phương trong đống khói cay xè như vậy chứ? Không kể mấy cây hương đó đều làm từ đồng loại của ta. Ngày ngày nhìn thân xác đồng loại bị đem đến rồi đốt cháy ngay trước mắt ta chỉ có thể than thế sự vô thường. Cùng là phận cây cỏ, nếu ngươi biết nói cho thiên hạ nghe hiểu thì ngươi là Thần, còn nếu ngươi uyên bác thâm sâu nhưng cứ im lìm mà sống thì sẽ có ngày bị người ta chẻ ra làm chân hương hoặc nghiền thành bột đốt.

Những ngày đầu, một phần vì muốn yên thân, phần nữa là nhớ tới những lời khuyến thiện của các vị tăng trong ngôi chùa xưa kia nên ta cũng đáp ứng vài khẩn cầu nho nhỏ của người qua kẻ lại đến bái tế. Nghĩ rằng chỉ cần xong một nguyện vọng đó thì họ sẽ không hun khói ta nữa. Thực tế chứng minh ta thật sự là một cái cây không hiểu rõ con người. Một cái cây như ta vốn chỉ cần có nắng có mưa là có thể vui sống cùng tuế nguyệt hàng trăm năm. Nhưng con người thì khác. So với một cái cây thì thân thể họ bé nhỏ và yếu nhược trước đất trời. Họ cần một mái nhà che nắng mưa. Họ cần mảnh ruộng tốt để có cơm ăn. Họ cần con trâu cày để đỡ phần lao nhọc. Họ cần mưa gió hiền hòa để có mùa bội thu. Rồi họ lại cần thêm cô vợ đảm, thêm con đàn cháu đống để rồi quần quật kiếm thêm nhà, ruộng, trâu để nuôi gia đình.

Ta cứ vậy mà ái ngại nhìn con người quay quắt quanh cái vòng mong cầu ấy qua vài chục năm.

Đến một hôm, khi đó ta đang tận hưởng buổi biểu diễn cuối ngày của đất trời. Đằng tây, mặt trời mới dần quay gót ẩn mình vào tấm thảm mây lấp lánh màu lúa chín, phía đằng đông đám sao sớm đã ríu rít lôi kéo mặt trăng bẽn lẽn rẽ mây hiện ra. Tấu cùng cảnh ác lặn, thỏ lên đó là tiếng sáo diều quyện trong tiếng sáo mục đồng, đệm cùng lục lạc bò lách cách, tiếng gọi nhau về ý ới ngoài đồng. Hương lúa vào thời con gái ướp đượm một buổi chiều thôn dã. Thư thái làm sao.

Cảnh hay nhạc đẹp hương thơm là thế bỗng có tiếng khóc thút thít lạc nhịp vào. Ta cúi đầu ngó xuống thì dưới gốc cây từ lúc nào đã có thêm một con gà trống luộc vàng óng và một tên thanh niên quỳ ở đó. Nhìn con gà ngậm hoa hồng nằm dưỡn dẹo dưới gốc cây, ta thực sự muốn hiện thân để bàn luận một chút với kẻ đến cầu khấn kia. Từ ban đầu ta đã không thể hiểu nổi mấy con người này nghĩ gì khi đem dâng gà, trứng, thịt luộc, lợn quay cho một cây đa. Chả nhẽ họ nghĩ một cái cây bình sinh sống bằng đất, nước mưa, nắng trời hễ biết nói liền có thể quay ra nhai thịt? Ta phẫn nộ trừng con gà trống luộc một cái rồi dợm quay bước, nhưng tiếng khấn cầu của kẻ đến kia làm ta dừng lại.

-     Con lạy Thần Đa, xin Thần Đa hiển linh phù hộ cho con đêm nay thắng bạc. Nếu con được như nguyện con xin trả lễ Ngài một con lợn quay ngay ngày mai.

Cái kiểu khấn xin như thể cây đa ta đây là tiệm buôn tiền gửi vào một đồng lấy ra một trăm lại quả hai đồng này không hiếm lạ gì, bao năm chịu hun khói hương ta nghe đã mỏi cành héo lá, nhưng giọng nói và cái dáng lưng kia thì không lẫn đi đâu được. Đây là kiếp thứ năm hắn lượn lờ dưới gốc cây của ta. Mới nhìn bóng lưng hắn thôi mà ta đã nghe tiếng tiếng sấm rền vang cùng ánh sáng chói lòa chớp giật. Xưa nay ta mới nghe ma quỷ ám người chứ chưa từng biết tới một cái cây sống tử tế đàng hoàng mà bị người ám bao giờ. Vậy mà, hắn chết đi sống lại ám ta đã được năm kiếp.

Ta đã làm gì sai với hắn à? Chắc không phải. Chỉ mới kiếp thứ tư do thiên phạt làm ta đè chết hắn chứ ban đầu chỉ đơn thuần là hắn bị chém chết dưới gốc của ta mà thôi. Hay ta tranh đất trên mộ phần của hắn? Nghĩ tới ta liền chột dạ dùng rễ cây thăm dò một phen. Cũng không đúng. Quanh khu đất này không có hài cốt nào cả. Vậy thì tại sao…

Trong lúc ta bất an lo lắng kiểm tra thân cành xem có phần nào có thể rơi xuống đoạt mạng kẻ kia không thì hắn đã hoàn tất lễ bái đứng dậy ra về. Ta len lén thở phào, trong vô thức còn sờ sờ phần thân cây mới hồi phục cách đây không lâu.

Hắn đi rồi, ta và con gà trống luộc ngậm hoa hồng kia lại đứng lườm nhau. Ta hỏi gà:

-     Theo mày thì đây là kiểu chướng duyên trái khoáy nào thế?

Gà không đáp, chỉ lặng lẽ ngậm bông hoa hồng đang dần thâm lại. Ta bực bội quay ra nhìn khoảng đất trống nơi ngôi chùa cũ tọa lạc, lẩm bẩm mắng mấy kẻ đang tâm đi phá một ngôi chùa đẹp đẽ tử tế như thế. Giá như có sư thầy và các vị tăng ở đây…

Hôm sau, hắn – kẻ ám ta năm kiếp – lại tới. Lần này hắn cắp theo chục quả trứng gà quỳ lạy khấn vái có phần thiết tha hơn hôm qua:

-     Con lạy Thần Đa… Con lạy Ngài… Ngài thương con với… Hôm qua con đã thua sạch ở chiếu bạc rồi, cả nhà con giờ chỉ còn mấy quả trứng này để dâng Ngài. Ngài thương con với… Ngài phù hộ cho con đêm nay gỡ được nhà về… Vợ con con bỏ đi hết rồi… Nếu Thần linh các Ngài cũng quay lưng thì con chỉ còn nước chết thôi…

Hiện tại ta rất nhạy cảm với từ “chết”. Đặc biệt từ đó lại được nói từ miệng kẻ kia. Trước mắt ta đã nhìn được rõ ràng hình ảnh hắn bị chủ nợ chém chết ở gốc cây sẽ ngã ra làm sao, máu văng xa chừng nào. Nghĩ tới là rùng mình.

Ta thấp thỏm ngước mắt lên nhìn trời. Hôm nay nắng quét dọn sạch sẽ nền trời không một vẩn mây, trời trong vắt, xanh ngăn ngắt một màu. Cân nhắc vài lượt, mắt thấy kẻ kia đã khóc lóc van vỉ xong chuẩn bị đứng dậy ta đành tặc lưỡi mà hiện thân gọi hắn:

-     Này!

-     …

Phản ứng của hắn cũng không khác bà cụ lần trước. Ta mặc kệ mắt hắn trợn như thế có thể rơi tròng ra hay không mà vẫn tiếp tục nói mấy câu khuyên giải:

-     Ta nói ngươi nghe. Đây đã là kiếp thứ năm ngươi lượn lờ ở cái gốc đa này rồi. Mấy kiếp trước ngươi đều phải chết phơi thây ở đây cả. Ta khuyên ngươi đừng có dính vào cái thứ đỏ đen đó nữa.

Không biết hắn nghe hiểu được chừng nào, mặt hắn bắt đầu chuyển qua mếu máo rồi sụp xuống rền rĩ:

-     Nhưng mà… con phải giàu…

Nhìn hắn khóc như mấy đứa trẻ con ăn vạ đòi quà, ta lại cố hạ giọng cho mềm hơn:

-     Ta nói thật, với những gì ta thấy ở mấy kiếp trước của ngươi, ngươi hễ cầm lắm tiền là sẽ chết đó. Ngươi cần tiền không cần mạng hả?

-     Sống mà để người đời coi thường thì thà chết cho xong.

Ta cảm thấy đuổi không theo kịp mạch đối đáp của hắn. Không phải đang nói về vấn đề tiền bạc sao? Không dưng lại bàn về sự khả kính rồi? Giàu và khả kính có can hệ tới nhau hay sao? Mấy vị tăng ở chùa cũ kia quanh năm mặc áo rách, ngày được ăn có một bữa, mà bữa đó còn phải đi khất thực mới có, nhưng nào ai dám chê khinh gì? Ta ngẩn ra vài nhịp lại tiện cho hắn bắt đầu rên rỉ kể lể:

-     Thần linh các Ngài vốn dĩ được kính trọng làm sao có thể hiểu được cái nhục nhã của kẻ nghèo hèn bị người đời coi không bằng con giun cái dế. Vợ của con ban đầu cũng nết na hiền thảo là thế. Ấy vậy mà năm trước nó đã bỏ con đi làm thiếp cửa nhà giàu rồi. Đầu năm nay, con đã phải điểm chỉ vào giấy bán con gái… Người làng ai ai cũng khinh rẻ con. Họ còn bảo chó nó còn chê nhà con nghèo không thèm ỉ* trước thềm…

Mấy cái khác không nói, nhưng việc chó không thèm ỉ* trước nhà cũng tính là bi kịch của cái nghèo hả? Sự hoài nghi về nhân sinh quan của kẻ đối diện được ta âm thầm giữ lại ở trong lòng.

-     Mấy hôm trước con nghĩ thông rồi. Lần này con quyết chí đổi đời, con đã đem hết ruộng vườn nhà cửa ra để đánh cược một phen rồi. Hôm qua, có lẽ Ngài chê con không đủ thành kính, gà nhà con gầy nên không chịu độ cho con. Hôm nay nhà con còn độc con gà mái mơ với chục trứng này, trứng con cúng Ngài, gà tối nay con đem cược bạc. Con chỉ còn có thế thôi… Con mong Ngài thương mà để cho con gỡ lại.

Đang yên đang lành đem nhà cửa đi đánh bạc rồi giờ khóc lóc xin cho gỡ lại. Trước mắt ta bỗng nhiên như có cơn gió mạnh thổi tan mây mù, ta hiểu rồi, nguyên nhân hắn năm lần bảy lượt bị người ta chém chết chẳng phải do duyên số gì, đó là do hắn quá đần mà thôi. Tuy nhìn nhận ra rõ được tiền căn hậu quả rồi, nhưng vết xe đổ lần trước vẫn còn sờ sờ ra đó, giả như ta lại đoán nhầm thì sao? Ta thoáng ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, vẫn xanh trong. Lần này phải cân nhắc cho cẩn thận. Nếu ta cứ lờ hắn đi, thì kết cục kiếp này của hắn chắc chắn sẽ lại bỏ xác ở cái gốc cây này rồi. Rồi ta sẽ lại bị hắn ám đến muôn đời mãn kiếp không biết đến bao giờ mới thôi. Ta là một cây đa hiền lành chỉ ăn sương uống nắng mà lớn lên, cái viễn cảnh vài trăm năm tới cứ có kẻ bị chém chết ở đây, rồi máu me lênh láng, da thịt nhầy nhụa ngay dưới gốc này khiến cho mọi dũng khí để đâm chồi nảy lộc đều tắt lụi. Còn giả như ta giúp hắn… Nói thật, đến bây giờ vào những ngày giông gió và suốt quãng thời gian mùa mưa bão ta đều chăm chỉ đọc bài kinh sám hối khi xưa được các vị tăng dạy cho. Nhớ lại lần thiên phạt rồi so sánh với những lần tên này bị giết trước đó, bỗng dưng đầu óc ta sáng lên. Ta quay ra nhìn tên xui xẻo kia, vẻ mặt nghiêm trọng:

-     Ta có thể giúp ngươi giàu. Nhưng ngươi phải đứng đây và thề với trời đất một điều.

Mặt kẻ kia sáng lên gật đầu như giã gạo, khom người lại líu ríu:

-     Vâng… vâng… Lạy Thần… Chỉ cần người nguyện ý phù hộ cho con giàu có… Không những một điều, mà mười điều con cũng xin nghe ạ.

Ta nói với hắn, nhưng đầu quay hẳn lên trên cao quan sát biến đổi của bầu trời:

-     Ngươi đứng đây thề đi, à không, đứng ra xa xa chút, đừng đứng dưới tán cây. Rồi… Ngươi thề là sau khi ngươi giàu có, sẽ không được phạm vào sinh mạng của ai hết. Nếu trái lời thề thì sẽ bị… sét… đánh chết.

Miệng nói ra từ “sét” mà chân thân ta vô thức run mạnh làm rụng xuống vài phiến lá. Tên kia nhanh nhảu phát thệ. Suốt quãng hắn đứng dưới trưa nắng lập lời thề, bầu trời vẫn dửng dưng mà xanh ngắt. Ta vẫn chưa buông được thấp thỏm trong lòng, căng thẳng quay ra vẫy kẻ kia ra hiệu hắn đi theo.

Ta chỉ cho hắn một ụ đất nhỏ gần gốc đa rồi bảo hắn đào lên. Khi nhìn thấy hũ vàng đầy ăm ắp trước mặt, hắn mừng rỡ như phát điên quỳ lạy ta rồi định cứ thế ôm hũ vàng về.

Ta chỉ có thể một lần nữa cảm thán sự đần độn của hắn, chẳng nhẽ bốn kiếp liền bị cướp của rồi bị giết không hề đọng lại chút nào trong tiềm thức của hắn? Tự nhẩm câu “thương người thì thương cho trót” vài lượt rồi ta mới có đủ tự tin để nhẹ nhàng nhắc hắn che chắn làm sao, giấu giếm thế nào để không vì vàng mà rước họa vào thân.

Đến lúc bóng hắn đã khuất sau cổng làng ta mới có thể yên tâm thở hắt ra một hơi dài. Bầu trời vẫn hiền hòa xanh ngắt. Trong ta dần nhú lên một chồi non hy vọng. Có lẽ lần này sẽ ổn.

III

Bẵng đi một thời gian, qua vài mùa lúa chín, tên xui xẻo kia lại đến. Lần này nhìn hắn cũng béo tốt hơn hồi đầu, quần áo cũng coi như sang quý hơn hẳn. Hắn còn chưa hài lòng cái gì? Đáp lại thắc mắc của ta là tiếng than khóc não nề:

-     Thần Đa ơi con khổ quá… Vợ con nó cuỗm hết bỏ trốn theo thằng làm thuê rồi… Mấy thằng lý, thằng bá, thằng phú con… chúng nó mới thấy con kêu mất sạch mà đã không thằng nào thèm lai vãng qua cổng nhà… Sao cái số con nó khốn nạn thế này hả Thần Đa ơi…

Có lẽ do tuổi tác của hắn hiện đã lớn hơn xưa, hoặc lý do nào đó ta không rõ, tiếng khóc lần này của hắn nghe ai oán hơn hẳn cái lần hắn thua bạc rồi khóc ở đây. Mỗi lần nhìn thấy hắn, ta lại giật mình nhìn một lượt thân cành của chân thân rồi vội vàng đánh mắt nhìn lên bầu trời phía trên. Có vẻ an toàn. Nhưng không thể chủ quan.

-     Này, ngươi có muốn khóc thì ra khỏi tán cây của ta rồi hẵng khóc. Nhanh! Đứng dậy đi ra xa xa chút.

Hắn chẳng cãi, chẳng hỏi, lủi thủi đứng dậy rồi ngồi thụp xuống ở một góc xa chân thân của ta. Ta theo sau, đứng cạnh hắn chờ nghe hắn tiếp tục khóc than thế thái nhân tình bạc bẽo. Bất ngờ là hắn lại ngồi im. Hắn lặng yên lâu đến độ ta hoài nghi có phải hắn đau thương quá độ mà tắt thở chết ngồi hay không. Vội vàng ngó xuống thì thấy râu hắn vẫn phất phơ đều đều, nước từ khóe mắt vẫn thi nhau trượt dài trên gò má, còn đôi mắt thì trỗng rỗng nhìn về phương xa vô định. Tuy rằng ta sống đủ lâu để biết lúc này nên có một vài lời an ủi, nhưng bình sinh ta cũng không phải là một cây đa hay chuyện chứ đừng nói đến việc biết an ủi ai, nên nói ra sao, giọng điệu thế nào, lời nói ra đến đầu lưỡi lại được ta nuốt ngược vào trong.

Chỗ chúng ta đứng có thể thấy rõ ràng được mảnh đất chùa khi xưa. Nhìn chốn cũ nay điêu tàn đổ nát, ta khe khẽ thở dài:

-     Thôi… tiếc của làm gì… Kiếp này ngươi cũng đã may mắn hơn so với mấy kiếp trước rồi. Sống được đến tuổi này… Nhìn bãi đất hoang đằng kia không? Ở đó vốn có một ngôi chùa, các vị tăng trong đó còn chẳng có gì. Họ mặc áo sồng rách, ngày chỉ ăn có một bữa thôi nhưng vẫn hoạt bát lắm. Họ mở lớp dạy chữ cho bọn trẻ con, chữa bệnh cho người ốm, cưu mang trẻ mồ côi… Đâu cần lắm tiền nhiều của mới được quý kính đâu. Hồi đó phú ông phú bà gặp họ cũng phải cúi rạp mà chào ấy chứ.

Hắn vẫn lặng im chẳng đáp lời nhưng đôi mắt hắn từ mông lung không tiêu cự chuyển qua nhìn chằm chằm vào khu đất chùa ta vừa chỉ. Đứng một lúc cảm thấy vô vị, ta dứt khoát quay trở lại chân thân nghỉ ngơi, không cố ra vẻ là một cây đa thân thiện thấu hiểu lòng người làm gì cho nhọc sức.

Qua vài hôm, ngồi trên tán cây nhìn về khu đất chùa, ta thấy bóng dáng quen quen đang lúi húi phạt cỏ dọn nền.

Rồi vài hôm sau, bức tường đất dần dần thành hình trên mảnh đất cũ. Ngồi trên tán cây quan sát, ta chỉ có thể lẩm bẩm “quái lạ, nhà cửa bị cướp hết, hắn tính chiếm đất chùa xây nhà ư?”

Một mình hắn cứ thế quần thảo ở nơi đó hàng năm trời. Vào ngày nếp nhà nơi khu đất đấy hoàn thiện, ta tò mò tính đi tới xem hắn rốt cuộc muốn làm gì ở nơi đó. Mới bước được vài bước, sau lưng ta chợt có tiếng gọi:

-     Lâu rồi không gặp.

Ta quay lại nhìn, một vị tăng trẻ vừa lạ vừa quen. Vị tăng cười hiền từ. Ta à to một tiếng rồi cũng cười. Vị tăng nói:

-     Lần phát thiện tâm này của Đa không tệ . Vị thí chủ kia mãn kiếp này là có thể thoát khỏi kiếp số bị giết chết rồi.

Ta nghệt ra, tỏ ý không hiểu. Nhìn vào rõ ràng là hắn vẫn đang khổ đau bất mãn, còn đang định chiếm đất chùa xây nhà cơ mà.

-     Có điểm này chắc Đa không nhớ, hắn chính là người đã trồng Đa đó. Tính ra đây là kiếp thứ sáu Đa và vị thí chủ đó gặp lại nhau.

Một câu vị tăng kia nói ra nhẹ như gió thoảng mà ta cảm thấy như mưa giông gió lốc vừa quét qua. Ngài vẫn hiền từ diễn giải tiền căn hậu quả ra cho ta nghe:

-     Kiếp đó, vị thí chủ kia là một trong những đứa trẻ được nhà chùa nuôi lớn. Về sau phấn đấu cũng bắt đầu được chút công danh. Nhân chuyến về thăm quê, vị ấy đã trồng Đa ở đây, đồng thời lập lời thề trở thành một viên quan phụ mẫu thanh liêm, thương dân như con. Ngày tháng xoay vần, vị ấy kết thúc kiếp sống với tội danh tham ô.

Phát lời thề rồi không giữ được bản tâm, bảo sao những kiếp sau này hắn luôn thảm hại như thế. Vị tăng tay khẽ lần tràng hạt, lại từng câu từng câu giảng giải tiếp câu chuyện xưa, hệt như nhiều kiếp trước của Ngài vẫn thi thoảng ghé qua giảng kinh khai trí cho ta:

-     Mấu chốt gây khổ đau ở những kiếp gần đây của vị thí chủ kia là lòng tham luyến tiền bạc quá độ. Cũng may kiếp này vị ấy có đủ cơ duyên để hiểu. Vị đó đã phát tâm cúng dường hết tài sản để làm phúc lợi cộng đồng rồi.

Cơn ngạc nhiên ban đầu vừa mới lắng lại bị lời của vị tăng làm cho dậy sóng trở lại. Ta quay ra nhìn Ngài khó hiểu hỏi:

-     Không phải hắn bị lừa hết tiền rồi ư?

Vị tăng cười hiền từ:

-     Thật ra vị thí chủ đó còn một chút tiền đã đem giấu đi, nhưng cái đó cũng không quan trọng, quan trọng là những việc làm như thế kia kìa.

Đoạn, vị tăng hướng mắt về phía nền đất chùa cũ, ta cũng quay lại nhìn theo, ở phía xa, kẻ kia đang loay hoay trám lại những chỗ ổ gà trên đường đi. Người qua kẻ lại nhìn hắn rồi rì rầm bàn tán về chuyện hắn bị vợ bỏ, bạn phản nên phát điên rồi. Có người tặc lưỡi thương hại, có người cười nhạo, nhưng bóng hắn vẫn kiên định bên mấy cái ổ gà trên đường.

Ta ngước mắt lên cao, trời hôm nay nắng nhẹ, từng đám từng đám mây bông lười biếng lững thững dắt nhau đi dạo trên nền trời xanh nhạt. Ta khẽ thở ra một hơi nhẹ nhõm rồi lẩm bẩm:

-     Lâu rồi chưa thấy mưa nhỉ?

 

-       HẾT -

 


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout