Nhị trà (thứ hai là trà)


Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế. [2]


Đào Nguyên là xứ trồng trà. Khắp Nam Bắc, cứ hễ nghe đến danh trà từ Đào Nguyên thì lấy làm quý lắm. Cao Huân tuy chẳng phải kẻ thích nhẩn nha đối ẩm thưởng trà, ngâm thơ xướng họa như đám đồng bạn theo nghiệp bút nghiên, song thuở trước cũng đôi lần được nghe Quận vương ngợi khen ngợi vị trà này. Khi ấy, chàng có hỏi ngài xem trà thế nào là ngon. Quận vương chỉ cười hiền mà đưa cho chàng hai chén trà, bảo cứ nhấm lấy thử sẽ tự phân biệt được. Cao Huân làm theo vậy, thật là chàng cũng mơ hồ nhận ra từ vị, hương đến sắc đều không giống nhau. Gã Khanh Sơn, cái tay luôn tự nhận sành sỏi thú thưởng trà, thấy chàng đăm chiêu nhìn hai chén nước mới giở giọng cười cợt kẻ cả, hắng giọng giải giảng cơ man nào là trà, là đất, là ấm,... Tựa hồ trong bụng gã có bao nhiêu chữ nghĩa đều mượn dịp ấy để xổ ra cho bằng hết. Nhưng cũng buồn cho gã, từng đó sự tâm đắc đều không đọng lại được nửa chữ trong đầu chàng, tính ra chẳng bằng được dăm câu đưa chuyện lúc nông nhàn với người thiếu nữ đã cưu mang chàng đây. Người chàng hay gọi là Quế Hoa.

"Này Quế Hoa, sao tôi lại nghe đám đàn bà con gái trong làng mỗi sáng đều rủ nhau đi về phía Nam núi để hái trà. Đằng Bắc chẳng phải cũng bao la bát ngát đấy sao." Chàng vừa cầm kéo tỉa đi những cành lá hỏng trên cái cây trồng trong chậu cảnh ngoài sân, vừa cất tiếng hỏi nàng như vậy.

Bấy giờ đã là tháng hai, trời tạnh ráo hơn, dân Đào Nguyên mới rục rịch lên núi hái trà. Thiếu nữ cũng đi cùng với họ, duy có hôm nay vì biết sẽ có khách đến chơi nên nàng mới nghỉ một buổi để lo việc tiếp đón. Khi Cao Huân hỏi, nàng đương mải trải trà vừa sấy xong ra sàng tre, đợi nguôi nóng đôi chút sẽ bọc vào giấy khô. Mùi trà vừa sấy xong bốc lên thơm thoang thoảng, lan đến tận chỗ chàng đang đứng.

"Phía Nam có đất lạn thạch, lại có rừng che phủ râm mát. Trà lá tía mọc ở đó là giống thượng đẳng. Người ta muốn bán về Yên Kinh thì phải đến đó hái." Thiếu nữ ngơi tay một chút, nàng đáp lại như vậy. "Còn trà ở phía Bắc, người rành rẽ sẽ biết là loại hạ đẳng. Tính hay ngưng trệ, uống vào sẽ thấy khó tiêu, có khi còn kết sỏi trong người."

"Ra cũng là cái nghề lắm công phu đấy nhỉ?" Cao Huân dừng lại, chàng gật gù thành thật sau khi nghe câu trả lời.

"Lại chả. Trà ngon ngàn vàng cũng có kẻ bỏ tiền mua, tất phải có chỗ quý chứ." Thiếu nữ cao giọng. "Ngày trước nhà tôi có một khoảnh đất nhỏ ở đồi Tâm Châu, trà trồng ở đó chỉ cần bán dăm cân là đủ ăn cả năm. Cơ mà từ ngày có ông tướng phụng mệnh thánh thượng tróc giặc trên ấy, chẳng ai còn uống nổi trà nữa."

Tay cầm kéo của chàng khựng lại. Chẳng rõ nàng ta có biết thân thế của chàng hay không mà thản nhiên nhắc tới chuyện năm xưa chàng mặc lời can ngăn, lùa giặc lên đồi rồi thảm sát không sót tên nào. Nhưng rồi nhìn bộ dạng nàng mải mê gói ghém những mảnh giấy trải sẵn trên chõng tre thì chàng lại tự trấn an rằng đấy chỉ là lời vô tâm mà thôi. Nàng ta là phận đàn bà con gái, năm ấy khéo mới chỉ vừa lên mười hai mười ba tuổi, giá thử có thực chứng kiến thì cũng chẳng dễ gì mà nhớ được mặt chàng. Huống hồ ở cái xứ Đào Nguyên heo hút này, phong ba bão táp chốn kinh kỳ cũng chỉ như gió thoảng qua tai, dân thì thiện lương chất phác, khó lòng nghĩ được đến chuyện cái gã tướng quân hung hãn năm xưa giờ đã thành tội nhân bị truy lùng, phải bỏ xứ đến đây lẩn trốn. Quế Hoa có lẽ cũng chỉ đang thuận miệng kể chuyện, tính nàng ta gặp người lạ thì kiệm lời giữ kẽ, song với người thân quen thì luôn có chuyện để kể, âu nhờ thế mới giúp chàng khuây khỏa được ít nhiều. Nàng đã rộng lòng mà cho chàng tá túc đến hơn một năm, chẳng đả động gì đến gia thế hay quá khứ của chàng thì cũng nào cần phải sợ nàng mượn chuyện thăm dò cơ chứ. Huống hồ, mỗi đêm nằm mộng hoặc vào khắc mê man chàng hẳn cũng buột miệng đôi lần nhưng cũng chẳng thấy nàng tỏ ý nghi ngờ, hiếu kỳ gì. Nghĩ ngợi đôi chút, chàng lại tiếp tục tỉa cái cây cho gọn ghẽ và ngẫm lời của thiếu nữ.

"Thế nhà cô bỏ đám đất ấy rồi à?" Chàng hỏi, trong lòng cũng thấy áy náy khi nghĩ đến chuyện làm mất niêu cơm của kẻ khác. "Trà trồng ở đấy sao lại không ai uống nổi?"

Thiếu nữ lúc này đã làm xong việc, nàng đứng dậy, bước chân trần vào nhà cất mấy gói trà vừa sấy thật cẩn thận ở chỗ mát mẻ. Đoạn lại châm một bình trà, đem ra sân bày biện thật cẩn thận trên chõng tre. Cao Huân đoán là để mời khách.

"Đất nhuốm đầy máu như thế, lại có hơi người chết. Trà pha lên nhìn sắc nước đỏ ối, vị không còn thanh ngọt mà chuyển sang gây gây, lợm họng. Năm đấy làng này nhiều nhà suýt chết đói vì không bán được trà cơ."

"Chắc là người ở đây ghét cái ông tướng đấy lắm nhỉ?" Chàng hỏi, đôi môi khô hơi hiện ý cười.

"Người năm bẩy đấng, của ba bẩy loài. Tiếc thì tiếc thật đấy, nhưng ông ấy theo tiên quân đánh giặc, người làng không ghét ông ấy được."

Cao Huân nghe thế thì im lặng hẳn. Chàng ngoảnh lại nhìn thiếu nữ đang tỉ mẩn gói trà. Đánh giặc, đánh giặc... bao lâu rồi mới có người nhắc lại cho chàng nghe hai tiếng này?

*
* *

Chén trà đầu tiên mà Cao Huân uống là vào một ngày đông rét mướt. Khi ấy, chàng mới mười bảy tuổi, đương độ trai tráng, ôm theo tay nải mà tìm đến La Thành. Giữa thời tao loạn, người ta bỏ làng mạc, chạy vào rừng lánh thân chẳng được, chàng đang sống yên lành ở Quan Sơn lại lần về chốn lao xao. Thầy chàng chê trách, còn mẹ chàng khóc lóc, nhưng chàng vẫn quyết chí đi. Thế là chàng từ biệt họ để lên đường, hẹn vẫy vùng thỏa chí rồi sẽ quay về làm trọn hiếu đạo. Mùa đông ở La Thành khác Quan Sơn nhiều lắm, tiếng khóc lóc ai oán rấm rức cứ thấp thoáng lẩn khuất trong tiếng mái chèo khua nước của ông lão lái đò. Lúc chàng bước lên bờ, vừa lúc quan quân hành hình xong độ mươi người. Nam phụ lão ấu đều chịu trảm thủ. Máu đỏ tươi hẵng còn vương trên đất, thẫm đấm thành một mảng to.

"Nhà cậu là người nơi khác hử?" Bà lão hàng nước hỏi. Đôi mắt già nua ráo hoảnh nhìn người ta ném xác phạm nhân xuống sông.

"Vâng ạ." Đang lúc lạ nước lạ cái, chàng bám vào câu hỏi ấy để nghe ngóng.

"Quê cậu ở đâu? Sao lại dạt về đây?" Bà lão lại hỏi, bàn tay nhăn nheo lần đến ấm đất, rót cho chàng một chén nước.

"Cháu xin ạ. Chả giấu gì bà, cháu là người Quan Sơn. Cháu đến La Thành để tìm anh bạn cùng quê, biết đâu lại lập thân lập nghiệp ở đây được." Chàng nâng chén nước, thật thà đáp.

"Dào ôi, ở Quan Sơn đang yên lành thì cứ ở đấy chứ chạy đến đây làm gì. Khéo lại tai bay vạ gió, khổ thân ra." Dường như bà lão tiếc rẻ. Chắc là thế, so với Quan Sơn đất rộng người thưa, quan binh chê là đất chó ăn đá gà ăn sỏi, thì La Thành nào được yên ổn bằng. "Đấy, cậu nhìn đằng kia kìa, hôm qua chết đói mấy người, dân họ vừa chôn sáng nay. Ban nãy, lại thêm mươi người nữa bị trảm thủ. Cha khóc con, vợ khóc chồng, nghe nẫu cả ruột."

Chàng hớp một ngụm. Vị đắng chát xoắn xuýt lấy cả đầu lưỡi, nhưng cũng gọi là còn vương hơi ấm. Nuốt qua cuống họng, vị chát làm nước bọt trong mồm tứa ra hơi ngọt.

"Chè Tầu ngon đấy nhé. Chả phải anh ả nào đến đây cũng được uống đâu." Thấy chàng hơi chép miệng, bà lão nửa đùa nửa thật, tay têm trầu thoăn thoắt.

Chè Tầu đấy là của một tay khách để lại. Nghe đâu, ông ta bị làm chân buôn chè, theo hầu các quan người Ngô, giàu có khệnh khạng. Cách đây mấy tháng, nhà ông ta đánh một chuyến hàng mới từ Lạng Giang xuống La Thành, dọc đường gặp cướp thế là trắng tay. Quan trên niệm tình đồng hương không bắt tội, nhưng của nả trong nhà thì phải bỏ ra đền đến khánh kiệt. Sau dạo ấy, ông ta thù quân kẻ cướp kia lắm, nên quyết phải tận mắt thấy cả lũ bị xử trảm mới hả dạ. Bọc chè ông đưa cho hàng nước chỉ để đổi lấy cặp bánh nếp ăn cho đỡ xót ruột trong lúc ngồi chờ xem cái cảnh hành hình kia. Cao Huân chưa uống chè Tầu bao giờ, người quê quen uống nước lá vối, quanh năm suốt tháng chỉ một loại đấy thôi. Thế nhưng, chàng biết chè Tầu là thứ quý phải có tiền mới mua được. Ra cái vị mà dân đen chân lấm tay bùn như chàng nằm mơ cũng chẳng dám mơ đến ấy lại đắng chát đến quặn cả ruột gan nhường này. Chàng lần tay vào trong nải, rụt rè chạm vào mấy đồng bạc lẻ, rồi dứt khoát lấy ra một đồng trả cho bà lão.

"Cháu gửi tiền nước ạ." Chàng nói.

"Thôi, tiền nong gì, chè hãm đến nước thứ ba rồi."

"Bà già cả rồi, cháu không dám lấy của bà..." Chàng ngại ngùng đưa tay gãi đầu.

"Nhịn miệng đãi khách đường xa, cũng bằng gửi của chồng ta ăn đường. Tôi cho." Bà lão bỏm bẻm nhai miếng trầu, xua tay không nhận. "Nom cậu cũng trạc tuổi thằng cháu trai nhà tôi."

"Thế... cháu bà đi đâu mà không ra đây phụ bà ạ? Đương lúc loạn lạc thế này..."

"Nó à, vừa bị trảm thủ, chết rồi."

"Chết nỗi..."

"Quan bắt nó đi làm phu xây thành, nó bỏ lên Thanh Sơn theo ông tướng nào trên ấy đấy, thế là thành thổ phỉ." Đến đây, bà lão khịt mũi. Có một thoáng, chàng nhìn thấy hai mắt đã đục đi của bà nhìn xuống dòng sông phẳng lặng. "Đi cũng chết, không đi cũng chết, giống thằng bố nó. Chả bằng cứ liều một phen, lành làm gáo vỡ làm muôi. Nó bảo thế."

Những ngón tay chàng siết chặt vào cái bát đất, rồi đưa lên uống cạn một hơi. Vẫn là cái vị đắng chát ấy, nhưng giờ chè nguội, chẳng còn mùi lá mà chỉ còn một mùi máu nồng bám chặt vào khí lạnh mà thôi. Vừa đắng vừa tanh. Bên tai chàng, có tiếng hát văng vẳng của kẻ điên đang vùng vẫy giữa đám cỏ lau lúc khói chiều lảng bảng.

Lác đác mưa ngâu

Sình sịch mưa ngâu

Lá ngâu rụng xuống

Bông lau phất cờ

Nước trong xanh lặng ngắt như tờ

Một đàn cá lớn nhấp nhô đầu ghềnh. [2]

* *

Nước trong xanh lắng ngắt như tờ

Một đàn cá lớn nhấp nhô đầu ngềnh.

Kìa ai đứng ở đầu ghềnh.

Tiếng hát trong trẻo được đệm bằng tiếng móng ngựa gõ lộc cộc chậm rãi xuống con đường đất. Cao Huân định thần lại, chàng nghểnh đầu nhìn qua hàng rào tre xanh xum xuê những thứ cây leo tươi tốt. Chắc là khách của Quế Hoa đến rồi.

"Em Quế Hoa có nhà không đấy?" Người khách cất giọng, êm dịu nghe như hát.

"Có, có ạ." Nét mặt thiếu nữ hớn hở, nàng vội để gói trà xuống chõng tre. Đoạn, nàng đứng dậy chỉnh trang lại áo váy tóc tai rồi mới ra đón khách vào nhà.

Cao Huân đứng trơ ngoài sân, chàng bối rối không biết nên vào nhà lánh mặt hay cứ cắt tỉa cây tiếp. Chủ nhà một thân một mình, quanh năm chẳng mấy người đến chơi. Lúc trước, chàng ốm liệt giường nên thế nào cũng xong, nhưng giờ thì... Nghe tiếng người khách tíu tít, chàng dứt khoát trở vào nhà lánh mặt để tránh cho Quế Hoa phải khó xử. Vả lại, cái phận tội nhân của chàng cũng vẫn còn đấy.

"Ái chà, nhà cửa của cô em đẹp quá đi thôi." Khách xuýt xoa. "Tôi mà biết nhà cô em ở chốn sơn thủy hữu tình thế này thì tôi đã đến thăm từ năm ngoái rồi chứ chẳng để chị Tố Hà của cô đi đâu."

"Chị Lệ Mai cứ trêu em. Phận út ít như em phải về thăm các chị và bà mới phải nhẽ, ai lại để các chị phải lặn lội đường xa thế này." Quế Hoa đáp, giọng nàng nghe có vài phần áy náy. "Trà này là trà vụ năm nay, em mời chị Lệ Mai xơi thử xem có được ngon bằng trà của chị Tố Hà làm hay không."

Nghe đến hai chữ "Lệ Mai", Cao Huân sững người, chàng lần đến sát tường. Qua khe cửa trổ trên vách đất, Cao Huân thấy thấp thoáng bóng dáng một thiếu nữ khác đang đội nón dâu. Vẻ như là nàng lớn tuổi hơn Quế Hoa, mà cũng là chỗ chị em thân thiết với nhau. Thiếu nữ mời khách ngồi xuống chõng tre, sau đấy tất tả đi pha trà rót nước, bày cơi trầu. Người khách lúc này mới với đưa tay cởi nón, mái tóc đen tuyền vấn gọn thành một búi, nàng ngồi xoay lưng về phía chàng nên không rõ được dung mạo. Tay nàng đón chén trà Quế Hoa mời. Bóng hình nàng ngồi thưởng trà nom thướt tha yểu điệu. Cả người Cao Huân run lên bần bật, khóe mắt cay cay.

Xuân lai u cốc thủy sàn sàn,

Đích lạc mai hoa thảo cức gian.

Nhất dạ đông phong xuy thạch liệt,

Bán tuỳ phi tuyết độ quan san. [3]

Người khách uống một ngụm, cao hứng ngâm mấy câu thơ cổ. Đoạn, nàng hết lời khen Quế Hoa xao trà khéo hơn Tố Hà. Bốn câu ấy lọt vào tai Cao Huân, chàng thẫn thờ đến nỗi ngã sụp xuống đất. Cõi lòng vốn trơ như đá của chàng, giờ bỗng nổi lên một trận phong ba. Phía bên ngoài, cuộc chuyện trò giữa hai chị em lại một hồi rôm rả. Lệ Mai đem cho Quế Hoa vài thang thuốc, dặn dò nàng sớm đến thăm bà, thăm những người chị em khác. Đến gần trưa, Lệ Mai đứng dậy, toan cáo từ để về cho kịp trước lúc trời tối. Đúng vào lúc nàng đội lại nón, Cao Huân không kìm lòng được mà vội vã chạy ra sân, níu lấy tay nàng.

Lệ MaiLệ Mai. Người vợ không thể cùng chàng trốn khỏi Yên Kinh trong đêm mưa kia. Nàng chưa chết, nàng đang đứng ở đấy cười nói vui vẻ. Giống hệt như nàng của rất nhiều năm về trước, của buổi sáng mùa xuân đầu tiên họ gặp nhau ở Thanh Sơn. Nàng chưa chết, trong đầu chàng giờ chỉ còn độc một tiếng nhủ lặp đi lặp lại.


Chú giải:

[1] Vế đối của Ngô Thì Nhậm.

[2] Trích trong Những làn điệu chèo cổ chọn lọc của Hoàng Kiều, Hà Hoa, tr. 28, NXB Văn hóa - thông tin, 2007.

[3] Mai hoa kỳ 1 của tác giả Tô Thức. Phần dịch nghĩa tham khảo tại thivien.net:

Xuân đến nơi hẻm núi thâm u, nước chảy róc rách

Thấy hoa mai rụng trong đám cỏ gai

Một đêm gió xuân thổi mạnh muốn nứt đá

Một nửa hoa theo tuyết bay đến chốn quan san.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout