Mặt trời đã lên gần giữa đỉnh đầu.

Con đường dẫn từ đồng Cần Đu sang cống Đọ vừa mới đổ đá dăm hôm qua đã khiến bà cụ Nhiêu phải rẽ sang lối tắt qua trạm bơm xã. Đường xa hơn, gánh trúm1 trên vai bà bỗng trở nên nặng trĩu. 

Trời mới mưa xong lại bị chiếc xe cup của thằng Bương cày xới mấy hôm nay con đường làng gồ lên những đường sống trâu trơn tuột. Bà cụ Nhiêu hai tay bám chặt lấy quang gánh, những xâu trúm được xếp rất khéo như muốn trèo lên đầu lên cổ bà mà ngồi. Chúng đung đưa, lúc lắc, cọ vào nhau lạo xạo. Cụ Nhiêu khom cả người xuống dò dẫm dưới vũng nước bùn ngập ngụa. Thế mà về đến cổng nhà, phải đổi vai tất cả hơn chục lần.

Bà đẩy mạnh cái cổng tre đi vào, mùi cơm vừa chín tới bay ra từ bếp làm bà nhẹ nhõm. Ở cuối hè, một đống nan tre, ống giang nằm ngổn ngang bên cạnh đó là những vụn tre màu trắng, xốp như bông. 

Bà đặt quang gánh xuống rồi tháo khăn buộc đầu ra lau mồ hôi. Đoạn bà nhổ bã trầu đã nhạt vào gốc chuối cạnh đó, thở một hơi thật dài.

Ông cụ Nơm từ trong buồng đi ra, tay ôm một mớ nan công2. Những chiếc nan được vót từ tre già, chặt chéo nhọn một đầu dùng làm xương sống định hình cho những chiếc trúm sắp đan. Ông cụ mới ốm một trận kịch liệt vì bệnh hở van tim ba lá và chứng cao huyết áp. Nằm liệt trên giường hơn một tháng mới nhúc nhắc dậy được. Nhưng nom nước da của cụ xanh bủng xanh beo như màu của cật tre3 vừa phơi qua nắng tái. 

“Chỗ nan công ông vót phải đan đến hết năm sau, đừng vót nữa.”

Bà cụ Nhiêu cự nự nhìn chồng, và bà thấy ánh mắt ông đặt lên gánh trúm, sự tuyệt vọng dâng lên rất rõ ràng. Màu da tái của ông như thẫm hơn bình thường.

“Hôm nay cánh bên Gẩu không sang à?”

“Không.”

Bà toan đứng dậy đi ra chỗ giếng khơi múc nước rửa chân, trả lời ông cụ bằng giọng cụt lủn. Nước mát xối xuống chân, táp lên gò má dăn deo làm dịu đi cơn mệt lả. Nhưng rồi nhìn thấy gánh trúm nằm chơ vơ ở góc sân nỗi buồn tủi lại ập tới làm bà muốn ứa nước mắt.

“Ăn cơm thôi bà ơi, nay có cả diếc kho sung ủ trấu.”

Tiếng bát đũa lách cách vang lên. Bà Cụ Nhiêu cất gàu, nói với ông cụ:

“Ờ, ông để phần cho thằng Nam bộ trứng. Tôi đi cất trúm vào bếp không tí mưa thì khổ.”

Bà cụ xách một bên tay một xâu trúm để bên cạnh cái xe đạp Thống Nhất đã hỏng rồi khép cửa lại đi lên nhà trên. Căn bếp lợp ngói liệt nằm im lìm dưới tán dẻ vàng. Mới vừa chớm hè, nắng đã gay gắt và ngột ngạt như sắp bước vào mùa bão. Trên cành cây móng rồng trước sân, đàn sẻ thu mình trong bóng râm thi thoảng sà xuống nhặt những hạt thóc còn sót lại trong những kẽ gạch sần sùi rồi chúng giật mình bay tán loạn vì tiếng nẹt bô của chiếc xe máy cup vừa dừng trước ngõ.

Cửa bếp bật tung, ánh nắng chói lòa chiếu đột ngột vào gian bếp tối. Ba bốn đứa con trai mặt mũi hớn hở, nhễ nhại mồ hôi hò nhau khiêng vào một cái thùng lớn. Nam đi phía sau, tay ôm một đống gậy tre dài đến hơn một mét.

“Dẹp mấy cái thúng kia ra, rồi để vào đó cho tao!”

Mấy đứa cung cúc nghe lời, chúng nó nhỏ hơn Nam vài tuổi nhưng đều bỏ học lêu lổng hai năm nay. Nam còn đi học nhưng bữa đực bữa cái, từ ngày giao du với đám này nhà trường đã dọa đuổi học mấy lần.

Nghe tiếng cháu, bà cụ Nhiêu vội buông bát chạy xuống bếp. Bà vốn định giấu ông chuyện thằng Nam buôn kích điện ở ngoài chợ, nhưng cái thằng cháu ương bướng của bà lại mang hết về đây cất. Bà kéo áo Nam nhằm tránh một cuộc xung đột giữa hai ông cháu, miệng xùy xùy như người ta lùa gà:

“Đi! Mang hết sang nhà thằng Bương để. Ông mà biết của mày, ông đốt hết.”

“Cháu chả sợ!”

Nam trả lời ngang xương. Bà cụ Nhiêu lo đến bầm ruột bầm gan, cố van nài:

“Nào mày nghe bà lần này… Ông biết thì to chuyện đấy cháu ơi!”

“Trước sau gì ông cũng biết, mà cháu nói bà đừng có gánh trúm lên chợ Giàu nữa, đi bộ gần năm cây số chứ ít gì. Nay bà cứ ở nhà, cháu bán một cái kích điện bằng trăm trúm của bà.”

“Bà chưa đến lúc mày phải nuôi. Mày ngoan ngoãn, nghe lời thì bà gánh trúm sang tận Bỉm Sơn, Ninh Bình cũng được… Nào Bương ơi, mang sang nhà cháu để không thì ông Nơm ông ấy đốt hết đấy.”

Thằng Bương gãi đầu ngần ngại nhìn Nam chờ lệnh. Nam lườm nó, con mắt như có dao.

“Cứ mang vào bếp cho tao rồi phủ rơm lên. Hôm nay bán được năm cái, tao chia cho mỗi đứa năm chục.”

Nam móc từ túi áo ra một cái ví bằng mây ông nội đan cho. Nó giữ lại đúng năm chục còn đâu là chia hết cho bạn, dù bản thân phải bỏ công sức lên tận thị trấn mua ắc quy rồi một mình hì hục nghiên cứu, nối dây suốt cả tuần qua.

Bọn trẻ vui sướng nhận tiền, líu ríu chào bà Nhiêu rồi ra về. Đúng lúc ấy thì có tiếng guốc gỗ của ông Nơm lẹp kẹp vang lên.

“Bà cháu nhà mày làm gì mà không lên ăn cơm?”

Bà Nhiêu quay lưng lại thò chân đá cánh cửa bếp phốc một cái ngượng nghịu cười:

“Lên ngay đây, tôi lấy thêm cá cho thằng Nam.”

“Lấy thêm cá thế cá đâu, thôi để tôi…”

Ông cụ toan vào bếp, nhưng bà cụ nhanh chân đứng chắn trước cửa làm ông suýt thì va phải người bà.

“Để tôi lấy, ông cứ lên nhà đi.”

“Bà cháu nhà này…”

Ông cụ chắp tay sau lưng, ngước đôi mắt sáng và sâu hết nhìn bà cụ Nhiêu vẻ dò xét rồi nhìn sang thằng cháu mặt đen như đít nồi gang cứ dán chặt mắt vào cánh cửa bếp. 

“Nào bà tránh ra!”

Vừa trải qua cơn ốm nặng, dáng đi còn liêu xiêu nhưng sự nghi ngờ đã cho ông thêm sức mạnh. Ông gạt đám rơm ra, mắt tối sầm khi thấy thùng ắc quy đủ các kích cỡ bốc mùi khen khét.

“Mày lại định làm cái trò gì hở Nam?”

Nam xoa hai gò má lấm tấm mụn trứng cá, trước cơn giận của ông nó vừa sợ lại vừa thấy ấm ức. Nó bặm môi trả lời:

“Cháu làm kích điện4 bán.”

“Tiên sư mày…”

Ông cụ giơ tay lên định nạt cháu, nhưng chợt ông phát hiện ra thằng cháu mồ côi lớn lên từ những xâu trúm ông đan đã cao hơn ông cả cái đầu. Bàn tay đen sạm, héo queo của ông run run đột ngột dừng lại giữa không trung.

“Ai bảo mày làm mấy thứ này hả?”

“Chẳng cần ai bảo, cháu nhìn qua là làm được ngay.”

“Học cái tốt không học, cả ngày đàn đúm với mấy đứa nghịch ngợm… Mày mang đi đâu thì mang không thì tao ném hết xuống ao.”

“Ấy, chỗ đó hết mấy trăm bạc, cứ từ từ rồi tôi tính.”

Bà cụ Nhiêu buột mồm. Tức khắc ông cụ Nơm quắc mắt nhìn bà, miệng rít lên:

“Nó lấy đâu ra tiền mà mua thứ ấy? Là bà nối giáo cho nó phỏng?”

Nam đẩy vai bà nội ra sau, cúi mặt nói:

“Cháu nói dối bà phải nộp tiền học thêm kỳ hai.”

“Ôi trời cao đất dày ơi! Bà cháu nhà bà có để cho tôi sống nữa không? Tiền đó là để cho nó học đại học…”

“Cháu không học đại học đâu, hết cấp ba cháu nghỉ vào trường nghề.”

Tiếng Nam rành rọt nhưng nhọn hoắt như mũi dao cứa vào tim ông. Ông cụ Nhiêu lảo đảo ngồi xuống bậc hè, đầu rũ ra như tàu lá héo. Bà cụ vội vàng đỡ tay ông, nhưng ông quay ngoắt mặt đi. Nước mắt và những cơn mệt hoang hoải cùng lúc dâng lên che kín mi mắt bà. Bà ngồi thụp xuống bên cạnh ông, hai vai mỏng dính, gầy so nhô lên giống một khối u đã thoái hóa trở thành một phần máu thịt. Cũng như nỗi đau khổ ông bà đã nếm trải suốt mười sáu năm qua, kể từ lúc bố mẹ Nam qua đời khi chiếc công nông chở cát của hai người gặp cơn lũ quét đột ngột. Nửa tháng sau mới tìm thấy xác con, lúc đó đã chẳng còn nguyên hình hài dáng vẻ mà ông bà đã yêu thương nữa. 

Từ những chiếc trúm nan, từ rá lạc, thúng lúa, từ những con cá, rổ cua, từ những mớ tép kéo te mỗi sáng sớm, ông bà đã sống cơ khổ, chắt chiu vô cùng để dành dụm cho cháu. Họ tâm niệm rằng chỉ có vào đại học, có bằng cấp trong tay mới có thể thoát ly khỏi cái nghèo, cái đói, mới không lặp lại nỗi đau nghiệt ngã mà ông bà đã phải chịu. Nhưng Nam không ham học như bố mình, bài vở trên lớp chỉ xem qua loa đối phó. Lời răn dạy của thầy cô nó cũng bỏ ngoài tai. Tất cả thời gian và sức lực của cái tuổi đáng lẽ ra phải miệt mài học hành thì nó lại đổ cả vào mấy thứ linh tinh. 

Tường nhà chi chít những hình vẽ được phác bằng than. Trên bàn học, sách vở bị dẹp sang một bên thay vào đó là những vật gì đó có hình dạng lồi lõm kỳ cục mà nó nặn trong lúc đi giữ trâu rồi lang thang khắp xóm chực chờ nhà ai đốt lò gạch là xin một góc cầu lò đặt mấy thứ đó để nung lên. Ống giang, mây song, tre nứa để ông Nơm đan lát nó cũng không tha. Nó róc tất, vót thành que tròn, dùng mây buộc lại với nhau, đan thêm mấy tấm phên thành cái chuồng nho nhỏ rồi lôi cổ mẹ con nhà chó mực vào đó ở cho bằng được. 

Lớn lên một chút, nó mày mò tháo tung cái đài cát xét của ông Nơm ra hoặc úp ngược cái tivi xuống, cắt đứt phích cắm chỉ để xem xem người ta truyền hình ảnh bằng cách nào. Dạo này nó lại kiếm đâu ra dây điện và mấy cái bảng gỗ suốt ngày kỳ cạch đóng đóng, khoan khoan làm mạch điện ba pha.

Nam ngày càng lớn lên, còn ông bà thì ngày càng già đi. Bố mẹ nuôi con đã khó, ông bà thay con nuôi cháu còn khổ sở gấp trăm nghìn lần. Suy nghĩ già cỗi của Ông Nơm không theo kịp được hệ tư tưởng mới mẻ của cháu mình còn bà Nhiêu thì từ lâu đã không còn có thể dỗ dành nó bằng dăm ba lời nịnh nọt, yêu thương nữa. 

Thằng Nam nhìn ông bà định lặng lẽ quay đi, nhưng nghĩ thế nào nó lại đứng lại. Cái mặt vuông vức với cặp môi mỏng hơi trề ra, nó nói:

“Cháu chán học lắm ông ơi! Dù đang khỏe mạnh, nhưng cứ nhìn vào số má cháu lại chóng mặt, người ngợm bủn rủn. Tay cháu có thể vẽ cả bản đồ Việt Nam ta nhưng viết được cái mở bài môn văn là tay lại mỏi rã ra như muốn liệt. Cháu có thể ngồi xem ông đan trúm cả ngày nhưng nhìn lên bảng vài phút thôi là cơn buồn ngủ kéo đến. Làm sao cháu có thể trở sinh viên đại học rồi giáo sư tiến sĩ khi học tập với cháu là một cực hình hở ông?”

Đang buồn là thế mà nghe cháu nói, bà Nhiêu cũng phải phì cười. Xưa nay người ta quý trọng sách vở, kiến thức chứ chưa thấy ai mà khốn khổ với sách với vở như thế bao giờ. Nhưng có lẽ cũng bởi vì bà dễ dàng bày tỏ yêu thương, dễ dàng tha thứ mà ông Nơm hay cằn nhằn rằng tại bà chiều nên nó mới đổ đốn ra như thế. Bà thu lại nét cười, giả bộ dọa nạt cháu:

“Dù là vậy thì vẫn phải cố gắng, mày xem nhà trường gửi giấy về mấy lần rồi? Mang hết sang nhà thằng Bương để cho bà!”

“Mang đi đâu? Để đó sáng mai tôi chở tất ra hiệu sửa xe của chú Kế, bán được đồng nào thì bán.”

Nghe ông Nơm nói, Nam giãy nảy lên:

“Ối ông ơi, của cháu cơ mà!”

Ông Nhiêu đứng vụt dậy, mắt nổi lửa giận:

“Dù cho mày không chịu học hành thì cũng không làm thứ này được.” 

“Sao cháu lại không được? Ông cũng đan trúm, đan nơm suốt còn gì. Cái kích điện với cái trúm, cái nơm ông đan có khác gì nhau?”

Thế là ông sồng sộc đi vào bếp, tháo xâu trúm ế, lôi ra một cái trúm nan hình như cái lọ hoa. Tiện thể ông với cuộn lưới bén5, ôm luôn cái dậm6, cái te7 kéo tép để dưới gầm chạn quăng tất cả ra sân:

“Khác ở đây này…”

Ông chỉ vào từng thứ và nói:

“Trúm để đổ lươn, đổ chạch. Te để kéo tép, dậm. Vó, lưới để bắt cá. Với mỗi loại động vật, người ta dùng một thứ khác nhau. Để làm gì? Để không tận diệt đấy! Người ta bắt con to để ăn, còn con nhỏ tiếp tục lớn lên, sinh sản. Năm này qua năm khác, đời ông rồi đến đời con cá tôm sinh sôi nảy nở nuôi sống con người. Còn kích điện của mày đánh nhanh, bắt gọn nhưng cá lớn, cá bé chết sạch, mà bọn đánh kích chỉ hớt con to. Tôm tép, cá lòng đong, rắn nước chết nổi phập phều chúng nó không buồn vớt. Từ ngày bọn mày du nhập kích điện về, đi xuống mạn đồng Ao Bồng, Dài Ứng, Tư Vơn ở đâu cũng có cá, tôm chết trắng, bốc mùi khăm khẳm. Nữa là mấy thứ này có thể giết chết được người đấy có biết không?”

Thằng Nam không cãi lại ông dù trong đầu nó có hàng tá những lý do để giải thích. Nó ghét phải nhìn thấy cảnh bà nội gánh trúm đi hơn năm cây số chỉ để đổi lấy mấy đồng bạc lẻ. 

Nó ghét phải nhìn thấy ông nội ngồi họp phụ huynh cho nó mà đầu cúi gằm, mặt đỏ sần, hai tay bấu chặt vào nhau khi nghe cô giáo đọc tên những học sinh còn thiếu tiền học. Để rồi sau mỗi buổi họp đó, bữa cơm chỉ có nồi cá lòng đong8 kho dưa muối mặn chát và bát canh nấu rau tập tàng9 trong veo vẻo như nước giếng khơi.

 Ban ngày ông bà ra đồng chở gạch thuê cho người ta, tối về lại chong đèn cặm cụi vót nan, đan trúm cho đến tận gà gáy. Nó biết có những năm hạn hán, mất mùa lúa, mùa cá, mấy tháng trời ông bà chỉ ăn cà muối trường10 nhưng bát cơm của nó bao giờ cũng có thêm quả trứng, mấy cục tóp mỡ hay một vài miếng chả thái mỏng như nan tre.  Mùa đông nó được đi tất Đông Xuân, mặc áo nhung tím than chần bông êm mượt. Nhưng kể cả mặc chiếc áo đó rồi lèn bên trong mấy bận áo nữa, Nam vẫn lòng mình buốt lạnh khi thấy bà nó lầm lũi, co ro trong manh áo gụ chỉ còn gài được ba cúc trên cùng. Dưới cơn mưa phùn, bà đi như chạy trên đôi chân trần nứt toác. Còn thứ bà đang gánh không còn là những xâu trúm nan nữa mà là cả cuộc đời và cả tương lai dài rộng của nó. Rõ ràng nó hiểu ông bà thương nó còn hơn thương chính bản thân mình nhưng chẳng biết tự bao giờ mà trên vai của nó đã tồn tại một “gánh nặng vô hình” từ chính sự hy sinh bằng trời bằng bể của ông bà.

Mười sáu tuổi, Nam đã cao chạm cửa bếp. Tay chân nó dài ngoẵng, người nâu bóng như màu trúm hun. Cái rét mướt của mùa đông, cái nắng oi ả của của những trưa hè hay vài ba cơn sốt vặt không thể khiến ốm gục được nữa. Nó đã có thể đẩy xe thồ lúa ông đắp cao gần lút cọc tre chạy băng băng từ ruộng Ao Bồng về tới nhà mà chẳng xi nhê. Gánh trúm của bà, nó còn móc thêm hai đầu mấy giỏ tép tươi hay chục bắp cải đi bán mà vẫn như không. Gánh từ nhà lên chợ Giàu nó đi liền một mạch, chỉ đổi vai đúng năm lần! 

Nó cảm thấy hiện tại bản thân đã có thể lãnh lấy phần việc chăm sóc ông bà, tự mình chịu trách nhiệm với tương lai của chính nó. Nhưng lạ lùng, khái niệm thời gian với ông bà dường như khác với nó. Dù nó lớn thế nào, trong mắt họ nó vẫn chỉ là một đứa trẻ bé bỏng còn trong trứng nước cần được hy sinh và bao bọc.

 Nỗi buồn thảm bắt nguồn từ những tổn thương từ tuổi thơ và tính tự ái trẻ con khiến Nam coi sự im lặng đó như một thứ vũ khí để bày tỏ lập trường của mình mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Và lần này cũng vậy. Nó cởi cái mũ phớt bàng bạc trên đầu rồi nhét vào cặp, không nói với ông bà thêm câu nào, nó đã kết thúc cuộc tranh luận với ông bằng sự im lặng gan góc và sự tủi thân chỉ mình nó hay biết.

Lúc đi lên nhà, Nam nhìn thấy mâm cơm lạnh tanh chỉ mới vừa so đũa. Bên cạnh chỗ bà ngồi là chiếc khăn xô buộc đầu màu huyết dụ nổi những đường vân đậm nhạt. Đó là vệt mồ hôi khô đọng lại sau những vụ mùa, sau những đêm bà thức thâu đêm đan trúm. Mồ hôi thấm sâu vào từng sợi vải uốn lượn như gấm như hoa, như con đường đời gian truân, nghiệt ngã mà ông bà nó đã phải đi suốt cả cuộc đời. Mắt nó bỗng cay xè, lồng ngực tê tái. Cơn buồn tủi ẩn náu trong từng tế bào phóng vào trái tim nó những đòn xâm kích tàn bạo. Nó bặm môi, nghiến chặt xương hàm cố gắng kìm lại tiếng nức nở nghẹn ngào bật ra từ cổ họng.



Sau cơn mưa rào lúc chiều tối, trời đêm lại chi chít sao. Trên vòm lá cây còn ẩm ướt hơi nước ánh trăng mờ ảo chảy tràn vào gian bếp tối. Gió mát lành lạnh thổi qua chấn song cửa sổ khiến không gian trở nên dễ chịu và khoan khoái. Nằm ở đây nhưng có thể nghe tiếng ếch nhái, chẫu chuộc11 kêu râm ran ngoài đồng, tiếng người bì bõm lội ở những con mương quanh làng úp nơm kiếm con chuối con trê. 

Mỗi năm có hai bận vui như thế. Đó là khi mới qua giêng, lúa đương thì trổ bông, dưới những gốc lúa còn xanh cá rô, cá diếc quẫy đuôi bơi đen cả nước. Ở hai bên bờ ruộng cua mới lột xác đào hang đổ mà12 nhan nhản. Một bận nữa là lúc sau vụ chiêm người ta tháo nước trên ruộng để kịp cấy vụ mùa. Cá theo dòng di chuyển ra những con mương cạn. Mưa rào ngắt quãng từng cơn, cứ sau mưa ếch nhái lại nhảy lao xao như châu chấu ở dưới Bãi Dài. Cả cánh chuyên nghề vó lưới lẫn người dân đều đổ ra đồng, đi bắt “lộc trời” vui như trẩy hội. 

Những ngày vui như thế điện nhà ông bà Nơm không bao giờ tắt, người ta đặt lờ bóng, lờ rô, trúm nan, giỏ, te… làm không hết việc. Gian bếp chật ních những xâu trúm, những gọng te buộc gọn và cơ man nào là các loại lờ13. Đầu sáng, cánh buôn bên Gẩu đánh công nông sang tận nhà ông bà bốc hàng, còn đặt cọc tiền cho chuyến lần sau.

Nhưng dần dần sự thay đổi khí hậu và việc sử dụng nhiều các loại thuốc trừ sâu đã làm nguồn tôm cá cạn kiệt. Người ta không thể trông chờ vào “lộc trời” nữa khi bán giỏ tôm, rổ tép không mua nổi mấy lạng thịt hay cái áo cho con cái. Thanh niên làng ngược vào tận trong Nam làm thuê kiếm sống, để lại làng cho ông bà già lũ trẻ con với những cánh đồng bạc trắng vì hạn.

Nghề đan lát cũng vì thế mà dần bị thu hẹp lại. Làng Đông trước đây có đến năm sáu mươi nhà làm nghề, bây giờ ngoài gia đình cụ Nơm thì chỉ còn một hai nhà nữa là còn bám trụ. Nhưng hàng làm xong phải gánh lên tận chợ Giàu, chợ Lèn có khi còn phải ngược sang tận bên chợ Gẩu.

Trong gian bếp nhà cụ Nơm những câu chuyện về một thời nhộn nhịp ấy đã thành dĩ vãng. Thứ dĩ vãng hạnh phúc mà tất cả mọi người đều tưởng nhớ nó như một cách để an ủi bản thân trước hiện thực đáng buồn. 

Cánh cửa ngách mở ra he hé. Hai bóng người chui vào bếp tháo dây nhợ rồi bỏ cái ắc quy đã sạc no điện vào balo (chắc là chế từ cặp sách) rồi đeo lên vai. Lưng thằng Bương khẽ trùng xuống, miệng nó rên rỉ:

“Nặng muốn thấy ông bà ông vải luôn rồi.”

Nam xách thùng vỗ vai nó động viên:

“Hôm nay ra thử coi cường độ dòng điện thế là ổn chưa. Với cả cá theo dòng xuống mương Ao Cảnh nhiều lắm. Mai tao với mày mang ra chợ bán kiểu gì cũng mua được cái bút máy với cặp sách cho em gái mày.”

Nam nhẹ nhàng khép cửa lại rồi bóng nó mất hút trong những vòm lá vừa lạnh sương đêm. Căn bếp rơi vào màn đêm im lìm, tĩnh lặng đến đáng sợ.



Mới ba giờ sáng. Bầu trời đen thẫm, sương vây như khói. Tiếng gào khóc ầm ĩ bên nhà thằng Bương làm mọi người xung quanh choàng tỉnh. Ông bà Nơm khoác vội manh áo, đi ra ngoài cổng. Bên kia con mương cạn, dưới ánh sáng từ chiếc bóng đèn vừa được treo lên cây sào, sân nhà thằng Bương lố nhố người. Ông cụ không kịp xỏ dép, bước đi vội vã. Tiếng trống ngực đập dồn dập vọng lên tận đỉnh đầu khiến mắt ống tối sầm như vừa va phải một bức tường. Bà Nhiêu vịn tay ông cụ nín thở chạy băng sương dưới nền trời còn âm ẩm tối. Rõ ràng là đang tỉnh táo mà bà tưởng như mình đang đi trên không, lênh đênh trên thứ cảm giác sợ hãi, ghê rợn đến cùng cực đã in hằn trong tâm trí bà suốt mười sáu năm qua.

Và tất cả thế giới như sụp đổ một lần nữa khi ông bà trông thấy ở giữa sân, bố mẹ thằng Bương phủ phục khóc ngất bên cạnh cơ thể co quắp, xám xịt của đứa con trai. Kề đó, Nam nằm bất động trên nền sân còn ướt đẫm sương, cả người dính đầy những bùn những đất. Cái áo nó mặc đã bục chỉ ở hông, ngắn treo so với chiều cao của một thiếu niên mười sáu, bị kéo cao tới ngang ngực lộ ra một khoảng da thịt tím bầm.

“Ôi cháu tôi! Ôi Nam ơi!”

Tiếng thét thê thảm như vọng ra từ ký ức hãi hùng, từ vết thương vừa bật máu lay động cả không gian bao la lạnh ngắt.


Gió mát hây hẩy, khắp những bờ ruộng ánh đèn pin xé tan bóng tối xuyên vào nhau như những tia laze khổng lồ. Nam chưa vội kích ngay, nó muốn đi xuống Bãi Dài trước. Mới mưa xong cả bãi cỏ ngập trong nước mát, nhái đồng, ễnh ương nhiều vô kể. Loại thức ăn trước đây chỉ bắt cho gà vịt bây giờ đã trở thành đặc sản ở các quán bia xung quanh cầu Nước Xanh. Họ gọi đó bằng một cái tên mỹ miều hơn: “Vũ nữ chân dài”. Nam đã hỏi thăm chủ quán, một cân nhái bén nhái bầu bán được tám nghìn, ếch đồng thì cỡ mười một mười hai nghìn. So với cá cua được giá gấp đôi. Nhưng thằng Bương không chịu. Nó bị cuốn hút bởi đàn cá chuối, cá chép ẩn mình dưới những bụi cỏ năn ống ngoi lên hít thở sau cơn mưa. Con nào con nấy béo tròn, tươi xanh. Mẹ nó ốm lâu ngày, mấy hôm nay chỉ ước được bát cháo cá bỏ thật nhiều mùi tàu với tiêu xay.

Bởi vậy mà hai đứa chia nhau ra, một đứa xuống Bãi Dài, một đứa ngược về mương Ao Cảnh.

Được đầy giỏ nhái Nam quay lại tìm bạn thì thấy thằng Bương đã bị điện giật từ lúc nào. Nó nằm ngửa mặt dưới mương, trên tay còn nắm chặt một cá chuối hoa đang há miệng ngáp. Sợi dây điện mua lại của bà đồng nát vắt ngang qua bắp chân Thằng Bương lộ ra lõi đồng màu vàng nâu. Trong sách kỹ thuật của Nam hình như cũng có bài giảng về cách xử lý khi bị điện giật nhưng nó không tài nào nhớ được cách thức từng bước ra làm sao. Trong lúc hoảng loạn Nam chỉ kịp hô hoán rồi nhảy đến để cứu bạn lên. Vừa chạm vào chân bạn, hai con mắt đỏ ngầu trên chiếc ắc quy khét lẹt chớp sáng biến thành vầng lửa chói lòa, hút lấy thằng Nam vào trong đó.

Vụ tai nạn thương tâm ấy làm thằng Bương mất mạng. Nam may mắn được cứu sống nhưng bị bỏng nặng ở tay, một chân bị bỏng màng xương, hoại tử phải tháo hẳn khớp gối.


Dậy đi! Dậy đi Nam ơi!”

Trở về nhà sau gần một năm nằm viện, cái giường của Nam được ông nó kê lại gần cửa sổ. Bên ngoài là mảnh vườn nhỏ trồng na, dong riềng và chuối hột. Cây na già dễ đến hai mấy năm tuổi sau một trận bão bật gốc bị xô nghiêng. Cành cây la đà xả ngang qua cửa sổ. Lũ gà nhảy lên đó đứng rỉa lông, giương đôi mắt tròn như hai viên bi lửa nhìn trân trân vào bên trong cửa sổ. 

Nam túm lấy song cửa từ từ ngồi dậy. Nước rửa mặt đã để sẵn trên đôn, trên thành chậu vắt cái khăn xoa xẻ ra từ một chiếc áo nào đó. Ống bô để nhổ và đi vệ sinh đặt dưới gầm giường. Các túi thuốc to nhỏ, bát nước muối ấm với những cuộn băng gạc được cho vào một cái rổ nan sạch để trên bệ cửa sổ, bên cạnh là vai ba cuốn vở ô ly và một cái bút chì.

“Để ông đẩy cháu ra hè, nay có nắng ấm lắm!”

“Vâng.”

Nam nhấc cái chân duy nhất xuống giường rồi với lấy đôi nạng được ông nội đẽo bằng gỗ xà cừ. Nó trơn láng chuyển sang màu nâu trầm vì mồ hôi của những ngày vất vả tập vật lý trị liệu. Nam nhắc từng bước một, mặt nó rúm lại vì đau. Nó đã không nói cho ông bà biết cái đầu gối cụt đang hoại tử trở lại. Hôm qua lúc thay băng, quanh vết thương nổi lên một vùng đỏ tấy, còn miệng thì chảy ra một thứ nước vàng nhờ nhờ phảng mùi tanh hôi. Rồi cái chân lành lặn còn lại bắt đầu bị co cơ, dọc từ gân gót chân tới háng liên tục cắn rút. Với tình trạng như thế chỉ trưa nay thôi Nam sẽ lên cơn sốt cao rồi bắt đầu co giật. Ông nội sẽ ôm chặt lấy nó bằng đôi tay gầy khô chỉ còn da bọc xương. Bà sẽ vừa giữ hai chân nó vừa khóc. Có lần bà đi chợ, nhà chỉ có mình ông, lúc nó co giật hất ông ngã nhào xuống giường, đầu đập vào cạnh bàn máu chảy lòa cả gương mặt hốc hác.

Nắng mùa đông yếu ớt chỉ lấp ló được trên vòm lá cây dẻ. Nam ra được tới hè, dựng nạng vào góc tường khó nhọc ngồi xuống.

“Ông ơi!”

Nam gọi.

“Ông đây! Chờ ông một lát!”

Tiếng dao thớt ngừng lại rồi lại có tiếng cạo muối xoạt xoạt trong bồ. Có lẽ ông đang làm món muối sườn dành riêng cho nó? Đó là thứ xương sườn đã róc sạch thịt được dần bằng sống dao cho mềm rồi được băm nhỏ rang với muối hạt. Mà dù có băm nhỏ cách mấy thì lúc ăn chỉ xít lấy nước mặn rồi nhả bã bởi xương cứng không sao nhai được. Từ khi nó bị điện giật tới giờ, bữa cơm của ông bà còn không có cá lòng đong, chỉ độc bát củ cải thái con cờ kho với mắm.

“Cần ông dẫn cháu ra đầu làng không? Tụi con nít đang đá bóng ngoài đó vui lắm.”

Ông chùi hai tay vào vạt áo, cười với Nam. Nụ cười héo hon, mệt mỏi và đang gắng gượng để không sụp đổ.

“Cháu không đi đâu. Ông ra chợ Cầu Lạt mua cho cháu hai nghìn bánh cuốn với nhiều hành phi. Cháu chỉ thèm mỗi thế.”

“Ừ, ông đi liền. Chờ ông nhé! Ở nhà buồn thì bật đài lên nghe, mười giờ là có “Cửa sổ tình yêu” đấy.”

Bóng ông vượt qua vườn cải sắp tàn và khuất lấp sau bức tường hoa. Nắng đông yếu ớt đã phải chịu khuất phục bởi những đám mây vừa dày vừa đen. Nam nhìn qua bên kia con mương, nhà thằng Bương vắng queo vắng quắt.

Không ai trách cứ Nam nửa câu dù chính nó là đứa đầu têu rủ rê chúng bạn làm kích điện. Nhưng có lần ngồi ở đầu hè, nó nhìn thấy con em gái thằng Bương trèo lên hái quả sung và hoa dẻ. Nó mới buột miệng bảo:

“Biên xuống đi, anh lấy cho cái vợt mà giật. Biên trèo cao vậy nhỡ ngã thì chết.”

Con bé không trả lời nhưng trong đôi mắt u buồn của nó Nam thấy nó như muốn nói:

“Trời ơi! Kẻ giết người mà còn lên mặt dạy dỗ người ta.”

Thằng Nam lại vịn đôi nạng, đi tập tễnh xuống bếp. Căn bếp đã gắn liền với cuộc đời mười bảy tuổi của nó bây giờ sao thấy lạ lùng. Không còn mùi nứa, mùi tre, mùi rơm rạ nữa. Nam lướt qua mấy xâu trúm nan, bụi phủ lên từng nếp, một vài cái đã bị chuột gặm hỏng miệng. Nó đi đến cái chạn bát, mở tủ lấy ra một đoạn dây thừng còn dính đất. Sợi dây này vốn dùng để xâu qua mũi con trâu, nhưng ông bà đã phải bán đi để lấy tiền lo chạy chữa cho nó. Con trâu đã mất, tiền để dành học đại học cho nó cũng đã mất, sự an yên tuổi già của ông bà nó cũng đã mất. Chỉ còn mình nó ở lại trong hình dạng tật nguyền, vô dụng và xấu xa.

Nó tìm cái ghế đẩu. Ở đâu rồi nhỉ? Có rất nhiều đồ dùng trong nhà như cái ti vi, đôi câu đối, cặp lư hương, chiếc khăn nhiễu tam giang bằng lụa Vạn Phúc của bà… đã biến mất sau vụ tai nạn của nó. Nam thôi không tìm ghế nữa. Nó vần bồ muối qua. Muối mới đổi, đầy xâm xấp quanh miệng chắc không kém gì cái ghế đẩu. Nhưng khi nó ngửa cổ nhìn lên thấy xà nhà còn cao quá. Nam nghĩ một lát và lôi cái xe đạp Thống Nhất ra dựng sát bồ muối. Nó ôm lấy cột nhà, dùng hết sức lực để bò lên. 

Chiếc xe đạp chòng chành.

 Nam run rẩy.

Một tay cầm đoạn dây thừng, Nam gắng đứng dậy bằng một chân trên cái gác ba ga, nhưng cơ thể không còn toàn vẹn đang lao chao tìm mọi cách chống lại. Cơn đau từ đầu gối rực lên khiến nó xây xẩm mặt mày. Nam thấy mình như đang đứng trên một sợi dây điện mỏng manh và đầu bên kia là vô vàn những bộ xương cá đang quẫy đuôi bơi về phía nó. 

Nó không mơ thấy thằng Bương hay bố mẹ bao giờ dù cho nỗi ăn năn, hối hận còn nhiều hơn cả máu trong huyết quản. Nó định bấu víu vào giấc mơ, dẫu là huyễn hoặc, để giải bày, để nhớ thương, để xin lỗi. Nhưng ngay cả giấc mơ cũng trở nên đắt đỏ với nó. Và cái chết chỉ là phương án thứ hai.

Nó rướn người ném dây thừng lên xà nhà. Trúng phóc! Sợi dây luồn qua xà gỗ, một đầu rơi thẳng xuống. Nó xòe tay túm lấy, sợi dây kéo nó lên, đong đưa như đu võng. Mình đã chui đầu vào sợi dây chưa nhỉ? Nó nghĩ. Sao chẳng thấy đau đớn hay ngạt thở như đã tưởng tưởng? Phải rồi, cảm giác đó sẽ kết thúc rất nhanh khi con người ta đi vào cõi chết và chỉ có người sống mới đau khổ. Sao cơ? Nó giật thót mình bởi suy nghĩ vừa nảy ra, chỉ có người còn sống mới đau khổ…

Đàn cá vừa nãy đã biến mất, Nam mơ màng trong tiếng khóc lao xao. Những đồ vật đã gắn bó với nó suốt tuổi thơ như có linh khí, vây xung quanh nó với vẻ thất thần hoảng hốt. Nó thấy chiếc nơm dùng để úp cá mếu máo nhảy ra, ôm cuộn sợi dây thừng vào lòng rồi lại nhảy về phía góc bếp. Chiếc bồ muối mà nó vừa vần ra cạnh cái cột khóc ồ lên, kể lể trong nước mắt về những chuyện từ thời nó mới biết bò rồi lẫm chẫm tập đi. Cả chiếc giỏ mất nắp đựng hành tỏi, cái te, và đám trúm nan méo mó đang ra sức đỡ lưng nó cũng sụt sùi nước mắt. Qua cơn mê man chập chờn, Nam như thấy chiếc xe đạp Thống Nhất nhấc chiếc ghi đông gẫy dời ra, gượng mình đứng dậy rồi lấy hết sức bình sinh đâm vào cánh cửa tôn sập sệ. Cánh cửa bật tung bản lề, chiếc xe đạp nằm sóng xoài dưới sân. Trước khi nhắm mắt lại, chiếc xe đã rong ruổi cùng Nam đến trường còn mỉm cười thật dịu dàng với nó.

Hơn mười phút sau ông Nơm đi chợ về. Vừa bước qua vườn cái ông đã thấy cảnh tượng trong bếp. Ông sấp ngửa chạy vào đỡ lấy đầu cháu, miệng lắp bắp:

“Nam ơi! Tỉnh lại đi cháu ơi!”

Thằng Nam quờ quạng xung quanh. Sao ở địa ngục lại có sự xuất hiện của ông nội nó? Không thể nào! Nó run lên bần bật, lồng ngực quặn thắt những sóng gợn chua cay, tiếng ông nội vẳng bên tai nó lại càng rõ ràng hơn.

“Tỉnh lại đi con ơi! Dậy mà ăn bánh cuốn với hành phi! Ông mua cả mía mật, mía Thạch Thành mà con thích đây này!”

“Ông ơi! Ông ơi! Ông đừng chết!”

Nó nức nở trong cơn mơ. Giấc mơ mà nó đã chờ đợi để gặp thằng Bương, chờ đợi sự phán xét từ đấng tối cao. Nhưng ngay cả khi chết rồi, cảm giác tội lỗi và nỗi đau trong tim nó vẫn không hề mất đi mà chỉ thêm chất chồng, thêm cay đắng. 

Lần theo tiếng gọi lặp đi lặp lại như con sóng đập vào tai, thằng Nam chạy đi tìm ông, chạy khỏi cơn hoang hoải trập trùng vây hãm nó bấy lâu nay. Đột nhiên, từ miệng nó truyền lên cơn tê nhói. Nó choàng tỉnh dậy, giấc mơ kết thúc đưa nó trở lại căn bếp thân quen, trong vòng tay của ông nội.

“Cháu có đau ở đâu không?”

Nam lắc đầu, chiếc kim châm cứu ở ngay trên môi nó cũng rung rung theo.

 Ông nội thở dài một hơi, cặp mắt đau đáu lo âu khẽ dịu lại. Ông kéo đứa cháu vào lòng mình rồi rút chiếc khăn mùi xoa trong túi áo ra nhẹ nhàng lau hàng nước mắt chảy đang ngoằn ngoèo trên gò má nó.


Mùi thơm thoang thoảng của thịt băm và gạo Khang Dân14 ninh nhuyễn đánh thức cơn mê man đã kéo dài ba hôm của Nam. Nó mở mắt, thấy mình vẫn đang nằm trên chiếc giường kê cạnh cửa sổ, cái chân đau phiền phức quấn băng trắng xóa vẫn to đùng, xấu xí như mọi khi được đặt lên trên một cái gối. Cánh tay gầy nhẳng nổi gân xanh như rễ cây cắm kim tiêm nối với bịch thuốc treo lủng lẳng trên cái giá. Tâm trí vừa tỉnh táo, bụng nó đã cồn cào bởi những liều kháng sinh nặng và cơn đói vừa mới thành hình, Nam gọi khe khẽ:

“Bà! Bà ơi!”

Bà cụ Nhiêu nghe tiếng cháu, vội dập lửa bếp, chạy lên nhà hỏi dồn dập:

“Cháu có đỡ chưa? Đau ở đây? Ở đây? Hay ở đây?” 

Bà xoa lên đầu, xoa vào vai, vào đùi nó bằng cử chỉ êm dịu như sợ nó đau. Nam lắc đầu trấn an bà, nó nhệch miệng ra cười hy vọng mặt mình nom sẽ tươi tỉnh hơn:

“Bà cho cháu xin một bát cháo mới, da bụng với da lưng cháu dính lại với nhau rồi này!”

“Ờ… Cháo? Cháo hả?”

Ánh mắt bà vụt sáng như có ai đó vừa thắp vào bên trong một ngọn đèn. Bà xiết chặt lấy tay Nam trong lòng bàn tay gầy mỏi. Từ lớp da xù xì ram ráp đó truyền sang một thứ hơi ấm yêu thương quen thuộc xoa dịu đi những cơn đau đang hành hạ nó.

“Cháo thịt băm nấu với gạo mới còn dề nhựa thơm lắm, chờ bà một nhát nhá.”

Nam đáp lại bà bằng cái gật đầu se sẽ. Bà sung sướng quay đi vung vẩy hai tay như lúc đang gánh trúm đi chợ. Nam lấy cái nạng gần đầu giường chọc mạnh vào cánh cửa sổ. Ánh nắng tự do tràn vào bên trong giường của nó, mùi ngai ngái của thuốc và những loại cao bôi xực lên rồi tan biến vào cơn gió hè mát hây hẩy. Ngoài bờ ao khóm tre già vươn mình đu đưa rì rào, lá tre rụng xuống mặt ao phủ lên những đám bèo tím ngắt một lớp màu bột thính rang. Tiếng nước chảy ào ào qua tấm bê tông ngoài cống Vòm vọng vào báo hiệu vụ chiêm vừa xong cũng là lúc những đàn cá theo dòng xuôi xuống những con mương cạn… 


Trời vừa chuyển sang thu. Hơi gió heo may làm tàn than phía dưới đống rơm nhỏ cứ chực chờ bùng lên. Ông Nơm ngồi vót nan trên hè nói to:

“Dìm đầu gậy xuống!”

Nam ghì vai, nắm chắc đầu gậy, lưng cúi khom khom. Chiếc chân còn lại vì phải đảm nhận nhiệm vụ gấp đôi trở nên to bè và giữ thăng bằng rất tốt. Nó phủi bớt tàn tro đậu trên tóc cười với ông.

Bà cụ Nhiêu cầm bó nan quơ quơ trong làn khói đặc, nói thêm vào:

“Rơm già nắng thì dễ bén lửa, để qua giêng đốt khói đặc hơn nhưng không còn thơm nữa. Cháu phải nhớ loại rơm dùng để hun phải là loại rơm phơi được nắng, màu vàng mỡ gà lúc đốt nổi mùi thơm nhẹ. Mà khi hun phải lật qua lật lại đều tay để màu được đều, đẹp.”

Nam dùng bàn chân giữ lấy gậy, ngồi xích lại gần bà ngắm nhìn những chiếc nan đang dần nhuộm sang màu cánh gián mang vẻ đẹp im lặng của thứ gỗ ngày xa xưa.

“Bà cháu nhà mày định hóa vàng hay sao mà hun lâu thế?”

Ông cụ đặt bát nước chè tươi xuống chiếu, lật đật chạy ra sân. Ông lật đám tro lên, rồi lại ép thật chặt xuống.

“Muốn nan đẹp đủ dai nhưng không giòn thì phải hun qua ba bốn khói mới được, đừng nóng vội.”

Nam rút cuốn vở ô ly bên hông ra, hý hoáy ghi lại những lời ông vừa nói. Cuốn vở đã bong bìa, cáu bẩn vì tro than và mồ hôi dày chi chít những hình vẽ trúm, đó, nơm… Nhưng không phải để bắt cá bắt tôm như trước kia nữa, Nam đã biến nó thành những sản phẩm đèn trang trí sáng tạo đẹp mắt. Chính những thứ đó đã thuyết phục ông nội dạy cho nó kỹ thuật hun khói để làm đồ thủ công mỹ nghệ.

“Bà chuẩn bị sang Gẩu đi, đưa tôi!”

Bà cụ quắc mắc nhìn ông, nguýt dài một cái:

“Vâng, nhất ông! Làm như mỗi ông biết hun nan làm trúm.”

Ông cụ cười khà khà, lúc thấy bà cụ thay áo cánh để đi chợ ông lại trêu:

“Nay lễ dạm ngõ của bà phỏng?”

“Vâng, ngày xưa tôi giả lời con trai cụ đồ Khang bên Cách để lấy anh bộ đội vừa nghèo vừa gàn dở nên giờ tôi đi sửa sai!”

Bà cụ cắp cái nón mê vào nách hùng hổ đi ra ngõ. Nắng ngả lên vai bà, hắt xuống vườn rau cải xanh mơn mởn còn lấm tấm sương.

“Ấy, bà chờ cháu mới!”

Nam dập đám rơm bằng đầu gậy, vội vàng thu từng bó nan xếp vào rổ. Một bên ống quần rỗng được thắt nút đơn lủng lẳng như chiếc đồng hồ quả lắc đưa đi đưa lại. Nó định cắt phăng cái ống quần ấy đi cho khỏi vướng nhưng hẵng còn tiếc rẻ ba hơn trăm trúm của bà mới mua được đợt nó được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến” cấp tỉnh. Nó chống nạng đứng dậy, nhấc xâu trúm hun15, đó hun16 màu cánh gián, ba bốn cái lồng đèn đan bằng mây song, một bọc ấm trà, giỏ hoa lên xe ba gác. Hôm nay là chính phiên bên chợ Gẩu, Nam với bà sang mua nguyên liệu mới và hy vọng sẽ có ai đó quan tâm đến những sản phẩm mây tre đan của nó.

“Ông ơi! Thu dọn nốt hộ cháu! Cháu đi đây!”

“Đi đi, để đấy cho ông.”

Ông cụ Nơm xới đống than lên để lửa bắt vào những sợi rơm còn chưa cháy hết. Cuốn vở nhem nhuốc nằm trên chồng gạch vỡ đập vào mắt ông. Ông gượng chiếc lưng đau cúi xuống nhặt nó lên. Nửa năm trước lúc Nam thẽ thọt với ông muốn ông dạy nó cách trúm hun đó hun cuốn vở mới chỉ vẽ được năm sáu trang mà bây giờ đã gần kín hết.

“Làm đồ hun tốn kém và vất vả lắm cháu ạ.”

“Nhưng bán cũng được giá hơn phải không ông? Nếu cứ đan lát theo cách cũ làng ta cũng đến bỏ nghề thôi. Nhưng nếu làm theo cách này…”

Nam nói và ngần ngại đưa cho ông cuốn vở. Ông cụ chẳng lạ gì, mấy lần nó ham chơi bị nhà trường cảnh cáo trong lúc tức giận ông đã định ném hết vào bếp lò. Ông mặc định rằng cuốn vở đó, cùng với những thứ đồ linh tinh trong phòng Nam chính là nguyên nhân khiến nó chểnh mảng việc học hành và ông bài xích, nghi kỵ chúng như phản ứng của phần đông giống loài khi đứng trước sự xuất hiện của một con cừu đen trong bầy đàn.

Ông cẩn trọng lật giở từng trang vở. Trang đầu tiên vẽ cấu tạo của những loại đèn lồng hình cái trúm, đó, nơm. Nam ghi chú rất kỹ loại nào sử dụng bóng đèn gì, công suất cụ thể, dùng bao nhiêu nan, kích thước yêu cầu và màu sắc cần đạt được. Hai trang tiếp theo vẽ các loại bàn ghế bằng tre và mây song, có bàn tròn, bàn vuông, bàn chữ nhật, có khay trà gỗ khảm hoa viền mây bạc, có đĩa lót hình hồ lô, hình trái đào lạ mắt kèm gác chén… Mấy trang còn lại vẽ giỏ đựng kim chỉ, hoa quả, hộp phấn trang điểm, hộp đựng quần áo gắn lò xo dưới đế có thể thu gọn lại hoặc xòe ra theo ý người dùng.

Gấp cuốn vở lại, ông liếc mắt nhìn Nam thấy nó đang đứng nép vào cánh cửa đã ải, hai bàn tay trắng xanh vò vào nhau chờ đợi, một bên ống quần trống rỗng, gấp thành nếp vắt trên bệ gỗ. Ông cụ cúi đầu, rùng mình như phải cơn gió lạnh. Ông lấy tay quệt đi quệt lại hai hốc mắt nhưng giọt nước mắt của niềm xúc động, thương cảm cứ ứa ra chảy nhòe trên gò má đen sạm.


“Ông ơi! Đóng cổng hộ cháu mới!”


Nam vừa nổ máy vừa ngoái lại gọi ông. Chiếc xe kêu xình xịch thở ra một ngụm khói rồi chạy ra ngõ. Nam lái xe đi xuống con đường tắt qua làng Đoài. Lúa sắp chín, đang uốn câu và ngả màu vàng no đủ. Bờ cỏ xanh thẫm lút giữa mảnh ruộng thơm ngát, dập dìu trong gió. Xa xa hàng bạch đàn như những vạch kẻ trắng ngả bóng xuống dòng sông lăn tăn vảy vàng. Nam nhìn thấy nắng rải trên trên tán cây, nhuộm sáng cả một vùng không gian yên ả. Nó kéo vạt áo lau mồ hôi trên trán, mơ màng nghĩ về tương lai, về lý do tại sao những đóa hoa đẹp nhất thường nở rộ trong bùn lầy và cái chết. Về nỗi buồn bi ai như những cánh hoa mong manh tàn rải đều xuống từng kiếp người không chừa một ai… Lòng Nam bâng khuâng chìm trong hồi tưởng của dòng tiên cảm17 nhưng đột nhiên nó nhớ ra phải mua cho cái Biên một tập vở kẻ ngang hiệu Bãi Bằng với một cái bút máy Kim Tinh mà con bé đã dặn nó muốn thủng cả tai rằng nhất định phải là màu đỏ mận mới được. Nam bật cười thành tiếng, nó thì đã chuẩn bị xong từ lúc phượng còn đỏ lập lòe trên vòm lá - một bộ sách giáo khoa lớp mười một và đồ dùng tinh tươm cho năm học mới.


………………………

Chú giải:

1.   Trúm: Đây là loại ngư cụ dùng để bẫy và bắt lươn, chạch, cá nhỏ. Thường được đan bằng tre, nứa (ngày nay có loại làm bằng ống nhựa), đường kính 4 – 6 cm, dài 50 – 80 cm, rỗng ruột. Trúm có hình trụ tròn, hoặc hình như bình hoa. Ở đầu người ta nút bằng rơm hoặc là chuối, phía dưới đan hình phễu hở để lươn, cá chui vào không chui ra được.

2.   Nan công: Là loại nan được vót bằng cật tre già để đan trúm. Thường người ta dùng khoảng 13 chiếc nan công cho một chiếc trúm. Nam công sẽ được lắp vào những chiếc móc sắt được hàn đều nhau trên một cái chõ. Sau đó tiếp tục đan trên chõ cho đến khi định hình được chiếc trúm thì gỡ chõ ra.

3.   Cật tre: Là lớp ngoài cùng của thân cây tre có màu xanh, nhẵn.

4.   Kích điện: hoạt động đánh cá thông qua việc sử dụng xung điện gây giật và sốc hàng loạt ở cá dẫn đến cá tê liệt hay cá chết hàng loạt để có thể dễ dàng bắt lấy chúng. Các chích điện nhỏ thường được cá nhân dùng ở Việt Nam thì dùng ắc quy 6V hoặc 12V qua bộ kích điện để có nguồn điện áp cao, giống như phiên bản trong vợt điện bắt muỗi, nhưng công suất lớn hơn. Tại ngõ ra của bộ chích này có một tụ điện để trữ điện năng. Khi bấm công-tắc thì điện phóng ra dạng xung và mau chóng bị giảm áp. Khi phóng điện xuống vùng nước thì hầu hết các loài động vật thủy sinh từ to đến nhỏ quanh khu vực đó đều bị điện giật tê liệt. Nếu điện áp đủ cao và công suất phát đủ lớn để xung điện kéo dài thì từ  con đến cá lớn, tépcuatômlươnlịchrắn có thể chết nổi bụng lên mặt nước.

Hoạt động đánh bắt cá này bị Pháp luật nước ta cấm sử dụng sự hậu quả nguy hiểm của nó mang lại cho môi trường và ảnh hưởng tới tính mạng con người.

5.   Lưới bén: là một loại lưới dùng để đánh bắt cá được đan bằng chỉ nên lưới rất mảnh. Bên phía trên có gắn phao còn phía bên dưới kẹp chì dùng để chắn đường chạy của cá. Đây cũng là một trong những loại lưới được đánh giá cao khi đánh bắt cá rất hiệu quả và chủ yếu dùng đánh bắt cá nước ngọt.

6.   Dậm: Đây là loại ngư cụ dùng để đánh bắt các loài thủy sản ở những nơi nước không quá sâu (không quá hai phần ba chiều cao người). Đề đánh bắt được hải sản cần có dậm và mõ dậm.

Cấu tạo của dậm gồm hai phần, phần gọng (cạp) và phần phên (phần để bắt tôm, cá…). Gọng dậm dùng để tạo dáng cho phần miệng, cố định toàn bộ mép phên, được làm bằng tre, có hình bán nguyệt, phía dưới phẳng để luôn sát đáy khi đánh bắt, nối từ trung điểm vượt lên quá đỉnh hình bán nguyệt là cán dậm. Phần phên được đan từ các nan tre nhỏ, mềm. Giữa cạp và phên được liên kết với nhau bằng dây mây (gọi là nức dậm), toàn bộ phần phên cong về một phía tạo thành không gian để bắt tôm, cá.

Mõ dậm dùng để lùa (đồn) tôm, cá vào trong dậm. Mõ được làm bằng một đoạn cây tre thẳng, có nhiều đốt, được trẻ bỏ đi 1/3 phía dưới để tạo mặt phẳng. Mõ có cán hình vòng cung, điểm cuối hai đầu cán đính chặt hai đầu mõ.

7.   Te: là dụng cụ bắt tép ngày xưa, có hình dáng như cái vó kéo cá nhưng nhỏ hơn rất nhiều.

8.   Cá lòng đong: (Cũng có nơi gọi là cá lòng tong). Là loại cá nhỏ sống ở mương, ao, hồ nước ngọt.

9.    Rau tập tàng: một món canh rau được phối hợp nhiều loại rau với nhau mọc xung quanh vườn nhà, gọi là rau tập tàng. Món canh rau này rất quen thuộc với những người dân ở miền quê, nhà có rẫy, vườn.

10.  Cà muối trường: là loại cà muối được cho lượng muối rất nhiều để bảo quản được lâu và ăn trong thời gian dài mà không bị hỏng. Trái với cà muối trường là cà muối xổi.

11. Chẫu chuộc: là loài vật lưỡng cư có hình dáng khá giống với ếch, nhái hay ễnh ương. Chúng sống chủ yếu trong các hang hốc kín đáo, nơi ẩm ướt như ở bờ ruộng, ven suối, bờ các ao, chuôm, rãnh nước. 

12.  Cua đổ mà: “Mà” là những vụn đất tròn mà con cua tạo ra trong lúc đào hang. Những người đi bắt cua thường chọn những hang có “mà” bởi chắc chắn là trong đó có cua.

13. Lờ: Là đồ đan bằng tre nứa, miệng có hom, dùng đặt ở chỗ nước đứng để nhử bắt tôm cá. Kỹ thuật đan lờ của người dân quê cũng khá thú vị. Những nan tre được chuốt ra thành từng sợi nhỏ, khi kết nối lại với nhau, người đan cố tình chừa ra nhiều khoảng cách giữa các sợi tre, với mục đích chỉ chặn bắt cá lớn chứ không bắt cá bé. Người đặt lờ đặt sao cho thuận với chiều nước chảy, ắt sẽ “dính” được nhiều cá.

14. Gạo Khang Dân: Là loại gạo có hình dáng thon nhỏ, màu trắng trong và ít bị vỡ vụn. Khi nấu cơm lên cần nhiều nước và rất lợi cơm. Phù hợp với mọi đối tượng, đặc biệt là những người thích ăn cơm gạo khô, ăn cơm chan canh.

15.  Trúm hun: Cũng là trúm dùng để trả lươn, thả cả như trúm thông thường nhưng được hun nan qua khói trước khi đan (Cũng có nơi đan xong mới hun) để chất lượng sản phẩm được đẹp hơn, chống được mối mọt.

16.  Đó hun: Đó là một dụng cụ để đánh bắt cá nước ngọt, có hình dáng đa dạng tùy từng tập quán đánh bắt của từng vùng miền. Đó hun cũng có kỹ thuật làm giống như trúm hun. Ngày nay ngoài là ngư cụ, người ta còn ứng dụng những loại đó để trang trí nhà cửa, đưa vào các sản phẩm thời trang trưng bày…

17. Tiên cảm: cảm nhận thấy trước (điều thường là không hay, không lành)



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

  • avatar
    Ngọc Sún
    Tui là người miền Nam nhưng đọc truyện có thể cảm nhận được cảnh làng quê đậm chất Bắc Bộ. Các nhân vật ai cũng tốt mà ai cũng khổ quá may là cuối truyện cuộc đời đã mỉm cười với Nam và ông bà. Tác giả viết chắc tay, tỉ mỉ. Truyện hay lắm luôn, chúc tác giả đạt giải cao nhen
    • Generic placeholder image
      Chúc Ly
      Cảm ơn b đã đọc truyện 🥰
  • avatar
    Khải Hoàn
    Để mà nói thì cái đầu tiên gây được ấn tượng cho mình về truyện của bạn là cách bạn xây dựng bối cảnh. Nó vừa xưa cũ, vừa hoài niệm mà đậm chất làng quê Bắc Bộ í, kiểu dạng một bức tranh động, xen lẫn cả âm thanh, bùn, nước, cá,... Ngoài ra còn những vật dụng thân thuộc như xe đạp thống nhất, xe cup này nọ, kiểu phải siêu siêng, đầu tư nhiều chất xám mới để tâm đến từng tiểu tiết một như vậy í. Thứ hai là về từ vựng, mình khá sốc khi đọc văn bạn mà cảm thấy không khác những tác giả xưa là bao. Lối viết của bạn giản dị, gần gũi, đọc cảm giác là một người có vốn từ trù phú nhưng lại không o ép chữ hay cố làm cho nó trở nên hoa mĩ. Vì hai điểm trên nên mình thấy văn bạn rất đời và thực. Tình huống truyện cũng ổn, nó kiểu nhoi nhói, nhưng lại bàng bạc, không quá dằm sâu vào nỗi đau của nhân vật mà hướng họ đến một tương lai tươi sáng hơn. Dù mình muốn nhân vật chính bộc phát ẩn ức trong lòng ra rõ ràng hơn, nhưng những gì bạn thể hiện mình tin là không chỉ mình mình mà những độc giả khác tìm đến cũng đều mủi lòng và bị chinh phục ngay tắp lự. Nhân vật có tâm lý đồng nhất, không bị bi kịch hóa dù mồ côi và gia cảnh túng khó. Đã có lúc mình đọc, rồi lặng người vì thấy một hình mẫu rất nguyên sơ của làng quê, với những nhân vật ông, bà luôn hiện hữu trong tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn. Nó rất thật, và cái nỗi trăn trở của nhân vật chính nữa... Cảm thấy thương ghê lắm. Đọc mà vừa thấy được sự chỉn chu, nghiêm túc và cũng vừa thấy được cái tâm, cái tầm của bạn trong từng câu chữ luôn. Mình thấy bài rv của ngân hà, cũng vì ấn tượng với cách bạn tả cảnh nên qua đây, thật sự không làm mình thất vọng một xíu một xiu nào. Ngoài ra những lời bình, trích dẫn trong truyện bạn cũng khá hay và đắt, nhưng vẫn mong là bạn có thể nhấn nhá thêm đoạn kết và đoạn khúc giấc mơ nữa là mười điểm không nhưng luôn. Cảm ơn tác giả nhiều về một bộ truyện hay và ý nghĩa, hy vọng có thể đón đọc thêm nhiều sáng tác khác của bạn. Chắc sau phen này muốn thành quạt bạn luôn quá, ngưỡng mộ ghê huhu.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout