Ban trưa trời nóng, người đã mất bình tĩnh rồi thì càng dễ nổi sung hơn. Thầy Cảnh khuyên giải không thông, Anh Nhật cũng không xoa dịu cha mình nổi nên đành gọi Quốc Khánh ra nói chuyện.
Hai lớn hai nhỏ đứng bên ngoài xem chừng căng thẳng lắm. Anh Nhật đứng giữa trông tội ghê gớm. Một bên là phụ huynh, bên kia là thằng bạn thân, nghiêng về bên nào cũng không ổn thỏa. Cha cậu thì mặt mày cau có, bả vai căng cứng đáng sợ vô cùng. Người bình tĩnh nhất lại là Quốc Khánh, ánh mắt đường hoàng không chút né tránh.
Quốc Khánh lên tiếng rõ ràng, rành mạch: "Cháu chưa từng nói chuyện với Anh Thư lần nào, sáng nay lúc nhận quà cũng không biết là của em ấy tặng. Anh Nhật có thể làm chứng, cháu không hề có ý định không trong sáng nào với con gái chú."
Thầy Cảnh gật đầu, nhỏ nhẹ nói: "Anh này, tôi thấy chắc là anh có hiểu lầm gì đó rồi. Quốc Khánh là đứa hiền lành, còn đang trong thời kỳ ôn thi căng thẳng, tôi tin vào nhân phẩm của em ấy."
Cha Anh Nhật đốp chát lại ngay: "Con gái tôi thì không có nhân phẩm chắc? Nó cũng đang ôn thi đội tuyển đấy, thời gian đâu ra mà hẹn hò vớ vẩn. Tôi đến đây là để cảnh cáo thằng nhóc này tránh xa con tôi ra, đừng dụ dỗ con gái tôi thành đứa hư hỏng."
Nam Minh nghe câu nào là đớn đau câu ấy, cứ như bản thân là người trong cuộc vậy. Nó và những đứa khác không dám thở mạnh, dỏng tai lắng nghe cha Anh Nhật mắng Quốc Khánh xa xả giữa hành lang. Giọng thầy Cảnh chìm nghỉm giữa muôn vàn lời nói khó nghe, trông thầy bất lực không sao tả được.
Quốc Khánh không đáp lại mà lẳng lặng đứng nghe, chắc là mệt mỏi lắm nên cậu thở dài một tiếng. Chỉ một hành động nhỏ nhặt thế thôi mà cha Anh Nhật đã chạm phải gai ngược, trợn mắt bước tới với một tay giơ lên. Thầy Cảnh hoảng hồn kéo Quốc Khánh lại, Anh Nhật thì ôm ngang bụng cha mình.
Anh Nhật khổ sở ngăn cản cha. Xét tướng tá thì Anh Nhật cao hơn hẳn, nhưng phận con cái làm sao dám ra tay mạnh bạo. Giằng co qua lại một hồi thì cha Anh Nhật vô tình đập cả cánh tay vào cổ con trai. Hẳn là đau lắm, bởi vì cậu chỉ có thể ôm cổ mà không thốt ra nổi câu nào.
Người đàn ông sững lại, hơi thở dồn dập không nén nổi cơn giận. Vài giây ngắn ngủi, ông ta lại siết chặt nắm đấm, chực chờ lao về phía Quốc Khánh. Thầy Cảnh đã định đỡ cho cậu, ai ngờ cậu lại tiến lên, hứng trọn cú đấm trời giáng vào mặt. Mắt kính đen rơi xuống, nứt mất một tròng nhưng mọi người chỉ chú ý đến gò má sưng đỏ của cậu.
Cả lớp Lý đứng lên, đã có mấy cậu con trai tiến lại gần cửa, mặc kệ thầy Cảnh ra hiệu hay lớp trưởng là Liêm Hiếu ngăn cản, chỉ có mỗi Tâm Nguyệt là thảnh thơi ngồi bấm điện thoại. Mà đâu chỉ lớp nó, hai lớp bên cạnh cũng đang nhiệt tình hóng chuyện. Giáo viên dễ tính, cũng biết học sinh không tập trung được nên mặc kệ luôn, đến khi thấy tình hình ngoài tầm kiểm soát mới ra ngoài giúp đỡ.
Thục Khuê gần như dán mặt lên kính cửa sổ, thông báo với chúng bạn: "Có người đi gọi bảo vệ rồi, thầy Công thì đi về hướng phòng Hiệu trưởng kìa."
Chắc là thấy nhiều người nhìn quá nên cha Anh Nhật không sấn tới nữa, nhưng tiếng mắng mỏ vẫn lớn kinh hồn: "Mày có thái độ gì đấy hả? Mày khinh thường tao đúng không, tưởng tao không dám làm gì mày à? Tao nói cho mày biết, bước ra cổng trường coi chừng tao đấy…"
Lần đầu tiên, Nam Minh nhận ra Quốc Khánh cũng có một mặt cứng rắn như vậy. Dù bị đấm nhưng sống lưng cậu vẫn thẳng tắp, mặc kệ đối phương gây sự quá đáng cũng không sờn. Trong mắt cậu không có sợ hãi, thậm chí còn có vẻ bất khuất gan lỳ. Còn đâu chàng trai bị bạn bè táy máy đồ đạc của mình vẫn mỉm cười cho qua chuyện? Bông gòn mềm thì mềm đấy, nhưng đấm mạnh cỡ nào vẫn sẽ đàn hồi như cũ.
Đương lúc rối ren thì có tiếng chân chạy thình thịch từ xa đến gần. Một nữ sinh mặc đồ thể dục, mặt mũi đỏ bừng lao đến, xấu hổ kéo tay người đàn ông rời đi.
"Con đã bảo cha đừng tới rồi mà, cha về đi, đừng làm lớn chuyện nữa." Anh Thư sắp phát khóc tới nơi, cha nhỏ thì cứ khăng khăng ba mặt một lời, bắt nhỏ thừa nhận là Quốc Khánh dụ dỗ nhỏ.
Cực chẳng đã, nhỏ mới hét lên: "Con đã nói là không có mà!"
Cũng như Nam Minh, tình cảm Anh Thư dành cho Quốc Khánh là đơn phương, khác ở chỗ là nhỏ dũng cảm hơn nó nhiều. Nhỏ thừa nhận là cậu và nhỏ chưa từng nói chuyện, còn chẳng kết bạn với nhau trên mạng xã hội, cho nên có trách thì trách nhỏ không biết giữ ý tứ, tự tiện tặng quà cho cậu.
Hết nói nổi con gái, cha nhỏ nóng mặt, lôi nhỏ đi xềnh xệch. Anh Nhật đá vào tường xả giận, xin phép thầy Cảnh nghỉ học xong thì dọn dẹp sách vở về luôn. Thầy Cảnh vỗ vai Quốc Khánh nói gì không rõ, từ đầu tới cuối cậu đều một dạ hai vâng.
Một lát sau, đích thân thầy Hiệu trưởng xuống hỏi thăm. Trường ít học sinh, Quốc Khánh còn có chân trong đội tuyển nên hầu như giáo viên nào cũng biết mặt, tự dưng xảy ra chuyện nên được quan tâm lắm.
Tâm Nguyệt vẫn dí mắt vào điện thoại, giọng chán chường: "May là thầy Cảnh đấy, gặp giáo viên khác thì không yên ổn ngồi đó được đâu."
Nam Minh xót dạ, buột miệng phản bác: "Rõ ràng là Quốc Khánh vô tội, không có lỗi thì gặp ai đứng lớp cũng thế thôi."
Tâm Nguyệt ngẩng đầu lên, tiếp lời: "Minh chưa từng lên phòng giáo vụ uống trà bao giờ đúng không? Mặc kệ có lỗi hay không thì vẫn phiền phức lắm, bị gọi phụ huynh đến còn mệt hơn."
Nam Minh nín thinh. Về kinh nghiệm gặp rắc rối trong trường thì đời nào nó bì kịp Tâm Nguyệt. Nó nghe người ta kể, thật ra là từ miệng Thục Khuê chứ còn ai vào đây, là hồi cấp hai Tâm Nguyệt đã lên phòng giáo vụ uống trà như cơm bữa. Lý do thì đủ loại trên trời dưới đất, từ yêu sớm đến đua xe, bắt nạt,... kiểu nào cũng có. Vậy mà nhỏ lại học giỏi thần sầu, điểm số cao ngất ngưỡng mới hay chứ. Nhờ vậy mà chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, thầy cô lâu dần cũng nhắm mắt cho qua. Thế là lại có tin đồn nhỏ gian lận thi cử, đi đêm với giáo viên để biết trước đề. Nhưng tin đồn này đã được cho vào dĩ vãng từ khi nhỏ đậu vào trường Chuyên, có chỗ trong đội tuyển, năm rồi còn đạt hạng nhì học sinh giỏi cấp tỉnh.
Có khi nào những tin đồn khác cũng là giả? Nam Minh không đoán được, cũng không đủ thân thiết với Tâm Nguyệt để hỏi rõ ra.
Nó vẫn quan sát Quốc Khánh trong âm thầm. Xem chừng cậu không bị chuyện vừa rồi làm ảnh hưởng. Nắng chiều phần nào bị rèm cửa sổ cản lại, đổ bóng mờ trên bờ vai rắn rỏi. Cậu bản lĩnh lắm, tính cách so với bạn cùng tuổi thì trưởng thành hơn nhiều, mấy lời chói tai ấy chẳng thể nào làm cậu suy suyển mảy may. Còn ráng vàng vương trên mi mắt kia là do lo lắng cho thằng bạn, không hơn.
Nam Minh nhoẻn môi cười, thôi không nhìn Quốc Khánh nữa mà tập trung vào hình minh họa thầy Cảnh vẽ trên bảng. Không hiểu sao trong mắt nó, hai quả cầu điện tích dương lại hóa thành gương mặt của Anh Thư và Quốc Khánh. Nó cảm thấy bản thân thật nhỏ nhen khi nghĩ là cô bé xinh thật, đứng cùng cậu nom cũng hợp, nhưng sau sự kiện hôm nay thì không còn hy vọng nào nữa. Cùng dấu thì đẩy nhau ra, một đường sức điện giao thoa cũng không có. Bài Lý hôm nay tự dưng dễ hiểu đến lạ lùng.
Đến tiết chuyên đề thứ ba, trời vẫn nắng mà lại đổ mưa rào. Thời tiết gần đây còn khó đoán hơn đề thi cuối kì, tháng tám ba mốt ngày thì mưa hết mười bảy. Con trai ướt tóc dùng khăn giấy lau qua quýt là khô, tụi con gái thì đã quen với việc chuẩn bị sẵn đồ thể dục để thay khi cần. Sợ nhất là mưa lúc sáng sớm, đứa nào đến trường mà không túm ống quần lên là bê bết bùn đất, từ áo dài thành áo lội mương dính nhớp không chịu nổi.
Thầy Cảnh lau sạch bảng, đôi mắt trũng sâu lướt qua mấy cô gái ngồi bàn đầu: "Mấy đứa có mang áo mưa, ô dù đầy đủ không?"
Thầy cười, lại tỉ mẩn vẽ hình minh họa mới lên bảng. Phấn trắng rơi trên áo sơ mi sọc caro sao mà giống bụi tiên quá thể?
Tâm Nguyệt nhét điện thoại vào bóp viết to đùng làm bằng vải của nhỏ, vừa lén nhắn tin trong giờ học vừa lẩm bẩm: "Khổ thân thầy, năm nào cũng gặp phải loại phụ huynh trời ơi đất hỡi gì đâu không."
Nam Minh đồng tình với nhỏ. Nó nhớ như in lúc trước có rất nhiều đứa không ưa thầy Cảnh. Các anh chị lớp trên kể là từ lâu rồi, cứ đến mùa mưa là thầy lại càm ràm chuyện học sinh bất cẩn, không mang áo mưa đi học, nhất là mấy đứa không có phụ huynh đưa đón. Nhắc nhở thôi thì đã đành, đôi lúc thầy còn kiểm tra bất chợt, đứa nào không mang áo mưa là bị bắt đứng trả lời câu hỏi, không thì ghi thẳng tên lên sổ đầu bài luôn.
Tất nhiên là học sinh ghét lắm, cảm thấy thầy vô lý quá chừng. Năm rồi thầy là chủ nhiệm của Nam Minh, thế nên mười Lý là lớp chịu trận nhiều nhất nhưng chỉ âm thầm nhẫn nhịn, không dám phản kháng mấy. Lớp khác thì không như vậy, bên chuyên Hóa có đứa bị ghi tên vào sổ đầu bài buổi sáng, đến chiều là phụ huynh lên tìm thầy làm việc, la lối huyên náo khắp cả khu thực hành. Sau lần đấy thì thầy trầm hẳn xuống, không còn nhắc nhở học sinh những thứ không liên quan đến chương trình học nữa.
Rồi đến một ngày nọ, một nữ sinh trường cấp ba khác trong thành phố suýt bị xâm hại khi đứng trú mưa ở cạnh công trường xây dựng. Nam Minh và cô bạn đó học tiếng Anh cùng một trung tâm, sau khi báo chí đưa tin thì không thấy cô bạn đâu, đáng sợ hơn là còn có tin đồn đã nghỉ học vì trầm cảm nặng. Kể từ đó, học trò mới nhận ra tâm tư của thầy Cảnh, rằng thầy chỉ dọa vậy thôi, chứ xưa giờ làm gì có lớp nào bị trừ điểm thi đua, hay học sinh bị hạ bậc hạnh kiểm chỉ vì quên không mang ô dù.
Bình luận
Chưa có bình luận