Ở Nam Kỳ, người ta đồn rằng: “Nếu muốn coi tuồng hay thì tới Đoàn Ánh Hồng ở Sài Gòn. Còn muốn nghe cải lương sao cho tim thắt ruột đau, nước mắt đầm đìa thì phải xuống tận Nam Kỳ Lục Tỉnh tìm người mang tên Kim Lâu.”
***
Thời bấy giờ, nghệ thuật như hơi thở của dân tộc, len qua từng mái nhà tranh, rẽ giữa những buổi chợ quê đông đúc và hòa vào mỗi con hẻm nhỏ đượm mùi rơm khói, mồ hôi của người dân lao động.
Ấy là cái thời mà tuồng ca, cải lương không chỉ để nghe cho vui, mà để sống, để thấm thía cái nghĩa cái tình, để giữ lấy một phần hồn của đất nước đang lâm nguy.
Mỗi khi nhắc đến tuồng ca, cả xứ Nam Kỳ này ai lại không nghe qua Kim Lâu trứ danh một thời. Người ta đồn rằng chàng đẹp tựa tranh vẽ, là nam nhân nhưng mang cốt cách mỹ nhân ngọc khiết, giọng ca thì rót mật chỉ sợ một lần nghe cải đời lụy thương.
Nhắc đến nhan sắc thì Kim Lâu ở Nam Kỳ Lục tỉnh là nhất, mỹ nhân khác đều không sánh bằng chàng, khiến các cô trong thôn cũng phải suýt xoa ganh tỵ là điều hiếm hoi nam nhân nào thời đấy làm được, phần ít là thế nhưng phần đa thì mến mộ Kim Lâu, chàng không hại đời đời cũng rất thương chàng.
Những người khác kể Kim Lâu không hát vì danh lợi, cũng không màng ánh đèn sân khấu để được tung hô, đối với chàng, hát vì nghĩa diễn vì tình sống vì hồn thiêng dân tộc mới là lý do để sống, để tồn tại.
Chàng hát để giữ một mạch chảy đang phai nhạt trong lòng người, đó là bản sắc, quá khứ, một thời đau thương nhưng oai hùng đẫm máu. Mỗi một câu vọng cổ như một nén hương tâm dâng lên cho đất mẹ, mỗi vai diễn là một lời ru ngàn năm dành cho quê hương còn nặng nợ máu.
***
Sài Gòn năm 1963.
Bông mai đầu tiên đã hé nở giữa lòng chợ Bến Thành, người người tấp nập đổ xô ra giữa lòng đường để tận hưởng cái không khí yên bình, mà thời bấy giờ, luôn là thứ con dân ta khát khao nhất sau chuỗi ngày khói lửa gian nan.
Gió lớn lật rung một góc bán giấy báo cũ, cuốn nó vờn bay giữa dòng người qua lại rồi rơi xuống sát gót chân một bà lão bán hàng rong, vô tình cúi xuống nhặt tờ báo lên, bà phủi nhẹ bụi rồi nheo mắt đọc từng dòng chữ in nghiêng đã ố vàng cũ kỹ…
“Dưới ánh đèn dầu vàng của gánh hát Nam Phương, cái tên Kim Lâu lại một lần nữa vang lên với vở diễn Dưới bóng Phương Nam, chàng đào kép năm nào tái xuất bằng giọng hát ngọt như mật rót vào lòng nhân, khiến kẻ mộ điệu thổn thức, càng khiến người qua đường rơi lệ, còn có kẻ còn cúi mình lạy ba lạy giữa đất để cảm tạ một tiếng ca từ tâm khảm. Phải chăng nghệ thuật chân chính không bao giờ chết, chỉ là chờ ngày trở lại – như Kim Lâu?”
Một người trẻ bên cạnh lướt mắt đọc theo, khẽ thốt lên, ý nói mang theo tiếng cười: “Kim Lâu? Trời đất, là thiệt sao? Đó giờ tưởng chỉ trong cổ tích thôi chứ?”
Bà lão phì cười, trên mặt xuất hiện vài nếp nhăn nhỏ lẻ đan xen nhau, minh chứng cho sự tàn nhẫn của thời gian với con người. Vừa truyền báo cho người tiếp theo, bà vừa kể:
“Người yêu tuồng ca làm sao không biết đến Kim Lâu trứ danh Nam Kỳ Lục Tỉnh, thời gánh hát rong ruổi khắp nơi, hễ nghe đến tên Kim Lâu dù trong túi có bao nhiêu bạc nhỏ lẻ cũng gom góp đi mua vé, có người còn nhịn ăn chỉ để nghe một câu vọng cổ thôi đấy! Nhưng Kim Lâu trước nay hát không lấy tiền, chỉ lấy nghĩa tình của bà con…”
Một người phụ nữ trung niên đang mua rau cũng ghé hóng chuyện, tiếp câu:
“Còn nghe bảo Kim Lâu hát như khóc, mỗi câu vọng cổ ngân lên như một câu chuyện trần đời dài dai dẳng, chẳng những thế, người xứ họ còn bảo Kim Lâu hát như tả cảnh, trong câu hát còn có cảnh mà tromg cảnh thì có tiếng hát Kim Lâu, giọng hát đó… Như hồn dân tộc.”
Người trẻ xung quanh bắt đầu tụm lại thành cụm, hết lớp này đến lớp khác xếp chồng lên nhau nghe kể về người nghệ sỹ ấy. Duy chỉ có một người, từ đầu đến cuối đứng lặng lẽ như pho tượng, lắng nghe không sót một chữ nào. Cho đến khi đồng hồ điểm đúng mười hai giờ trưa, đài phát thanh cất tiếng, hắn mới chịu rời đi.
***
Tại Dinh thự nằm cuối đường số 1, nơi người ta hay quen miệng gọi là Dinh thự Cô Ba - chủ nhân gánh hát Nam Phương lừng lẫy một thời nay đã tạm lánh về Sài Gòn cư ngụ. Cánh cửa gỗ lim chạm trổ hoa văn chậm rãi mở ra, loáng thoáng bóng hình người phụ nữ mặc áo dài lụa tím thướt tha, mái tóc búi cao, nét đẹp sắc xảo.
Không ai khác, chính là cô Ba Ngà, hoặc gọi là Ngọc Ngà mỹ nhân
nức tiếng.
Vừa đặt chân vào phòng khách, tay trái nàng cầm chuỗi hạt Phật ngọc, tay phải đặt sau lưng nghiêm chỉnh, vừa đi vừa suy nghĩ gì đó, làm môi hơi mím lại đắn đo.
“Kim Lâu…” nàng hơi nhíu mày “Đã nhiều năm như vậy mà nó vẫn khăng khăng muốn ở lại đó, nếu không phải vì vận nước, vì mạng người… Ta nào muốn đẩy nó vào giông tố? Nhưng cớ sự đang hiểm hóc, nó lại một mình trong Lục tỉnh, đứa nhỏ này thật là…”
Vô thức nàng tặc lưỡi, lấy tay nhẹ nhàng xoa hai bên thái dương, rồi phất tay gọi gia nhân đến: “Nay mai cô đi xuống Lục Tỉnh, ở đây giao lại cho ông Quản Lâm và các người, chuyện rất gấp, mau chóng chuẩn bị xe nghen.”
“Dạ.” Gia nhân cúi đầu, lập tức lui ra. Tiếng dép kéo lẹt xẹt vang trên nền gạch gỗ trong khoảng không trống, để lại mình cô Ba vẫn còn mối vương vấn chưa nguôi giữa khuôn phòng.
Nghe thầy Bảy Thời - một nghệ nhân hát bội ở Nam Kỳ, nay đã rửa tay gác kiếm, sống ẩn thân tại đất Sài Thành kể, dạo mấy hôm trước bọn Mỹ hoành hành, hầu như đêm nào dưới quê cũng có quân chúng quấy nhiễu không thôi. Nếu không gặp chúng ban ngày thì ban đêm chúng ngang nhiên xông vào nhà dân, bắt trẻ con, người già, phụ nữ… Ai chúng nó cũng không tha.
Cô Ba còn nhớ lời tức tưởi của thầy Bảy khi đó: “Chó chết thật, cái lũ Việt gian bán nước ấy còn ngược đãi dân mình nữa. Người miền xuôi dưới đó giờ lầm than lắm, những nghệ sỹ ca tuồng càng khốn khổ hơn nhiều…” Nói được hai câu, ông ngắt quãng, nghẹn vì oán hận, vừa không kìm được lòng vừa muốn bung xõa cho nhẹ người.
Cô Ba bấm một hạt chuỗi trên tay, không tài nào quên lời dặn hôm đấy: “Cô Ba nhất định phải khuyên Tư Hoài, bây giờ lũ Mỹ Diệm truy tìm Kim Lâu dữ lắm, chúng nó biết Kim Lâu có một tuyệt kỹ truyền tin mật, nên chúng rất dè chừng, càng muốn có Kim Lâu vì mục đích xấu xa…”
Dứt câu, cô Ba đã thở không ra hơi, cắn môi đến bật máu.
Bỗng bên ngoài cửa có tiếng bước chân gấp gáp chạy vào, kéo cô Ba Ngà về thực tại.
Một người hầu cúi đầu, kính cẩn nói khẽ: “Bẩm cô Ba, có một người đàn ông lạ mặt đến để gặp cô, nói là… Muốn tìm giọng ca đất trời phương Nam…”
Cô Ba thoáng nhướn mày, hai mắt nheo lại.
Từ khi Kim Lâu vang danh thiên hạ, người người đến đây mưu cầu tìm gặp nhiều khôn xiết, nhưng những kẻ ấy đều bị đuổi về tất. Kể cả có xuống dưới tận Nam Kỳ Lục Tỉnh tìm, cũng bị Kim Lâu cho ăn gậy bầm mình.
Cô Ba Ngà nghe gia nhân báo có người muốn tìm Kim Lâu thì bất giác cau mày, không phải lo cho đứa nhỏ ấy, mà lo cho mấy kẻ đó thì đúng hơn. Kim Lâu xưa nay kỹ tính, lại rất lạnh lùng với người ngoài, khí chất tựa sương khói, nếu không phải thân thiết lắm dù có cố gắng đến mấy cả ánh mắt cũng không tài nào chạm vào được.
Người biết rõ Kim Lâu hơn ai hết không ai khác ngoài cô Ba Ngọc Ngà đây, đứa trẻ ấy không phải kẻ dễ gần, càng không phải người để người ta “tìm”.
Thế là cô ba đánh mắt với người vừa mới báo tin, thở hắc ra một hơi lạnh tanh: “Nói với hắn, không tiện, mời hắn về cho.”
[Tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, vui lòng không áp đặt vào người thật. Chân thành cảm ơn! ]
***
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận