Hết tháng chín, tôi hoàn thành xong việc trang trí lại nhà trọ ở quê cũ. Năm ngoái(1) khi ba mất, chuyện chia thừa kế bị hoãn lại khá lâu nên không biết trong di chúc có để lại cho tôi hai dãy trọ. Về sau, tôi chỉ về đúng một lần vào hôm cúng trăm ngày để ký giấy. Trong thời gian đó, nơi này không cho thuê được nữa. Cho nên tính đến nay nó đã bị bỏ hoang một thời gian kha khá rồi.
(1) Năm ngoái: năm trước.
Lô đất của tôi nằm trên khu đường gần chợ, trước đây cho dân lao động nghèo thuê. Gồm hai dãy nằm đối diện nhau, xếp thành hình chữ L. Có mười phòng cả vừa cả lớn.
Tôi về quê vào tháng bảy, nghe đủ loại lời mạt sát chửi rủa xong thì nhận phần của mình. Mấy đứa con riêng của ba không làm gì được tôi. Dù sao giấy trắng mực đen, có muốn cũng không làm gì được. Ép tôi nhả đồ thất bại, thằng Thuận, một trong hai thằng con trai của ba, thuê người đến phá, trộm mất hai bao xi măng. Sau đó đập hỏng cửa của một dãy trọ nữa. Đợi thiệt hại lớn một chút, tôi nộp đơn tố cáo lên chính quyền. Tiền bồi thường thì đến giờ vẫn chưa nhận được, nhưng cũng yên ổn hai tháng.
Đến nay thì phòng đã sửa xong, tôi đăng cho thuê được kha khá người hỏi. Lần này đến lượt Long, anh Long là em anh Thuận, chặn đầu khách thuê gây gổ. Tôi lại gặp chúng nó trên xã lần nữa. Lần này căng hơn, con bé thuê trọ bị chặn đường, dọa vả vài cái vào má. Nó hoảng rút tiền đưa đám kia. Tù mất hai thằng vô công rỗi nghề. Anh em chúng nó có đến tìm hai thằng em tôi tính sổ. Bọn nó quỳ lạy từ nhà đến cổng. Hết nói nổi.
Tôi không ở lại quê mà quay về thành phố, nhà cửa tôi để trên đó hết, lâu lâu về một lần để tránh lằng nhằng đất đai về sau thôi. Ai biết được chúng nó có nằm lì trong nhà khi tôi đi không? Trong thời gian sửa trọ tôi vẫn lên xuống đều đặn. Vừa quản đám học trò vừa để ý hai thằng quý tử.
Khiếp thật, cách tận mấy chục cây số.
Trong khi rõ ràng tôi không hề rảnh. Tôi hồi trước có cùng bạn mở công ty, sau này xảy ra xung đột, chúng tôi cãi nhau rồi đường ai nấy đi. Cái công ty ấy thuộc dạng cổ phần, nên tôi cũng ôm được một khoảng kha khá. Về sau ngày càng phất lên, tiền theo đó nhiều hơn. Bây giờ gặp lại bạn cũ, cả hai chỉ cười xã giao. Lần rạn nứt đó có cố hàn gắn thế nào cũng vô ích.
Còn bây giờ, tôi thuê một tòa nhà năm tầng để mở tiệm và kinh doanh đủ thứ. Tầng một có hoa, tầng hai văn phòng phẩm, tầng ba sách, tầng năm là nhà tôi. Tầng bốn thì quên đi, bà ấy tôi không động vào nổi. Tôi có hai dãy trọ cho thuê, trong khi đó tôi đang ở nhà thuê. Nghe buồn cười thật.
“Cô cười cái gì?” Bà chủ đứng đầu cầu thang hỏi, bà ấy luôn mang cái áo len đỏ, và gương mặt khắc khổ lúc nào cũng cau lại. “Đừng cười ra tiếng ở hành lang.”
“Vâng.” Tôi đáp lại trong khi đưa tay ra nhận lấy cây hương bà nắm trong tay: “Để con thắp.”
Bàn thờ, mỗi tầng luôn có một bàn thờ treo ở cầu thang. Vị trí không cố định, màu sắc và cách bài trí cũng khác. Cái giống nhau duy nhất là chúng đều treo rất cao, với thân hình thấp bé của bà thì không thể với tới được.
Hai năm trước tôi có diễm phúc thuê được ngôi nhà này với giá rẻ như cho nhờ vào việc giúp bà thắp hương. Ban đầu chỉ ở bàn thờ tầng một, cuối cùng lại leo lên đến tầng năm. Sau đó bà hỏi tôi có phải đang tìm thuê mở quán không. Tôi đáp phải. Và đến hôm nay, tôi đã dọn vào đây sống được mười sáu tháng. Dù vậy thái độ của bà khi nhìn tôi lúc nào cũng không mặn không nhạt. Mà thật thì với ai cũng thế thôi.
Nhân viên quán tôi toàn người trẻ, thời buổi này ra trường kiếm việc khó hơn lên trời. Chúng cứ nấn ná ở lại quán trong lúc tìm việc đúng ngành học. Thế là đám trẻ rảnh rỗi lại quay sang nói xấu bà chủ trọ. Ban đầu chúng nghĩ hai bọn tôi là bà cháu. Một người dễ tính, người kia thì khó. Đến lúc biết rồi lại thương cho tôi.
Nhưng tôi lại thấy bà rất tốt, bà ấy giống ngoại tôi. Nhất là cặp mắt mỗi khi nheo lại và cái vẻ thành khẩn khấn vái đã khắc sâu trong óc tôi từ thuở thơ bé. Cả hai người họ đều khó tính và thích đặt ra đủ thứ quy tắc kì cục như nhau. Đôi khi mặt bà chủ sẽ nhăn lại khi thấy tôi mỉm cười nhìn bà.
“Cái mặt chị khi đó không có giống nhìn người sống. Đó là điều kiêng kị.” Bà chủ luôn nói như thế.
Và tôi sẽ cự lại: “Nhưng nhìn bà làm con thương ngoại con.”
“Thế thì cô đi mà nhìn ngoại cô. Tôi sắp chết rồi nên phải biết mà kiên.”
Tôi luôn cười mỗi khi nghe bà nói thế. Đến mùa hè năm sau, bà ấy mất. Mấy đứa nhân viên hồi trước ngày nào cũng than bà khó trời ơi đất hỡi, giờ ai cũng khóc. Mắt đỏ au cả tuần trời từ ngày đưa bà vào viện đến hết đám tang.
Lễ tang bà chỉ có hơn hai mươi người gồm tôi, nhân viên quán, ba người hàng xóm gần đó đến dự. Đứa cháu nội bà ghi trong di chúc không có mặt. Hôm hạ huyệt, chỉ còn bảy tám nhân viên và hai người hàng xóm. Bọn tôi đốt vàng mã cho bà ấy, vừa đốt vừa khóc, khóc xong lại chửi cháu bà bất hiếu. Chửi hết hơi hết sức lại khóc. Tôi hỏi: “Thế sao hồi trước mấy đứa ghét bà thế?”
Một thằng bé năm nay hai mươi đáp trật lất: “Hồi bạn gái cắm sừng em em cũng không khóc ghê thế này.”
Cả bọn cười phá lên, xong lại khóc tiếp. Mồ hôi với nước mắt chảy vào miệng đắng chát.
Đến giỗ đầu của bà chủ, chỉ còn tôi, thằng bé kia và hai người hàng xóm già. Hương cháy được một nửa, chưa kịp khấn vái, bà đã về. Tôi không nói chơi. Bà về chứ không phải cháu bà về, bạn bà bảo vậy, còn tôi thì muốn báo công an.
Cái bóng lom khom lướt đi lướt lại trên nền gạch, lập là lập lòe. Tay tôi cầm đĩa miến xào run lẩy bẩy, vơ lấy đèn pin chiếu vào thì chẳng có ai. Thấy tôi lọ mọ trước cầu thang, bà hàng xóm hỏi làm sao. Tôi trả lời mà miệng méo xiệc: “Hình như có trộm.”
Ông Sáu gõ vào đầu tôi: “Bà ấy về chớ trộm gì. Chết rồi vẫn tức chết được đó con.”
—
Tôi vẫn tiếp tục mở quán, luật sư đại diện nói cậu cháu trai đồng ý cho thuê với giá cũ. Cậu ta chỉ dặn đừng tự ý mở cửa tầng bốn. Còn lại tôi muốn làm gì thì làm.
Trước khi ông luật sư lên xe, tôi gọi giật ông lại: “Tôi còn chưa biết số điện thoại cậu đó.”
“Không thì tôi trả tiền thuê cho ai?” Tôi tiếp.
“Vậy khi nào gặp cô trả luôn một thể cũng được.”
Tôi đuổi theo đến tận vỉa hè, gõ vào kính xe ông ta: “Thế ít nhất cũng phải để lại cho tôi bản sao giấy tờ quan trọng chứ?”
Ông luật sư hạ kính, chuồi vội ra một đống giấy dày cộp: “Cho cô hết đó.”
Từ trong những giấy tờ tạp nham đó, tôi tìm được tên họ và số điện thoại cậu ta. Đỗ Lâm, nghe lạ hoắc. Tên người Việt ít ai chỉ có hai chữ, chắc cậu ta người gốc Hoa. Tôi chợt nghĩ đến xâu tiền đồng bà chủ cũ hay đeo bên hông. Chúng nó ồn ào kinh khủng trong khi lúc nào cũng dính sít vào nhau.
Một gia đình kỳ lạ. Tôi vuốt vuốt mấy lọn tóc ướt, ống nước trong nhà bị hỏng hay sao ấy, khi tôi tắm cứ nghe có mùi rỉ sét thoang thoảng.
Nhìn lên bàn thờ quan âm, tôi đứng lên. Đi thắp hương thôi.
-
Cuối tháng đó, tôi cho nhân viên nghỉ hai ngày thứ ba và thứ tư. Bọn trẻ còn buồn vì chuyện bà chủ nhà cũ, để nghỉ ngơi vài hôm cho nhẹ lòng cũng tốt.
Căn nhà tôi thuê nằm trên một con đường rất khá, sát ngay ngõ dẫn đến trường đại học kinh tế chi nhánh ba. Sinh viên nhiều, bán buôn do đó cũng khá. Nhất là mấy món hàng nho nhỏ và quán ăn. Ăn uống thì tôi không có, nhưng bút viết, sách vở, vài thứ nho nhỏ dễ thương thì nhiều lắm. Chỉ có hoa thì hôm được hôm không. Đối với tôi thì chỉ cần không lỗ là được.
Bên cạnh nhà có xây một bãi đỗ xe cũng nhỏ nốt, cho trung tâm Anh ngữ bên phải thuê một nửa, nửa còn lại tôi dùng miễn phí. Chỉ mất tiền thuê giữ xe, tiền này tôi và chị chủ trung tâm chia đôi. Sáng sớm ngày trong tuần, trung tâm vắng tanh, bác giữ xe ngáp ngắn ngáp dài hỏi tôi đi đâu.
“Hóng gió thôi bác.” Tôi cười.
Thật ra tôi định về quê. Dạo này người thuê trọ liên tục báo lại mất đồ, giá trị mỗi món không lớn nhưng lại làm khách thuê lo lắng. Tôi gửi tiền về cho chị công nhân may ở phòng chín, nhờ lắp thêm sáu cái camera ở trọ. Chỉ hai ngày sau đã bắt được ăn trộm.
Công an xã gọi tôi về giải quyết chuyện này. Sợ lỡ dở công việc, tôi đóng quán cả hai ngày cho thoải mái mà đi. Về đến nơi chỉ mới tầm tám giờ sáng, tôi tranh thủ ghé trọ xem tình hình. Phương, con bé học lớp mười lần trước bị chặn đường, gọi kể lại tối đó đánh nhau rất dữ. Mà chủ yếu là người trong trọ bao vây thằng trộm. Chửi rủa xô xát đến nỗi dân quân tự vệ phải đến mới dẹp được. May là chưa chết.
###############
* Dạo này mình thích viết thơ ghê luôn ấy, truyện này bối cảnh Việt Nam nên cho vào siêu hợp. À, nếu ai thấy đọc nó ngang ngang thì phần lớn trong này là thơ con cóc nhé.
Bình luận
Chưa có bình luận