Bàn thờ ông táo thì chỉ mất mười mấy hai mươi phút để dọn. Xong xuôi, tôi rút trong hộp hương đã có dấu hiệu mốc meo ra ba cây nhan còn khá ổn, bọc lại bằng giấy báo. Lại mất thêm vài giây chần chừ tự hỏi khi nhìn túi trầm hương. Cũng không cần thiết lắm ha?
Trời chiều nắng gắt, tháng bảy nóng chảy mồ hôi. Tôi ngồi trên xe hơn mười phút mới góp đủ quyết tâm xuống xe. Dù đã hơn bốn giờ chiều thì không khí vẫn rất khó chịu, khô không khốc mùi đất đỏ. Nghĩa trang vắng tanh, lưa thưa những gốc tràm còi cọc, thân cam vàng màu đất. Nhìn quanh chỉ có năm sáu con bò đủng đỉnh đứng dưới gốc cây. Đến cả người canh cũng không có.
Tôi xách bọc ni lông đi vào, mộ ông ấy nằm tuốt bên kia rìa nghĩa trang. Chỗ ấy lộn xộn đất đá, nắng thì nóng mà mưa thì ngập. Cũng vì hai thằng quý tử không nỡ bỏ thêm bốn trăm nghìn mua cho ba lô đất mộ đàng hoàng.
Từ xa, tôi đã thấy tấm bia bằng đá thạch anh đen bóng loáng, mái mộ cong cong, viền vàng, chiếm hết ba ô đất. Không phải của nhà tôi. Nơi ổng nằm là đụn(1) đất kế bên cơ. Được mỗi tấm bia bắt buộc phải có và một phần gạch bao xung quanh. Tôi thường lấy nhà kế bên làm mốc, vì nhìn là đập vào mắt ngay.
“Con tới thăm ba nè. Vui không?” Tôi lẩm bẩm, lại bỗng nhiên tỉnh ra, nắng ghê quá sắp sảng luôn rồi. Tự nhiên lại đi hỏi thăm ổng, tất nhiên nếu thấy tôi ba sẽ vui rồi. Năm năm rồi chứ có phải năm ngày đâu. Từ hồi học hết đại học, tôi đã không còn liên lạc với ông nữa. Ba đã có gia đình riêng rồi, tôi tự nhận mình mặt dày, chỉ là chưa tới mức chui vào nhà người ta rồi coi đó như nhà mình. Bên vợ ông không thích tôi, hai thằng em kế phá như quỷ. Cộng lại hết mớ lý do đó, tôi tự tách mình khỏi ba. Mà nghĩ lại, tôi cũng đâu thân thiết gì với mẹ?
Tình thân nhạt như nước ốc. “Con tới thăm là vui rồi, đừng hi vọng gì nhá.” Tôi thả bọc đồ xuống một bên, vuốt mồ hôi trong khi đưa mắt tìm cái lư hương. Không có luôn. Bọn nó cắm hẳn lên mộ, ác liệt thiệt!
Biết ngay kiểu gì cũng vậy. Tôi than, cuối cùng vẫn là con này xuống tiền. Lư hương loại xoàng ở chợ tầm một trăm, thêm cái đĩa sứ hoa xanh chuẩn màu bia mộ tổng trăm hai. Tôi còn lấy thêm hai cái bật lửa, thả lại đây chẳng biết chúng nó sống được đến ngày nào. Hương thì mang từ nhà đến.
Lúc tôi đang tìm nơi lấy cát tiện lôi đầu hai thằng yêu ma quỷ quái kia ra chửi thì trông thấy một chiếc lư đồng kẹt ở khoảng trống giữa hai ngôn mộ. Tôi nhìn căn biệt thự bên kia, không có lư hương. Nhìn lại nhà tranh vách nứa nhà mình, cũng không có nốt. Mà dùng đầu gối cũng biết của ai. Tôi nhặt lại rồi thả về chỗ mà chắc là vị trí cũ của nó. Lát sau thắp hương chẳng hiểu sao dư(2) ra một cây. Cũng chẳng nghĩ nhiều, tôi tiện tay thắp cho bên kia. “Hàng xóm với nhau đừng chửi ba con nghe... ờm, bạn?”
Kể cũng lạ, từ những năm chín mươi, ốp(3) gạch cho cả mộ thế kia mà không khắc tên. Người ta ghi mỗi năm sinh năm mất. Còn trẻ, chắc tầm hai ba. Trên mộ ngoài cái lư đồng thì chẳng còn gì. Không biết phải gọi thế nào, tôi cào bằng gọi bạn luôn.
Trước khi về, tôi để lại chùm nhãn lên đĩa, cũng chia cho bên kia vài trái. Sau đó đi ngay.
Chuyện đáng nói là sau khi đi một đoạn, chẳng hiểu sao tôi đột nhiên quay người lại. Có con bò lớn đứng ở nơi lúc nãy tôi ngồi thắp hương, đứng một lúc lâu lắm. Rồi nó cạp(4) chùm nhãn, quẫy đuôi quét hết đồ xuống đất. Mấy tiếng leng keng loảng xoảng nghe rất êm tai.
Tầm sáu giờ chiều, trời đã chạng vạng tối, nhưng không khí vẫn còn rất khó chịu. Mặt trời đã sắp đi khuất khỏi mấy mái tôn xanh mà vẫn làm người ta thở không ra hơi. Nắng ám lấy từng viên đá, bờ tường. Bốc hơi nóng từ dưới lớp gạch hun nóng hết cả lòng bàn chân. Góp sức vào công cuộc làm con người phát khùng còn có ve, chúng nó kêu như bị ai ăn hết cơm hết gạo. Kêu từ năm giờ sáng đến bảy giờ tối mới thôi. Ngày nào vui thì ca xuyên đêm.
Tôi nằm vật vờ trên chiếc võng treo ngay giữa nhà, dí đầu vào cái quạt cà tàng chỉ biết tấp hơi nóng và người chủ, một tí mát mẻ cũng chẳng có. Lúc này tôi nhớ bộ máy lạnh ở nhà kinh khủng khiếp. Dù có tốn điện thì ít nhất cũng không tốn người. Sống thế này tổn thọ quá.
Nước mắt chảy ròng ròng từ trên trán xuống, dính bết hết tóc và quần áo lại với nhau. Cả cơ thể nhớp nháp khó chịu, còn mãi không đỡ mồ hôi. Tôi khép hờ mắt, nghe loáng thoáng từ bên ngoài có người bảo: “Trời có vẻ sắp mưa rồi.”
“Mong là vậy.” Không thì chết mất. Tôi đưa tay vuốt mặt, mặn ơi là mặn. Tối nay sẽ ăn canh chua.
Trước khi đi viếng mộ ông già, tôi có tạt qua chợ xã. Chiều chiều, cả chợ vắng tanh, chỉ còn lác đác mấy hàng rau và tạp hóa là có người bán. Tuốt trong góc khu hàng thịt có hai người phụ nữ lớn tuổi ôm hai cái thúng tre lót ni lông. Lèo tèo vài ba miếng xương heo và mỡ. Thấy bóng tôi lấp ló trước tiệm đồ sứ, cả hai chạy đến túm lấy tôi chào hàng. Lật qua lật lại mấy miếng thịt, rõ là không còn tươi nữa.
Mổ heo từ bốn năm giờ sáng còn đòi hàng tươi, tôi tự cười. Lại nhớ đến hàng cá, nơi mà ngoài người bán và ruồi ra thì chẳng còn thứ gì ra hồn. tôi cắn răng mua một miếng thịt nạc mỡ lộn xộn với giá năm mươi nghìn. Rau thì không phải nói, bọc măng chua năm nghìn có chút éc. Hai quả cà chua tám nghìn. Năm nghìn hành lá, tỏi một tép ba nghìn. Hộp mắm ruốc be bé xinh xinh hai mươi, thứ duy nhất đúng giá, mô phật. Thêm bộ đồ cúng nữa chứ. Tôi tự nhẩm lại trong đầu, lúc mua thì làm gì có cảm giác gì. Chỉ khi nhớ lại mới tiếc đứt ruột đứt gan thôi!
Quạt chạy phần phận trước mặt, quả bóng tinh thần đang phình lên vì phẫn nộ trong tôi xìu xuống, khô héo dưới chân mùa hè.
Ve lại kêu rền từng đợt ngoài cửa. Năm nay hè đến muộn, đầu tháng tư trời mới bắt đầu nóng và có ve. Nhưng giờ đã không còn như ngày tôi còn bé nữa. Mùa ve đang tách dần khỏi mùa hè, trở thành những tiếng kêu ồn ào ngắn ngủi. Mãi tháng chín Huế mới co mình lại trong mưa và gió lạnh. Vậy mà loài sinh vật nho nhỏ kia chỉ còn bám được trên cây thêm một tháng nữa là cùng.
Bỗng tôi thấy có cái chấm đen lao vào phòng qua cửa sổ, là một con ve mập. Nó quay từng vòng lộn xộn trong phòng trước khi yên vị trên tấm la phông(5) màu mè sặc sỡ, và bắt đầu kêu. Lạ thật, sao ve không bay vòng vòng quanh bóng đèn như thiêu thân nhỉ? Tôi bịt tai, nằm hấp hối xem nó múa bụng. Chứng kiến cả cảnh nó bị con thằn lằn béo bò đến cạp đầu. Phần thân hình ô voan bật mấy cái cánh mỏng ra, đập loạn, kéo theo cả thằn lằn quay từng vòng lộn xộn. Tách một tiếng, đầu và thân ve tách nhau ra, theo quán tính rơi bộp xuống nền nhà, dịch nhớt vươn vãi. Bên trên, kẻ chiến thắng ngậm đầu con mồi, tặc lưỡi từng tiếng.
Cuối cùng tôi dùng giấy ăn bọc xác con ve lại, quăng vào thùng rác và bỏ ra ngoài. Ôi chao, mát khỉ gì mà mát? Ra ngoài cũng chỉ là nhảy từ cái chảo này vào cái nổi khác thôi. Trời ơi nó nóng!
“Dương hả em? Tới đây làm ly với anh chị cho vui nè.” Phía bên kia dãy trọ có người gọi với. Nhìn xuyên qua đám trẻ con đang chạy nhảy và những dây phơi đầy quần áo, tôi thấy ngay người vừa lên tiếng ngồi trong bàn nhậu trước cửa phòng chín và mười. Dưới chân bàn vươn vãi lon bia và thức ăn.
Tôi cười mà lòng lạnh ngắt, làm ơn đừng mời trời ơi: “Mọi người cứ tự nhiên đi, em ra đây hóng gió thôi.”
“Gió gì mà gió em ơi, làm miếng cho mát người.” Ông thần phòng bảy cười khề khề: “Thêm cái ly đi chị Nhã.”
Lần này tôi buộc phải đi tới, nhưng bảo ngồi xuống thì chịu thôi: ”Thôi anh chị ạ, em bị dị ứng cồn. Xóm mình diệt mồi dữ quá ha.” Tôi chỉ đĩa lòng lợn đã sắp hết, rút trong túi ra hai trăm nghìn: “Em mời cả nhà mình bữa lòng với dồi, ngồi lai rai đỡ buồn.”
“Trời ơi, bữa nay chị chủ trọ sộp(6) quá bây! Anh chị cảm ơn nghen!”
Say hết rồi. Nói lộn xộn hết lên. Tôi cười cười với Sen khi cậu trai trẻ đó loạng choạng đứng lên gọi đồ. Bỗng nhiên tôi chạm mắt với Liễn, con bé ngồi khuất sau cửa phòng, lén lén lút lút như ăn trộm. Chân tôi tự động bước đi.
(5) Tấm la phông: La phông trần nhà (hay còn gọi là: trần la phông, la phông nhà, la phông trần) có tên tiếng anh là Ceiling Boarding. Đây là thuật ngữ chỉ loại trần giả, tạo vỏ bọc bao phủ các chi tiết/ cấu trúc phía trên căn phòng như: dây điện, đường ống. Giúp căn phòng đạt được vẻ ngoài sạch sẽ và ngăn nắp với thiết kế mang tính thẩm mỹ.
Bình luận
Chưa có bình luận