Phần 1: Hè (4)


“Chị nói lại lần nữa coi.”

 

“Canh chua.”

 

“Gì nữa?”

 

“Ờ.” Tôi ngập ngừng: “Canh chua nấu thịt heo?”

 

Liễn liếc tôi như nhìn người trên trời rơi xuống: “Chị có ổn không? Ai đời lại nấu kiểu đó? Chị biết nấu thật không đó?”

 

“Biết là nghe nó báng bổ nền ẩm thực nước nhà lắm, nhưng chiều chợ chỉ có chừng đó thôi em.” Tôi cũng lực bất tòng tâm.

 

Canh chua, hay còn gọi là canh măng chua. Nguyên liệu chủ yếu là măng cắt nhỏ ngâm cùng bầu thái mỏng và môn(1). Nấu với cá nục là ngon nhất. Mà làm gì còn cá mú(2) gì ngoài chợ mà mua? Nên tôi dùng nước luộc thịt nấu luôn. Khi Liễn lóc cóc sang, nồi nước đang sôi sùng sục, tôi vừa vớt miếng thịt ra, bốc nắm măng định ném vào nồi. Là một người con lớn lên ở miền trung, cái món này đúng là báng bổ.


(1) Môn: Khoai nước hay môn nước, khoai ngứa. Đây là cây mọc ở ruộng hạy dựa vào bờ nước, có củ, lá cọng cao 0,3-0,8 m, láng, phiến không thấm nước vì lông mịn như nhung, mo vàng.

 

(2) Cá mú: cách gọi cho có vần ở nơi mình sống.


“Chị đứng yên đấy. Em về phòng cho chị khúc cá.” Con bé hùng hổ quay người đi mà trông như đang chạy, bỗng nhiên quay lại gào ầm lên: “Đổ nồi nước luộc mau lên!”

 

“Thôi...” Sao con bé này cứ như pháo nổ thế, ồn quá, tôi nghe nó hét mà đau cả đầu, cuối cùng cũng theo ý nó đổ nồi nước đi. Vạch túi đồ ăn lạnh ngắt vừa lấy trong tủ lạnh ra chọn hai trái cà chua. Mềm xèo. Tôi bóp bóp cả hai quả, không lớn lắm đâu, nằm gọn trong bàn tay. Vỏ trông mỏng lắm, nước rỉ ra như sắp hỏng tới nơi.

 

Tám nghìn mồ hôi xương máu...

 

Tám nghìn ngậm đắng nuốt cay...

 

Tám nghìn thân tàn ma dại...

 

Nuốt nước bọt mà nó kẹt trong cổ họng đắng ngắt vầy nè! Tôi rửa sơ qua nước, ngửi thử xem đã hỏng chưa, ơ, thơm đấy chứ?

 

Cà chua xào, đã có ai ăn chưa? Tôi cũng chưa.

 

Tôi bật bếp, dùng cái nồi đa năng lúc nãy luộc thịt đã được rửa sạch đặt lên. Ở trọ, tôi vẫn dùng bếp ga, so với bếp từ thì đúng là khác nhiều thật, chủ yếu là bất lợi hơn. Nhưng biết sao được, tôi vẫn thích cảm giác khi nhìn lửa cháy bập bùng trên bếp. Chờ nồi nóng lên, tôi cầm quai, nghiêng qua nghiêng lại cho đều nhiệt, gộp hai giọt nước lớn làm một và nhìn nó bốc hơi. Tiếp đó thả cả hai trái cà chua vào, lật trái lật phải cho vàng vỏ. Nước rỉ ra từ lớp vỏ đỏ cam, kêu xèo xèo, đỏ sẫm. Tôi cầm chai dầu ăn, rót vào một tí. Có đúng một tí. Mà trong nồi nổ như pháo hoa đêm ba mươi.

 

Dầu ăn gặp nước cà chua vui quá đốt pháo hoa ăn mừng, kêu: Tách tách tách.

 

“Ui! Nóng nóng!” Tôi lùi vội về phía sau né đạn.

 

Tách tách tách. Cà chua không nhận anh em, rút súng chĩa(2) vô(3) dầu ăn.


(2) Chĩa: hướng thẳng mũi nhọn, hoặc đầu mũi nói chung vào một hướng, một mục tiêu nào đó.


(3) Vô: vào.


Chiến sự căng thẳng, tôi nghe có mùi cháy, phải tìm gia vị để nêm vào. Thứ đầu tiên đập vào mắt là nước mắm: “Nước mắm, nước mắm!”

 

Xèo một tiếng dài, nước mắm gia nhập cuộc chơi.

 

“Ui!” Dầu bắn thẳng vào mặt. Tôi phải mắt nhắm mắt mở đi rửa, sát ngay mí mắt, may vẫn chưa bị bỏng.

 

Lẽ ra phải cho dầu vào trước và cắt cà chua nhỏ ra. Nhưng tôi lười quá, với lại ai biết chuyện sẽ thành ra như này? Thường thì đồ trong chảo chỉ kêu một tiếng thật dài rồi im. Trời nóng quá nên cái gì cũng bất thường hết. Đợi ba bên ngừng bắn, tôi đi tới nêm nốt phần gia vị còn lại trước khi dằm nát cà chua ra. Ngắt thêm hai cọng hành lá héo cong queo rắc lên trên. Nếm thử, cũng ngon phết.

 

“Em về rồi. Cá của chị nè.” Liễn đột ngột hiện lên trước cửa, hai tay bên cầm cái bọc ni lông, bên thì lon bia. “Ngoài kia mời đó. Chị nấu xong cái gì nữa vậy?” Nó ngó thấy đĩa đồ ăn lạ vừa xuất hiện, tiện miệng hỏi. “Đừng nói với em là chị lại phát minh ra thêm thứ gì nữa đó nhá.”

 

Tôi chống chế: “Có cà chua xào thôi mà.”

 

“Ý là có mỗi cà chua thôi á?”

 

“Thì cà chua xào...”

 

Liễn đứng yên nhìn tôi thả khúc cá rớt bộp và bồn rửa. Mặt con bé nhăn lại, giãn ra, rồi nhăn lại khi nhìn đồ trong đĩa: “Người giàu các chị, thường ăn như này hả? Bảo sao mãi em không giàu nổi.”

 

“Chị có giàu đâu.” Tôi cười trừ.

 

Nó bĩu môi, xin tôi cho mượn đôi đũa, gắp thử một miếng. Giọng vẫn chua chát: “Chưa giàu đã thế này. Giàu rồi chắc chị ăn trứng chiên không trứng, mắm tép không riềng, canh chua nấu cà tím!”

 

Lần này thì tôi gục đầu xuống cười ra tiếng. Mặt và tai đều nóng hết lên, lúc nói còn hơi sặc: “Trời đất.”

 

May mà ăn thử thấy vẫn chấp nhận được, con bé không chê nữa mà ngồi yên trên ghế sô pha nói chuyện vu vơ.

 

Tôi thì quay về với nồi canh trong lúc vẫn đang đáp lời Liễn. Tôi rửa nồi trước, bắt lên bếp và mở hũ ruốc ra. Dùng đũa khuấy một ít cho vào cùng với nước và chút dầu ăn. Mùi mặn đặc trưng tỏa ra khắp căn bếp, kêu lèo xèo như sắp sôi. Tôi đổ thêm nước đến nửa nồi, khuấy khuấy vài cái tượng trưng trước khi cho măng và bầu chua vào nồi. Nêm thêm bột ngọt, muối, ít tiêu. Cuối cùng cho luôn cây hành còn lại vào nồi. Ngon quá ngon.

 

“Em cảm ơn chị.” Liễn bỗng nhiên cảm ơn tôi. Giọng nó nhỏ xíu, lí nhí như muỗi kêu.

 

“Chuyện gì?”

 

Ờ thì tôi biết là chuyện gì. Lúc nãy khi đột kích phòng trọ con bé với lý do ‘xem người thuê sống thế nào’. Phòng Liễn trống trơn, có mỗi tấm nệm để ngủ, con xe đạp điện cũ, cái bàn gỗ nhỏ đựng bếp và tủ lạnh mini. Nó thì ngồi xổm trong góc phòng hóng gió, mặt lạnh tanh: “Em không cần nữa đâu.”

 

“Cần cái gì?” Tôi nhìn Liễn trong khi nó cúi mặt xuống, ngóng ra sân. Tôi hỏi lại: “Em nói cần cái gì?”

 

Từ trên cao nhìn xuống, tôi mới thấy người con bé ốm nhom, mang cái áo vàng nhạt thếch rộng thùng thình, lấm tấm mốc. Trông tổng thể cả người cả phòng nồng nặc một chữ khổ.

 

Liễn đột ngột ngẩng mặt lên hỏi tôi: ”Chị nhìn gì thế?”

 

Mắt và mũi nó hơi đỏ lên. Tôi chưa chọc gì để con bé khóc à. Nhưng nghĩ lại, cảnh người đứng người ngồi thế này sao nó giai cấp quá. Chẳng hiểu sao tôi lại ghẹo: “Gì? Người đẹp vậy mà không cho ngắm à?”

 

Mặt con bé xịu xuống. Tôi cũng ngồi bệt trước cửa phòng như Liễn, gác cằm lên đầu gối, hỏi nó: “Nè, chuyện gì vậy? Chị kiếm em xem em sống sao thôi, không đòi hỏi gì hết. Đừng có lo.”

 

“Thế mà em nghĩ chị đến bảo lúc nãy hai trăm đó chị giỡn.” Nó im lặng mất một lúc, khi đáp có hơi sụt sùi. “Em mới nghĩ sao chị đùa em ác vậy.” Nói xong thì gục đầu sang một bên, tôi gọi cỡ nào cũng không chịu quay lại.

 

Buồn cười, tôi nhặt cây quạt tay đỏ dưới đất lên, phẩy phẩy về phía nó. Tóc con bé dính hết lại vì mồ hôi, trông thương hết sức.

 

Cả dãy từ phòng một đến sáu cho học trò thuê, giờ phòng nào cũng đóng kín mít. Lúc nãy tôi mới nhận ra còn Liễn ở lại. Nếu nói là sợ hết hè có người khác thuê mất thì chắc chắn không phải, trong hợp đồng tôi đã ghi rõ trong thời gian không ở, mỗi đứa đóng năm mươi nghìn ‘phí giữ phòng’ coi như tiền cọc. Thì sau hè vẫn còn phòng. Hơn nữa chủ yếu chúng nó thuê chung với nhau, một phòng bốn trăm nghìn/tháng. Sống chung hai, ba đứa đỡ tiền gia đình. Nếu có mỗi Liễn, con bé sẽ gánh hết, bạn ở chung thì đỡ được phí giữ phòng.

 

Còn lý do khác là gia đình. Tôi nghĩ dễ vì chuyện này hơn, ở quê tôi dân quê một cục, nhiều thứ vẫn rất cứng nhắc, cổ hủ.

 

“Thủy tạm thời không ở đây nhỉ? Vậy thì miễn cho em tiền tháng này ha?” Tôi nói nhỏ, dỗ con bé. Một lúc sau nghe Liễn dạ nhẹ một tiếng đáp lại.

 

“Thế đừng giận chị nữa nhá.”

 

“Dạ.”

 

“Chuyển lời cho Thủy nữa nhá.”

 

“Dạ.”

 

“Có chuyện gì nhớ báo chị.”

 

“Dạ.”

 

Ngoan ghê chưa. Dễ thương thiệt. Tôi trông nó có vẻ vẫn còn sụt sùi, vậy mà hỏi câu nào cũng đáp lại. lại còn lần sau nhanh hơn lần trước.

 

“... Chị ơi.” Con bé bất ngờ quay người lại, mắt rơm rớm: “Còn chị có giận em không?”

 

“Lúc nãy à? Chị giận em làm gì. Lên tiếng bảo vệ bạn bè là giỏi lắm đó. Hơn nữa là chị sai trước mà.” Tôi quạt cho nó, con bé nhắm tịt mắt lại làm nước mắt chảy ra ròng ròng. Coi bộ hãy còn phân vân.

 

Nó hỏi lại: “Chị xạo. Rõ lúc đó chị định mắng em. Sao chị không mắng em? Tự nhiên bị một đứa lạ hoắc và hỏi tội. Bộ(4), chị không bực à?”

 

(4) Bộ: chẳng lẽ, chẳng nhẽ.


“Có. Chị định đấm em cơ.” Tôi đáp mặt tỉnh bơ.

 

“Chị xạo. Sao chị không đấm.”

 

Nói gì nó cũng bảo tôi xạo. Mà cái giọng nghẹt mũi mới buồn cười làm sao. Tôi nhoẻn miệng cười: “Cái đó gọi là lấy đức cảm người(5), lấy ơn báo oán(6).”

 

(5) Lấy đức cảm người: hay 'lấy đức phục nhân'. Chỉ việc dùng đức hạnh, điều tốt đẹp để thu phục lòng người. 


(6) Lấy ơn báo oán: không ghi hận thù, mà dùng ân đức, sự tử tế để đáp lại. 


Liễn phụng phịu: “Còn em là ăn cháo đá bát(7) hả?”

 

(7) Ăn cháo đá bát: là câu thành ngữ chỉ trích những kẻ sống chỉ biết đến lợi ích của bản thân, vô ơn bội nghĩa với người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn


Em là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng(8). Đang yên đang lành đi lo việc cho người khác, tôi nhủ trong bụng. Nghĩ vậy thôi chứ Khi mở miệng, ai lại nói thế. “Em là giận quá mất khôn. Phải từ từ, bình tĩnh.”

 

(8) Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng: Chỉ những người không lo việc nhà mình mà lại thích lo chuyện thiên hạ, những việc lớn lao không thuộc trách nhiệm của mình.


“Vậy sao chị không cãi? Danh dự của chị mà?” Con bé bám riết. Tôi đưa mặt lại gần nó, có thoang thoảng mùi bia. Rượu vào lời ra(9) trời ạ!

 

(9) rượu vào lời ra: ám chỉ rằng khi một người uống rượu và say xỉn, họ thường mất khả năng kiểm soát và có thể nói ra những điều mà họ không nói khi tỉnh táo


Tôi đẩy đầu nó ra: “Vì không cần thiết. Danh dự nằm ở chỗ chị là con người như thế nào chứ không phải nằm trong lời nói chủ quan của em. Những thứ không ảnh hưởng đến lợi ích quan trọng thì không cần phải cố tranh cãi. Suy nghĩ của em sai, đó là vấn đề của em, không phải của chị. Danh dự của chị không phải là thứ dễ vỡ theo từng lời nói của người khác.”

 

“Còn nếu mọi chuyện đi quá xa thì mình ra tòa gặp nhau.” Tôi bồi thêm.

 

Liễn im lặng không đáp. Tôi ngồi nhìn trời với con bé thêm một lúc thì đứng lên: “Vậy thôi, chị về đây. Em nghỉ ngơi đi. Tháng này miễn phí coi như xin lỗi nhé.”

 

-

 

Quay lại từ đầu chương, chuyện đơn giản hơn. Liễn tỉnh cơn say thì nhận ra mình lỡ lời, đi tìm tôi xin lỗi. Lại trông thấy người lúc nãy nắm thóp nó nấu ăn như hạch. Cơn ngượng đang lên lại không biết cách kìm lại, nó mắng tôi rồi chạy về lấy khúc cá coi như chuộc lỗi.

 

Dễ thương.


​​​​​​​

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout