Phần 1: Hè (5)




Tôi nằm ngửa trên giường, vắt chéo chân, mắt mở trân trân nhìn lên trần nhà. Bên ngoài đang mưa, mưa lớn, từng hạt từng hạt đập vào mái tôn như đánh trống. Chốc chốc lại chèn vào những tiếng sấm rền vang, lóe lên qua ô cửa kính. Mùi hơi đất trong không khí bốc lên thật nồng, xen giữa mùi kiềm và bùn ẩm của cơn mưa. Gió tạt vào cửa sổ làm sàn nhà lấm tấm nước.

 

Da tôi mát lạnh nhưng dính nhớp, hơi nước quá nhiều cũng chẳng phải chuyện gì hay. Tôi trở người, đá chăn. Thằn lằn bám trên trần nhà vài ba con, tặc lưỡi một cách dứt quãng. Tôi nghe ếch và dế kêu từ bên kia đường tàu vọng lại. Không một chiếc xe, không hơi người, buồn rười rượi.

 

Đầu tôi mơ màng, những giấc ngủ ngắn và chập chờn. Lặng lẽ chìm nghỉm giữa cơn mưa lê thê.

 

-


Mặt trời lên khi mưa hãy còn lất phất. Một ngày tĩnh lặng bắt đầu bằng tiếng ve rời rạc dưới những tán phượng loe ngoe chấm đỏ. Không biết chó nhà ai đuổi gà làm chúng gáy ầm lên. Có xe bánh bao cà tàng chạy tành tạch trước chợ, phát hoài bài ca muôn thuở: “Bánh bao. Bánh bao đây...”

 

Kịch một cái, giọng đứa con gái hỏi: “Có cái năm nghìn không chú?”

 

Giữa chừng bỗng chêm thêm chiếc xe xôi, người đàn bà cao giọng: “Xôi không? Ai xôi không?” Chạy cả đoạn dài rỗi mà tiếng reo vẫn ở yên trước cổng. Bên cạnh, ai mở vòi mà nước chảy xối xả. Chén đĩa va vào nhau leng keng. Xe máy nổ tành tạch. Con nít khóc rộn ràng sau cửa trọ.

 

Ve ngừng rồi lại kêu, nắng đỏ nhuộm cam ô của kính, lấp ló nơi khe cửa. Tôi mở điện thoại, chỉ mới gần bốn rưỡi.

 

-

 

“Dậy sớm thế?”

 

“Chào chị.”

 

“Dương hả em?”

 

“Dạ.”

 

Tôi dựa vào tường, từ trượt xuống đến khi ngồi được trên bậc cửa. Che miệng ngáp ngắn ngáp dài. Tiết trời hanh nóng, muỗi vo ve bay theo từng đàn, tôi quơ tay lung tung. Mắt thật sự không tài nào mở ra nổi. Cả đêm nghe nhạc hội đồng quê thiệt là kinh khủng.

 

“Chị bệnh rồi à?” Liễn mặc cái áo khoác dài tay bạc thếch và quần jean xanh xắn gối. Đứng một bên chiếc xe đạp điện có buộc hai cái thùng hai bên. Con bé ăn vội cái bánh còn bốc hơi nghi ngút, thổi phù phù.

 

Tôi đáp, giọng uể oải: “Đâu có, buồn ngủ thôi.”

 

Liễn cắn nốt phần bánh, rũ cái bọc ni lông vài lần trước khi nhét vào túi. Bỗng nhiên hỏi: “Chị bận gì không?”

 

Mắt cay xè, tôi lắc đầu, tạm thời chưa có kế hoạch gì hết. Mà nếu có thì chắc là lên lại nhà, xong ngủ đến tối. Tối rồi dậy ăn, ăn xong lại ngủ. 

 

“Thế chị đi biển với em đi.” Con bé kéo sợi dây cao su buộc hai cái thùng kêu rẹt một tiếng. Thấy tôi chưa kịp phản ứng, nó giục: “Đi nhanh lên chị!”

 

“Em tính chở chị đi bán qua Campuchia à?” 

 

“Đúng đấy, thế chị đi không?”

 

“Đi.”

 

-

 

Quê nội tôi ở một vùng ven biển, quê ngoại lại tuốt trên chiến khu Hòa Mỹ thời xưa. Rõ ràng nhà tôi là kết quả của con rồng cháu tiên: năm mươi xuống biển năm mươi lên non. Vì suy thoái kinh tế mà gặp nhau. Sau đó chấp bút cho một mối nghiệt duyên chết tiệt.

 

Nhưng dù gia đình có nát thế nào cũng không thể ngăn tôi ra biển.

 

Mùa sứa ở miền Trung chỉ có vào tháng năm. Sóng mang lộc vào cho bà con làng chài lưới, trẻ con cười tươi bên những rổ ‘thạch trời’. Ngày rằm, thủy triều lên cao, khi rút để lại đầy vỏ sò và sứa biển. Người ta cứ sáng sớm lại đèo bồng nhau đi nhặt. Bán được rất khá.

 

“Khi xuống chị đừng cởi dép, đạp mảnh chai đó.” Liễn nhắc tôi trong khi vẫn đang cẩn thận lái xe. Đường xấu, người ta đổ bê tông ngay trên lớp đất cát, đoạn đất đỏ thì không nói, cứ đến nơi toàn đất cát là biết cảnh. Nhiều đoạn chi chít ổ gà ổ voi. Trước khi qua những đoạn đường xấu, nó luôn nhắc: “Bám chắc vào nghe chị.”

 

Tôi thì thoải mái hơn, ngồi yên trên xe mà hồn để đâu đâu. Sương sớm phả vào mặt mặn mà hơi biển. Lấp đầy phổi một thứ không khí  vô cùng trong lành. Tôi nhướng người nhìn qua hàng cây phòng hộ mọc trơ trơ hai bên đường, thấy biển long lanh như tráng gương. Mơ màng trong nắng sớm. Đường kéo dài đến sát biển, đoạn cuối sụt xuống cát, hư hỏng nặng. Dọc hai bên đậu đầy xe máy, xe đạp.

 

Tôi đi sát sau lưng Liễn, nhìn từng dòng người hối hả đi lướt qua cả hai. Ngư dân. Đàn ông để trần, khuân trên vai những thùng xốp, những thúng đồ lõng bõng nước. Cười toe, chửi nhau vài câu tục tĩu. Đàn bà mang đèn và từng bao tải núc ních cá. Nghe toàn mùi cá biển.

 

“Chị nhìn đường mà đi.” Liễn níu tay tôi, quay đầu lườm cậu thanh niên vừa va phả hai chị em: “Nhìn cái gì?”

 

Ờ, cũng có người thật trẻ. Cát lún xuống, chảy vào đầy dép. Tôi đi tập tễnh, cười tươi rói: “Không sao.”

 

“Chị coi nè, những con bóp vào càng cứng thì càng ngon.” Con bé chỉ vào phần râu: “Con này chết rồi này, nếu còn sống hay mới vừa chết thì ngứa lắm.” Nó nhấc con sứa lên, trông lấp lánh như miếng thạch lớn dính đầy cát. To phải bằng bốn, năm bàn tay tôi.

 

Liễn chỉ nói được với tôi mỗi lúc đầu. Về sau, mấy đứa trẻ con gia nhập. Một đám quỷ con. Liễn bị giành trước mãi, con bé chống nạnh chửi, nhưng cuối cùng cũng phái lúi húi đi chỗ khác.

 

Riêng tôi bị bỏ lại bên hai cái thùng, thẫn thờ nhìn trời nhìn đất. Mặt trời màu cam cháy, trời xanh rộng. Tiếng cười tiếng nói hòa vào nhau át cả tiếng biển.

 

Một ngày ồn ã.

 

-

 

Chúng tôi trở về với hai thùng chiến lợi phẩm đầy ắp. Liễn chở tôi ra chợ, chạy vòng vòng tìm một cặp vợ chồng tầm bốn mươi: “Đây, mẻ cuối. Tính thêm cho em mẻ lúc sáng sớm nưa nghen!”

 

“Tươi quá hén? Để o cân, con sang chú lấy tiền.” Người phụ nữ mang áo hoa nhí hồng cười tít, vắt chiếc khăn nâu qua vai, cúi người nhìn vào hai cái thùng. Xung quanh cũng có vài ba người đến bán nữa, họ túm tụm quanh một ông chú đội mũ đỏ. Chắc đang đợi tính tiền.

 

Liễn chăm chú nhìn cảnh người phụ nữ xem xét đống sứa, trông rất vui. Bỗng nhiên con bé bước vội tới, tay rút bọc ni lông lúc sáng ra khỏi túi: “Khoan đã, cho em xin lại một miếng.” Nó cắt một phần kha khá, đựng đầy trong túi, quay sang tôi mặt rạng rỡ: “Cho chị nè, công sức hôm nay của tụi mình đó!”

 

Tôi nhận, nặng thật: “Vậy chị cảm ơn.”

 

-

 

Sau khi về lại trọ, tôi tắm rửa rồi leo lên giường làm một giấc đến hơn tám giờ. Dậy lúc tám giờ vì khi đó trời bắt đầu nóng lên, chịu không nổi. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy phòng con bé đã đóng kín mít. Chắc là đi làm rồi, mà đâu phải mỗi Liễn, cả trọ có còn ai đâu.

 

Tôi dọn đại đồ trong phòng, vét tủ lạnh xem còn gì ăn được không để mang đi. Vậy mà cuối cùng lại chuồi hết mắm muối, mấy gói mì tôm và cháo gói vào cái bịch trước phòng Liễn. Chụp một tấm ảnh gửi qua Messenger cho nó:

 

(Chị ăn không hết, em xử giúp chị nha.)

 

(Đã gửi ba ảnh.)

 

(ʕ•ᴥ•ʔ) 

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout