Chương 10. Điểm Văn của kẻ đứng đầu khối.



Trình Du say giấc ở phòng y tế suốt mấy tiết liền. Phùng Phan có ghé qua vài lần nhưng thấy cậu ngủ sâu quá nên không nỡ đánh thức. Trong lúc đó, diễn đàn trường Thời Đại đột ngột bùng nổ.

Trình Du hoàn toàn bỏ lỡ khoảnh khắc bài kiểm tra của mình được giáo viên Toán, Lý, Hóa dán lên bảng, kèm theo những lời khen ngợi không ngớt trước mấy chục thành viên trong lớp.

Cậu cũng bỏ qua luôn việc bài kiểm tra Ngữ Văn của mình bị truyền tay khắp các tổ, và đứa bỏ mẹ nào đã táy máy chân tay chụp lại, tuồn vào diễn đàn trường cho người ta mổ xẻ. Lượng bình luận và lượt haha vào bài viết mới tăng vùn vụt, khiến diễn đàn sôi động hẳn lên. Tin "bẩn" cậu bị Nghiêm Luật đấm chấn thương bị bài kiểm tra này nhấn cho chìm nghỉm, cái tên Đoàn Trình Du ở trường Thời Đại bỗng chốc nổi như cồn, theo một cách không ai ngờ tới.

Phòng y tế đông vui tấp nập, Trình Du vừa ăn nắm xôi mà ai đó mua cho, vừa nghe bọn Phùng Phan, Khánh Khiêm, Việt Hà khua chân múa tay luyên thuyên đủ thứ.

"Đm, Du, chiến thần môn Văn phải gọi tên mày, mày không biết khi nãy cô Phượng trông đau khổ thế nào đâu. May là mày không có ở đấy, chứ không lại bị khiêng cáng xuống đây thêm lần nữa."

Khánh Khiêm vừa nói vừa lướt điện thoại, mở diễn đàn trường ra. Bài đăng ẩn danh mới nhất đã có hơn một ngàn lượt thích, bình luận đổ về tới tấp như mưa rào mùa hè.

Bài kiểm tra lần này, ngoài mấy câu phân tích tác phẩm văn học, còn có tới hai đề nghị luận xã hội: một đoạn văn ngắn, và một bài văn dài.

Đề 1: Không ai có thể sống thay cuộc đời của bạn. Nhưng bạn cũng không thể sống mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong một xã hội đang đề cao cái tôi, trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng có còn cần thiết? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn.

Nét chữ của Trình Du đẹp đẽ phóng khoáng, múa may ngông cuồng y như chủ nhân của nó:

Mở đoạn: "Trách nhiệm là thứ người ta thường đẩy cho người khác nếu thấy mình không đủ rảnh."

Sau đó viết tiếp: "Người lớn dạy ta sống có trách nhiệm, nhưng lại bảo: "Con đừng hỏi, lo học đi." Vậy xin hỏi, tôi phải học làm người có trách nhiệm từ đâu?"

Kết thúc phần mở đoạn, sang phần thân đoạn: "Tôi không rõ lắm, nhưng thật may mắn, cô giáo đã dạy cho tôi biết, sống tử tế cũng là một loại trách nhiệm con người. Thế nhưng sự tử tế hiện nay giống như wifi miễn phí: ai cũng muốn xài nhưng không ai chịu trả tiền, không những vậy còn đòi hỏi bảo mật cao."

"Tôi vẫn tử tế, vẫn cho đi lòng tốt của mình. Nhưng yêu cầu của tôi cũng khá cao, tôi mong đợi sự tử tế mình cho ra phải nhận lại được lòng biết ơn."

"Nhắc về lòng biết ơn, tôi phải cảm ơn những người từng đâm cho mình một dao. Mỗi lần nghĩ đến việc bị phản bội, tôi lại có chất liệu để viết văn, chẳng hạn như bài văn này. Nó khiến tôi nhớ đến cuộc sống học đường trước đây của mình."

"Ngày xưa bạn thân là người sẵn sàng che giấu bạn khi trốn học. Bây giờ, bạn thân là người... chụp ảnh lại rồi gửi vào nhóm lớp. Tôi không trách họ. Bởi vì trong thời đại số, tốc độ gửi ảnh còn nhanh hơn tốc độ cảm thông."

"Tôi biết con người đau đớn sau phản bội đều là do bỏ quá nhiều tình cảm vào mối quan hệ. Tôi thấy con người cần phải học được cách giữ lại chút ít cho mình, không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ."

"Tình cảm giống như nơi mua bán vậy, ai thông minh sẽ là người trả góp. Nhận lại thứ mình muốn ngay lập tức, đã vậy còn khiến đối phương bám riết không rời..."

Không có phần kết.

Lời phê: Lạc đề nghiêm trọng. 

Tóm tắt: Đề 1 ăn điểm mỗi phần mở đoạn.

Chưa dừng lại ở đó, bài văn thứ hai của cậu, lượt bình luận cũng sôi nổi không kém.

Đề 2: Người ta thường nói: Ước mơ là ngọn lửa soi sáng hành trình trưởng thành. Nhưng nếu ánh sáng ấy thắp ở nơi quá xa, liệu ta còn đủ kiên trì để đi tiếp? Anh/chị nghĩ gì về vai trò của ước mơ trong đời sống học sinh hiện nay?

Rõ ràng là một bài tặng điểm, nhưng cậu nhất khối hệ Tự Nhiên này nhất định phải đi đường vòng.

Mở bài: "Tôi từng có nhiều ước mơ. Giáo viên cấp một nói cho tôi biết, ước mơ chính là động lực thúc đẩy con người bước về phía trước. Khi ấy, điều đầu tiên tôi ước chính là được nghỉ học một tuần mà không cần giấy xin phép. Tất nhiên sau khi nói ra ước mơ đó, tôi bị mẹ đánh thừa sống thiếu chết. Từ đó tôi nhận ra đây chính là nút thắt đầu tiên trong suốt quãng đường trưởng thành đầy chông gai, với vô vàn ước mơ đi vào ngõ cụt của tôi."

Mở bài này dài bằng một đoạn văn ở đề 1.

Thân bài: "Sau khi ý thức được cái gì gọi là ước mơ, tôi đã từng khao khát trở thành bác sĩ, vì tôi nghĩ chữa bệnh, cứu người là điều lớn lao vĩ đại. Nhưng khoảnh khắc ai đó cho tôi xem sách chuyên ngành và nói cho tôi biết điểm chuẩn ngành y, tôi cảm thấy mình mới là người cần được cấp cứu trước."

"Lần thứ hai, tôi muốn làm nhạc sĩ, vì thấy nghệ sĩ sáng tác và chơi đàn rất lãng tử. Tôi thấy trong âm nhạc, người ta được thỏa sức buồn bã mà không bị chê yếu đuối, được viết những điều vô lý mà lại khiến người ta cảm thấy hợp lý. Thế là tôi bắt đầu học đàn. Ba ngày sau, cả nhà đồng loạt đuổi tôi ra ngoài tập thể dục từ sáng đến tối thay vì để tôi phá hủy nhịp sinh học của khu chung cư."

"Tuy nhiên, quả ngọt vẫn dành cho người nỗ lực, tôi cũng đã từng đôi lần phát huy năng khiếu của mình trong những cuộc họp mặt đông người trong xóm, không một ai chê bai tôi ở những giây phút ấy. Nhưng cũng không một ai trong gia đình chịu đồng ý với ước mơ đánh trống đám ma này. Một lần nữa, tôi lại thất bại."

"Lần thứ ba, tôi nghĩ tới nghề luật sư. Vì tôi thích cãi, bạn có hiểu được cảm giác cãi thắng người khác vui thế nào không? Đúng thì cãi, sai thì cãi cho thành đúng, cãi nhiệt liệt, cãi đến cùng, cãi đến tinh thần phấn chấn. Nhưng một ngày, suy nghĩ ấy đã thay đổi khi mẹ tôi đứng cạnh bếp dịu dàng cười nói: "Mày cãi mẹ một câu nữa là tối nay khỏi ăn cơm." 

"Tự nhiên tôi thấy mình không hợp với ngành nghề này lắm, nhất là khi bị đe dọa bởi nhân vật quyền lực nắm trong tay chiếc muôi sắt to bằng đầu mình."

"Cái cảnh bố tôi nửa đêm phải dậy ăn mì tôm đâu phải tôi mới bắt gặp một hai lần?"

"Và rồi, tôi cũng thử trở thành người quyền lực như mẹ tôi khi đó, tưởng tượng cảnh cầm muôi và đe dọa người khác: "Không... thì khỏi ăn cơm", nghe mà kích thích làm sao. Rồi tôi xào rau không bỏ muối, rán cá không moi ruột, cắm cơm không bật nút, nướng bánh  đến cháy nồi cơm. Lúc ấy tôi mới hiểu: làm người quyền lực không dễ chút nào."

"Nhưng những chuyện đó đã qua lâu rồi."

"Và tôi thì không buông xuôi."

"Hai năm trước, sau khi nghe con ông hàng xóm xúi giục rằng nghề lập trình viên kiếm được rất nhiều tiền, tôi đã thử sức với nó. Nhưng sau 3 lần tải Visual Studio mà không mở được file, tôi suýt nữa thì đập máy tính, nhưng may mà mẹ tôi đã đập tôi trước, tôi chỉ đành quay về với mấy hàm số Excel mình mới học."

"Bạn nghĩ tôi sẽ bỏ cuộc? Không hề! Tôi vẫn còn cứng lắm."

"Tôi đã từng tưởng tượng mình là một cảnh sát ngầu lòi trong bộ đồng phục màu xanh, ngày ngày bắt cướp, hướng tới cộng đồng. Nhưng sau khi chuyển đến trường Thời Đại và bị tóm cổ do vi phạm nội quy đôi lần, tôi thấy mình không nên ôm suy nghĩ hoang tưởng nữa."

"Tôi cảm thấy ước mơ là thứ rất hão huyền, hoặc đối với kẻ vô dụng như tôi, đều là những điều xa xôi, không chạm đất. Tôi đã nghĩ đến việc phù hợp hơn, chính là phi công. Tôi tưởng tượng một ngày mình có thể bay ra khỏi nơi này và chao liệng trên bầu trời tự do, cảm giác ấy phải nói tuyệt vời tới nhường nào? Nhưng sau mấy lần đi thang máy và ngồi xe khách, tôi nghi ngờ chứng rối loạn tiền đình của mình."

"Ai cũng nói, có ước mơ và kiên trì với nó, nhất định sẽ thành công. Và tất thảy mọi ước mơ của tôi đều chỉ ra rằng: Tôi đã thất bại trong việc nghĩ đến một ngày mình sẽ thành công."

"Tuy không thể với đến ước mơ của mình, nhưng với cương vị là một học sinh của trường Thời Đại, tôi có thể thay mặt học sinh toàn trường nói lên ước mơ chung của mọi người."

"Tôi tin nếu cho thanh niên ngủ đủ giấc, ăn cơm đúng giờ, bớt kiểm tra đột xuất lại, thì chúng tôi càng có tinh thần thoải mái để đi từng bước chạm đến ước mơ của mình, mà không phải tối ngày nơm nớp lo sợ lần này thứ quật lên mông mình là roi mây của mẹ hay là thắt lưng của bố."

"..."

Lời phê của giáo viên chấm: Cô không biết em đang viết văn, viết nhật ký hay viết đơn cầu nguyện. Cô hy vọng em không mất niềm tin vào cuộc sống này.

Nhận xét chung bài kiểm tra khảo sát Ngữ Văn của thanh niên nhất khối Hệ Tự Nhiên: Như thường lệ, vẫn... không khá hơn là mấy. Sa đà kể lể, thiếu dẫn chứng xã hội, luận điểm mờ nhạt, trình bày thì lộn xộn như mớ bòng bong. Dù có chút sáng tạo, nhưng tư tưởng tiêu cực phiến diện, lệch góc nhìn, đáp ứng đề nhưng lại trật yêu cầu. May mà phần đọc – hiểu và cảm thụ tác phẩm còn đúng ý, nên tổng thể vẫn gượng gạo bò lên được điểm trên trung bình.

Đại khái là, không dám nhìn thẳng.

Khánh Khiêm đặt điện thoại xuống, nhìn Trình Du đang ăn xôi mà bặm môi nín cười, trầm ngâm hỏi:

– Hỏi cái, mày viết bài này trong bao lâu vậy?

Trình Du bình thản trả lời:

– Mười phút đầu để phân tích đề bài. Năm phút sau để hồi tưởng quá trình trưởng thành. Ba mươi phút tiếp bắt đầu múa bút. Mười phút cuối để thở.

...

Trên diễn đàn học sinh còn đang rôm rả bao nhiêu, hiện tại trong phòng giáo viên xuất hiện hai luồng âm thanh trái chiều, cũng rôm rả bấy nhiêu.

– Lớp cô Diễm có học sinh xuất sắc thật đấy nhé. Phải giữ cho kỹ vào. Nhìn xem, đúng là dân trường chuyên có khác. Lần nào cũng nhất khối, bảng Tự Nhiên bỏ xa đứa thứ hai đến ba điểm!

– Hạt giống Vật Lý có khác, sắp chạm ngưỡng tuyệt đối đến nơi rồi. Toán cũng không tồi đâu nhé.

– ...

Nhưng cô Phượng, giáo viên Ngữ Văn thì không nghĩ thế:

– Sao lại có thể học lệch đến mức độ này được chứ, các thầy các cô nhìn bài Ngữ Văn của thằng nhóc này đi, trêu nhau hả? Phần tác phẩm văn học thì đánh đâu trúng đấy, nhưng cứ nghị luận xã hội là bắt đầu múa bút viết lung tung... Tức chết tôi rồi!

– Đây này! – Cô mở ảnh chụp bài Trình Du trong điện thoại, chỉ vào từng dòng – "BỚT kiểm tra đột xuất lại, thì CHÚNG TÔI càng có tinh thần thoải mái để đi từng bước CHẠM đến ước mơ của mình". 

Cái gì đây? Thư kiến nghị gửi Ban giám hiệu à?

– Đã thế còn bôi đậm, viết nghiêng, in hoa từng chữ. Nó sợ giám khảo chấm thi không đọc được chắc?

– Rồi đây nữa! "Em vẫn còn cứng lắm!" – Cô gằn giọng – Câu này là viết trong bài Văn đấy! Tôi dạy nó viết kiểu này bao giờ hả?

Thầy Hoà chủ nhiệm 12 Tự Nhiên-1 ngồi một chỗ, không nhịn được bật cười thành tiếng:

– Thế thì cho sang ở với thằng Luật lớp tôi, văn vẻ thì không bay bướm được như nhóc Du này, nhưng mà, ít ra còn biết được văn nghị luận viết như thế nào...

Thầy ngập ngừng rồi lại nói tiếp, ý cười khổ hiện rõ trên gương mặt:

– Có điều, nó viết như đang gõ bản tin thời sự. Câu một: thông báo. Câu hai: phê phán. Câu ba: châm chọc. Câu bốn: rút kết luận. Không một giọt cảm xúc. Toàn bài sặc mùi thực dụng. Bài bình thường cần ít nhất hai mặt giấy, nó viết một mặt là nộp. Nhắc hoài mà vẫn cứ thế.

– Haiz... cũng không thể mong đám Tự Nhiên giỏi cả Văn Sử Địa. – Một cô giáo chủ nhiệm lớp Xã Hội thở dài. – Như nhỏ Hà Thư lớp tôi, viết Văn hay thôi rồi, nhưng nhìn điểm Toán của nó là tôi chỉ muốn gào thét.

Mấy giáo viên khác đồng loạt gật gù. Có người nhân tiện kể khổ.

– Nhưng không được chủ quan. Mấy môn ngoài xét tuyển có thể không cần điểm cao, nhưng vẫn phải qua điểm trung bình mới được tốt nghiệp. Giờ tuyển sinh khắt khe lắm. – Một thầy giáo nhắc nhở.

– Thằng Du còn gỡ được, chú ý mỗi Ngữ Văn thôi là ổn rồi. Bảng Chung lần này còn lên hai bậc. Cái đứa đáng lo là thằng Luật lớp tôi kia kìa. – Thầy Hòa nói

Thế là màn sùng bái "con nhà người ta" kinh điển bắt đầu: cô Diễm với thầy Hòa thi nhau kể khổ, xem rốt cuộc đứa nào khiến mình nhức đầu hơn. Mấy thầy cô còn lại vừa nghe vừa gật gù, hóng hớt chẳng sót chữ nào.

Giáo viên Công Nghệ và Sinh Học như tìm được chỗ trút, bắt đầu phàn nàn nói nào là Trình Du trong lớp lơ đễnh thế nào, ham ngủ thế nào, hết ngắm chim bay rồi lại chống cằm gà gật... 

Tiếng cười nói trong phòng vọng ra tới tận hành lang. Trình Du đứng chờ nãy giờ, nghe hết không sót chữ.

Đến khi cô Diễm uống ngụm trà, thong thả lên tiếng, nói vọng ra cửa:

– Nghe xong chưa? Nghe rồi thì vào đây! Đứng đó ngắm chim à?

– Nào có! – Trình Du từ ngoài đẩy cửa vào, nhoẻn miệng cười – Em sợ vác mặt vào giữa chừng làm tụt mood thầy cô thôi mà.

3

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout