Lúc đi thì hớn hở, lúc về thì não nề. Trình Du bước vào lớp với một cuốn sách ôn luyện ngữ văn nặng trĩu trên tay.
– Khiếp, làm gì dưới phòng giáo viên lâu thế, bọn tao còn tưởng mày xuân này con không về chứ. – Vừa thấy bóng cậu, Phùng Phan đã hỏi tới tấp.
Trình Du ném quyển sách lên bàn, nhìn nó bằng ánh mắt ghét bỏ thấy rõ:
– Phùng Phan, cô Phượng gửi sách bồi dưỡng cho mày này.
– Thế á?
Phùng Phan hồ hởi nhón lấy sách, lật giở vài trang. Nhưng chỉ năm giây sau, nụ cười trên môi hắn cứng lại:
– Khoan, vô lý. Rõ ràng hôm nay cô còn khen văn tao có tiến bộ mà?
– À... – Trình Du nói điêu không chớp mắt. – Cô nói đưa mày, để mày tiện đường mang về cho anh trai mày.
Nhắc đến điểm văn lẹt đẹt của ông anh, Phùng Phan như được khai sáng, gật đầu lia lịa rồi cẩn thận cất cuốn sách vào cặp.
– Cô Phượng đúng là có tâm ghê!
Việt Hà chứng kiến cảnh này thì cười ngất, nhưng cũng không can thiệp. Cô biết tỏng, dù Trình Du có mang tài liệu về thật thì cậu cũng chẳng bao giờ nghiêm túc đụng vào. Tên này sống chết với mấy con số, đụng tới mấy môn chữ nghĩa là tự động sập nguồn.
Cô nàng quay sang, gõ nhẹ lên mặt bàn cậu:
– Trình Du, hai hôm nữa sinh nhật tôi, ông đến chung vui nha.
Trình Du còn chưa kịp đáp, Khánh Khiêm ở bàn bên đã thò đầu sang:
– Lại tiệc tùng à? Dạo này tổ mình ăn mừng hơi bị nhiều rồi đấy.
– Gì mà nhiều? – Việt Hà búng tay đếm rành rọt. – Mấy hôm trước là chia tay con My đi du học, hôm kia là ăn mừng tao giảm được một cân, còn tới đây là sinh nhật tao cơ mà.
Sau đó cô nàng quay lại đập nhẹ vai cậu ta:
– Riêng mày, quà cáp phải để tao duyệt trước mới được tặng đấy. Nhắc lại quả son hồng cánh sen năm ngoái vẫn còn ám ảnh, đến bà nội tao còn chê.
Nói rồi, cô quay lại phía Trình Du, đôi mắt long lanh đầy mong chờ:
– Ông nhớ tới nha. Mấy em lớp dưới tôi quen hỏi thăm ông suốt đấy... ủa, ông đang viết cái gì vậy?
Phùng Phan cũng tò mò nheo mắt, nghiêng đầu muốn gãy cổ để đọc những dòng chữ Trình Du đang cắm cúi viết.
– Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa... Vãi chưởng, bạn tôi, mày đang viết bản kiểm điểm đấy à?
Trình Du không đáp, cũng không buồn ngẩng đầu. Cậu kéo điện thoại ra đặt dưới ngăn bàn, bắt đầu hỏi ChatGPT bản kiểm điểm viết kiểu gì.
...
Cậu nán lại ở phòng giáo viên lâu như vậy thật ra là để nghe mắng.
Sau khi cô Phượng rời đi sau cùng bài thuyết giảng khen ngợi thiên phú văn học của Trình Du, thì thầy Vĩnh – phụ trách quản sinh – đã sầm mặt, dắt theo một học sinh khác tới "hỏi tội" cậu.
Khoảnh khắc nhìn thấy Hiếu Dũng trong hình hài của một tên đần cúi gằm đầu đi vào, Trình Du đã thầm nhủ: Thôi rồi, kiếp này coi như bỏ!
Nghiêm Luật ơi là Nghiêm Luật, anh không quản cho đã đời thì chân tay ngứa ngáy không chịu được đúng không? Không trình bày thì anh doạ báo cáo, trình bày rõ ràng rồi anh vẫn đi báo cáo? Moẹ, anh cầm tinh con báo à?
– Nói đi! Sao lại đánh nhau?
Thầy Vĩnh giận đến mặt đỏ bừng, chỉ vào khuôn mặt bầm dập, trầy xước của cả hai mà rống lên:
– Trong trường cấm đoán các em quá nên kéo nhau ra ngoài đánh nhau cho thoải mái hả?
Hiếu Dũng cúi đầu cực kỳ thành khẩn:
– Em xin lỗi ạ, em bất đắc dĩ thôi ạ.
Nhưng Trình Du thì ngược lại, cậu đứng cúi đầu nom rất tiêu chuẩn, nhưng lời thốt ra lại chẳng ăn nhập:
– Em không đánh nhau.
– Không đánh nhau?!
Thầy Vĩnh nghe được câu này của cậu càng thêm sôi máu. Ông chỉ vào băng gạc bên gò má cậu:
– Thế em giải thích xem, cái mặt này của em là như thế nào?
– Là em bị đánh! – Cậu thờ ơ đáp. – Còn là bốn đánh một. Thầy nghĩ một chọi một mà em ra nông nỗi này được sao?
– ...
Một giây im lặng kéo dài. Thầy Vĩnh chỉ vào cậu, mãi mới thốt được một câu:
– Em đang tiếc nuối vì không được trổ tài một chọi một đấy hả?
– Không ạ, em đang giả thiết thôi. – Trình Du nói bằng giọng thản nhiên.
Cô Diễm ngồi bên cạnh, im lặng quay mặt đi chỗ khác. Ngay lúc không khí đang căng như dây đàn, bỗng có tiếng bước chân truyền đến từ ngoài hành lang.
Nghiêm Luật cắp sổ tới cửa thật đúng lúc. Anh đứng bên ngoài, ánh mắt điềm tĩnh quét một vòng trong phòng. Ánh mắt ấy lướt qua Trình Du và Hiếu Dũng chỉ trong một khoảnh khắc lạnh nhạt rồi lơ đễnh thu về. Sau vài câu trao đổi ngắn gọn với thầy Vĩnh, anh quay gót rời đi ngay.
Họ nói chuyện rất nhỏ, nhưng vẻ mặt thầy Vĩnh rõ ràng đã chùng xuống. Khi quay lại, giọng thầy cũng dịu đi vài phần:
– Thầy cô vẫn luôn bao dung vì em là học sinh có năng lực. Nhưng đừng nghĩ vậy mà có thể tự tung tự tác. Trường Thời Đại tuyệt đối không dung túng cho những hành vi trái đạo đức học đường.
Thầy ngưng lại một chút, rồi chậm rãi kết luận:
– Nhưng xét tình huống lần này có điểm đặc thù... Thầy quyết định sẽ không kỷ luật nặng hai em. Tuy nhiên, bản kiểm điểm thì vẫn phải viết. Không phải về tội đánh nhau, mà là vì: gặp chuyện nhưng không báo cho người lớn, không lường trước hậu quả.
– Dạ. – Cả hai đồng thanh đáp.
– Thứ hai lên đọc bản kiểm điểm trước trường. Riêng Đoàn Trình Du...
Thầy Vĩnh chỉ tay vào cậu:
– Em học giỏi không có nghĩa là được đặc cách. Những vi phạm lặt vặt trước đây, thầy gấp sổ bỏ qua. Nhưng nếu trong tháng này còn vi phạm bất kỳ lỗi nào dù là nhỏ nhất, thầy sẽ mời phụ huynh em lên làm việc.
– Dạ. – Trình Du mỉm cười lễ phép. – Cảm ơn thầy bao dung ạ.
Nhưng trong lòng cậu thì nghĩ: Thầy gọi liền đi ạ. Em đang cũng đang muốn gặp họ đây. Gọi được hai vị ấy tới trường thì em mời thầy trà sữa trân châu đường đen size lớn.
Khi mọi người đã đi hết.
Bốp!
Trình Du giật nảy mình vì cú đập bất ngờ từ phía sau. Cô Diễm không biết đã vòng ra từ lúc nào, vung cuốn sổ vụt một cách dứt khoát vào mông cậu. Sau đó cậu nghe tiếng cô mắng:
– Thái độ! Hở ra là thái độ! Em nói năng đàng hoàng, trình bày có đầu có cuối thì em mất miếng thịt nào à?
Trình Du sững sờ một giây, rồi trố mắt nhìn cô:
– Cô... hôm nay cô còn đánh em?
– Sao? Em cao quý quá, cô không dạy dỗ nổi em chắc?
– Lớn tướng rồi ai lại đánh mông? Mất mặt chết đi được! – Trình Du cạn lời.
Cô Diễm nhướng mày:
– Mất mặt? Mặt của em nằm ở mông à? Mặt mũi của một học sinh nằm ở bảng đánh giá nền nếp đây này.
– Em xem, em mới tới một tháng mà thầy quản sinh còn thuộc tên em, em oan lắm hả? – Cô Diễm cao giọng. – Điều chỉnh ngay cách ăn nói, không được dùng thái độ trả treo đó nói chuyện với người lớn. Em đọc cho cô nghe khẩu hiệu của trường mình. Nhanh!
Trình Du nhìn cô, mấy ngón tay đặt sau lưng bấm nhẹ vào nhau, cậu im lặng một lúc lâu, rồi rành rọt đọc lên:
– Con người có trước, tri thức có sau.
Nói xong thì vô thức cúi đầu.
Cậu thuộc nằm lòng khẩu hiệu, vì nó chính là một trong số những lý do giữa vô vàn trường điểm ngang hàng với trường Danh Vọng, cậu lại đặt cược vào ngôi trường huyện Thời Đại này.
Nét mặt cô Diễm dịu lại một chút. Có lẽ vì câu khẩu hiệu, hoặc vì thái độ của cậu học trò trước mắt đã bớt đi phần nào ương bướng. Cô ngồi xuống, nhấp một ngụm trà.
Trình Du khoa chân múa tay chỉ vào cốc nước.
– Được rồi, em sai rồi mà, cô đừng mắng nữa ảnh hưởng sức khoẻ. Mau uống nước cho ngọt giọng, em hứa từ mai sẽ nghiêm túc mà.
– Em hứa? – Cô Diễm tức đến mức bật cười. – Em họ Thề tên Hứa à? Hôm qua em cũng mới hứa xong đấy. Hôm nay chẳng phải còn nhân đôi bất ngờ hay sao?
Ngừng lại vài giây, cô hạ chỉ:
– Khi nãy bên ngoài nghe các thầy cô phàn nàn cũng rõ lắm mà đúng không? Từ mai vi phạm nữa, thì đừng để cô phải nhắc nhiều, cứ kê bàn ra cửa mà ngồi!
...
Trong hai ngày liền, dì Hồng không tới nhà cậu. Căn nhà vốn đã trống người, nay càng thêm tịch mịch. Không có tiếng mở khóa quen thuộc vào mỗi buổi chiều, cũng không còn bóng dáng người phụ nữ tỉ mẩn tưới đẫm nước cho cặp vạn tuế trước cổng.
Buổi sáng và trưa Trình Du ăn tại căng tin trường, đến tối, tối về nhà chỉ còn mấy gói mì chỏng chơ. Cậu đun vội ấm nước, úp tạm một gói. Cậu chưa bao giờ đủ kiên nhẫn, bao bì ghi úp ba phút, nhưng hơn một phút là cậu đã lăm le cầm đũa.
Sợi mì chua cay dai giòn quờ ba đũa đã hết veo, cảm thấy có thể úp thêm một gói nữa, nhưng nghĩ đến cảnh không ăn hết, cậu lại thôi, ngâm bát trong bồn rửa rồi lên trên tầng.
Tối nay Trình Du chẳng có tâm trạng học hành, nhưng thói quen vẫn dẫn lối cậu đến bàn học sau khi tắm xong. Muốn từ bỏ một thói quen, người ta cần một lý do. Và lý do xuất hiện ngay tức khắc.
Ngoài trời bỗng đổ mưa rào. Từng hạt mưa nặng trịch rơi lộp độp trên mái hiên. Trình Du xem qua thời khóa biểu, sắp xếp sách vở, dọn dẹp mớ đề cương trên bàn rồi mở máy tính. Cậu trai trẻ kéo tấm chăn mỏng quấn quanh người, co ro trên ghế. Trước mặt là sữa tươi nóng hổi bốc khói nghi ngút, đựng trong một chiếc cốc sứ trắng có quai hình đuôi mèo.
Cái thói quen phổ biến của đám trẻ thời nay chính là thích dùng máy tính, xem phim, xem chương trình giải trí trong không gian tối. Trình Du nhà ta cũng chẳng ngoại lệ. Cậu thích cái cảm giác này: cả thế giới thu nhỏ lại chỉ còn quầng sáng từ màn hình trước mặt, cậu đắm chìm trong tiếng mưa bên ngoài và sự tĩnh lặng tuyệt đối trong tâm trí.
Chiếc máy tính trên mặt bàn học sáng đèn, vừa mới nhập mật mã mở khóa, video lúc trưa cậu chưa xem hết lại một lần nữa hiện ra tràn màn hình, Trình Du chọn một tư thế thoải mái, nghiêng người bấm nút phát tiếp.
– Thí sinh số 14 – đại diện xuất sắc của trường Trung học Thời Đại vẫn đang dẫn đầu với 90 điểm. Nếu các thí sinh còn lại không nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, e là sẽ không còn cơ hội lật ngược tình thế.
– Ai sẽ là người giành điểm ở câu hỏi tiếp theo?... Chuông reo rồi! Số 14 – Trần Nghiêm Luật của Thời Đại lại một lần nữa giành được quyền trả lời!
– Chính xác, số 14 trường Thời Đại cộng thêm mười điểm.
Trong video, nam sinh số báo danh 14 có diện mạo anh tuấn, sắc sảo, nét kiêu ngạo đượm trong ánh mắt, từng động tác đều dứt khoát và vững vàng. Ngón tay anh lướt trên màn hình cảm ứng, tốc độ nhanh đến choáng ngợp.
Qua kỹ thuật cắt dựng chuyên nghiệp của hậu kỳ, khí thế áp đảo của Nghiêm Luật gần như hữu hình. Anh ta một mình thống trị sân khấu, không cần trợ giúp, không mạo hiểm cược điểm, ổn định càn quét mọi câu hỏi trên màn hình lớn.
– Câu hỏi tiếp theo, đây là một câu hỏi khó, các thí sinh có thể cướp chuông cược điểm.
– ...
– Số 14, Trần Nghiêm Luật, đã cướp quyền trả lời... Em ấy có cược điểm không? Không cược điểm... Vậy đáp án của em là?
– ...
– ... Chính xác! Tiếp tục thêm mười điểm!
Ngoài kia mưa mỗi lúc một lớn. Âm thanh từ video và tiếng mưa rả rích ngoài cửa sổ tan vào nhau. Ánh sáng từ màn hình mờ dần sau mí mắt trĩu nặng. Giữa tiếng vinh danh và tiếng mưa rơi, Trình Du cuộn mình trên ghế, chậm chạp đi vào giấc ngủ.
Bình luận
Chưa có bình luận