Chương 14. Bất kể phía sau đó có là gì, chỉ cần cậu sẵn sàng chấp nhận là được.


 

 

Ngọn đèn đường duy nhất đầu hẻm hắt xuống, quét một vệt sáng vàng vọt lên hai bên bức tường bong tróc vữa sơn.

Chiếc xe taxi dừng lại bên cột đèn. Trình Du hơi thẫn thờ khi thấy ánh đèn từ nhà mình hắt ra, hình như hôm nay có người đợi cậu.

Cậu theo phản xạ định tháo đai an toàn, trong lòng dấy lên chút mong chờ khó tả, nhưng rồi khựng lại ngay tức khắc khi nhận ra suy nghĩ của mình phi lí đến nhường nào. Nếu bố mẹ đến, ngoài sân hẳn đã phải có xe của họ. Trình Du sao có thể quên, khi còn chung một nhà, ba người họ còn chẳng buồn nhìn mặt nhau, huống hồ là bây giờ.

Người chờ cậu là dì Hồng, đây là điều chưa bao giờ xảy ra. Dì luôn ra về từ rất sớm, có việc gì cũng chỉ nhắn tin, bởi dì biết cậu không muốn tạo ra những gắn kết quá thân thiết.

Cậu hiểu rõ, người làm trong nhà, nếu chung sống quá lâu sẽ dễ nảy sinh tình cảm gia đình. Mà bất kỳ tình cảm nào, một khi đã hình thành đều dẫn đến sự ỷ lại. Và khi đã quen với sự phụ thuộc, việc mất đi nó sẽ mang đến tuyệt vọng.

Mà những gì Trình Du được dạy dỗ từ nhỏ đến lớn là phải kính già, yêu trẻ, hài hòa, bác ái và lương thiện. Vì vậy, như một bản năng đã khắc sâu vào xương cốt, khi đối diện với người khác, phản ứng đầu tiên của cậu chính là nở một nụ cười ôn hòa.

Cậu bước vào trong nhà, nhẹ nhàng cởi áo khoác vắt lên thành ghế, sau đó dùng giọng điệu trầm ấm hỏi người đang ngồi trước bàn trà:

– Dì chờ con từ bao giờ vậy ạ? Có chuyện gì cứ nhắn tin cho con là được mà.

Dì Hồng đã ngoài năm mươi, làm việc gọn gàng, tính tình ít nói. Lần đầu cậu gặp dì là gần hai tháng trước, cũng trong một buổi tối thế này, dì cũng ngồi chờ cậu. Trình Du vẫn không quên được cảnh tượng ngày hôm đó: lúc đi không một ai tiễn, lúc đến lại có một người lạ chong đèn ngóng chờ.

Khi ấy, trông dì vẫn còn hồng hào phúc hậu. Nhưng hiện tại, dì đã gầy rộc đi, ánh mắt trũng sâu vẻ tiều tụy. Trông dáng vẻ này, hẳn là dì vừa từ bệnh viện gấp gáp về đây. Chờ đợi đến tầm này, hẳn là có điều muốn nói.

Thấy dì chưa đáp lời, Trình Du cũng không vội. Cậu xuống bếp, lẳng lặng rửa vài quả táo rồi mang cả đĩa và dao lên phòng khách.

Trước bàn uống nước, Trình Du từ đầu đến cuối vẫn im lặng, chỉ chuyên tâm dùng mũi dao lướt nhẹ từng lớp vỏ, dáng vẻ thong thả dường như có đủ thời gian và sự nhẫn nại dành cho người đối diện.

Khi cậu gọt đến quả thứ hai, dì Hồng cuối cùng cũng mở lời.

Đúng như Trình Du mơ hồ cảm nhận, là việc con trai dì gặp tai nạn ngày hôm trước. Dì muốn xin nghỉ hai tuần nhưng không dám nói với mẹ cậu, sợ bà sẽ cho người khác thay thế ngay lập tức.

Trong gia đình, một mình dì gánh gồng đủ bề: có người già như ngọn đèn sắp cạn dầu, có con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn, bản thân dì cũng chẳng còn trẻ trung. Khó khăn lắm dì mới tìm được một công việc lương cao ngoài mong đợi thế này. Dì không thể mất nó, nhất là bây giờ.

– Dì xin phép nghỉ đúng hai tuần thôi. Con xem có thể để cháu dì tới làm tạm trong thời gian đó được không? Thằng bé chăm chỉ, cẩn thận lắm. Từ nấu nướng, giặt giũ đến dọn dẹp, mọi việc đều làm tươm tất cả.

– Dì à, – Trình Du ngẫm nghĩ một hồi, – như vậy không đúng quy định. Hơn nữa, con không biết người dì giới thiệu là ai. Là cháu ruột của dì sao?

Dì Hồng bối rối vân vê vạt áo:

– Không phải ruột thịt, nhưng cũng không khác gì ruột thịt đâu con...

Trình Du cắt nhỏ mấy miếng táo, cẩn thận đặt vào đĩa rồi đẩy về phía dì, giọng điệu vẫn nhẹ nhàng, nhưng không tránh khỏi có chút lạnh lùng:

– Như vậy thì càng không được.

Cậu dùng má dao đưa một miếng táo vừa mới cắt lên miệng, đầu không ngẩng lên:

– Con biết dì khó khăn. Nếu muốn nghỉ, dì cứ nghỉ nửa tháng rồi quay lại. Về phía mẹ con, chỉ cần con không nói thì bà ấy cũng sẽ không biết. Dì làm ở đây hai tháng rồi cũng thấy đấy, dì còn chưa gặp mặt mẹ con lần nào mà.

Cậu nhìn thẳng vào mắt dì, nhấn mạnh:

– Hơn nữa, dì rõ tính con, con không muốn người lạ vào nhà mình.

– Như vậy sao được! – Dì Hồng vội vã. – Con đi học cả ngày, đồ ăn bên ngoài làm sao đảm bảo. Công ty trả đủ lương là để dì làm việc, chứ không phải ngồi không hưởng lợi. Nghỉ phép thế này đã là quá lắm rồi... Hơn nữa, dì biết một đứa trẻ một mình nơi đất khách quê người không dễ dàng gì. Một hai ngày thì qua loa được, chứ nửa tháng trời, lỡ ốm đau bệnh tật, có chuyện gì cần giúp thì biết nhờ ai? Ở đây con không có họ hàng, để một đứa trẻ ở một mình trong nhà thế này, không có ai ra vào ngó ngàng, dì không yên tâm.

Dì còn chưa nói hết, lưỡi dao đang lia vỏ táo trên tay Trình Du bỗng khựng lại. Đáy mắt vốn phẳng lặng của cậu gợn lên một tia xao động.

Câu nói "một đứa trẻ một mình nơi đất khách quê người không dễ dàng gì" như một sợi chỉ vô hình, siết chặt lấy huyết quản, khiến nhịp thở của cậu bỗng chốc tắc nghẽn.

Thì ra, vẫn có người biết cậu chưa thực sự trưởng thành. Vẫn có người hiểu rằng sống một mình ở một nơi xa lạ chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Nhưng đây là lựa chọn của cậu.

Cậu vẫn nhớ ngày hôm đó, Đoàn Duy Dũng đã dành chút thời gian ít ỏi của ông nói với cậu:

– Trường Danh Vọng là do con dùng năng lực thi vào, bây giờ cũng là con tự mình từ bỏ. Kết quả này, con chấp nhận là được

– Nhưng cuộc đời này không có nhiều lần làm lại, bố mẹ không đứng sau lưng con được mãi, không thể cả đời xử lý cho con những chuyện như thế này.

Sau đó ông hỏi cậu:

– Tiếp theo con tính thế nào?

Khi cậu nói tên Vĩnh Hằng và Thời Đại, một lần nữa ông lại gật đầu:

– Con chấp nhận là được.

Đó là cuộc hội thoại dài nhất của hai bố con trong suốt nhiều năm qua.

Từ nhỏ đến lớn, đây cũng là lần đầu tiên ông ra mặt giúp cậu giải quyết rắc rối cho cậu. Nhưng cũng chỉ có lần này mà thôi! Bởi đó là lần đầu tiên trong đời, cậu biết thế nào là mất kiểm soát, là trái tim run lên vì căm hận. Và cũng là lần đầu tiên Đoàn Duy Dũng thấy đứa con trai luôn ngoan ngoãn của mình, vung ghế ném gãy xương sườn người khác.

Mọi lựa chọn sau này, thành công hay thất bại, vui sướng hay khổ đau, ông sẽ không can thiệp nữa. Thành phố cậu đến, ngôi trường cậu học, căn nhà cậu thuê, những người cậu tiếp xúc... tất cả đều là lựa chọn của Đoàn Trình Du cậu.

Bất kể phía sau đó có là gì, chỉ cần cậu sẵn sàng chấp nhận là được.

Trình Du rút một điếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay nhưng không có ý định châm lửa, vừa nghịch, vừa ngẫm nghĩ. Hồi lâu sau, cậu bình tĩnh nói:

– Thực ra cũng không khó khăn đến mức đó. Dù sao con cũng không còn là trẻ con. Nhưng nếu dì đã kiên quyết, con cũng không làm khó dì. Dì gửi cho con thông tin và cách liên lạc của người đó. Con cần nói chuyện để xác nhận lại.

Dù sao, ngày nào cũng ăn uống tạm bợ đúng là không ổn.

Dì Hồng nghe xong, mừng rỡ ra mặt:

– Vậy lát nữa về dì gửi ngay cho con! Dì đảm bảo với con, sẽ không xảy ra vấn đề gì, dì thề...

– Dì à. – Trình Du ngắt lời dì Hồng, nụ cười một lần nữa treo lên môi. – Dì đừng thề. Chuyện này vốn không có gì to tát.

Hơn nữa, không ai đủ khả năng đảm bảo cho nhân cách của người khác. Con người dù thân cận đến mấy, cũng có thể làm tổn hại lẫn nhau.

Câu này Trình Du không nói ra ngoài miệng.

...

Dì Hồng đi rồi, phòng khách lại chìm vào im lặng. Vừa định đi tắm rồi học bài, điện thoại cậu bỗng nhận được một tin nhắn từ Phùng Phan.

Fan: Anh tao hỏi. Mày về chưa?

Ju: ?

Ở một nơi nào đó, Nghiêm Luật suýt nữa thì ném cả chiếc dép vào mặt em mình.

– Rồi rốt cuộc anh muốn hỏi nó cái gì? – Phùng Phan oan ức. – Rõ ràng anh bảo em hỏi nó về chưa mà.

Nghiêm Luật hít một hơi thật sâu. Anh định nói gì đó thì điện thoại đổ chuông. Anh khoát tay, đá thằng em ra khỏi phòng.

Phía bên này, Trình Du còn đang sắp xếp lại đống đề cương, tin nhắn của dì Hồng hiện trên màn hình, thông tin của người kia đã được gửi đến. Lúc lướt sơ qua chứng minh thư của "người tạm thay", Trình Du thoáng cau mày.

Cậu gọi lại ngay lập tức:

– Dì Hồng, dì chắc chắn không gửi lầm chứ ạ? Sao người lao động lại là học sinh cấp ba? Đây chẳng phải vi phạm luật lao động rồi sao?

Giọng người phụ nữ ở đầu dây bên kia ngạc nhiên:

– Là học sinh thì không được hả con? Dì tưởng chỉ cần đủ tuổi lao động thì đều được chứ?

Trình Du ngồi thẳng dậy, phóng to tấm ảnh trong cuộc hội thoại. Giữa những vết nứt của màn hình điện thoại, ngày tháng năm sinh của đối phương hiện ra rõ mồn một.

Cùng lúc đó, một thông báo kết bạn đột nhiên hiện lên trên ứng dụng chat.

Nghiêm – túc làm giàu trong khuôn khổ của pháp – Luật: Chào cậu, tôi là Trần Nghiêm Luật.

Trình Du: "..."

Mười phút sau không có động thái, bên kia lại gửi một lời mời nữa.

Nghiêm – túc làm giàu trong khuôn khổ của pháp – Luật: Tôi là Trần Nghiêm Luật.

Trình Du vẫn không có động tĩnh.

Năm phút tiếp theo.

Nghiêm – túc làm giàu trong khuôn khổ của pháp – Luật: Trần Nghiêm Luật.

Lời giới thiệu càng ngày càng ngắn.

Trình Du đặt điện thoại lên mặt bàn, nhìn chằm chằm giao diện. Cứ tưởng mấy hôm nay mình đã tàng hình thành công trước Đội Cờ Đỏ rồi chứ, thế quái nào mà giờ đến cả phương thức liên lạc cũng có thế này.

Bây giờ mà chụp màn hình rồi đem khoe với đám hay chia sẻ video thi đấu của Nghiêm Luật trên cộng đồng Yêu Toán, kiểu gì cũng có đứa ngưỡng mộ chết đi được. Sau đó sẽ có người nhắn tin riêng, cậu sẽ được đà khiêu khích bọn họ, bắt bọn họ nôn ra đống đề cương hay bộ sách ôn Toán quý báu nào đó.

Sau đó cậu chặn luôn.

Mua ha ha ha, thật là tàn ác. Một lát sau, Trình Du tự rùng mình trước suy nghĩ oái oăm của chính mình.

Sau nửa tiếng để tư tưởng đi chơi xa, cuối cùng Trình Du quyết định suy nghĩ thật nghiêm túc. Cậu trở về phòng, mở một đề Toán ra làm, vừa làm vừa phân tích.

Thứ nhất, theo như thông tin chứng minh thư, Nghiêm Luật quả thực đã đủ tuổi lao động. Không biết do đi học muộn hay vì lý do nào khác, mà chương trình học của anh ta chậm mất hai năm. Trên thực tế, anh hơn cậu ba tuổi. Bảo sao cậu luôn cảm thấy anh có sự trầm ổn và trải đời hơn bạn bè đồng trang lứa.

Thứ hai, Nghiêm Luật là anh trai của Phùng Phan, Phùng Phan là bạn của cậu. Theo tính chất bắc cầu thì... ờm... không hoàn toàn là người lạ. Hơn nữa, dù quan hệ không tốt lắm thì cũng coi như cậu biết anh ta.

Thứ ba, cậu biết Nghiêm Luật thực sự nghiêm túc trong việc làm thêm kiếm tiền, cậu từng gặp anh ta đi làm ở Đồng Tâm, cũng từng chứng kiến cảnh anh ta hỏi về thù lao khi nói chuyện với thầy Hoà.

Thứ tư, anh ta giỏi Toán.

Trình Du chả hiểu tại sao lại phải bổ sung mục cuối cùng vào.

Nhưng dù là vậy, cậu vẫn cảm thấy không thỏa đáng. Trình Du suy cho cùng cũng mới mười sáu tuổi, suy nghĩ vẫn còn non nớt. Cảm giác để bạn học cùng trường đến nhà mình không phải để chơi mà là để làm thuê, trong tâm lý ít nhiều cũng có sự ngượng ngập, kháng cự. Sợ rằng khi đến trường sẽ không thoải mái nếu chạm mặt. Cái không thoải mái này so với không thoải mái khi bị bắt phạt khác nhau một trời một vực.

Thực ra vẫn có một cách, cách cậu vẫn luôn làm mỗi ngày. Giống như với dì Hồng... chính là cậu sẽ rời khỏi nhà trước khi anh tới, sau đó sẽ trở về sau khi anh đi. Như vậy cả hai sẽ không phải chạm mặt nhau. Cậu có thể coi như không biết. Dù sao cũng chỉ có hai tuần. Cậu sẽ dặn anh ta không cần dọn phòng của mình... cậu sẽ báo thời gian phù hợp tiện cho anh ta mà cũng tiện cho cậu.

Cậu sẽ... Trình Du đột nhiên trừng mắt nhìn cái điện thoại của mình.

Mọe. Cậu đang toan tính cái gì vậy? Phần mềm chat kia, cậu vốn ghi chú tên thật!

Trình Du một lần nữa nhìn lời kết bạn vừa nhảy lên màn hình.

Nghiêm – túc làm giàu trong khuôn khổ của pháp – Luật: Chào cậu, tôi là Trần Nghiêm Luật.

Haiz.

Vâng! Chào anh, tôi là bố anh!

Trình Du tự ngại đến mức phát cáu. Cậu hít một hơi, vẻ mặt lạnh lùng, dứt khoát nhấn nút "Đồng ý".

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout