Cơn sốt hoành hành khắp cơ thể, kèm theo một đêm dài vật vã, Trình Du quẫy đạp một hồi lâu rồi cũng mau chóng hao kiệt sức lực. Cậu ngừng giãy giụa, nhắm nghiền mắt, buông xuôi phó mặc bản thân cho đối phương.
Thấy cậu không còn phản kháng, Nghiêm Luật mới lật chăn, dựng người cậu dậy. Cơ thể trong vòng tay anh nhẹ bẫng, mềm oặt như không xương. Anh bước ra ngoài, lấy chiếc áo khoác đồng phục đã treo sẵn trên cửa, quay lại cúi người khoác cho cậu.
Khóa áo được kéo lên tận cằm. Khi những ngón tay của Nghiêm Luật chạm đến cổ áo, anh chợt khựng lại. Ánh mắt anh bất chợt dừng lại nơi giọt lệ lặng lẽ trào ra từ khóe mi khép hờ. Anh đưa tay lau đi.
Nghiêm Luật không biết cách dỗ dành người khác. Ngay cả với Phùng Phan, sự dịu dàng của anh cũng chưa bao giờ kéo dài quá mười giây. Nhưng khi nhìn gương mặt ửng đỏ vì sốt của Trình Du, dù thường ngày bày ra vẻ ngang ngạnh đến đâu, bây giờ cũng chỉ còn lại vẻ mỏi mệt và bất lực.
Nghiêm Luật thở dài, anh thực sự không biết phải làm gì.
Vì vậy, anh làm theo bản năng và ký ức.
Anh nhớ về những ngày thơ bé, mỗi lần sốt cao, bố vẫn thường luồn tay vào tóc, nhẹ nhàng xoa đầu và dỗ dành: “Ráng chút nữa thôi, bố đưa Luật đến bệnh viện ngay.”
Bàn tay chai sần vì quen việc nặng của anh lúng túng luồn vào mái tóc mềm mại, hơi rối của Trình Du, vụng về xoa nhẹ:
– Taxi sắp tới rồi, chịu đựng một chút.
Anh lại nghe giọng cậu vang lên lí nhí, gần như tan vào không khí:
– Cho tôi ngủ một lát.
– Bây giờ không được. – Anh đáp, giọng khàn đi. – Đến bệnh viện đã.
– Ừ… Nghiêm Luật.
– Ừ.
– Tôi không hối hận.
Một vài giây tĩnh lặng trôi qua, Nghiêm Luật gật đầu:
– Ừ.
Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng Nghiêm Luật nhìn thấy cậu em khóa dưới luôn chống đối mình lại yếu đuối đến nhường vậy. Mãi về sau này, dù đi qua mọi đoạn đường, dù cuộc đời có xô đẩy họ qua bao nhiêu biến cố, anh cũng không bao giờ còn thấy lại một Trình Du khổ sở như thế nữa.
Nhưng hình ảnh của Trình Du ngày hôm đó, lại như một mảnh gai vô hình, găm sâu vào tiềm thức của anh, không cách nào gỡ ra được, cứ âm ỉ nhức nhối mỗi khi anh bâng quơ nghĩ về.
…
Trình Du mê man trong phòng truyền dịch vài tiếng đồng hồ. Khi bác sĩ gọi cậu dậy để kiểm tra lại, đồng hồ đã điểm mười hai giờ trưa. Nhiệt độ trong cơ thể rút đi tựa thủy triều, cơn đau đầu cùng cảm giác đờ đẫn cũng dần thuyên giảm. Bác sĩ kê thêm thuốc, dặn dò vài điều rồi nói rằng có lẽ đến mai cậu sẽ ổn.
Trong vòng một tiếng Nghiêm Luật rời đi, Trình Du đã tự mình làm thủ tục xuất viện. Cậu bắt taxi trở về, tự mình dọn dẹp những mảnh vỡ dưới sàn, vứt bỏ những gì đã hư hỏng. Cuối cùng, cậu bật đèn bàn học, nhặt bừa một cây bút rơi lăn lóc dưới đất, viết vội vài chữ lên mặt sau một tờ đề cương Toán. Xong xuôi, cậu mở tủ, lấy ví, tháo sim điện thoại. Bước ra ban công, cậu thu lại tất cả những bộ quần áo được giặt tay tỉ mỉ, vẫn còn đượm hương xả vải, gấp gọn vào ba lô rồi lặng lẽ rời đi.
Lúc Nghiêm Luật quay lại, tất cả những gì anh tìm thấy chỉ là một mảnh giấy trên bàn: “Ba ngày tới không cần anh đến. Tôi về nhà một chuyến, sẽ không xảy ra chuyện gì.”
Ba ngày nữa, mối quan hệ “cậu chủ nhỏ và người giúp việc làm thay” của họ cũng vừa vặn kết thúc. Khi đó, Nghiêm Luật sẽ không còn lý do nào để chạm vào cuộc sống của cậu nữa.
…
Trình Du nộp đơn xin nghỉ phép ba ngày. Cô Diễm không chỉ ngạc nhiên về vết thương trên tay mà còn gặng hỏi đủ điều. Nhưng Trình Du từ đầu đến cuối đều im lặng. Ngay khi cậu bước khỏi cổng trường, cũng là lúc không một ai có thể liên lạc được với cậu nữa.
Nghiêm Luật vừa trông thấy bóng lưng cậu trên sân trường, còn chưa kịp rời khỏi chỗ ngồi, Trình Du đã bước lên một chiếc taxi rồi khuất dạng.
– Nghiêm Luật có ý kiến gì về cách lý giải này à? – Thầy giáo dạy Toán ngạc nhiên khi thấy cậu học trò giỏi nhất lớp đột nhiên đứng bật dậy giữa lúc ông đang giảng bài.
– Dạ, không có gì ạ. – Anh ngồi xuống, mắt vẫn nhìn về phía cổng trường đã không còn bóng người.
Nhìn chiếc taxi lăn bánh đi, anh có cảm giác mơ hồ rằng, phải chăng một điều gì đó cũng đang dần rời xa anh.
Những ngày Trình Du không tới, trường Thời Đại và lớp 11 Tự Nhiên-2 dường như vẫn vậy, chỉ có chiếc bàn cuối lớp là trống vắng lạ thường. Phùng Phan và Khánh Khiêm ngày nào cũng nhìn về phía cái trống mới mượn, chờ người về để thử vài nhịp mà chờ mãi không thấy.
Lớp họ đã bắt đầu xếp thành viên vào đội múa cờ, nhưng vẫn chừa lại vị trí trống chính cho Trình Du. Mỗi ngày Việt Hà đều chụp lại bài vở gửi vào tin nhắn của cậu, dù ứng dụng báo đối phương cứ chập chờn online rồi lại offline mà không hề đọc tin nhắn của cô. Khánh Khiêm vẫn cẩn thận đánh dấu những chỗ còn chưa hiểu, chờ bạn mình về để làm phiền cho bằng được.
Phùng Phan và Hiếu Dũng khoác vai nhau đi bộ về nhà vào buổi tan trường, thỉnh thoảng cũng than vãn lâu rồi không gặp, thấy rất nhớ tiếng châm chọc của bạn mình.
…
Những ngày này, tiết trời ảm đạm. Ông trời giấu đi vạt nắng cuối thu, chỉ để lại những tầng mây xám xịt lững lờ trôi qua từng nóc nhà.
Trình Du mặc một chiếc áo hoodie dài tay tối màu, trùm mũ kín đầu, vai khoác một chiếc balo nhỏ gọn. Cậu rời khỏi hẻm Du Dương, ngồi trên chiếc xe, băng qua hồ Hoài Niệm, vòng qua Tháp Đồng Hồ, và lướt qua cả quán lẩu Hoa Sứ mà bọn họ từng ghé tới.
Năm giờ chiều, Trình Du ôm theo một bó cúc trắng tới nghĩa trang Minh Viễn. Bầu trời trên đầu vẫn âm u như thể đưa tang. Cậu men theo con đường đầy cỏ dại, xung quanh phảng phất mùi đất ẩm quyện vào hơi lạnh se sắt của một buổi chiều tà, cậu dừng chân lại trước một nấm mồ đã cũ.
Cậu cúi người ngồi trước tấm bia xám tro phủ một lớp bụi mỏng, xung quanh cỏ dại đã mọc đầy. Cậu cần mẫn nhổ hết cỏ, rồi dùng khăn mềm, chậm rãi lau đi lớp bụi phủ trên bia mộ, tỉ mỉ lau sạch từ dòng tên xuống đến ngày tháng.
Tấm ảnh trên bia ngày một rõ rệt, một nụ cười sáng trong hiện ra, giống hệt cậu, với ngày sinh cũng giống hệt nhau.
Đoàn Trình Lâm.
Ngày sinh 7 tháng 2 năm 20xx
Ngày mất 7 tháng 2 năm 20xx
Trình Du nhìn một lúc lâu, vô thức nhoẻn miệng cười. Nụ cười ấy nhẹ nhàng và trong trẻo, vừa vặn trùng khớp với nụ cười của người con trai trong tấm ảnh ấy.
Cậu không nhớ mình đã đứng đó bao lâu. Khi trời đã sập tối, chiếc điện thoại mới mua trên tay cậu cuối cùng cũng rung lên một hồi dai dẳng.
– Cậu tới đâu rồi?
– Tôi đang ở cà phê Gió.
Cậu cúp máy, nhét điện thoại vào túi. Cà phê Gió ngay gần đây. Cậu từng ghé qua nơi này nhiều lần, lần gần nhất là vào mùa đông của một năm nào đó, anh trai cậu giấu bố mẹ, đưa cậu tới đây chơi.
Một vài năm trôi qua, nơi này cũng đã có nhiều đổi khác. Chiếc đàn piano trước cửa không còn nữa, chẳng còn ai tùy ý dừng lại chơi vài phím bâng quơ. Cũng chẳng còn tiếng mẹ la mắng inh ỏi, chỉ vì cậu từng hào hứng đập loạn xạ cả buổi chiều lên phím đàn đó.
Và càng không còn tiếng anh trai che chở, ngăn mẹ lại và nói rằng: “Cứ chơi đi, không sợ đâu.”
Anh cậu đi rồi, mẹ cũng chẳng buồn mắng mỏ cậu nữa. Bà bắt đầu trở nên giống bố, chỉ buông một câu, bắt đầu cho chuỗi ngày dài đằng đẵng: “Con muốn làm gì thì làm. Miễn con chấp nhận được là được.”
Dường như thấy cậu đứng tần ngần trước cửa quá lâu, người ngồi trong quán không kiên nhẫn nữa, đẩy cửa ló đầu ra.
– Tôi ở đây.
Trình Du ngẩng đầu lên:
– Hải Trường?
– Là tôi.
Cà phê Gió yên tĩnh hơn xưa rất nhiều. Nhân viên hỏi họ có hút thuốc không, sau đó đưa họ lên tầng hai, khu vựa ban công lộ thiên đầy gió.
– Cậu dạo này… ổn không? – Hải Trường thấy cậu mãi không nói gì, đành mở lời trước.
Trình Du nhìn y, rút điếu thuốc trong túi áo ra châm, cười nhạt:
– Cậu muốn nói gì thì nói thẳng đi. Tôi với cậu ở Danh Vọng vốn chẳng thân thiết, không cần khách sáo.
Hải Trường sững người, dường như không thể tin nổi người trước mắt mình lại là cậu công tử rạng ngời của trường Danh Vọng nửa năm về trước. Trước đây Trình Du nổi bật, kiêu hãnh và ngời sáng bao nhiêu, giờ y chỉ thấy một vẻ dửng dưng và coi thường trong đáy mắt cậu.
Y biết không thể vòng vo được nữa, bèn lấy điện thoại ra, mở vài đoạn chat đưa cho cậu xem.
Là những cuộc hội thoại bẩn thỉu đến buồn nôn. Trình Du vừa cầm điện thoại lướt qua, đối phương đã vội giật về.
Cậu cắn đầu lọc thuốc, nhíu mày:
– Ý cậu là… bây giờ Đỗ Đình Hoàng, tức là hiệu trưởng của trường Danh Vọng bọn cậu… đang quấy rối cậu?
Cậu thấy chàng trai vốn đang khép nép bỗng run lên.
– Và hôm qua cậu cũng định nói, Thiệu Minh từng là nạn nhân của ông ta?
Trình Du cầm gạt tàn, gõ mạnh xuống bàn một cái.
– Trả lời!
Thái độ của cậu vừa đanh vừa sắc, Hải Trường hoảng hốt gật đầu lia lịa:
– Đúng vậy… có vài người cũng biết, nhưng ông ta có quan hệ rộng, bọn tôi làm sao dám…
Những tưởng sau khi nghe những lời này, Trình Du sẽ phát điên. Nhưng trái ngược lại với thái độ điên cuồng ngày hôm qua, y chỉ nhận lại một cái nhìn hờ hững từ người đối diện.
– Mục đích của cậu khi tìm tôi, là muốn tôi vạch trần chuyện này. Lấy danh nghĩa đòi lại công bằng cho Thiệu Minh, nhưng thực chất là để cứu cậu ra khỏi vũng bùn này, đúng chứ?
Hải Trường bị nói trúng tim đen, cứng cả người.
– Cậu có dám đưa điện thoại của cậu cho tôi không? Cậu muốn mượn tay người khác để đạt được mục đích, thì cũng phải cho tôi chút vốn liếng chứ? – Trình Du nhả một hơi khói, chìa tay ra.
Hiển nhiên, Hải Trường không dám. Nếu dám, y đã không cố lèo lái câu chuyện của Thiệu Minh trước mặt Trình Du hai ngày hôm nay như vậy.
Trình Du dụi mạnh đầu thuốc vào gạt tàn, đội lại mũ áo rồi đứng dậy.
– Khi nào cậu dám công khai những bằng chứng đó thì hẵng quay lại tìm tôi. Tôi nói cho cậu biết, cậu muốn bản thân không một chút rủi ro mà vẫn có thể thoát thân, muốn hy sinh người khác để bảo toàn cho mình, trên đời làm gì có chuyện dễ dàng như vậy.
– Khi cậu tìm đến tôi, nghĩa là cậu không còn tin vào bất cứ ai ở ngôi trường đó. Cậu không tin bạn bè mà cậu thân thiết, cũng không tin thầy cô mà cậu kính yêu, thậm chí còn không dám đi báo cảnh sát.
– Cậu đưa tôi những thông tin mập mờ, không cho tôi xem kỹ, rồi muốn tôi dựa vào chuyện quá khứ để làm ầm lên. Cậu nghĩ cũng đẹp thật đấy.
– Tôi nói cho cậu biết, nếu cậu đã không tin ai, vậy thì tự đứng lên vì chính mình đi. Tôi thông cảm cho những gì cậu đang gặp phải, nhưng Hải Trường à, con người không muốn bị chèn ép thì phải tự biết mở miệng, phải tự mình đứng lên, thì mới không phải ra đi trong uất hận.
Những câu cuối cùng này, Hải Trường dường như có giảm giác Trình Du không nói với y, mà đang nói với một ai đó khác mà y không thể nào đoán biết được.
Mỗi lời nói ra như thể thản nhiên và bất cần, nhưng Hải Trường không thể nhìn thấy, lòng bàn tay của người con trai vừa sải bước xuống lầu đã đầy những vết hằn sâu do lực đâm của móng tay.
Cơn mưa đầu tiên của mùa thu cứ như vậy đổ xuống, Trình Du rời khỏi Vĩnh Hằng ngay trong đêm.
Bình luận
Chưa có bình luận