Chương 26. Sống, hay không sống - đó là vấn đề.


 

 

Sau nhiều ngày mưa rào triền miên, trường Thời Đại vẫn còn đẫm mình trong hơi ẩm. Nước đọng trên những tán lá xanh rì vẫn nhỏ từng giọt xuống mái hiên các toà nhà. Không khí buổi sớm mai se lạnh, phảng phất một nét tĩnh lặng, u buồn.

Bầu không khí ấy bỗng trở nên não nề hơn bởi một nhịp trống kỳ quái đột ngột vang lên từ phía Tòa Tiền Phong.

– Lớp nào? Lớp nào mà gan to vậy hả? Dám đánh trống đám ma trong trường??? – Thầy Vĩnh đang ngồi trong phòng Kỷ Luật, đang nhâm nhi chén trà buổi sáng thì giật nảy mình, gầm lên.

– Từ Toà Tiền Phong đó thầy ơi! – Một giáo viên khác ló đầu vào báo cáo. – Nghe nói lớp Tự Nhiên-2 sắp tới diễn mục múa cờ, mượn đâu cái trống to lắm, từ mấy hôm trước cơ, nay mới thấy gõ.

Thầy Vĩnh đặt mạnh cốc trà xuống bàn, đứng phắt dậy:

– Tập tành cái kiểu gì mà như đưa ma thế này! Đây là trường học chứ không phải nhà tang lễ. Không thể cợt nhả như vậy được, phải phạt thật nặng

Trong lúc đó, tại lớp Tự Nhiên-2.

– Lịt pẹ Trình Du, mày một vừa hai phải thôi. Đã bảo đánh theo nhịp trong video cơ mà, sao cứ được vài tiếng lại lái sang trống đám ma thế? Mày định tiễn cả lớp về nơi an nghỉ cuối cùng à? – Phùng Phan và đám Việt Hà điên tiết gào lên.

Cậu trai với chỏm tóc buộc cao trên đỉnh đầu vẫn ngồi vắt vẻo trên bàn, ung dung xoay cặp dùi trống, miệng cười rạng rỡ:

– Quen tay thôi, từ từ rồi sửa.

– Mày liệu cái hồn đấy! Đừng để Đội Cờ Đỏ với thầy Vĩnh kéo cả tiểu đội lên đây là cả lũ xuống suối vàng thì đẹp mặt!

– Đệt, tao tưởng văn nó viết chơi chơi vậy thôi, đéo ngờ nổi nó biết đánh trống đám ma thật các mày ạ.

Trình Du tặc lưỡi, gõ thêm vài nhịp nữa. Lần này, cậu chuyển thẳng sang điệu trống múa lân, tuyệt nhiên không dính dáng chút gì đến âm hưởng hào hùng cần có. Cả lớp lập tức dấy lên một trận la ó kịch liệt, vài đứa còn vớ vội sách vở lao vào tấn công.

Kẻ cầm đầu cuộc tấn công, không ai khác, chính là Việt Hà.

Việt Hà lớp trưởng lớp họ tính nóng như kem, phương châm giải quyết vấn đề của cô rất đơn giản: nói một lần, không nghe là động thủ. Tuyệt đối không có lần thứ hai.

Thấy tình hình không ổn, Trình Du theo phản xạ quăng dùi trống rồi nhảy khỏi bàn bỏ chạy. Cả đám con gái không ai bảo ai, tự giác chuyển chiến trường từ trong lớp ra ngoài hành lang.

Khu giảng dạy vốn đang yên ắng bỗng chốc náo loạn bởi tiếng hò hét inh ỏi. Tiếng chân người chạy bình bịch dọc hành lang tầng ba hòa cùng tiếng cười nói, thỉnh thoảng họ còn nghe thấy tiếng chửi đổng ai oán của học sinh tầng dưới vọng lên.

Trình Du bị hội con gái bao vây, chỉ còn cách chạy thục mạng xuống cuối hành lang, vừa chạy vừa quay đầu trêu ngươi. Phùng Phan vì tình anh em mà lao theo cản đường, nhưng chưa kịp làm người hùng thì đã bị cả đám túm tụm úp sọt trước.

Học sinh từ các tòa nhà khác ùa ra lan can. Nhìn sang, họ thấy một cảnh tượng hết sức kỳ khôi: một nam sinh điển trai tóc buộc chỏm người mảnh khảnh chạy nhảy thoăn thoắt, dắt theo một Bé Bự Baymax ôm đầu chạy bán sống bán chết đằng sau. Đuổi theo họ là một toán nữ sinh hung hãn do lớp trưởng Việt Hà dẫn đầu, tay lăm lăm cầm chổi và thước kẻ lao tới.

Phùng Phan sức bền có hạn, nhanh chóng bị tóm lại. Việt Hà một tay túm cổ áo hắn, tay kia chỉ cây chổi về phía Trình Du đang ở đằng xa, hét lớn:

– Trình Du! Ông mà không đánh trống cho đàng hoàng thì đừng hòng bước chân về lớp! Nhìn người anh em của ông mà làm gương! – Cô vừa nói vừa làm động tác kẹp cổ Phùng Phan.

– Lớp trưởng! Tôi đã cố lắm rồi, hay cậu loại tôi khỏi đội hình luôn đi! – Trình Du chạy đến đầu cầu thang, ngoái cổ lại nói vọng về.

Nhưng ngay sau đó, cậu thấy Việt Hà đang định gào lên đáp trả thì bỗng khựng lại. Cô giơ tay ra hiệu cho cả đám dừng lại, rồi hét lên thất thanh:

– SOS! Sóng thần cấp độ hai! Rút lui!

Nói rồi, cả lũ con gái quay đầu chạy biến vào lớp nhanh như một cơn gió.

Trình Du: “?”

Đúng lúc ấy, một giọng nói quen thuộc vang lên ngay sau lưng cậu:

– Nghỉ học vài hôm, vừa quay lại đã làm loạn rồi à?

Trình Du đang chạy thì mất đà, suýt nữa thì đâm sầm vào người đối diện. Nghiêm Luật vừa bước lên đến bậc thang cuối cùng, thuận thế vươn tay túm lấy gáy áo cậu, kéo ra xa.

– A, đội trưởng Đội Cờ Đỏ. Đã lâu không gặp.

Nghiêm Luật buông tay, nhíu mày dò xét:

– Cậu là người vừa rồi đánh trống đấy à?

– Chứ còn ai vào đây nữa? Không phải tôi thì sao lại bị dí chạy bán sống bán chết thế này? – Trình Du chậc lưỡi. – Thầy giám thị phái anh lên bắt tôi đúng không? Thôi nào, nể tình chỗ quen biết, tha cho tôi lần này đi.

Nghiêm Luật nhìn cái chỏm tóc lắc lư trên đầu cậu cùng với dáng vẻ tươi cười phóng khoáng, chợt thấy có chút lạ lẫm. Anh gần như không thể kết nối hình ảnh này với cậu thiếu niên suy sụp, chĩa mảnh thuỷ tinh về phía mình rồi lặng lẽ rơi lệ trong buổi sáng hôm đó.

Có gì đó đã thay đổi, hoặc có gì đó đã bị che giấu đ.

Từ bao giờ mà Trình Du trở nên hoạt bát và cởi mở đến vậy?

Anh vỗ cuốn sổ trực ban vào trán cậu:

– Cảnh cáo lần một. Không được gõ bậy nữa, về lớp đi.

– Ok! Cảm ơn nhé, tôi biến đây. – Trình Du vỗ vỗ vai anh.

– Biến!

Nghiêm Luật thở dài phẩy tay, nhìn theo bóng lưng thiếu niên chạy như bay vào lớp, rồi lại bị cả đám con gái dùng chổi hất văng ra ngoài trong tiếng cười rộ.

Giây phút Nghiêm Luật quay lưng bước đi, Trình Du cũng từ trong sự ồn ào đưa mắt về phía anh. Thực ra, không chỉ mình Nghiêm Luật cảm thấy có gì đó khác lạ. Người cảm nhận rõ nhất sự thay đổi này, cũng là người tạo ra sự thay đổi này, chính là bản thân cậu.

Hiếm hoi có một ngày, Trình Du thực sự tập trung trong tiết Ngữ Văn của cô Phượng. Có lẽ vì chủ đề hôm nay.

Nắng bắt đầu rẽ mây, soi rọi xuống sân trường từng vệt nhàn nhạt, chiếu lên bảng đen lớp học, cô Phượng bắt đầu nắn nót từng con chữ:

To be, or not to be, that is the question.

Văn bản Sống, hay không sống – đó là vấn đề, trích từ Hồi thứ III trong vở kịch Hamlet của nhà soạn kịch William Shakespeare.

Trong đoạn trích này, Hamlet – hoàng tử Đan Mạch đang suy nghĩ và băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống. Chàng tự hỏi liệu có nên tiếp tục sống để chịu đựng những nỗi đau, hay là chọn cái chết để giải thoát. Trước đó, Hamlet nghi ngờ cái chết của cha mình là do chú ruột Claudius gây ra nên chàng quyết định giả điên để điều tra. Trong một lần nói chuyện với Ophelia (người yêu cũ), Hamlet đã nói những lời rất lạnh lùng và đau đớn để đẩy đối phương ra xa. Qua đoạn độc thoại này, người đọc thấy rõ sự mâu thuẫn, tuyệt vọng và dằn vặt trong tâm hồn Hamlet, đồng thời cũng cho thấy sự đấu tranh nội tâm của con người khi phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

Sau khi cho đám học sinh đứng dậy diễn luân phiên, quở trách vài đứa không chuẩn bị bài mà ngắc ngứ quên thoại, cô Phượng bắt đầu ôn tồn đặt câu hỏi:

– Sau khi tìm hiểu một lượt, ai cho cô biết, lời thoại của các nhân vật trước khi Hamlet xuất hiện cho thấy điều gì về bầu không khí xã hội bao quanh chàng?

Việt Hà lớp trưởng như thường lệ, dẫn đầu xung phong:

– Thưa cô, qua lời của vua Claudius và hoàng hậu Gertrude, ta thấy họ đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân về sự điên loạn của Hamlet. Họ thậm chí còn lợi dụng cả những người bạn thân của chàng là Rosencrantz, Guildenstern và cả người chàng yêu là Ophelia để làm gián điệp. Điều đó cho thấy một bầu không khí giả dối, đầy tính toán và nghi kỵ đang bủa vây Hamlet ạ. Mọi người xung quanh chàng, dù là người thân thiết nhất, đều có thể đang đeo một chiếc mặt nạ.

– Rất tốt. Vậy, sự xung đột với cả thời đại đã để lại dấu ấn như thế nào trong nội tâm Hamlet?

Câu hỏi thứ hai tiếp tục được đặt ra, nhưng lần này cô ra hiệu cho mọi người ngừng lên tiếng, ánh mắt sắc sảo nhưng không kém phần khích lệ hướng về phía cậu học trò đang tơ lơ mơ giữa mấy chữ “sống” và “không sống” trôi trên đỉnh đầu:

– Bạn nào đó lệch đề nghiêm trọng trong kỳ khảo sát bữa trước, hăng hái một chút giùm tôi đi chứ?

Cả lớp khúc khích cười, vài ánh mắt đổ dồn về phía Trình Du. Cậu ngẩng đầu, xoay bút, đưa tay đẩy gọng kính, giọng điệu vẫn thiếu nhiệt huyết như các tiết học Văn trước đây, nhưng câu chữ thốt ra chữ nào chữ nấy đều rành rọt:

– Nội tâm của Hamlet đầy rẫy sự căm phẫn và chán ghét cuộc sống, tâm trí chàng chỉ luôn đắm chìm trong ý nghĩ trả thù…

Cậu ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp:

– Nhưng sự căm phẫn đó không phải là mù quáng. Chàng nhận thức được sự thối nát của hoàng gia Đan Mạch, nơi mẹ mình tái giá với chú ruột quá vội vàng, nơi nụ cười của kẻ giết cha lại trở thành luật lệ. Dẫu vậy, chàng vẫn giữ vững sự tỉnh táo, bởi chàng sợ rằng bóng ma mình gặp có thể là một linh hồn tà ác đến để cám dỗ chàng thực hiện những việc sai trái, nhằm dẫn dắt linh hồn của chàng vào cõi Địa Ngục…

– Đù vãi. – Một giọng nói không thể tin nổi ở đâu vang lên. – Thằng Du hôm nay nó uống lộn thuốc hay sao mà đọc hiểu văn bản luôn trời ơi.

Cô Phượng không những không phiền lòng vì tiếng xì xào, mà còn vui vẻ ra mặt. Cô gõ nhẹ thước lên bàn một cái thay cho lời khen ngợi. Không khí lớp học đột nhiên sôi nổi hẳn lên.

– Phân tích ý thức của Hamlet về những “khổ nhục trên cõi thế” mà con người phải gánh chịu. Theo em, Hamlet sợ “nỗi khổ nhục” gì ở cõi “mênh mang sau khi chết”?

Phùng Phan ngồi ngay phía trên Trình Du, hùng hổ đứng dậy, giọng oang oang như sấm:

– Hamlet đã thể hiện thái độ khinh thường và chán ghét xã hội đương thời. Con người phải chịu đựng những roi vọt, khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, sự hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng… Chàng chán ghét tất cả những điều đó và thấy rằng chỉ một mũi dao găm là có thể kết thúc mọi chuyện!

Tiếp sau lời của hắn, giọng nói đều đều của Trình Du đệm ngay phía sau:

– Nhưng nỗi sợ về thế giới bên kia đã níu chàng lại. Nỗi khổ nhục ở “cõi mênh mang sau khi chết” không phải là bị tra tấn về thể xác. Đó là nỗi sợ về sự vô định. Chàng nói đó là “miền đất chưa ai đặt chân tới, nơi không một du khách nào quay về”. Hamlet là một trí thức, một người luôn dùng lý trí để phân tích mọi thứ. Cái chết là một ẩn số mà lý trí không thể giải đáp. Chính sự bất định đó, sự không biết điều gì sẽ xảy ra với linh hồn mình sau khi chết, mới là điều khiến chàng chùn bước. Chàng sợ rằng sau khi thoát khỏi địa ngục trần gian, mình lại rơi vào một địa ngục vĩnh hằng còn tồi tệ hơn.

– Tuy vậy, Hamlet luôn trăn trở và suy tư về cách tìm ra sự thật, tự hỏi liệu bản thân có bị cuốn vào những thói hư tật xấu hay không. Trong mọi hoàn cảnh, chàng tự nghĩ xem, làm cách nào để không đánh mất lý trí và niềm tin của mình, mà vẫn kiên định với những giá trị mà mình theo đuổi.

– Chỉ ra tính chất bi kịch của xung đột được thể hiện qua lời độc thoại của Hamlet. – Cô Phượng đi dọc lớp, mỗi câu hỏi liên tiếp được đặt ra như những nấc thang dẫn dắt học sinh vào sâu hơn trong tác phẩm.

Khánh Khiêm cẩn thận lật vở soạn văn ra, đọc một cách chậm rãi:

– Thưa cô, tính chất bi kịch của xung đột được thể hiện qua lời độc thoại của Hamlet, là sự mâu thuẫn giữa một bên là hành động, là “cầm vũ khí đứng lên chống lại với bể khổ”, đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm và lý tưởng nhân văn. Một bên là sự cam chịu, là “im hơi lặng tiếng mà chịu đựng những mũi tên hòn đạn của số phận oan nghiệt”. Hamlet muốn hành động, nhưng lại bị chính tư duy của mình làm cho tê liệt.

Sau đó một vài giọng nói khác lần lượt phát biểu, mỗi người một góc nhìn:

– Em thấy Hamlet hiện lên như một nhân vật đáng thương, với tâm hồn chỉ ngập tràn nỗi đau, bi quan và đầy những trăn trở. Chàng cô độc giữa cả hoàng gia và cả một thời đại.

– Qua hình ảnh này, tác giả còn ngầm phản ánh hiện thực xã hội thời Phục Hưng, một thời kỳ đầy biến động. Bề ngoài thì đề cao lý trí, nhân văn, nhưng bên trong thì cái ác, cái cũ vẫn tồn tại, khiến cho những trí thức như Hamlet phải rơi vào trạng thái tuyệt vọng, gần như phát điên.

– Em nghĩ sự bi tráng trong số phận Hamlet không chỉ là nỗi niềm riêng của một cá nhân mà còn là tiếng kêu gào phản đối thực tại tăm tối. Chàng không chỉ đấu tranh cho riêng mình, mà còn cho cả một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới mà chàng tin là phải có nhưng lại không tìm thấy.

Cô Phượng từ đầu đến cuối đều chỉ tiếp nhận mọi câu trả lời, không hề chen vào những cảm nhận cá nhân của học sinh. Cô đi dọc các dãy bàn, cuối cùng dừng lại ở bàn cuối cùng, nơi Trình Du đang ngồi. Cô đưa mắt nhìn lên bảng, mà tay thì gõ nhẹ xuống mặt bàn của cậu.

– Theo em, trong xã hội hiện đại, xung đột đó có còn tồn tại hay không? Căn cứ để em nêu ý kiến về vấn đề này là gì?

Trình Du cắn nhẹ đầu bút, ngả người nhìn lên bảng, nơi dòng chữ “To be, or not to be” vẫn còn đó.

– Trong xã hội hiện đại, xung đột này không chỉ tiếp diễn, mà còn biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi hơn. Bởi lẽ, những thực trạng tăm tối vẫn tồn tại song song với những lý tưởng nhân văn, tạo nên một mâu thuẫn sâu sắc và gay gắt mà chưa có giải pháp triệt để…

Nhân văn như Danh Vọng, cũng tăm tối như Danh Vọng.

Cậu dừng lại, hít một hơi sâu.

– “Sống” trong thời hiện đại, có khi là phải chịu đựng những lời cay nghiệt từ bất kỳ ai, từ bạn bè, gia đình, xã hội, nơi mỗi câu nói, mỗi dòng chữ đều có thể trở thành vũ khí làm con người ta thương tổn. “Sống” là cuộc chiến thầm lặng với những áp lực vô hình, với nỗi buồn và sự lo lắng mà ai cũng có thể mang trong lòng. Và “Sống” còn là phải tỉnh táo để không bị lạc giữa một biển thông tin thật giả lẫn lộn.

– Còn “không sống”? – Cậu khẽ cười. – Đâu chỉ có nghĩa là kết thúc mọi thứ. Đôi khi nó chỉ đơn giản là chọn cách im lặng trước bất công, là hòa mình vào đám đông vô cảm để được an toàn. Đó cũng là một dạng của cái chết, cái chết về mặt tinh thần.

– Vì vậy, câu hỏi của Hamlet vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi ngày, chúng ta đều phải đối mặt với lựa chọn: sẽ dấn thân, tranh đấu và chịu tổn thương, hay sẽ buông xuôi, tồn tại một cách an toàn nhưng trống rỗng. Lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Và em cho rằng, đó chính là bi kịch của con người hiện đại.

Không một tiếng động nào trong lớp. Trình Du nhìn qua ô cửa sổ, ánh mắt khẽ chạm phải người đàn anh Đội Cờ Đỏ cứ ngỡ cậu sẽ ngủ gục ở tiết Ngữ Văn như mọi lần, cậu cười với anh rồi lại quay trở về bảng đen và con chữ.

1

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout