Chương 27. Em ấy còn nhỏ. Có biết cái gì đâu.



– Đù hôm nay lớp mình đạt A+ môn Văn luôn này. – Một đứa cầm sổ đầu bài hú lên khi tiết học kết thúc.

Cả đám con trai lớp Tự Nhiên được đánh giá tốt ở tiết Ngữ Văn, cảm thấy sung sướng lắm, múa may như lên đồng. Giữa mớ âm thanh hỗn loạn ấy, Trình Du từ đầu đến cuối đều không bày ra cảm xúc gì. Cậu quờ tay vào ngăn bàn, vớ lấy bao thuốc lá còn dăm ba điếu, lẳng lặng đi về phía Tòa Trống.

Đi được vài bước, cậu khựng lại. Nghiêm Luật và Công Quân đang túm cổ một đám loi choi ở đó. Giờ này mà chui đầu vào thì chẳng khác nào tự nộp mạng. Trình Du im lìm đổi hướng, vòng đến khu nhà vệ sinh nam cũ kỹ ở phía đối diện.

Đoạn đường vắng hoe. Cậu bước vào nhà vệ sinh ẩm mốc, cài chốt cửa, bật lửa châm một điếu thuốc. Khói thuốc len vào buồng phổi, xoa dịu những dây thần kinh đang căng như dây đàn. Cảm giác chênh vênh, lạc lõng trong cậu đột nhiên tìm được một điểm tựa tạm bợ.

Một lúc sau, bên ngoài có tiếng bước chân, rõ ràng là một đám khác cũng đang trốn Đội Cờ Đỏ, cậu và bọn họ tâm linh tương thông, cùng nhau chia thuốc ở không gian kín đáo.

Bọn họ nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ game đến gái. Trình Du không định nghe lén, nhưng âm thanh bỗ bã và những từ khóa nội dung cuộc trò chuyện ngày một quen thuộc cứ thế một đường đi thẳng vào tai cậu.

– Con bé Linh Lan lớp Tự Nhiên-1 ấy hả? Tán mãi đéo đổ. Cứ bám riết lấy thằng Luật như muốn dâng hiến ấy, ngứa cả mắt.

– Đúng là con gái bây giờ, vừa ngu vừa vô sỉ. Bám lấy một thằng nhà không có gì thì được cái tích sự gì?

– Sao lại không? Có cái mã đẹp trai, học hành cũng được, có tí tiếng tăm. Với lũ con gái tầm này, thế là đủ đem khoe rồi.

Sau đó là một tiếng cười khẩy đầy ác ý:

– Có đếch gì mà khoe, con trai của tội phạm, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, béo bở lắm à?

– Hả, có chuyện này luôn?

– Mày không biết? Thực ra cũng lâu rồi, bố nó đâm người ta, giờ vẫn còn đang bóc lịch trong tù. Mà đéo hiểu ăn ở kiểu gì, được người ta nhận nuôi vài năm thì ông bà nhà đó cũng bị xe tông chết nốt. Mày không thấy cái thằng mập khối 11 ấy à, trông có giống nó tí nào không?

– …Nó cũng chẳng phải dạng vừa đâu. Năm ngoái nếu không có người can ra thì cũng suýt tiễn người ta xuống suối vàng rồi đấy.

Sh...

Ngón tay Trình Du bỏng rát do không để ý điếu thuốc đã cháy đến tận đầu lọc. Cậu sực tỉnh, dụi mạnh đầu thuốc vào bức tường ẩm mốc, thoáng chốc thấy lồng ngực ngột ngạt.

Nhà vệ sinh này đã cũ, cửa làm bằng sắt, dùng then cài ngang. Nếu rút then ra, nó sẽ trở thành một thanh sắt đặc, dài chừng một chiếc thước kẻ ba mươi phân, cầm trong tay nặng trịch.

Trình Du nhìn chòng chọc chiếc then cài một hồi lâu bằng vẻ mặt ủ rũ. Trước đây Nghiêm Luật từng cảnh cáo cậu, không được có hành vi quá khích.

Cậu rút thanh sắt ra, xoay xoay trong tay. Cái lạnh của kim loại lan ra lòng bàn tay, vừa vặn chạm phải những vết cắt chưa lành hẳn còn hơi nhói của cậu. Một ý nghĩ đen tối và bạo lực đột nhiên lóe lên, rồi mau chóng bị cậu ép xuống. Cuối cùng, Trình Du thở hắt ra một hơi. Cậu giữ thanh sắt trong tay, cúi đầu đi lướt qua đám người đang phì phèo khói thuốc.

Rầm!

Cửa ngoài bị đóng sầm, sau đó là tiếng lạch cạch của then sắt bị gài lại. Nhà vệ sinh bị khóa trái từ bên ngoài. Lập tức bên trong có tiếng hoảng hốt vọng ra.

– Đm… Thằng nào đấy? Mở cửa! Bên trong còn người!

Sau đó là một vài tiếng đập cửa rầm rầm.

Tiếc thay, nơi mà họ dám lỉnh đi hút thuốc thì vị trí cũng chẳng khác Toà Trống là bao, thường rất ít người qua lại, trừ phi đứa nào mót quá mới chạy sang bên này, nhân viên vệ sinh ngày chỉ tới hai lần, còn trong cái thời gian dở dương thế này, hiển nhiên chẳng ai lui đến.

– Đm thằng chó nào? Thả bố mày ra!

– Đừng để bố gặp được mày.

Không một lời đáp lại. Ba kẻ bên trong chỉ thấy một chiếc vòi nước chĩa vào từ khe cửa. Chúng còn chưa kịp hiểu chuyện gì, một dòng nước với áp suất cực mạnh đã phụt thẳng vào trong khiến chúng ướt nhẹp. Sau đó, một tràng chửi rủa ầm ĩ lại vọng từ trong vọng ra.

Trình Du nghe tiếng chửi mà thấy đã cả tai. Mãi đến khi trống báo vào lớp, cậu mới tiếc nuối rời đi. Đi được chục bước, cậu rút điện thoại, tìm số Nghiêm Luật rồi bấm gọi.

Đúng là con người của công việc, chuông vừa đổ đã nhấc máy.

– Alo, đội trưởng Đội Cờ Đỏ đấy à? Với tư cách một học sinh tốt, tôi xin báo cáo. Nhà vệ sinh nam khu C có vài bạn bị kẹt. Anh mau tới giải cứu đi.

Cậu dừng một nhịp, rồi nói tiếp:

– Tôi lỡ tay nhốt họ vào rồi!

Tiết học cuối cùng trôi qua bình yên đến lạ, hoặc là Trình Du vẫn chưa bị sờ gáy tới. Tan trường, đội văn nghệ của 11 Tự nhiên-2 hò nhau kéo về nhà Phùng Phan để tập múa cờ. Lý do đơn giản: nhà tên này ít người, sân lại rộng.

Là tay trống chính, Trình Du không thể vắng mặt. Lúc hỏi vì sao cả lớp lại nằng nặc giao cho mình vai trò này, cậu chỉ nhận được một câu trả lời duy nhất.

– Trình Du, ông mà không đánh trống thì lấy ai? – Việt Hà chống nạnh. – Cái vị trí trống đại là trung tâm sân khấu đấy, là bộ mặt của cả lớp đấy, hiểu không? Lớp nào cũng có một cái vị trí trung tâm tương tự, trai tài gái sắc cả đó, vị trí center của lớp mình không thể thua vị trí center lớp người ta được.

Một đứa khác hùa vào:

– Đúng rồi! Cứ tưởng tượng mà xem, mấy đứa lớp khác sẽ phải trầm trồ: “Eo ôi, trai 11 Tự nhiên-2 đẹp trai vãi!” Mát mặt không cơ chứ?

Sân nhà Phùng Phan lập tức rộn lên tiếng cười. Cả đám bày giấy màu, kéo, keo dán la liệt. Bọn họ đang luyện tập nên chưa thuê dụng cụ, ngoài cái trống Khánh Khiêm mượn ở nhà thờ tổ mãi mới khuân đi được, thì cờ và hoa chúng nó đều cắt tay cho tiết kiệm.

Việt Hà vừa chỉ đạo vừa xem video phân tích trên mạng. Mười mấy con người cả nam lẫn nữ người cắt giấy, người vẽ khuông, người vót tre làm gậy dán cờ, Trình Du ngồi nghịch trống mà cảm giác vẫn còn hơi lâng lâng sau vụ ở nhà vệ sinh.

– Trình Du! – Việt Hà gắt lên. – Gõ linh tinh nữa là tôi tịch thu dùi đấy! Đây là nhà dân, không phải sân khấu cho ông quậy đâu. Xem kỹ video này mà nghiên cứu đi, rõ là biết đánh mà cứ cố tình gõ bậy.

Trình Du cầm lấy điện thoại, giả vờ chăm chú nhưng mắt lại đảo quanh một vòng xung quanh.

Nhà Phùng Phan không lớn, chỉ là một căn nhà cấp bốn kiểu cũ, xếp hình chữ L. Trước cổng trồng một giàn hoa giấy rực rỡ, khiến căn nhà đơn sơ trở nên tươi tắn, sống động hơn hẳn.

Vật dụng trong nhà rất đơn giản, phòng khách chỉ có một bộ bàn ghế vừa để uống nước vừa làm bàn ăn. Mấy gian phòng riêng đều đóng kín cửa. Bên dưới là bếp và nhà kho, sát tường có một cái bể nước mưa bằng xi măng trông như một sân khấu nhỏ, hoa giấy theo gió rụng đầy mặt bể. Khoảnh khắc nhìn thấy cái bể nước ấy, cậu chỉ muốn trèo lên, rồi men theo bức tường nhà, nhảy lên mái ngói, phóng tầm mắt ngắm nhìn cả thành phố từ trên cao.

Có một điều cậu rất chắc chắn, căn nhà này không có dấu vết của người lớn.

– Moá, kết keo rồi! – Khánh Khiêm gào lên. – Đứa nào đi mua đi.

– Bé Bự đâu??

– Bé Bự đang nấu cơm, chúng mày tự đi đi! – Giọng Phùng Phan từ trong bếp vọng ra. – Lát nữa anh tao về mà chưa có cơm là tao ăn đấm đấy! Nhà sách ngay gần đây thôi, đứa nào phóng xe đi cho lẹ. À, qua tạp hóa chú Mười mà mua, rẻ hơn đấy.

Cả đám đang lăn lê bò toài trên sân không ai muốn nhúc nhích. Ánh mắt của chúng nó đồng loạt hướng về kẻ đang ngồi vắt vẻo trên bể nước múa dùi ở kia.

– Nhìn cái gì? – Trình Du bắt được ánh nhìn của bọn họ.

– Đi mua đi! Ông có làm gì đâu. Đồ lười biếng!

Bị cả đám la ó, lại là đứa duy nhất đi xe máy, Trình Du đành lồm cồm đứng dậy. Lấy cớ tay bị thương để trốn việc lần này xem ra không ăn thua.

– Ông có mang tiền không? Ứng trước đi, về tôi gửi lại. – Việt Hà nói vọng theo. – Quỹ lớp trong cặp, lười dậy quá.

Trình Du liếc nhìn Việt Hà đang ngồi xổm giữa sân, tay giữ tay dán, trông như dân cắt vàng mã. Cậu phất tay một cái, nổ máy đi luôn. Vừa chạy được một đoạn, cậu chợt nhớ ra tiệm của chú Mười này chỉ nhận tiền mặt. Cậu dừng xe sát lề, mở ví ra kiểm tra lại cho chắc.

Không mở ví ra thì thôi, vừa mở ra là thấy cõi lòng lạnh lẽo. Quả nhiên, trong ví chỉ còn độc một tờ năm nghìn xanh lè nhăn nhúm. Cậu hết cách, bèn ghé vào một cây ATM gần đó rút tiền.

Ánh đèn từ tiệm tạp hoá hắt ra nơi ngã tư đường, lúc này quán cũng có vài học sinh khác ghé lại mua đồ. Trình Du dựng xe, chờ vài người mua xong mới vào. Chẳng hiểu sao, ánh mắt cậu vô thức liếc sang tiệm sửa xe bên cạnh như tìm kiếm gì đó, rồi rất nhanh cậu lại giật mình quay đầu về.

– Bao nhiêu tiền ạ? Cháu chuyển khoản nhé chú. – Một giọng nữ sinh dịu dàng vang lên.

– Chỗ chú không nhận chuyển khoản, chỉ lấy tiền mặt thôi.

– Nhưng cháu không mang tiền mặt ạ.

– Nhưng chú không có tài khoản ngân hàng, cô bé à. Mà chú trông con quen lắm, phải bạn thằng Luật không? Cứ cầm về đi, mai trả cũng được.

Trình Du: “...” 

Cuộc hội thoại này… sao mà dejavu quá.

Hai người ngượng ngập một lúc, thấy cô nàng kia bắt đầu ngượng ngùng trả lại đồ. Trình Du tặc lưỡi bước tới:

– Bao nhiêu vậy chú Mười? Để con trả cho. Chú lấy cho con mấy lọ keo dán với. – Cậu quay sang cô gái, đưa mã QR ra. – Cậu chuyển khoản cho tôi, tôi trả tiền mặt giúp cho.

– A… Cảm ơn cậu nhiều! – Ánh mắt cô gái sáng lên.

– Không có gì.

Nữ sinh vội vàng quét mã chuyển tiền. Một tiếng ting vang lên. Trình Du liếc qua thông báo rồi định tắt điện thoại đi, nhưng ngay sau đó cậu khựng lại.

Người chuyển khoản: Vu Hong Linh Lan.

– Linh Lan? – Cậu buột miệng đọc tên.

– Đúng rồi. Cậu nhận được tiền rồi chứ? Cảm ơn cậu nhé, mình đi trước. – Cô gái cười tươi rồi cầm đồ mới mua, xoay người leo lên xe đạp đạp đi.

Lúc này Trình Du mới để ý, cô gái đang đạp xe xa dần kia cũng mặc đồng phục mang phù hiệu trường Thời Đại, ngoại hình khá bắt mắt, mái tóc dài óng ả, nụ cười dịu dàng, đúng kiểu con gái truyền thống, ngoan hiền và xinh xắn.

Con bé Linh Lan ấy hả? Cứ bám riết lấy thằng Luật như sam…

Trình Du ngẩn người.

Trường Thời Đại liệu có bao nhiêu nữ sinh tên là Linh Lan nhỉ?

– Bé con, nay có tiền mặt rồi à? Keo của con đây. – Chú Mười đưa đồ cho cậu, còn dúi thêm mấy cái kẹo mút.

– Vâng ạ. Chú nên làm cái mã QR đi, bọn trẻ giờ ít cầm tiền mặt lắm. – Trình Du cười, nhét kẹo vào túi rồi lên xe.

Có lẽ ông trời cảm động vì hành động nghĩa hiệp của cậu, nên đã không kìm được mà rơi vài giọt lệ.

Ban đầu chỉ là mưa lâm thâm, Trình Du còn định rồ ga phóng bạt mạng cho qua, ai ngờ chỉ vài phút sau, một trận mưa rào ập xuống như trút. Nước mưa quất rát mặt, cặp kính đang đeo bị nước táp nhoè cả đi, buộc cậu phải tấp vội vào một mái hiên ven đường để trú.

Cậu vừa mới tấp xe vào lề, còn chưa kịp chống chân, một chiếc ba gác chở đầy bánh mì từ đâu cũng loạng choạng lao tới, thắng gấp ngay bên cạnh. Bánh xe trượt trên vũng nước, cả chiếc xe chao đảo. Mấy khay bánh mì lớn đổ ập xuống đường, văng tung toé, ướt sũng trong làn nước mưa bẩn thỉu.

Trình Du còn chưa kịp định thần, người đàn ông đã khóc rống lên, tiếng khóc át cả tiếng mưa.

– Trời ơi là trời! Mày đi đứng kiểu gì thế hả thằng kia? Đâm đổ hết bánh mì của tao rồi!

Trình Du: “?”

Trình Du ngớ người. Cậu chớp mắt, liếc sang chiếc xe máy của mình vẫn đứng vững chãi cách đó cả mét, rồi lại nhìn gã đàn ông đang bắt đầu màn kịch của mình.

Giữa màn mưa trắng xóa, gã đàn ông ngồi phịch xuống lòng đường, đấm tay thùm thụp vào lồng ngực, gào lên ăn vạ:

– Bánh mì của tôi! Cả một xe bánh mì! Thằng mất dạy này nó đâm đổ hết rồi, ướt hết thế này thì bán cho ai nữa đây, trời ơi là trời…

Trình Du: “?”

Này… đừng có mà quá đáng!

Từ sửng sốt chuyển biến thành cạn lời, Trình Du nhịn không nổi phì cười thành tiếng. Sống mười mấy năm trên đời, cảnh ăn vạ thường chỉ thấy trên tóp tóp bây giờ hiện ra ngay trước mặt cậu.

Trình Du trước nay không phải kiểu người đầy lòng trắc ẩn, nhưng đối nhân xử thế vẫn được xem là có chừng mực, biết điều, đặc biệt là với người lớn. Nhưng cậu không thể nào bày ra bộ mặt thân thiện đó với những người thiếu đạo đức như thế này được.

Cậu không thanh minh, cũng chẳng bối rối, chỉ lẳng lặng dắt xe vào sâu hơn dưới mái hiên, tìm một bậc thềm khô ráo, đứng chống nạnh, xem người đàn ông này có thể khóc giữa trời mưa đến bao giờ.

Người hiếu kỳ vây lại ngày một đông, có người còn che ô đứng hóng.

– Mày đền tiền cho tao! Không thì đừng hòng đi khỏi đây! Bà con làm chứng cho tôi, nó đâm đổ xe của tôi, không để nó đi dễ như vậy được! – Thấy người bu lại, người đàn ông chỉ tay vào cậu, vừa khóc lóc vừa ho sù sụ như sắp chết đến nơi.

Trình Du bật cười, nhìn ông ta:

– Vâng, chú yên tâm ạ, tôi không đi khỏi đây. Chú cứ thong thả khóc tiếp đi ạ.

Thấy thằng nhóc không những không sợ mà còn có vẻ thách thức, gã đàn ông càng diễn hăng hơn.

– Bà con cô bác ra mà xem! Nó phá đồ của tôi còn thách thức tôi này! Tôi già cả bán mấy cái bánh mì kiếm sống qua ngày mà nó nỡ lòng nào…

– Chứ không phải bánh mì ngấm mưa hết rồi, không bán được nên chú mới bày trò này à? – Trình Du cào nhẹ mái tóc ướt sũng nước.

– Mày… mày… – Gã đàn ông đỏ mặt tía tai, tức tối đứng dậy định lao về phía cậu.

Đúng lúc đó, một bóng người mặc áo mưa trùm kín rẽ đám đông bước vào. Nghiêm Luật kéo mũ áo mưa xuống, để lộ khuôn mặt hơi tái nhợt vì dính nước.

– Có chuyện gì vậy? – Anh kéo Trình Du lùi lại sau lưng mình, chắn giữa cậu và gã đàn ông đang hung hăng trước mặt.

– Mày là người nhà nó à? Nhìn đi! Xem nó phá xe bánh mì của tao này! Đền tiền lại đây!

Trình Du ló đầu ra sau vai Nghiêm Luật, toan phản pháo đôi câu thì bị anh liếc cho một phát. Cậu lập tức nuốt lời vào trong. Vài giây sau, Trình Du vẫn không nhịn được, lấy giọng vô tội chuyên dùng mỗi khi trình bày với cô Diễm, thủng thẳng nói:

– Sao lại vô lý thế chứ? Tôi không có phá gì cả. Xe của tôi còn chưa chạm vào xe ông ấy mà.

– Mày còn cãi à? Ý mày là bánh mì của tao tự mọc cánh bay xuống đường hả? Trời ơi là trời, lũ lưu manh đầu đường xó chợ chúng bay bắt nạt một ông già…

– Ông im lặng giùm đi. – Nghiêm Luật cau mày, chặn cái loa của ông ta lại. – Em ấy còn nhỏ, biết cái gì đâu mà ông nói thế.

Người đàn ông há hốc, chỉ tay sang cái thằng "còn nhỏ, biết cái gì đâu" đang cúi đầu đứng sau lưng Nghiêm Luật, tay hết đưa lên lại đưa xuống, không thốt nên lời.

Nghiêm Luật nghiêng đầu, trông thằng nhóc con diễn vẻ oan ức mà cũng nổi da gà theo, cuối cùng anh chỉ thẳng vào góc một ngôi nhà gần đó, nơi có một chiếc camera an ninh đang chớp đèn đỏ:

– Góc kia có camera. Giờ một là ông tự dọn xe rồi đi, hai là chúng tôi với ông lên phường, ngồi chờ họ trích xuất camera. Ông chọn đi. Lúc xem rõ ràng rồi, cần đền thì đền, cần giam người thì giam người. Ông ở đây chửi trẻ con mà nghe được à?

Gã đàn ông ít học nghe hai chữ “giam người” thì cứng cả họng.

– Đi thôi, lên phường. Chuyện bé bằng cái kẹo mà làm quá.

Nghiêm Luật quay sang đám đông hóng chuyện, giọng điệu khó chịu ra mặt:

– Còn các ông các bà nữa, trời mưa thì về tưới cây đi, ở đấy mà hóng chuyện không sợ mình bị vạ lây à?

Sau đó anh liếc sang Trình Du đang đứng đần người ở đó:

– Còn không nhanh cái chân lên!

– À… – Trình Du vội vàng lết cái thân ướt nhẹp dắt xe từ mái hiên ra.

Hai người vừa nổ máy, gã đàn ông kia đã không nói thêm một lời. Gã vội vàng dựng cái xe ba gác ọp ẹp lên, lầm bầm chửi đổng vài câu rồi co giò đạp đi, biến mất trong màn mưa đang dần ngớt.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout