Chương 29. Cậu bỗng cảm thấy không thở được.



Trình Du bước ra khỏi phòng tắm, mang theo làn hơi nước mờ mịt và mùi bồ kết thoang thoảng. Căn phòng của Nghiêm Luật vốn dĩ xa lạ, giờ đây qua lớp hơi sương lại trở nên gần gũi một cách lạ kỳ.

Chờ một lúc không thấy cậu ra, khi Nghiêm Luật quay lại phòng kiểm tra, anh thấy một bóng lưng mảnh mai đang đứng sững giữa phòng, ánh nhìn dán chặt vào kệ sách của mình với đôi mắt ngời sáng.

– Gì mà chăm chú thế? Thằng Phan nó còn tưởng cậu cắm trại trong phòng anh luôn rồi.

Vừa dứt lời, Nghiêm Luật thấy một nụ cười rạng rỡ chợt bừng lên trên gương mặt cậu em khối dưới. Trình Du bước về phía anh, giọng háo hức, tay chỉ vào giá sách:

– Cho tôi sờ một tí được không? Có mấy cuốn tôi không có!

Dưới ánh đèn vàng dịu, đôi mắt cậu sáng rỡ khi nhìn những cuốn sách tham khảo Toán đã sờn gáy, những tài liệu cũ mà Nghiêm Luật đã cày đến nát tươm.

Nghiêm Luật nhìn dáng vẻ chờ mong của cậu, ánh mắt anh hạ xuống. Sàn nhà lạnh lẽo, mà Trình Du lại đi chân trần.

Anh không nói không rằng bước đến, cúi người tháo đôi dép mình đang đi, đặt ngay ngắn trước mặt cậu.

– Sàn lạnh. Đi vào đi.

Trái tim Trình Du khẽ hẫng một nhịp. Cậu theo phản xạ lùi lại một bước khi thấy bờ vai rộng của anh đột ngột hạ thấp ngay trước mắt mình, hoảng hốt nói:

– Không… không cần đâu...

– Đi vào đi. Ở nhà cậu cũng không quen đi chân trần.

Giọng Nghiêm Luật vẫn điềm nhiên như thể đó là một thói quen. Trình Du chững lại, rồi bối rối xỏ chân vào đôi dép vẫn còn vương hơi ấm của anh.

Một cảm giác vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm len lỏi trong lòng. Rõ ràng Nghiêm Luật vẫn tỉ mỉ như mọi khi, nhưng đó là ở nhà cậu, còn ở trong không gian của anh, mọi thứ cứ có gì đó không đúng.

Nghiêm Luật mở tủ, đưa máy sấy tóc cho cậu.

– Sách trên kệ, muốn xem thì cứ xem.

– Được hả? – Mắt Trình Du sáng lên.

– Ừ.

Nhưng cậu còn chưa kịp hớn hở lao đến kho báu thì đã bị Nghiêm Luật túm gáy áo kéo lại.

– Sấy tóc, đi ăn cơm đi đã.

Nói rồi anh đẩy cậu ra khỏi phòng, sau đó chốt cửa.

Trình Du ngẩn người cầm máy sấy đi ra gian ngoài, nhưng sấy tóc xong vẫn chưa được chạm vào sách ngay mà bị Bé Bự lôi vào bàn ăn.

– Không chờ anh mày à? – Trình Du sợ hãi nhìn bát cơm vun đầy như ngọn núi mà Phùng Phan xới cho mình.

– Lão ăn rồi. – Phùng Phan đưa đũa cho cậu. – Ông ấy còn phải đi làm. Ăn nhanh rồi tranh thủ về sớm.

Trình Du lại đần người.

Thì ra nãy giờ Nghiêm Luật ở ngoài chờ phòng tắm, mà cậu thì cứ lân la mãi chưa xong.

Giữa bữa ăn, cậu nghe tiếng cửa phòng bật mở. Nghiêm Luật bước ra trong bộ đồng phục làm thêm quán Đồng Tâm màu vàng chóe. Anh lấy chìa khóa, đội mũ bảo hiểm, đưa tay ra ngoài trời cảm nhận rồi khoác thêm áo mưa.

Lúc đi ngang qua, anh nói với cậu:

– Ăn xong cứ vào phòng xem sách. Trừ sách giáo khoa, thấy cần cuốn nào thì cứ mang về. Anh cho mượn. Dù sao sắp tới anh cũng không ở nhà.

– Rìa lý?

– Ừ.

Đi được vài bước, Nghiêm Luật quay lại, thấy hai con hamster đang phồng má nhìn mình, anh cau mày:

– Ăn uống từ từ thôi, nghẹn bây giờ.

Tiếng xe máy rồ lên rồi xa dần sau cánh cổng.

Phùng Phan quay sang Trình Du, giọng điệu đầy ẩn ý:

– Bữa nay cho nhau mượn sách luôn. Eo ơi, bạn tôi và anh tôi về chung nhà có nửa tháng mà thân nhau ra mặt thế.

Trình Du sặc cả cơm:

– Đệt, mày nói cái gì thế?

Thì ra Phùng Phan đã sớm biết chuyện anh trai mình đến nhà Trình Du làm việc thay dì Hồng. Hắn ngày thường có thể vô tư, nhưng không phải kẻ ngu ngốc. Chuyện gán ghép trên diễn đàn rộ lên như vậy, sao hắn có thể không tò mò tìm hiểu. Thế nên, hắn mới chẳng ngạc nhiên khi thấy ảnh anh trai trước cổng nhà Trình Du, cũng không nhảy dựng lên tra hỏi cậu mấy điều vớ vẩn như bọn trong lớp. 

Bởi cảnh anh mình đứng đổ rác trước cửa nhà người khác, hắn đã thấy từ lúc còn nhỏ rồi.

Từ bao giờ nhỉ?

– Từ năm anh tao học lớp tám.

Phùng Phan vừa rửa bát dưới vòi nước róc rách, vừa nói. Giọng hắn đều đều, điềm nhiên mà bình thản, khác hẳn vẻ tưng tửng thường ngày.

– Đó là lần đầu tiên ông ấy đi làm công việc này. Mày đừng thắc mắc về tuổi lao động. Vĩnh Hằng ngày trước nghèo lắm, không ai quan tâm những điều đó, miễn thuê được người làm với giá vừa túi tiền, và người cần việc có thể kiếm được tiền là tốt rồi.

Trình Du đứng một bên lặng yên lắng nghe.

– Có lần không những không được trả công, còn phải đền ngược cho người ta… Người ta chỉ ông ấy cách dùng máy giặt, nhưng không chỉ cách phân loại vải. Ông ấy bỏ hết vào máy, rồi bị mắng một trận, rồi bị bắt đền. Chia ra vài tháng liền mới trả hết.

Trình Du nghe đến đây, sững cả người lại.

Hình như sau buổi đầu tiên, Nghiêm Luật cũng chưa từng lần nào dùng tới máy giặt nhà cậu. Khi cậu nói anh cứ phiên phiến đi, anh vẫn không nghe, còn nói là: “Cảm thấy đồ của cậu giặt tay sẽ bền hơn, ngâm xả tay cũng thơm hơn.”

Cậu bất giác nghĩ tới phần lòng bàn tay hơi gồ lên vì chai sạn khẽ đưa vào lọn tóc cậu buổi sáng hôm ấy.

– Ngày thường ông ấy có hơi hà khắc, nhưng tính hay càu nhàu thế thôi chứ chẳng có tâm trí mà ghét ai. Mày cũng đừng để bụng mấy chuyện vặt vãnh.

Phùng Phan kể, trước đây hắn còn bướng hơn Trình Du bây giờ nhiều, thậm chí từng ghét Nghiêm Luật như kẻ thù không đội trời chung.

– Trình Du, vì mày không muốn kể chuyện riêng tư nên ngày thường tao cũng không muốn nhắc đến làm khó mày. Nhưng chắc mày cũng thắc mắc, tại sao hai anh em tao, một người họ Trần, một người họ Đỗ, đúng không?

Đúng vậy, cậu đã từng thấy lạ, tại sao hai anh em nhà này một người là Đỗ Phùng Phan, một người lại là Trần Nghiêm Luật.

Khi ở nhà vệ sinh, cậu đã nghe mang máng đám kia nói chuyện, lờ mờ đoán ra phần nào. Nhưng tấm gương Thiệu Minh còn đó, Trình Du khi ấy ngoài thấy tức giận không rõ lý do, thì cũng không hoàn toàn tin vào những gì họ nói.

Từ trước đến nay Trình Du luôn coi mọi mối quan hệ đều là xã giao, chưa từng muốn đi sâu hơn, cũng chưa bao giờ gặng hỏi chuyện không liên quan đến mình. Bọn họ chơi được với nhau có lẽ cũng vì điều này, Phùng Phan, ngay cả Nghiêm Luật cũng chưa từng cố ý thăm dò chuyện riêng tư của cậu. Chuyện anh đến nhà cậu làm việc, dường như trong mắt họ cũng là điều hết sức bình thường, chẳng có gì cần phải ngại ngùng hay gượng gạo.

Nhưng hiện tại, Phùng Phan tiện miệng muốn kể, cậu đột nhiên lại muốn tập trung nghe.

Phùng Phan kể, khi hắn chỉ là một thằng nhóc năm, sáu tuổi, nhà bỗng dưng có thêm một người anh. Vào một ngày mưa tầm tã, bố đưa về nhà một cậu con trai lạ hoắc lạ huơ, họ Trần, rồi bắt hắn phải gọi là anh trai.

Hắn không chịu. Hắn nghe hàng xóm rỉ tai nhau, Trần Nghiêm Luật là con của một kẻ giết người. Họ nói: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, con của tội phạm thì cũng là một thằng máu lạnh."

Trong mắt một thằng nhóc như hắn, Nghiêm Luật là kẻ đã cướp đi một nửa tình thương của bố mẹ. Cái gì tốt cũng dành cho anh. Đi đâu bố mẹ cũng khoe anh ngoan ngoãn, học giỏi. Còn hắn, điểm kém thì bị phạt, đến trường thì bị bạn bè trêu chọc.

Hắn đi học có đọc trong sách một câu, nói rằng: Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Trong mắt hắn khi đó, Nghiêm Luật chẳng phải máu đào, còn không bằng ao nước lã.

Thế rồi bố mẹ qua đời trong một tai nạn. Trong cơn tang thương tột cùng, hắn đã tin những lời đồn thổi là thật. Khi ấy hắn mười một, Nghiêm Luật mười bốn, trán vẫn còn đeo khăn tang, hắn đã dùng những lời cay nghiệt nhất để xúc phạm anh.

Mãi sau này hắn mới biết, tai nạn xảy ra là do hắn. Vì một lần giận dỗi mà bỏ nhà đi, bố mẹ trên đường tìm hắn đã gặp nạn. Hai người mất là do đi tìm đứa con út của mình giữa đêm mưa, chứ không phải trên đường đi mua sách cho anh như Nghiêm Luật từng nói.

Sau đám tang, Nghiêm Luật như biến thành một người khác. Anh không còn nhường nhịn hắn như trước nữa, càng ngày càng gia trưởng và khắt khe. Mỗi việc hắn làm sai, dù là nhỏ nhất, đều bị anh chấn chỉnh, dạy dỗ, và trách phạt không khoan nhượng.

Đến khi nhận ra thì đã là rất lâu sau đó.

Lúc ấy, Nghiêm Luật không còn là “anh trai” nữa.

Mà là người duy nhất gánh trên vai cả phần cha, phần mẹ. Và trong mắt anh khi ấy, cả thế giới... chỉ còn lại một người là hắn. Còn trong gia đình của hắn, cũng chỉ còn lại một người là anh.

Anh bắt đầu ra ngoài nhiều hơn, trầm lặng hơn, và hỏi hắn những câu mà trước đó chưa từng: “Bao giờ đến kỳ đóng tiền học?”, “Đồng phục có chưa?”, “Sách vở thiếu gì không?”

Hắn từng thấy anh lặng lẽ đến gặp giáo viên chủ nhiệm của mình, khẽ nói: “Xin cô cho em vài ngày nữa… tiền học của Phùng Phan sẽ được đóng đầy đủ.”

Và rồi, một ngày trước khi anh bước vào cấp ba, cô Diễm đến nhà hỏi chuyện trường lớp. Hắn nép mình sau giàn hoa giấy, dưới cơn mưa phùn ảm đạm, nghe thấy giọng anh trai gai góc thường ngày khóc nấc lên:

– Cô ơi, xin hãy chờ em thêm một năm nữa.

Bọn họ khi ấy, không đủ tiền cho hai anh em cùng lúc đi học. Bữa ăn hằng ngày còn phải chắt chiu từng chút.

Lời hứa "chờ một năm" đó, cuối cùng kéo dài thành hai năm. Và thế là, người anh trai hơn hắn ba tuổi, giờ đây chỉ là đàn anh học hơn một khóa.

Cũng từ buổi chiều hôm ấy, Phùng Phan đã thôi không còn chống đối nữa.

Câu chuyện dừng lại ở đó, khi chiếc bát cuối cùng được úp lên chạn, Phùng Phan nói hắn cần dọn qua nhà một chút, nói cậu cứ vào phòng anh trai hắn mà chọn sách, rồi tranh thủ về sớm, kẻo muộn.

Ngoài trời đã tạnh mưa, nhưng hơi lạnh vẫn len lỏi khắp phòng. Trình Du đứng trước giá sách của Nghiêm Luật hồi lâu, cậu bỗng cảm thấy không thở được.

Trên tay cậu, kẹp giữa đống đề cương chi chít chữ là một hồ sơ bệnh án, thời gian tái khám ghi rất gần.

Có một điều Phùng Phan đã không kể, hoặc có lẽ, chính hắn cũng không hề biết. Anh trai của hắn bị viêm đường hô hấp mãn tính.

Không nghiêm trọng, nhưng hình như đã tái phát nhiều năm rồi.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout