Ôi, mới ngày nào thôi! Chị Mận còn hay chơi trò trốn tìm với anh em con ngoài vườn, hái ổi rồi chia cho từng đứa, nụ cười chị như ánh nắng rọi qua kẽ lá, rạng rỡ mà dịu dàng. Giờ thì chị đi lấy chồng xa rồi, nghe đâu là chồng người nước ngoài. Trong xóm có người kháo nhau rằng cuộc hôn nhân đó là do bà Năm (mẹ chị) sắp đặt. Bà thấy nhà bên đó là đại gia làm ăn bên xứ người, gả chị cho con trai họ để mong đổi đời, mong cho gia đình được khấm khá hơn.
Nhưng con thấy… Có lẽ chị Mận không hạnh phúc. Chị cười đó, mà mắt chị buồn lắm. Người lớn hay nói: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, nghĩa là con gái khi đã lấy chồng thì phải theo chồng, sống vì nhà chồng. Nhưng con nghĩ chị Mận chỉ theo con tim của mình. Bởi người mà chị thật sự thương, thật sự muốn nắm tay đi suốt cuộc đời, lại chính là anh Phu.
Dù thế nào ở quê con, cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó, ba chị thì mất sớm giờ còn có mỗi mẹ, chị Mận thương mẹ lại sợ bà Năm buồn nên đành vâng lời ngậm ngùi.
Ngày đám cưới rồi cũng tới, hôm đó là giữa tháng năm, người ta dựng rạp to giữa sân nhà chị, mở nhạc inh ỏi, khách khứa đông như trẩy hội, cảm tưởng đám cưới nhà chị to nhất xóm này. Vậy mà chị Mận ngồi bên trong, khoác lên mình bộ váy cưới cô dâu, mặt trang điểm đẹp lắm mà mắt cứ rưng rưng. Vì là người thân thiết nên bà Năm cho con vào với chị để phụ vài việc lặt vặt.
Con đứng bên cạnh, thấy rõ từng biểu cảm của chị, con thấy không phải giọt lệ của xúc động hay hạnh phúc, mà là nước mắt cố giấu đi giữa tiếng cười. Cô chú biết không? Mắt chị cứ hướng ra ngoài cổng hoài à, như mong ai đó sẽ xuất hiện... Nhưng mà không ai đến cả.
Con không rõ hết chuyện người lớn, nhưng con biết chị Mận và anh Phu từng thương nhau. Thương lặng lẽ lắm, mối tình đó hình như không được công nhận. Mỗi lần chị đi chợ về hay ghé nhà con, nếu gặp anh Phu đang nhóm lửa nấu bánh hay phụ ba con sửa mái nhà, chị hay mang cho anh trái bắp luộc còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Anh thì chẳng nói nhiều, chỉ nhận rồi gật đầu cười, cái cười hiền và kín đáo đúng dân miền Tây. Mắt hai người nhìn nhau, như nói nhiều điều lắm, mà chẳng cần nói ra cũng biết.
Giờ thì... Mọi thứ khác rồi.
Tối đó, sau đám cưới, con ra sân thấy chị Mận đứng tựa gốc xoài chỗ chị hay ngồi chơi với tụi con ngày trước. Váy cưới kéo dài chạm đất, ánh đèn từ rạp hắt ra làm bóng chị đổ dài lê thê mà lặng lẽ. Chị ngẩng đầu nhìn trăng, trăng mười bốn gần tròn, sáng dịu dàng mà xa vời vợi.
Chắc chị nhớ ai đó, chắc chị ước gì được bà Năm thấu hiểu.
Mà con thì chỉ biết đứng im nhìn chị, chẳng dám tới hỏi gì, chỉ thấy trong lòng bỗng dưng nghẹn lại như có gì chặn ngang, không phải vì con buồn, mà vì con thương. Thương cho chị Mận, thương cho những điều đẹp đẽ không thành, thương cho cả anh Phu nữa, người đã lặng lẽ không đến ngày hôm đó chẳng biết vì lý do gì.
Lát sau có tiếng người gọi làm chị giật mình, hình như là bà Năm và người chồng đi ra gọi chị vào tiếp khách. Thế là con thấy chị lẳng lặng lau nước mắt rồi đi vào bên trong bỏ con ở lại một mình mà chẳng nói một tiếng. Chị bây giờ lạ quá, không như chị Mận hồi trước kia nữa.
Tự nhiên con chợt nhớ lại cái hồi nhà con nghèo, ba mẹ đi làm ruộng miết, nhiều khi trong nhà chỉ còn mấy đứa nhỏ tự trông lấy nhau. Lúc ấy, chị Mận biết vậy nên hay ghé thăm, mang theo giỏ cam, ít bánh đúc, hay khi thì củ khoai nướng thơm nức mùi, quà chị xin được từ chợ hoặc để dành từ phần ăn của mình.
Chị ngồi bó gối trên hiên, vừa quạt mát cho tụi con, vừa kể chuyện cổ tích nào là Thạch Sanh chém chằn tinh, nào là cô Tấm ngồi khóc dưới gốc thị… Giọng chị dịu như tiếng gió thổi qua hàng cau ngoài sân, mỗi lời chị kể như rót vào tai tụi con những điều vừa kỳ diệu vừa ấm áp tình người.
Anh Phu thì khác, con có bảo anh ít nói nhưng hiền, cứ như một cái bóng âm thầm trong xóm. Hễ nhà ai cần sửa mái, lợp lá, dựng rào là anh tới, mà trong số đó ba Lâm là liên hệ ảnh nhiều nhất. Con nhớ có lần mưa to, mái nhà con dột nặng, ba đi làm chưa về, chính anh Phu là người lội bùn qua sửa lại mái cho tụi con chứ ai. Người ướt hết, lạnh run, mà anh vẫn cười như không hề hấn gì, khi con hỏi để mai anh qua cũng được mà, anh trả lời thế này:
“Để mai là tụi bây bệnh hết thì sao? Khờ ghê!”
Hôm đó chị Mận thấy mưa to tự nhiên xui khiến sao chị cũng tới, thấy anh ướt mà lo lắng, chị lấy khăn lau tóc cho anh, con có nhanh nhẹn lấy trong tủ ra cái áo cũ của ba Lâm đưa chị cho anh mặc tạm. Hành động đó rất đỗi dịu dàng như người lớn hay gọi là “tình thương” đó cô chú.
Tụi con lúc ấy còn nhỏ lắm, chưa hiểu hết chuyện yêu đương là gì. Chỉ thấy vui khi cả hai cùng ở đó cùng giúp nhau. Thấy chị cười khi anh tới, thấy anh nhẹ tay bóc trái quýt chị cho, mà phần con thì anh luôn bóc kỹ, chia đều từng múi.
Hoặc có khi những buổi chiều mùa hè, con hay ngồi giữa hai người, một bên là vòng tay chị Mận, một bên là anh Phu vừa đan chổi, vừa xoa đầu con. Trời xanh biêng biếc, tiếng ve kêu vang, còn lòng con thì yên ổn như ở giữa hai cái bóng mát của người thân thương.
Giờ nghĩ lại, sao thấy như mọi thứ đã xa lắm rồi. Chị Mận không còn ghé, không còn ngồi kể chuyện, còn anh Phu thì sau đám cưới của chị, cũng ít thấy mặt. Có lần con hỏi ba:
“Anh Phu đâu rồi?”
Ba Lâm chỉ thở dài:
“Chắc đi làm xa để quên chuyện cũ.”
Con chỉ biết cúi đầu, cắn môi. Không hiểu vì sao, nhưng trong lòng như vừa mất đi một mùa nắng đẹp.
Bình luận
Chưa có bình luận