3. Tình bạn lính


Quán nước ven đê ấy của Xuyên, một cựu chiến binh của trận Điện Biên Phủ trên không bảy năm về trước. Giấc mơ làm phi công vẫy vùng bốn bể của Xuyên đã chấm dứt vào ngày y sĩ quân y cưa đứt chân phải của anh để cứu phần chân còn chưa hoại tử khi bị mảnh vỡ máy bay cứa ngang khớp đầu gối. Vết cắt của mảnh vỡ lởm chởm khiến phần bắp thịt lẫn gân khắp chân anh nát tươm, không còn nhìn thấy mạch máu rõ ràng nữa. Khi cấp cứu tuyến đầu, y sĩ không có cách nào cầm máu cho Xuyên, chỉ có thể cắn răng cưa đứt ngay phía trên phần chân bị nát rồi băng lại chuyển Xuyên lên tuyến trên nhanh chóng. 


Từ đó, Xuyên trở thành thương binh phục viên, về nhà thì không còn mái nhà chỉ còn bốn bức tường loang lổ vết bom, gia đình cũng chỉ còn lại bốn bình sứ dán tên viết vội đựng tro cốt mẹ và vợ con. Phố Khâm Thiên ngày ấy chất đầy tang tóc, mười nhà có đến chín nhà để tang. Sau khi cái chân cụt đã lành vết cắt, với toàn bộ lòng tự trọng của một người lính Cụ Hồ, anh không muốn ăn cơm bố thí kèm những ánh mắt thương hại dù hoàn toàn không có ý xấu của những người còn sót lại xung quanh dành cho một kẻ trạc tuổi tứ tuần mà hai bàn tay trắng. Cũng có thể anh không còn can đảm ở lại cái nơi đau thương ấy nữa. Xuyên quyết định để lại mảnh đất có căn nhà tan hoang ấy cho người hàng xóm lấy hơn chục đồng bạc rồi qua bên kia sông mở một quán nước nhỏ ven đê sông Hồng. Quán nằm dưới gốc một cây cơm nguội già cỗi, chỉ đóng khi anh chống cây nạng gỗ tự đẽo vào làng Ngọc Lâm mua thêm trà nước hay thức ăn, còn thì mở khắp ngày đêm .


Ấy mà cũng đã được gần bảy năm.


Sớm hôm ấy, Xuyên đang nằm thiu thiu thì có tiếng ai đó bước vào khiến anh giật mình ngồi dậy. Một cậu trai mặt còn búng ra sữa mặc quần kaki và áo len cộc tay bên ngoài một chiếc sơ mi màu xám bước vào. Mái tóc chẻ ngôi lệch nhìn khá gọn gàng hẵng còn hơi ướt sương đêm. Trên vai cậu ta còn đeo một cái ba lô với kiểu phồng lên đặc trưng quen thuộc, nên dù nhìn trái nhìn phải, Xuyên cũng đoán ngay ra, cậu nhóc này là một chú lính mới tò te.


“Tân binh hả, binh nhất hay binh nhì?” Anh cất giọng nhừa nhựa vẻ còn ngái ngủ. “Sáng sớm đã vào ngồi quán nước, vừa trốn đơn vị chạy về với mẹ hay gì?”


Cậu trai ngẩng lên nhìn anh, vẻ mặt thờ ơ như không thèm để tâm những gì anh nói. Nếu như bàn tay đang nắm quai đeo ba lô không siết chặt lại thì sẽ đáng tin hơn.


“Anh có nước gì ấm bụng chút không? Cho tôi xin cốc nhỏ. Tôi còn đi đường dài.” Giọng nói gãy gọn, hơi khàn.


“Ở đây không chào đón lính đào ngũ! Phắn!” Xuyên cáu bẳn gằn giọng.


Đúng lúc đó, có hai người con trai cũng khá trẻ nữa chạy tới vỗ vai cậu nhóc kia. “Việt đây rồi, bọn anh tìm chú mãi. Gặp người quen hả, thôi tạm biệt nhanh lên còn đi không trên kia họ đợi.”


Xuyên khựng lại, nhận ra hình như mình vừa hiểu nhầm. Còn chưa biết chữa cháy làm sao thì cậu nhóc trẻ măng tên Việt thò tay qua sờ thử ấm nước vối trên bàn, rót một cốc, rồi hai cốc, ba cốc, sau đó đưa hai cốc còn lại cho hai người nọ. Cậu cầm lấy cốc còn lại, giơ lên tỏ ý muốn chạm cốc với bạn mình. Họ chạm khẽ ba chiếc cốc thủy tinh đùng đục chứa thứ nước màu vàng tỏa khói vào nhau, hai người kia còn đang ngơ ngác thì Việt đã lên tiếng. “Chúc cho lần sau chúng ta lại được chạm cốc nhau ở đây!” Rồi cậu uống ực một hơi, dùng mu bàn tay cầm cốc quẹt miệng và để lại cốc cạnh ấm tích. Thò tay vào túi lấy ra hai đồng, Việt để lại trên bàn nước rồi quay sang nhìn đồng bạn. “Các anh uống đi cho ấm, rồi mình đi thôi kẻo muộn!”


Mãi tới khi ba người thanh niên trẻ tuổi đã rời xa, bóng lưng len lỏi vào trong màn sương mờ hướng về phía đê đi Bát Tràng, Xuyên mới giật mình tỉnh táo lại hẳn.


“Giọng này mà không phải giọng hạ sĩ quan thì tao đi bằng đầu! Mà quái, nhìn mặt non choẹt cứ như mới vừa hết lớp Mười mà đã vênh váo thế không biết…”


***


Cái kẻ “mặt non choẹt như vừa hết lớp Mười” nọ đương nhiên không phải mới vừa hết lớp Mười. Vẫn là năm 1979, nhưng là sau đó gần nửa năm vào độ thu về, Xuyên bất ngờ gặp lại cậu thanh niên ấy. Cũng vẫn ở quán nước, hôm ấy trời đã về chiều, Xuyên đang dọn bớt mấy đĩa kẹo lạc lẫn kẹo dồi dang dở trên bàn của mấy ông khách lúc nãy thì có tiếng gõ nhẹ vào tấm cửa phên chẳng mấy khi đóng. Anh ngẩng lên, mất một lúc mới nhận ra người lính trước mặt có gương mặt quen quen này là ai.


Thấy người chủ quán nước chỉ ngẩng lên nhìn mình ngơ ngác, Việt thở dài. “Chào anh, tôi vào xin chén nước.” 


Anh lính trẻ cũng chẳng phải tính thù dai, hôm đó lúc lên đường, anh Chung đi cùng Việt có kể sơ sơ về người đàn ông trong quán nước. Anh ta cũng có nỗi niềm riêng, nên có ác cảm với đám lính đào ngũ âu cũng dễ hiểu. Thôi chứ cho là hôm ấy anh ta gặp ác mộng nên khó ở là được.


Việt bước vào, bên trong hơi tối vì chủ quán chưa thắp đèn dầu. Trời mới chỉ nhá nhem tranh tối tranh sáng nên anh không nhìn thấy cái ghế đẩu thấp phía bên chân phải. Tuy bước không nhanh nhưng khi đá vào cái ghế, Việt vẫn loạng choạng quơ tay tìm chỗ bám. Theo phản xạ, Xuyên bật dậy định túm giữ cánh tay Việt cho khỏi ngã, nhưng anh quên mất hiện giờ mình chỉ còn một chân. Cả hai người thế là cùng nhau mất thăng bằng và ngã chúi xuống, va phải góc bàn đau điếng người. 


Khi cùng nhau ngồi dậy, Việt mới lần đầu tiên nhìn thấy ống quần chân phải lỏng lẻo của người đàn ông trước mặt. Anh đứng dậy đỡ người kia đứng lên ngồi lại vào chõng. Còn mình thì ngồi xổm xuống nhặt mảnh vỡ của cốc đĩa cũng như đám kẹo rơi xuống đất để lên bàn.


“Cậu uống nước chè không, có một ấm tôi mới pha.” Xuyên xóa tan sự im lặng bằng lời mời khách sáo.


Cuộc gặp đầu tiên của họ đã mở đầu như thế. Sau lại Xuyên được biết Việt kém mình hơn mười lăm tuổi, nhưng không muốn cậu gọi mình là chú. Việt về phép thăm bố ốm vài hôm rồi lại phải về đơn vị trên Lạng Sơn. Anh cũng biết Việt đang là trung sĩ, nhưng được đặc cấp lên làm đại đội trưởng phụ trách các trạm quân y quanh cứ điểm mỏ than Na Dương. Tuy quân Trung Quốc đã tuyên bố rút khỏi biên giới nhưng chúng vẫn không ngừng bắn pháo cối, ném bom sang địa phận nước ta khiến số lượng thương bệnh binh cả trong quân lẫn dân thường vẫn tăng lên không dứt.


“Anh Xuyên có tin được không, em còn bị bên ta nhầm thành thám báo Trung Quốc sang dò đường, suýt nữa được nếm cơm tù. Tất cả chỉ vì em lạc đường khi đi tìm lán phẫu thuật trong mưa trắng trời trắng đất.” Có lẽ vì biết Xuyên cũng từng là lính, lại thêm trò chuyện hợp nhau, dần dần Việt cũng cởi mở hơn. Sau khi về thăm bố, khi quay lại đơn vị lại đi qua đường này, Việt lại ghé vào quán nước lần thứ ba và ở lâu hơn một chút, càng trò chuyện càng thấy hợp tính nhau. Ai cũng kể về một vài kỷ niệm khi “công tác”, tuy một người là quân y còn người kia (đã từng) ở không quân.


Tựa lưng vào thân cây cơm nguội, một tay cầm cái kẹo lạc đưa lên miệng cắn rắc một cái, nhai rau rau, tay kia đút túi quần bộ đội, Việt vừa cười vừa kể. Dưới tán cây đang ngả sang sắc vàng như được mùa thu nhuộm màu, ánh nắng lấp ló qua từng kẽ lá thành những vệt sáng nhảy nhót trên áo anh.


Xuyên bật cười khùng khục khiến cái ghế đang ngồi rung lên bần bật. Anh cố dừng cười để  rít một hơi thuốc lào rồi mới nói. “Mặt cậu kể cũng không giống lính lắm, lại còn lính quân y, thời buổi căng thẳng này mặt mũi như cậu bị nghi là đúng rồi. Sau đó thì sao?”


Việt vừa nhai nốt chỗ kẹo còn lại vừa phủi tay và cuộn tờ vỏ kẹo bằng ni lông cho vào túi quần. “Chả sao cả, em bảo các anh ấy em là bên mình, đang vội đi về để mổ cho thương bình nên các anh í cho đi thôi. Cơ mà cũng nhắc nhở là em đi ngược hướng rồi đi tiếp nữa là sang Trung Quốc coi chừng bị bắn lỗ chỗ như cái sàng!” Giọng anh tỉnh rụi.


Xuyên ngạc nhiên. “Mổ, thật à? Cậu mổ chính á? Tớ tưởng cậu chỉ phụ trách…”


Ánh mắt Việt quay sang nhìn anh trách móc. “Phụ trách gì thì việc đầu tiên của bác sĩ là cứu người đã. Hôm ấy bọn Tàu đứng trên đỉnh đồi ném xuống bên ta một loại mìn mới, rơi xuống chạm đất không nổ ngay mà bật lên gần nửa mét mới phát nổ ở tầm thấp và văng mảnh vụn ra xung quanh. Có nguyên một tiểu đội bị thương cùng một lúc chỉ với hai quả mìn, chân người nào người nấy nát bét. Em phải chạy mấy chỗ để mượn thêm cưa rồi về mổ tiếp.” Rồi giọng Việt chùng xuống. “Bọn em phải chia nhau ra mổ, rồi cưa chân cho gần một nửa số thương binh đó vì không cách nào cầm máu… Chỗ trạm quân y chúng em là tuyến đầu, không đủ phương tiện nên chỉ còn cách cưa rồi nhanh chóng chuyển xuống xuôi…”


Nhác thấy Xuyên vô thức nhìn về phía cái chân cụt của mình, Việt vội đứng thẳng lên. “Em… Em xin lỗi em hơi vô ý…”


Xuyên mỉm cười. “Không sao, thật ra đâu chỉ mình tớ để lại một chân trong cuộc chiến. Tớ đổi cái chân mình để chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, còn các cậu ấy để lại một chân khi chiến đấu gìn giữ biên giới non sông… Mỗi người đều chiến đấu theo cách của mình.”


Đầu Việt hơi thấp xuống nhìn người đàn ông từng làm được việc cậu luôn ao ước là chiến đấu bắn hạ B52. “Vâng, và cả anh lẫn các anh ấy đều đáng được tôn vinh ngưỡng mộ.”


“Cậu biết đấy, tớ có cần ngưỡng mộ đâu, tớ chỉ ước gì mình còn cơ hội lại được lên đường, lại được gia nhập đoàn quân bảo vệ đất nước.” Giọng Xuyên thoáng cay đắng nhưng lại trở nên vui vẻ. “Nhưng không sao, ít ra tớ vẫn còn có quán nước này, ở đây nhìn các cậu đi đi về về và nghe kể những chuyện ở tiền phương kia mà. Cậu cũng đang chiến đấu theo cách của mình đó chứ.”


Việt cũng mỉm cười. “Vâng, nên là đến giờ em đi chiến đấu tiếp rồi, đi ra tiền tuyến góp nhặt thêm vài mẩu chuyện hay ho để lần sau gặp nhau em lại kể nhé. Hiện giờ tình hình đỡ căng thẳng hơn nhiều, chắc đủ một năm thì sẽ có đơn vị khác lên thay.”


Anh cúi xuống nhấc ba lô lên vai, cái ba lô bắt đầu cũ sờn theo anh lên trường ngày xưa và lên đơn vị ngày nay. Việt lấy ra mấy hào lẻ rồi bước vào quán để trong cái hộp thiếc cạnh chõng tre nơi khách hay trả tiền. Rồi anh quay ra chào Xuyên. “Em đi đây. Tết này em không ở Hà Nội, có gì anh ăn Tết thêm cả phần của em đấy. Để em nói nhà em lúc nào mua đào thì mang sang cho anh một cành.”


Xuyên phẩy tay. “Thôi cứ đi đi. Cậu làm như lúc chưa quen cậu thì tớ không biết ăn Tết không bằng. Đừng quên là tớ còn hơn cậu đến mười mấy mùa hoa đào, nhé!”


Cả hai cùng cười, nụ cười xua tan chút se sắt đầu thu, nụ cười của một tình bạn chóng thân quen giữa một người lính và một người từng là lính.


Nhưng Tết năm ấy, và thêm mấy cái Tết sau đó, Xuyên không hề gặp lại Việt, cũng chẳng có ai mang cành đào ra quán nước cho anh.



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout