“Sau đó chú không quay lại quán nước của bố cháu nữa ạ?”
Câu hỏi của Bắc khiến ông Việt như bừng tỉnh khỏi những hình ảnh ký ức hãy còn tươi mới chưa hề nhuốm màu thời gian trong trí óc. Từ tốn nâng cốc nước vối lên môi uống vài ngụm cho đỡ khô giọng, ông ngước nhìn xung quanh. Bức tường vôi vàng, cánh cửa gỗ sơn xanh lá đã thoáng phai màu, nửa lạ nửa quen sau nhiều năm không gặp. Trong không khí có một thứ mùi gì đó thoang thoảng, ngai ngái mà vẫn rất đỗi dịu dàng.
“Có chứ, không quay lại thì làm sao viết tấm biển treo ngoài quán cho bố cháu được, làm sao gặp cháu hồi bé được, phải không nào?” Ông hóm hỉnh cười rồi bất chợt lại thoáng buồn.
Trong hơn một năm, ông đã đóng quân ở gần mỏ than Na Dương, chỉ cách biên giới với Trung Quốc chưa đến 30 cây số, một trong những địa điểm chiến lược về khai thác nhiệt điện của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu quấy rầy của quân địch. Mỗi ngày tiếng pháo, tiếng súng vẫn đều đặn vang lên, mặc cho đài phát thanh lẫn trạm thông tin thông báo Trung Quốc đã chính thức rút quân khỏi biên giới.
Thời điểm đó, tất cả các đơn vị dọc tuyến giáp ranh Trung Quốc đều nhận lệnh bám vững vị trí, đề phòng bất cứ hành động bất ngờ nào của đối phương. Không những sáu tỉnh biên giới Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái từng thuộc quân khu Việt Bắc ngày trước, mà các tỉnh ngay sát đó như Bắc Giang Bắc Ninh cũng lần lượt trở thành trọng điểm của rất nhiều quân khu binh chủng, mục đích không ngoài bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ Việt Nam. Hàng loạt chuyến hành quân về đây từ các địa phương khác được diễn ra, công khai có, bí mật cũng có, để thay phiên nhau gây dựng phòng tuyến vững chắc chống lại sự bành trướng xâm phạm từ hàng xóm phương Bắc.
Công khai, đương nhiên là để tăng cường binh lực. Còn bí mật…
“Lúc mới đóng quân ở Na Dương, còn lạ nước lạ cái nên chú và một số đồng đội từng bị nhầm là trinh sát Trung Quốc vượt biên sang dò xét tình hình quân Việt Nam. Nhưng đương nhiên, bọn chú cũng từng bắt được không ít mật thám Trung Quốc thật. Trong số đó, có một vài người được, ừm, “ưu tiên” mang về dưới xuôi để khai thác thông tin. Chú cũng từng đi theo áp giải một toán người như thế, bởi lúc đó, rất ít người biết chú có thể đọc hiểu và giao tiếp ba ngoại ngữ, tiếng Nga, tiếng Pháp, và tiếng Trung Quốc.” Ông Việt kể tiếp, giọng hơi rung rung không giấu nổi vẻ tự hào…
***
Chàng trai trẻ tên Việt, cựu đại đội trưởng phụ trách bốn trạm quân y dọc tuyến đầu ở Lạng Sơn, sau một năm đóng quân ở Na Dương đã được thăng lên từ trung sĩ thành trung úy. Đương nhiên, không một ai có thể thắc mắc hay phản đối quyết định đó từ trung đoàn trưởng bởi lẽ trong suốt thời gian đó, số thương binh, bệnh binh lẫn bệnh nhân là dân thường được anh tích cực tham gia cứu chữa đã nhiều không đếm nổi. Không những kiến thức đã học được và trau dồi ở Đại học Y Hà Nội lẫn Học viên Quân y, anh còn rất ham thích học hỏi, thử nghiệm và áp dụng các kinh nghiệm khám chữa bệnh từ trong dân gian, ở bất cứ nơi nào anh đặt chân đến.
Đặc biệt nhất là lần có một vị chuyên gia quân sự người Nga tên là Stanislav tới thị sát và hỗ trợ chiến lược phòng thủ, khi đi kiểm tra các cứ điểm du kích gần chân núi Pò Lạn đã vô tình quệt phải mủ nhựa cây sơn ta gây viêm da dị ứng rất nặng. Ban đầu ông ấy nhất quyết chỉ dùng thuốc chữa dị ứng mang từ Nga sang, có điều liều thuốc mang theo không đủ nên tuy ngày đầu đã đỡ nhưng chỉ hai ngày sau các vết ngứa bắt đầu sưng to, mọng nước rồi trở nên lở loét. Việt xin phép thủ trưởng được thăm khám cho ông chuyên gia đó, ban đầu ông ta chỉ cho phép anh dùng nước muối và thuốc sát trùng rửa chỗ lở loét đồng thời dùng thuốc tây để uống. Nhưng rồi dần dần vết lở sơn ngày càng loang rộng, cũng không thể chỉ tập trung thuốc sát trùng và thuốc uống giảm đau cho một người, khi mà thương binh ngoài kia vẫn đang rất cần thuốc men cứu chữa.
Bằng vốn tiếng Nga học được ngày trước cùng vô số sách tham khảo anh từng mày mò tự đọc tự dịch khi còn ở Hà Nội, và nhất là Việt dùng chính chân mình làm mẫu thử chứng minh cho Stanislav thấy công hiệu của các bài thuốc dân gian Việt Nam, cuối cùng chứng lở sơn của ông người Nga đã được chữa lành. Bài thuốc chữa lở sơn này Việt cũng chỉ vô tình nhớ ra khi nhìn thấy cây khế chua dại mọc ở gần lán quân y đội 4, bởi một cậu bạn nhà ở làng Hạ Thái phía nam Hà Nội kể cho. Cậu ấy học cùng Việt ở Học viện Quân y từng kể nhà cậu có truyền thống làm sơn mài nhưng cậu ấy lại bị dị ứng nặng với sơn ta. Người lớn trong làng đều bảo nhau nếu bị lở sơn thì chỉ cần lấy một nắm lá cây khế chua non, có cả hoa càng tốt, vò nát đun sôi với nước muối rồi lau rửa hàng ngày, nên dạo đó cậu bạn ấy có đợt cả tháng trời da xanh lét vì ngày nào cũng phải tắm nước lá khế chua.
Stanislav ban đầu còn nửa tin nửa ngờ về mấy cái lá nhìn rất tầm thường ngoài rừng ngoài ruộng thì sao có thể chữa được vết loét. Nhưng rồi ông ấy cũng đồng ý thử, bởi một là không chịu được những cơn đau ngứa dai dẳng, hai là thấy Việt chứng minh bằng cách bôi mủ sơn lên chính chân của mình, chờ sưng to mẩn ngứa loét nước rồi nhanh chóng lau rửa bằng nước lá khế chua đun, chỉ ba ngày là đã không còn loét và đỡ sưng hơn hẳn. Ngoài việc giúp Stanislav hái lá khế chua và đun nước muối lau người, Việt còn mày mò tìm được cả hoa kim ngân, ít cam thảo đất cùng với lá bồ công anh dại trong rừng, rồi sắc nước bảo ông uống để đào thải nhiệt độc từ bên trong. Các đồng đội anh cứ gọi là ngơ ngác khi nhìn cậu đại đội trưởng mặt non choẹt nhưng lại tỏ ra vô cùng quyết đoán và tự tin, hoa tay múa chân xổ tiếng Nga liên tục để thuyết phục người chuyên gia kia cho mình điều trị bằng thuốc “lá Việt Nam”. Chỉ năm hôm sau khi bắt đầu uống nước lá sắc kèm lau tắm người bằng nước lá khế chua, các vết loét của Stanislav vốn hành hạ ông cả chục ngày nay đã se lại, không còn chảy nước và bớt sưng hơn hẳn.
Sau khi lành bệnh, Stanislav nói với tiểu đoàn trưởng của họ muốn khao toàn bộ trạm quân y số 4 của Việt một bữa thật ngon. Cả bữa, ông ấy không ngừng gắp thức ăn cho Việt kèm mấy lời cám ơn vô cùng thân thiết.
Nhưng từng đó chưa đủ để khiến Việt được lên quân hàm nhanh đến thế.
Có một lần, các đồng đội trinh sát mang về một người mặc bộ quần áo dân tộc Nùng bị thương nặng ở chân phải, máu nhuộm ướt cả ống quần nhuộm chàm màu sẫm, gương mặt xanh xao vì mất máu. Họ bảo đấy là một người dân tộc Nùng ở làng Bản Khiếng gần đó, lúc vào rừng hái lá giang bị sập vào bẫy của quân ta nên được mang về trạm quân y gần nhất để hỗ trợ. Người này không nói được tiếng Kinh cho lắm nên chỉ biết lắp bắp lặp đi lặp lại một câu “Ngỏ bủ thong, ngỏ lèo mà, lèo mà!” (Tao không đau, tao phải về, phải về! - tiếng Nùng)
Việt bước lại gần, ngồi xổm xuống cẩn thận kéo ống quần người đó lên để kiểm tra, quả nhiên là vết thương do bẫy chông của quân đội. Bởi rất khác với bẫy chông bắt thú của dân bản, bẫy thú là để giết thú, còn bẫy chông của quân đội chủ yếu là để gây thương tích vô hiệu hóa quân địch và bắt sống. Sau khi cắt ống quần, lau rửa sát trùng và băng bó xong xuôi cho người đó, Việt cầm mẩu ống quần ra ngoài để vứt rồi rửa tay sạch sẽ. Nhưng anh vô tình nhận ra, trên tay mình ngoài máu thì còn dính cả màu chàm nhuộm vải rửa mấy lần mới nhạt. Ban đầu anh tưởng do trên tay dính cồn sát trùng khiến cho màu vải nhuộm bị phai ra, nhưng rồi mấy câu mà chị người Nùng nói lúc mang quần áo vải chàm tự làm đến tặng bộ đội bỗng vang lên trong đầu. “Bộ đội ỏn slim, à, bộ đội yên tâm, vải chàm ngỏ nhuộm đủ bươn đủ vằn khồng thẻ nào phai màu đâu, bền lắm, bộ đội cứ ỏn slim mà mặc…” (Bộ đội yên tâm, vải chàm tôi nhuộm đủ ngày đủ tháng không thể phai màu, bền lắm, bộ đội cứ yên tâm mà mặc)
Cũng đúng, vải chàm là truyền thống của người Nùng, ngay cả ngày lễ tết ăn no rượu say đổ ra người cũng không thể phai màu thì cớ gì vải quần của người này lại thôi màu ra nhanh thế. Việt bắt đầu thấy lấn cấn trong lòng, cho đến khi nhớ lại, nét mặt người đó có chút gì đó lấm lét là lạ… Ngỏ bủ thong, lèo mà… có thể là tiếng Nùng, nhưng cũng có thể… là tiếng Trung Quốc!
Mấy hôm sau, Việt tỏ ra như thường, quan tâm chăm sóc hỏi han người đó bằng tiếng Kinh, tỏ ra mình không hiểu tiếng Nùng Tày chi cả. Kẻ đó dường như cũng thấy hai bên thả lỏng cảnh giác hơn mà bắt đầu tập tễnh đi loanh quanh chỉ trỏ các thứ và bập bõm như muốn học tiếng Kinh. Cái bàn, cái ghế, cái giường… Rồi đến cái cây, quả khế, hoa dại… cho đến khi gã mon men sang cả bên lán thông tin của trạm quân y thì Việt biết có sự bất thường. Anh báo cáo với thủ trưởng và nhận lệnh theo dõi bí mật gã đó, rồi lẽ đương nhiên chặn được một lá thư viết chữ Tàu rất tháu gã lén lút bọc trong túi ni lông không biết giấu đâu ra và nhét vào một hốc cây táu cách trạm quân y vài cây số.
Đó là tên mật thám Trung Quốc đầu tiên Việt bắt được. Và còn thêm nhiều tên nữa, thậm chí có tên thấy Việt nói được ít tiếng Trung còn dám ngang nhiên liên hệ chào mời Việt bán tin tức hoặc là sang hẳn bên kia biên giới làm bác sĩ cho chúng. Vừa bực mình vừa buồn cười, Việt âm thầm nhanh chóng vô hiệu hóa gây mê bọn chúng (vẫn bằng mấy bài thuốc lá của dân bản mà anh học được) rồi chuyển về xuôi. Mọi thứ đều được bảo mật hoàn toàn, thoạt nhìn bên ngoài, Việt vẫn chỉ là một bác sĩ quân y thông minh xuất sắc và ham học hỏi mà thôi.
Với thành tích đó, Việt được tổ chức nhanh chóng giao nhiệm vụ mới sau khi có đội bạn lên thay nhiệm vụ quản lý trạm quân y sau một năm ở đó. Nhưng đồng thời, anh cũng bước vào quãng thời gian hoạt động hoàn toàn bí mật, liên tục di chuyển các vùng quân sự căng thẳng, từ tuyến biên giới phía Bắc vào tới Quảng Bình, Quảng Trị, đến những vùng từng bị Mỹ rải thảm chất độc hóa học để thăm khám lấy mẫu phẩm nghiên cứu. Thậm chí anh còn được cử sang cả bên kia biên giới Lào theo nhiệm vụ kết hợp quân đội nước bạn, mặt ngoài làm huấn luyện quân y (trẻ tuổi nhất quân đội), nhưng ngoài ra mỗi lần đều còn kèm thêm nhiệm vụ bí mật tìm hiểu các hoạt động gián điệp nước ngoài quanh khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam dựa trên vốn ngoại ngữ cùng sự nhanh nhạy của mình. Cũng vì lẽ đó, Việt tuyệt đối không được viết thư, viết nhật ký trong khoảng thời gian này.
Và cũng vì thế, suốt bốn năm ròng anh hầu như không về Hà Nội, chỉ thi thoảng hành quân lướt qua vùng ngoại ô. Những lúc nằm trong lán giữa rừng, mũi hít thở sâu mùi rừng mưa ẩm ướt, hay là đến thăm khu thành cổ Quảng Trị thấm đẫm bao ký ức xương máu cha ông, rồi cả khi núp trong cái chum cổ giữa cánh đồng Chum để tránh bom trên đất Lào, có những khoảnh khắc Việt bất chợt thèm vô cùng được về nhà thăm bố, thăm anh chị, thèm được ăn bát cơm với rau muống luộc chấm tương Bần, thèm ngắm hoa lộc vừng rủ bóng xuống Hồ Gươm, thèm nhặt hoa cơm nguội rụng đầy trước hiên nhà, thèm nhặt quả bàng chín rụng trên phố rồi đập hạt ra ăn… Nỗi nhớ nhà cứ đong đầy theo thời gian, thành một niềm khắc khoải khó lòng che giấu, cũng như bất kỳ người lính xa quê nào khác.
Mãi tới một ngày đầu tháng 11 năm 1983, sau khi thực hiện nốt một đợt huấn luyện cuối cùng ở quân khu Bốn, Việt nhận giấy công tác về Thái Nguyên, và cho anh được nghỉ phép về nhà một tháng. Việt lại một lần nữa vác ba lô lên vai, bịn rịn chào các đồng đội và thủ trưởng rồi bắt đầu hành trình mới vừa quen vừa lạ. Hành trình đi về nhà.
***
“Tôi tưởng cậu quên chỗ này rồi chứ!” Xuyên nhướng lông mày ngạc nhiên khi Việt bước vào và ngồi xuống cạnh cái bàn gỗ bày đầy mấy hộp kẹo lạc và lạc rang húng lìu.
Việt lưỡng lự rồi ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt người bạn lớn. “Em xin lỗi, mấy năm nay em bận quá nên…” Anh biết không thể nào nói rõ những gì mình đã trải qua mấy năm nay. Nhưng quả thực anh vẫn chưa quên lời hứa nhờ người nhà mang cành đào đến cho Xuyên năm ấy. Nỗi áy náy dậy từng cơn trong lòng. “Mấy năm nay anh thế nào?”
“Tôi vẫn thế thôi. Có gì mà xin lỗi, cậu bận đi bộ đội, bận việc nước, chứ có phải là gì đâu mà xin lỗi. Cậu vẫn đến đây là tôi vui rồi.” Xuyên mỉm cười rất hiền.
“Nhưng em vẫn nợ anh một cành đào cho Tết, năm sau em chưa biết có ăn Tết ở Hà Nội không, nhưng chắc chắn em sẽ mang cho anh một cành đào. Từ Thái Nguyên về đây cũng không xa lắm, anh yên tâm.” Việt cố gắng đè nỗi áy náy trong lòng xuống và tỏ ra vui vẻ. “Em chuyển hẳn về Thái Nguyên rồi, chắc trong thời gian ngắn không phải đi đâu xa nữa.”
“Nợ nần cái đệch, cậu nói vớ vẩn thêm câu nữa lần sau khỏi cần đến đây. Không cần giải thích, xin lỗi gì hết. Bạn bè đồng chí mà khách sáo thế thì tôi thèm vào làm bạn với cậu nữa.” Xuyên nhào qua đập bốp một cái thật mạnh lên vai anh. Việt cười khẽ, thấy lòng nhẹ nhõm đi một chút.
Họ lại ngồi ôn chuyện như thể chưa có thời gian chia xa. Việt kể cho Xuyên nghe bố anh giờ đang làm hợp tác xã, các anh chị của anh đều lần lượt lập gia đình và có cháu, lần này về anh thậm chí còn có thêm hai đứa cháu trai, sinh cùng một tháng chỉ cách nhau có mươi ngày. Còn Xuyên kể cho anh về công trường to lớn đang bắt đầu đi vào thi công mấy tháng trước gần đó, theo dự án xây cây cầu thứ ba bắc qua sông Hồng, cũng là cây cầu đầu tiên tự tay các kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế.
Việt cũng đã loáng thoáng nghe đồng đội nhắc đến nó mỗi khi có ai đó từ Hà Nội đi qua. Dự án ấy ban đầu mang tên, Cầu treo Mùa Xuân. Một mùa xuân của hi vọng, của tương lai tốt đẹp. Nhưng với tài nguyên, nhân lực, vật lực hiện thời, họ không cách nào làm được cáp treo đủ bền chắc để chịu tải trọng của cây cầu dự kiến có bốn làn đường cho ô tô chạy này. Mua ở bên ngoài thì càng không thể, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang phải tự cung tự cấp do lệnh cấm vận quốc tế. Thế nên đầu năm ấy, bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chuyển thành cầu cứng, và đúng ngày kỉ niệm Giải phóng thủ đô 10/10 họ đã tổ chức lại lễ khởi công xây cầu.
Cây cầu ấy sẽ mang tên Chương Dương, nằm gần bến Chương Dương, nơi Thượng tướng Trần Quang Khải đã đánh đuổi giặc Nguyên Mông năm xưa, tiến vào đuổi Thoát Hoan và chiếm lại kinh thành Thăng Long.
Việt nghe xong bật thốt, và thấy Xuyên cất tiếng đọc cùng mình câu cuối.
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
(Thái bình nên gắng sức, thì muôn đời mãi có giang sơn này - Tụng giá hoàn kinh sư, Trần Quang Khải)
Hai người đồng bào đồng chí nhìn nhau và nở nụ cười.
***
Chú thích: những câu/từ tiếng Nùng trong truyện chỉ do tác giả phỏng đoán, có thể có sai sót so với thực tế, mong các bạn thông cảm.
Bình luận
Chưa có bình luận