5. Mùa xuân đã về


Một ngày gió mùa đông bắc tràn về, tán lá cây cơm nguội ở cửa quán nước cũng đã từ vàng chuyển hết thành một màu nâu cánh gián buồn hiu hắt, từng chiếc lá rơi lả tả theo từng cơn gió lạnh lẽo. Xuyên đứng trên bờ đê nhìn xuống mặt sông chảy siết đang rầm rộ những con người tay năm tay mười cùng nhau thực hiện công trình xây cầu dầm sắt mới. Phía xa xa, cầu Long Biên thấp thoáng trong làn sương mờ ảo. Anh hít một hơi thật sâu, rồi quay người chống nạng tập tễnh đi về quán nước. Chẳng mấy chốc nữa là tới giờ nghỉ trưa, cánh thợ xây và kĩ sư thế nào cũng có vài người tới ngồi nghỉ chân uống nước hút thuốc. Nhờ cái công trình này mà độ này thu nhập của anh cũng được cải thiện kha khá.


Bước chân anh thoáng khựng lại khi thấy Việt đi qua đi lại trước cửa quán với một vẻ bứt rứt hưng phấn khó tả. Chiếc xe đạp cũ của Việt dựng rất cẩu thả bên gốc cây cơm nguội đang dần rụng lá. Có chuyện gì vậy nhỉ, lần đầu tiên anh nhìn thấy dáng vẻ kỳ cục vui không ra vui, khóc chả ra khóc kia, hoàn toàn khác kiểu nghiêm túc pha chút bỡn cợt thường ngày của cậu ấy. Kiểu này thật khó tả… cứ như là…


“Anh Xuyên, anh đi đâu thế, em đợi anh một lúc rồi… Em… em bối rối quá chẳng biết nói với ai…” Việt nhìn thấy anh về thì sáng mắt lên rồi chạy lại gần, vẫn với vẻ bứt rứt và gương mặt không biết nên gọi là cười hay mếu đó. 


Xuyên khoác vai Việt để cậu đỡ một phần trọng lượng cho anh, và tập tễnh chống nạng bước xuống chân đê để đi về quán. “Cậu cứ bình tĩnh, hít sâu thở chậm rồi từ từ uống miếng nước vối rồi kể gì thì kể. Tớ vẫn ở đây có đi đâu xa đâu mà phải cuống lên.” Hai anh em đỡ nhau về đến cửa quán nước rồi mỗi người một việc sắp bàn xếp ghế dọn quán chuẩn bị đón khách. Xuyên ngồi xuống chõng, mở lọ vối ra lúc một thìa đầy cho vào cái ấm tích đã bắt đầu hơi ngả màu, rồi lấy phích nước nóng mở nắp đổ đầy nước vào ấm, để lát nữa sẽ cho ấm vào cái giỏ lót vải vụn bông để ủ ấm trà nước. Từ tốn, thong thả, như hàng trăm hàng ngàn lần đã từng làm trước đó, như thể không có gì có thể khiến anh bối rối sai lệch một cử chỉ nào.


“Em mới quen một cô gái… và em muốn cô ấy trở thành mẹ của con em…” Việt nói thật nhanh như sợ mình sẽ đổi ý sau đó. Còn Xuyên giật bắn mình, thiếu điều rót trượt nước nóng lên mu bàn tay đang giữ quai ấm. May mà nước chỉ rớt ra bàn rồi chảy xuống đất. Việt vội vã với lấy khăn lau bàn thấm bớt giúp anh, vừa cười vừa nói đùa. “Anh làm sao mà phản ứng mạnh thế, nghe còi báo động máy bay Mỹ vào Hà Nội có khi còn chẳng giật mình đến thế đúng không?”


Xuyên ngẩng lên nhìn Việt, cái nhìn ngơ ngác và bối rối. Lần đầu tiên anh nghe thấy Việt nói đến chuyện tình cảm của bản thân, dù trước nay họ cũng trò chuyện khá nhiều. Có lẽ vì thế nên anh mới giật mình. Cứ như thể anh quên mất, Việt là một cậu trai trẻ đang tuổi thanh xuân phơi phới, nhiệt huyết tràn đầy, với đôi mắt luôn trong trẻo nhìn cuộc đời cho dù bàn tay đã trải qua vô số máu tươi theo nghĩa đen của nó. Anh hít một hơi thật sâu rồi bình tĩnh rót nốt nước nóng đầy ấm vối, để vào giỏ bông ủ và quay sang hỏi thật chậm rãi. “Cậu từ từ nói xem nào, tự dưng cậu buông một câu không đầu không cuối thế có khác gì Mỹ thả bom mà ta quên kéo còi báo động đâu.”


Việt đỏ mặt cười lỏn lẻn. “Ô hay ai bảo anh không đầu không cuối nào. Mở đầu, em mới quen một cô gái. Kết thúc, em muốn cưới cô ấy làm vợ. Đấy thôi!”


“Rồi rồi tớ thua cậu.” Xuyên đã bình tĩnh lại hoàn toàn. Việt không giống một kẻ tàn phế như anh, đương nhiên ngoài chuyện trong quân đội, chuyện gia đình, rồi một ngày Việt cũng sẽ có gia đình, vợ con và những mối bận tâm khác nữa. Bỗng chợt Xuyên nhớ đến một bóng hình mặc áo dài trắng, với mái tóc dài thơm mùi hoa bưởi còn đọng đâu đó trong ký ức xa xăm. Lâu lắm rồi, anh không nhớ về người con gái ấy, kể từ khi… Xuyên khẽ lắc đầu như để xua đuổi suy nghĩ vớ vẩn đó và cười. “Thế là quen nhau như nào, đã gặp gỡ hai bên chưa, à mà… không phải chứ, cậu bảo tuần sau cậu phải lên đơn vị mới kia mà!” Giọng nói càng lúc càng trở nên lo lắng.


“À thì… nó cứ như là duyên phận ấy anh. Em đạp xe xuống bệnh viện Xanh Pôn phía Kim Mã để bàn giao mấy thứ, tự dưng bị gió lạnh vù một cái nên thả một tay khỏi ghi đông để giữ cái mũ trên đầu khỏi bay. Cô ấy đạp xe phía ngược lại, cũng làm y hệt, rồi hai đứa loạng choạng tay lái thế nào đâm vào nhau thôi.” Việt hớn hở kể tiếp. “Xe cô ấy bị hỏng líp, em bèn cho cô ấy mượn xe em vì em không vội lắm mà cũng gần bệnh viện rồi. Hóa ra cô ấy đi học tiếng Pháp gần nhà em anh ạ, có tình cờ không cơ chứ. Sau hôm ấy cô ấy đến mang xe trả em và lấy lại xe. Rồi bọn em đi dạo Bờ Hồ với nhau, gọi một bát tào phớ thơm mùi hoa nhài ăn chung. Không hiểu sao mùa đông rồi vẫn còn người rao bán tào phớ, tội thật. Cô ấy còn mang theo đàn măng đô lin chơi cho em nghe nữa. Cô ấy… cô ấy khác lắm… Em nghĩ là lần này thần Ái tình thật sự bắn trúng em rồi anh ạ…”


Xuyên cười trêu cậu trai mới sa vào cái bẫy của tình yêu. “Lần này, hóa ra còn có lần khác nữa à, lần khác không phải thần Ái tình thì là thần gì? Thần Sét? Hay là thần Mưa?” 


Việt đấm nhẹ vào vai người bạn lớn. “Anh đừng trêu em. Hồi bé ai chả có mấy trò vớ vẩn thơ thẩn ở trường. Đùa chứ em đây chẳng gì cũng là giải Nhất thi Văn toàn quốc hồi lớp 7, ối con gái nó theo nhé! Hahaha…”


Tiếng cười sang sảng của Việt như xua tan cái giá rét mùa đông và làn sương cứ bảng lảng mãi từ sáng sớm. Mặt trời cuối cùng cũng chịu ló mặt ra khỏi mây mù, thong thả ném xuống trần gian những chùm sáng rạng ngời cho một ngày mùa đông có nắng.


Nhưng rồi Việt bỗng chùng giọng nỉ non. “Em cảm thấy cô ấy thật sự thật sự rất hợp với em anh ạ. Có điều là em… em vẫn lo lắng chuyện này chưa dám kể với ai, kể cả bố em. Hơn hai năm trước, em từng… em từng vào A Lưới để hỗ trợ nghiên cứu một vài ca bệnh của thương binh phục viên và dân thường sinh con bị bại não số lượng lớn… A Lưới là một trong những trọng điểm phun thuốc diệt cỏ hồi những năm 60 và 70 của chiến trường Bình Trị Thiên, có những nơi không còn một ngọn cỏ. Các cô chú sống ở đó bị ảnh hưởng, sinh con mười đứa hết tám đứa dị tật, thậm chí là không sống nổi quá hai tháng. Em ở đó hơn hai tháng, tắm rửa, ăn uống ở đó. Nhỡ mai này lấy vợ, em không dám nghĩ nữa anh ạ…” Trong tay Việt là vài chiếc lá cơm nguội héo úa ngả màu nâu nhạt, các ngón tay bứt rứt vò nát từng mép lá, hằn lên những vết xơ xác lỗ chỗ trên phiến lá đáng thương.


Xuyên bỗng nghẹn lời không biết nói sao. Anh những muốn an ủi Việt, chẳng có gì là chắc chắn cả bởi cậu chỉ ở đó có mươi ngày, chẳng sao cả đâu… quan trọng là Việt đã tìm được người con gái cậu yêu và muốn chia sẻ cuộc đời. Nhưng rồi anh nghĩ đến Hồng, cô gái sống một mình ở làng Ngọc Lâm và ngày ngày đạp xe qua cầu Long Biên đi làm ở nhà máy nào đó. Mỗi lần chạm mặt nhau, ánh mắt cô ấy nhìn anh rất buồn và lưu luyến nhưng không bao giờ tới gần bắt chuyện. Đã hơn một lần anh biết người làng bàn ra tán vào về cô ấy, tuổi gần bốn mươi nhưng không chồng không con, vì cái nhẽ tuổi xuân đã lỡ, lại còn từng làm thanh niên xung phong ở Quảng Bình năm xưa… Anh tự ti vì cái chân què cụt, còn Hồng, phải chăng cũng lo lắng vì quá khứ nhiều rủi ro?


Còn chưa biết nói gì hơn, quán nước bắt đầu có thêm khách vào. Đám công nhân xách cặp lồng cơm vào ngồi trong quán của Xuyên như thường lệ, gọi ấm nước, đĩa lạc rang, rồi vừa ăn cơm trưa vừa rôm rả nói chuyện. Việt thôi không nói gì tiếp về cô bạn mới quen, cũng như những gì anh dự định tiếp theo. Nhưng Xuyên biết, cậu nhóc có gương mặt trẻ măng này vẫn luôn chín chắn trưởng thành trong suy nghĩ. Cậu sẽ kể cho anh nếu cần, và anh rồi sẽ biết những gì cần biết.


Chỉ là đôi khi, Xuyên bật cười khi nhớ lại vẻ mặt hớn hở của cậu bạn khi ấy, rồi tiếng cười lại kết thúc bằng tiếng thở dài. Anh… cũng thèm khát cảm giác hi vọng vào một tương lai khác đi, với một ngôi nhà có nhiều hơn một người. Một gia đình.


Có lẽ, cũng đến lúc anh nhìn ra bên ngoài cái hốc mà bấy lâu nay anh vẫn dùng nỗi tự ti để trốn tránh cuộc đời.


Hôm ấy, Việt chào tạm biệt Xuyên luôn vì tuần sau lên Thái Nguyên nhận nhiệm vụ mới. Anh sẽ không qua đây vì không tiện đường, nhưng hứa lần này sẽ gửi thư chứ không biệt tăm như mấy năm trước.


Kỳ nghỉ phép của Việt đã kết thúc như thế, mở đầu cho một chặng mới trong cuộc đời của chàng trai trẻ.


***


Bẵng đi một thời gian, một chiều giáp Tết năm 1984, Xuyên ngẩng đầu lên khỏi cuốn tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa đang đọc dở khi nghe thấy tiếng chân ai đó bước vào quán. Anh thoáng ngạc nhiên khi thấy Việt bước vào, một tay cầm một cành đào nhỏ thật nhiều nụ, tay kia xách một túi vải đựng cái gì đó khá nặng vì thấy trĩu cả cánh tay. Trên vai cũng đeo ba lô phồng căng.


Việt hớn hở chào anh rồi mau mắn hỏi. “Anh muốn để lọ hoa ở đâu chỉ cho em, em cắm cành đào vào cho nào.” Rồi nó cực kì tự nhiên ngồi xuống ghế, đặt túi vải xuống đất rồi chìa tay đưa cành đào cho anh cầm. Cứ như thể nó chưa hề vắng mặt cả gần hai tháng sau lần trò chuyện dở chừng về vụ tình yêu tình báo lần trước vậy. Cái thằng, hứa hẹn gửi thư tâm sự đấy mà anh có thấy gì đâu.


Xuyên trừng mắt gườm gườm nhìn Việt một lúc rồi cũng thở dài. Đến thì đến, mang vác vất vả thế làm gì kia chứ. Việt mặc kệ anh, bỏ ba lô xuống ghế bên cạnh rồi tay năm tay mười tự rót một cốc nước uống ực cái hết bay rồi mới chẹp miệng. “Hôm nay anh không ủ nước vối à, nước chè xanh lần này cũng ngon đấy mỗi tội vị chát hơi nhiều, anh cho nhiều lá già hơn lá non phải không.” 


Khí lạnh ẩm ướt ngoài trời cũng như ùa vào theo chàng trai trẻ này. Xuyên ngước ra ngoài cửa, cây cơm nguội đã gần như rụng hết lá, chỉ còn trơ cành khô khốc sẫm màu in lên nền trời u ám chỉ chực rắc đầy mưa phùn khắp nơi. Nhưng anh biết, trông thế thôi nhưng sau Tết, chỉ tầm vài tuần nữa là sẽ lại có vô số những mầm xanh biếc chi chít xuất hiện trên những cành cây xù xì nâu đen ấy.


“Uống chè mạn Thái Nguyên quen miệng rồi nên chê chè tươi nhà tôi chát đấy hả. Mà sao cậu lại đến đây, Tết về phép không ở nhà với gia đình à.” Bỗng dưng Xuyên thấy giọng mình vang lên khàn khàn.


Việt gãi đầu. Đầu tiên anh đặt  mở túi vải vẫn cầm, lấy ra một chiếc bình hoa cao chừng ba gang tay bằng gốm có tráng men xanh hình cành hoa đào hoa mai gì đó. Anh vòng ra sau nhà tìm chỗ có chum nước và vòi rửa, đổ nước vào gần đầy bình hoa rồi quay vào nhà, nhẹ nhàng đỡ lấy cành đào Xuyên đang cầm cắm vào bình. Sau đó, anh ôm cả bình cả hoa, nhìn quanh một vòng khắp quán rồi nhẹ nhàng ôm bình đặt lên một cái bàn trong góc, xa cửa ra vào một chút cho khỏi bị gió lùa.


Chỉ một cành đào nhỏ thôi, mà cũng khiến cho không gian quán nước đìu hiu bỗng như thêm chút sắc xuân tươi thắm.


Sau đó, Việt mở ba lô căng phồng của mình, lần lượt lấy ra một bộ quần áo mới (“Em nhờ bố em may cho anh!”), một gói chè mạn Thái Nguyên (“Này là em được mấy chú trên đồi chè cho mấy túi, em mang cho anh một ít!”), một túi mứt sen trần nhỏ (“Tết nhất phải có tí mứt mới là Tết chứ!”)...


Nhưng thứ khiến Xuyên sững sờ, là một tấm thiệp cưới.


Hai tai Việt đỏ dừ, hai má hồng rực lên chẳng hiểu do gió lạnh quát lên mặt khi đạp xe qua cầu Long Biên hay vì lý do gì khác. Việt bẽn lẽn cầm tấm thiệp bằng hai tay rồi chìa ra phía người bạn lớn mà anh rất trân trọng.


“Lần này em xin về mười hôm để lo chuyện xin phép cưới hỏi anh ạ. Em… đã gửi thư tâm sự rất nhiều với Mai, và cô ấy vẫn đồng ý làm vợ em. Cưới vợ phải cưới liền tay, nên lần này em về là đến nhà Mai dạm hỏi chuẩn bị dần dần luôn. Lần sau em chỉ về để cưới là xong. Tháng Tư này em cưới rồi. Anh… Anh có thể đến dự được không?” Ban đầu, giọng của Việt rất vui vẻ, tự nhiên. Nhưng rồi đến câu cuối cùng, giọng nói bỗng ngập ngừng thật khẽ.


Xuyên nhìn sang phía Việt. Trong đôi mắt vẫn luôn trong trẻo tràn đầy sức sống của cậu, anh đọc được sự chân thành, kèm đôi chút lo lắng, thậm chí là nài nỉ. Anh chợt thấy buồn cười. “Cậu biết tớ không đi được thật mà. Chân cẳng tớ không tiện, mà nữa có đi thì quán nước ai trông. Thôi cậu có lòng mời là tớ vui rồi. Lần sau nếu được thì mang cô ấy tới đây ngồi một lúc vậy.” 


Rồi chừng như không nén nổi nỗi tò mò, anh hỏi chàng trai trẻ. “Thế tình hình là như thế nào? Quen nhau mới vài tháng thôi mà đã quyết cưới nhanh thế? Nhà bên đấy thế mà cũng chịu cho cưới luôn à?” Nói đoạn anh hấp háy mắt. “Hay là… làm gì rồi nên PHẢI cưới?”


Thoắt một cái, vẻ mặt Việt trở nên nghiêm túc. “Anh nói vậy là xúc phạm đến chúng em rồi đó, cho dù là đùa đi nữa. Một người con gái ngay cả khi biết em có nguy cơ nhiễm chất độc hóa học mà vẫn đồng ý làm vợ em, cô ấy xứng đáng nhiều hơn là một câu đùa kiểu đó của anh. Anh nói như thế, không những hạ thấp chúng em, mà còn là hạ thấp trình độ của chính bản thân mình. Một người anh hùng bắn hạ B52 năm xưa mà nói những lời như thế được sao?”


Xuyên giật mình tỉnh táo lại. Anh cũng không hiểu tại sao lúc đó lại buột miệng nói ra câu ấy, mặc dù ngay sau đó đã hối hận vô cùng. Nhưng cho dù vô cùng hối hận, nhưng lời nói ra như bát nước đổ khó hốt, anh lờ mờ cảm giác một vết nứt vừa bắt đầu xuất hiện giữa hai người họ. Một người vẫn tràn căng nhựa sống như cành đào phai đang tiếp tục nảy lộc đâm chồi, cậu ấy chuẩn bị cưới vợ sinh con, rồi sẽ tiếp tục cống hiến tuổi xuân và sức lực cho những chuyến đi khắp bốn phương trời, nghiêm túc thực hiện muôn vàn công tác bảo vệ đất nước. Người còn lại, tuy chưa đến năm mươi tuổi nhưng cảm giác như đã trải qua bao nhiêu bể dâu, cả tinh thần và thể xác đều rã rời mệt mỏi, ngày ngày tháng tháng chôn chân ở quán nước lụp xụp tù mù này, thứ giải trí duy nhất là những câu chuyện tào lao tán gẫu của khách thập phương dừng chân uống nước, lẫn những lời đùa cợt nhả của đám thợ xây tứ xứ đổ về tham gia công trình cầu Chương Dương gần đó.


Tự bao giờ mình trở nên tầm thường như thế. Xuyên cụp mắt, gương mặt đỏ bừng xấu hổ, nhưng lời xin lỗi cứ nghẹn lại nơi cuống họng không cách nào bật ra.


Anh không nhìn thấy ánh mắt thất vọng buồn bã của Việt, không nhìn thấy bàn tay Việt định cất thiệp cưới lại vào ba lô, nhưng rồi lại ngập ngừng để lại trên bàn. Anh chỉ nghe thấy một tiếng thở dài của người bạn vong niên, rồi tiếng ghế gỗ ma sát trên sàn đất, và cuối cùng, là tiếng bước chân dần đi xa.


Một cơn gió lạnh buốt bay thốc vào bên trong quán nước nhỏ. Xuyên chợt rùng cả mình, cảm thấy vết thương cũ ở cái chân bị cụt sao bỗng trở nên vô cùng nhức nhối.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout