Vài ngày sau đó tôi không đi ra khơi đánh cá. Tôi vui vì bố mẹ có thể hiểu cho tôi. Bố vỗ lên vai tôi, ông ôn tồn nói:
"Thằng Vinh nó đã khổ đủ rồi. Bây giờ lại không có ai bên cạnh nó. Con hãy ở với nó vài ngày để chăm sóc cho nó đi."
Tôi gật đầu nói lời "cảm ơn" với bố mẹ. Những ngày sau đó, tôi đã luôn ở bên cạnh em.
Bà em tuổi đã cao, lưng bà đã còng. Em ngại bà vất vả nên luôn giấu bà mọi chuyện. Lần này, tôi và em nói dối bà đưa bà qua nhà tôi ở vài hôm. Bà vui vẻ gật đầu. Căn chòi nhỏ lụp xụp của em trở thành thế giới của riêng em và tôi.
…
Dạo gần đây em luôn mất ngủ. Nửa đêm em luôn giật mình tỉnh dậy trong cơn hoảng loạn. Tôi biết em lại nằm mơ thấy ác mộng. Cái ký ức ghê tởm kia sẽ đeo bám em đến tận cuối cuộc đời. Tôi hận lũ người cầm thú đó. Và tôi cũng hận chính bản thân mình vô dụng… Tôi đã không giúp được gì cho em.
Tôi ôm em vào lòng sau những cơn ác mộng. Em gục lên bờ vai của tôi khóc nức nở. Tôi hôn lên bờ môi em, hôn lên mí mắt em, hôn lên chóp mũi em để mùi hương của tôi có thể vờn quanh thân thể em. Có thể trấn an em vào những đêm dài đăng đẳng.
Tôi thương em, thương hơn cả chữ thương.
...
Những dạo gần đây tôi thấy em thường hay xoa đầu mình. Tôi hỏi em nhưng em không nói. Em chỉ bảo chắc do em mất ngủ. Tôi rất lo lắng.
Sau đó tần suất thấy em ôm đầu ngày càng nhiều hơn. Trong lòng tôi lại càng thêm sợ hãi. Tôi gặng hỏi em năm lần mười lượt em mới chịu nói cho tôi nghe.
Những ngày gần đây em thường xuyên bị đau đầu. Ban đầu là những cơn đầu nhẹ, dần dần những cơn đau đó lại trở nên nặng hơn. Lòng tôi rối như tơ vò, tôi không biết phải làm sao. Nhưng cái linh cảm chết tiệt ấy lại một lần nữa ập đến khiến trái tim tôi thắt lại.
Tôi sợ hãi nói với em:
"Chúng ta lên bệnh viện huyện được không?"
Em lắc đầu.
Tôi biết. Vì chúng tôi không có tiền. Ngay cả cơm ăn ba bữa còn khó kiếm được thì lấy đâu ra tiền đi lên bệnh viện huyện.
Cái cuộc sống nghèo khổ đến ngộp thở này phải đến bao giờ mới không còn bủa vây tôi và em.
Tôi thở dài một hơi, cái tiếng thở dài đầy bất lực. Em đi đến ôm lấy tôi.
"Em không sao. Anh đừng lo lắng."
Tôi hôn lên đỉnh đầu em. Tôi biết, em đang nói dối tôi nhưng tôi có thể làm được gì.
…
Một tháng sau em ngất đi ở bến tàu. Khi ấy tôi vẫn đang ở ngoài khơi xa. Đến khi tôi chạy đến trạm xá thì em đã tỉnh lại. Em thẫn thờ nhìn tôi, một giây sau em đã mỉm cười.
"Mừng anh trở về."
Tôi ôm lấy em.
Mẹ gọi tôi ra bên ngoài. Bà thay tôi đi vào bên trong chăm sóc em.
Vị bác sĩ già đẩy lên chiếc gọng kính cũ kỹ. Ông ôn tồn nói với tôi.
"Con đưa thằng Vinh lên bệnh viện huyện đi. Bác nghĩ nó đã mắc phải một căn bệnh nguy hiểm."
Lòng tôi thắt lại.
Vì sao lại là em? Vì sao những chuyện bất hạnh như thế này đều đổ dồn lên cơ thể ốm yếu của em. Em xinh đẹp rạng rỡ như ánh mặt trời mùa hè. Em ngoan hiền, lễ phép, ai cũng yêu mến. Em thiện lương, em nhân hậu. Tại sao lại có thể đối xử bất công với em như thế? Trên đời còn có thứ gọi là công bằng cho em không?
Công bằng? Tôi lại quên mất, thế giới này làm gì có hai chữ "công bằng".
Tôi nhìn vị bác sĩ gật đầu rồi nói lời "cảm ơn", tôi chậm rãi bước đi trên hành lang nhỏ hẹp. Đi đến bệnh viện huyện sao? Tôi lấy đâu ra tiền đưa em đến nơi đó.
Tôi đưa em về nhà, sau đó bàn bạc với bố mẹ. Tiếng thở dài cất lên trong ngôi nhà tranh bé nhỏ. Mẹ nhìn bố, bố gật đầu. Mẹ đi vào bên trong căn phòng để gạo, một lúc lâu bà đi ra, trên tay bà đang cầm những tờ tiền được xếp một cách phẳng phiu.
"Con cầm số tiền này đưa thằng Vinh đi bệnh viện trên huyện đi."
Tôi cầm số tiền từ mẹ, trong lòng vừa cảm động lại vừa xót xa. Tôi ngẩng đầu nhìn bố mẹ, đôi mắt tôi đã đỏ hoe từ bao giờ chính tôi cũng không biết. Tôi nghẹn ngào nói.
"Mẹ ơi! Nếu em ấy bị bệnh, tiền đâu chúng ta chữa trị."
Không gian xung quanh như bị đông lại, cả ba người chúng tôi lặng thinh. Ai cũng biết, nếu thật sự bị bệnh thì lấy đâu ra tiền để chữa trị. Bán tài sản? Nhà tôi và nhà em có cái gọi là tài sản hay sao? Cái chòi rách nát ven biển hay căn nhà tranh gió thổi qua sẽ bay nóc này? Hay là cái thuyền thúng nhỏ bé nát bươm kia?
Chẳng có một cái nào cả.
Bố tôi bực dọc dằn mạnh chén trà.
"Mày lo xa quá. Đưa nó đi khám trước đi, chuyện đến đâu tính đến đó."
Tôi gượng cười đồng ý. Bố mẹ cũng quay trở lại trên giường.
…
Tối đó, tôi đến nhà em. Tôi vẫn không an tâm nhưng tôi và em không thể gạt bà em mãi được. Bà trở về nhà cũng là lúc tôi không thể ở cùng em như trước.
Tôi và em đi đến trước hiên nhà, nhìn ra phía mặt biển xa xa. Tôi nói với em.
"Anh đưa em đi bệnh viện huyện nhé."
Em ngẩn người nhìn tôi, sau đó em vội lắc đầu.
Không để em mở lời từ chối, tôi cướp lời.
"Không sao, anh có tiền."
Em nhìn tôi bằng đôi mắt đã ngấn lệ, môi em mấp máy.
"Em…"
Tôi khẩn cầu:
"Đi với anh được không? Anh xin em."
Cuối cùng dưới sự thuyết phục của tôi em cũng đã đồng ý. Tôi thấy sự sợ hãi xen lẫn lo lắng từ em. Tôi không thể làm gì hơn ngoài việc ôm em vào lòng. Thế giới này quá mệt mỏi với tôi và em có đúng không?
…
Tôi dẫn em lên bệnh viện huyện. Nơi này cách khá xa làng chài của tôi và em.
Ngồi xe khách mất nửa ngày đường cũng đã đi tới. Khi tôi móc tiền ra để trả tiền xe, mày em khẽ nhíu lại. Tôi biết, em đang xót của. Số tiền này không biết em phải vác bao nhiêu thùng hàng. Số tiền này không biết tôi phải ra khơi đánh cá bao nhiêu lần mới kiếm lại được.
Nhưng vì em, tôi thấy nó thật đáng giá. Tôi không tiếc, tôi chỉ hận mình không thể đem những điều tốt đẹp nhất đến với em.
…
Tôi và em đợi kết quả trên dãy hành lang dài. Nơi này đông người tấp nập qua lại. Họ đi đi rồi lại đến đến. Có những người nghèo khổ như tôi và em cũng có những người ăn mặc sang trọng trên tay cầm theo xấp tiền lớn.
Tay tôi vẫn nắm chặt lấy tay em. Em đang run, tôi hiểu rõ. Tôi khều nhẹ vào lòng bàn tay em. Em ngẩng đầu nhìn tôi sau đó lại mỉm cười. Tôi cũng đáp lại em một nụ cười trấn an.
Bác sĩ kêu tôi vào bên trong phòng khám. Tôi quay lại dặn dò em vài câu sau đó cũng bước vào bên trong.
Vị bác sĩ già nua nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại. Cái linh cảm chết tiệt đó lại đánh mạnh vào trí óc tôi. Tôi có chút hoảng loạn và sợ hãi.
Ông nhìn tôi, thở dài:
"Thằng bé bị u màng não. Đã đến giai đoạn cuối…"
Bên tai tôi như có sấm sét rền vang.
Vị bác sĩ giải thích cho tôi nghe về căn bệnh nhưng giờ phút này làm gì có nổi một lời nói nào lọt vào tai tôi.
U màng não giai đoạn cuối?
Là em… Vì sao vẫn mãi là em?
Năm ấy, em mười sáu tuổi.
Bình luận
Chưa có bình luận