"Ùn... Ùn... Ọc..."
Chiếc xe hộp bốn bánh chạy bấp bênh trên con đường đầy sỏi đá. Đường đi hai bên được bao phủ một màu xanh lá mát rượi. Đầu ngọn lúa mơn mởn bay theo chiều gió của trời đất.
Bên trong chiếc xe hộp nhỏ, Võ Thiều Hoa nhăn mày, tay cầm cái điện thoại Nokia 1100 mới tinh, cô ngồi không yên, tay hết đưa lên trái lại sang phải, rồi giơ lên cao tìm sóng điện thoại.
Mẹ của Võ Thiều Hoa nhìn thấy ngứa mắt, bà tặc lưỡi, dùng tay đánh lên đùi của con gái.
- Con ngồi im cho mẹ, làm gì mà cứ loay hoay trong xe hoài vậy?
Võ Thiều Hoa cáu kỉnh với mẹ mình:
- Nơi khỉ ho cò gáy này chẳng thèm có sóng điện thoại. Hết ba tháng hè phải sống sao đây.
- Con ăn nói lễ phép với mẹ vào!
Người đàn ông lái xe lên tiếng. Cha của Võ Thiều Hoa là người nghiêm khắc, luôn cố gắng dạy dỗ con cái thành người ngoan, người giỏi, người lớn bảo gì thì phải dạ dạ vâng vâng.
Ông Võ Văn Minh cũng chẳng biết mình đã sai bước đi từ giai đoạn nào nữa. Rõ ràng lúc nhỏ, Võ Thiều Hoa là đứa trẻ hiền lành, tính cách ngoan ngoãn và rất lễ phép với cha mẹ. Nhưng càng lớn thì bắt đầu ăn nói thiếu phép tắc, đã thế còn học theo bạn bè nhuộm cái đầu đỏ chói ngứa mắt!
Võ Văn Minh liếc nhìn qua gương chiếu hậu, mái tóc đỏ rực của Võ Thiều Hoa cực kỳ nổi bật, nhìn chỉ càng thêm đau mắt.
- Sống với ông bà thì phải biết nghe lời, con đừng có mà giở chứng đỏng đảnh với họ. Có nghe chưa?
Người cha cực lực dặn dò con gái, nhưng người trong cuộc thoại chẳng thèm để tâm tới. Võ Thiều Hoa cứ cố gắng làm việc riêng. Cô dự định gọi cho tụi bạn xuống đây, rồi lén lút lái xe máy chở cô lên lại Sài Gòn. Nhưng mãi vẫn không tìm thấy được hy vọng...
Bà Liên ngồi cạnh Thiều Hoa, vỗ nhẹ lên chân cô rồi răn đe:
- Cha hỏi mà con im thế hả? Đúng là càng lúc càng hư đốn. Con lo dẹp hết mấy đám bạn xấu xa của con đi, người ngoài nhìn vào chỉ tổ thấy xấu hổ.
Thiều Hoa âm thầm trề môi chứ không nói gì. Thái độ thờ ơ lại chống đối với cha mẹ của mình. Đợi cho đến khi xe dừng lại, ông Võ Văn Minh bước xuống xe, bà Liên vội hối thúc đá vào bắp chân của Thiều Hoa:
- Nhanh đi xuống đi.
Thiều Hoa chậc một tiếng, miệng chẳng thèm hồi đáp lại mẹ. Bước chân của cô dùng dằng bước xuống xe. Vừa đi xuống, đầu ngẩng lên cao, cái bảng hiệu của thôn Mậu Mo cũ kĩ, chữ trên bảng hiệu gỗ được khắc đã mục mòn đi vài phần. Thiều Hoa liếc mắt ghét bỏ. Bản thân còn không rõ ở đây là chốn xứ quê mùa nào nữa.
Bà Liên đi bên cạnh kéo cánh tay gầy nhỏ của Thiều Hoa, vừa đi trên đường vừa ra rầy, trách móc. Nào là nói cô chậm chạp, lề mề, rồi lại bảo cô phải biết ngoan ngoãn,.... Mẹ cô nói đủ thứ trên đời, dường như bản thân bà ấy thực sự quan tâm đến cách sống của cô vậy.
Đường từ cổng thôn đi đến nhà ngoại của Thiều Hoa khá xa. Phải đi mất hơn mười phút mới tới được. Căn nhà nhỏ của nhà ngoại nằm gọn ở góc nhỏ, mái nhà làm bằng gạch đất cũ mục. Được mỗi cái sân vườn vừa đủ bảy thước.
Thiều Hoa vừa bước chân vào cổng, khi không xuất hiện con gà mái đẻ chạy vèo qua chân cô, cô giật mình la lên, bước chân loạng choạng lùi về sau. Ai ngờ bản thân xui xẻo đến mức ngay cả cục đá nhỏ dưới chân cũng đủ cản đường cô. Bàn chân vô ý đạp lên cục đá phía sau, Thiều Hoa té trẹo một bên chân.
May mà có hàng rào sát bên, Thiều Hoa nhanh tay bắt lấy. Cha mẹ của cô ở đằng trước nghe tiếng động liền quay đầu xem thử. Họ nhìn thấy Thiều Hoa đứng không ngay ngắn, cứ xiên vẹo thiếu lịch sự. Ông Minh nhỏ tiếng rầy la:
- Con mau đứng cho đàng hoàng, nhà ông bà mà đứng cái kiểu lười biếng đó hả?
Bà Liên liếc xéo cảnh cáo Thiều Hoa. Bị hiểu lầm nhưng Thiều Hoa chẳng thèm giải thích, dù sao... Cô cũng đã quen rồi, có nói thì chỉ sợ cha mẹ sẽ bảo cô hỗn láo và thích cãi lời người lớn.
Thiều Hoa đứng thẳng người, chân trái lén lút xoay cổ chân. Cơn đau ầm ỉ cứ kéo dài suốt cả buổi trưa. Ngồi trên bàn cơm, ông bà ngoại nhiệt tình gắp thức ăn rất nhiều cho vào bát của Thiều Hoa. Cô đưa mắt quan sát nhìn hai người họ.
Ông bà ngoại dáng vẻ hiền từ, khuôn mặt vừa phúc hậu lại vừa mang chút nét khắc khổ. Đặc biệt là ông ngoại của cô. Thân hình của ông gầy gò, hai xương gò má đều lộ ra hết. Làn da rám đen, ngoại trừ cặp mắt sáng rực đang vui vẻ thì cô chẳng thấy rõ đường nét khác trên mặt ông.
Còn bà ngoại cũng chẳng khác là bao. Mẹ của cô rất giống với bà vài nét, chắc là về sau, ngay cả cô lúc về già cũng sẽ có nét giống với bà vậy. Thiều Hoa được ông bà chăm chút thêm nhiều món ăn ngon. Nào là thịt kho quẹt chấm rau cải luộc, canh chua cá lóc,...
Nhìn món ăn của bà rất đơn giản nhưng lại trông thật ngon mắt. Chỉ tiếc, Thiều Hoa không có tâm trạng để ăn. Một phần là vì chân cứ truyền tới cơn đau nhức nhối, hai là vì cô không muốn ở đây chút nào cả. Lại còn là ở cùng với hai người già xa lạ. Cho dù có là máu mủ của nhau, nhưng cô chưa từng gặp họ bao giờ, bên tai chỉ nghe mẹ mình gọi đây là "Cha, mẹ".
Thiều Hoa ương bướng không muốn ăn cơm. Cô trề môi đứng dậy tính ra ngoài. Ông Minh nắm được cổ tay cô rồi kéo lại.
- Đi đâu, ăn cơm!
- Không ăn, mấy người tự ăn đi.
Ông Minh tức giận liền tát một cái vào bên má của cô. Giọng rống lên:
- Mày hư đốn vừa thôi, đứa con cái mất dạy này!
- Ông không có quyền dạy đời tôi.
Thiều Hoa ngang ngược không chịu thua, mặc kệ người đàn ông trước mặt là cha mình, cô chỉ thích chống chọi lại ông mà thôi. Nhìn ông ta tức giận thì lòng của cô mới thoải mái, nhẹ nhõm được.
Nhìn hai cha con tranh cãi, bà Liên nhìn sang cạnh cha mẹ của mình, thấy họ bối rối, khó xử, bà lúc này mới bắt đầu tức giận, đôi đũa trên tay đập mạnh lên bàn cơm. Cái bàn gỗ cũ mục, chân bàn kêu cót két đáng thương.
- Im lặng cho tôi, hai người lớn rồi mà làm ba cái trò trống gì vậy, muốn nói chuyện gia đình thì vào phòng đóng cửa mà nói.
Bà Liên đứng dậy, tay chỉ thẳng vào mặt ông Minh rồi mắng:
- Ông tự xem lại bản thân, già rồi, đầu mọc hai thứ tóc mà còn đứng trước mặt cha mẹ vợ cãi nhau với con cái là sao?
Đàn ông vốn là trụ cột của gia đình, đâu thể mất mặt mà nghe tiếng chửi của vợ được. Nhất là khi bị vợ nói khẩy mình đã già tuổi. Ông Minh cáu giận chửi tiếp sang bà Liên. Cuối cùng cuộc chiến giữa hai vợ chồng bùng nổ, Thiều Hoa đứng kế bên cười mép coi khinh.
Ở đây phải nói đáng thương nhất vẫn là ông bà ngoại Thiều Hoa. Hai người đã xem như gần đất xa trời, thế mà vẫn phải chứng kiến khung cảnh khắc khẩu của con cháu. Một nhà Võ - Nguyễn cãi lộn ùm ben.
Bình luận
Chưa có bình luận