2. Chí làm trai xẻ núi lấp sông


Đã một tuần sau ngày ông Việt đến thắp hương người bạn vong niên. Hôm ấy, cậu lái xe cho ông đã gọi điện đến đón ông ngay sau đó nên không ở lại lâu được. Hôm nay cuối cùng ông cũng dành ra được cả một buổi chiều để hẹn với Bắc, con trai ông cụ Xuyên để an tâm trò chuyện. Bắc dường như cũng rất tò mò về người đàn ông rõ ràng cũng trong quân đội nhưng lại không nhận là đồng đội của bố anh. Cái tính nhanh nhạy của một người phóng viên khiến anh lập tức đề nghị hẹn gặp ông ấy hôm khác, vì linh cảm cho anh biết, dường như anh đang chạm một đầu ngón tay lên thứ gì đó rất đặc biệt.


Hai chú cháu vẫn ngồi trong căn nhà cũ nơi từng là quán nước của ông Xuyên. Theo lời đề nghị của Bắc và ông Việt cũng tán thành, họ pha một ấm nước vối to, ủ trong cái giỏ tre. Trên chiếc bàn gỗ nâu bóng loáng vì được lau chùi nhiều, dăm ba cái đĩa đựng kẹo lạc, kẹo dồi, bánh chả, hạt hướng dương đặt ở chính giữa. Hai cái cốc gốm Bát Tràng màu trắng ngà hơi ngả màu, bên trên vẽ men hình chuồn chuồn đang vờn hoa sen dưới nước vẫn còn sắc nét. Vài cơn gió nhẹ ùa vào phòng quanh hai cánh cửa sắt được mở rộng cho thoáng. Từ chỗ ông Việt ngồi có thể nhìn ra một phần tán lá cây cơm nguội đã vàng ruộm trong cái nắng mùa thu.


“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” Ông Việt nhấp một ngụm nước vối ấm giọng rồi khẽ hát. Cái chất giọng trầm trầm hào hùng này, Bắc nghĩ, hợp với câu hát “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi, nào có sá chi đâu ngày trở về. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui…” hơn là lời hát tràn đầy nhớ nhà như thế kia.


Chẳng hiểu sao, Bắc buột lời nói ra suy nghĩ đó. Ông Việt bật cười khẽ. “Năm ấy, khi chú lần đầu tiên hành quân qua cầu Long Biên rời Hà Nội, chính là để lên biên giới theo lệnh Tổng động viên cả nước, mùa xuân năm 1979 để ra đi bảo tồn sông núi…”


***


Việt là một người trai Hà Nội, sinh ra và lớn lên giữa băm sáu phố phường sau khi Pháp đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Anh là con út trong một gia đình thợ may đông con nhưng không quá vất vả, anh chị em luôn đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Cuộc sống của anh vốn rất đỗi bình an giữa những bộn bề của một Thủ đô đang dần chuyển mình theo giai đoạn khắc phục kinh tế sau chiến tranh, những bộn bề của người lớn, bố mẹ và các anh chị. Ngay cả những đợt sơ tán, di tản về nông thôn với nhà bác ruột cũng như những cuộc phiêu lưu thú vị mà anh đọc trong những cuốn sách được thầy cô cho mượn. Việt mơ về những phấn đấu, những điều lãng mạn ẩn chứa trong sự đau thương nhưng hào hùng như của Pavel trong Thép đã tôi thế đấy, hay thầm nhủ mình sẽ gìn giữ tính kiên định trong lý tưởng, tinh thần chiến đấu như của Ruồi trâu.


Ngay cả những đợt đạn bom bắn phá Hà Nội năm 1972 cũng không khiến trái tim thiếu niên sắp vào tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu trở nên u ám nặng nề. Hà Nội có mất mát, có đau thương. Chỉ sau hơn mười ngày, có thêm rất nhiều dải băng tang đen hay khăn xô trắng bay phấp phới trên những nóc nhà đổ nát. Nhưng Hà Nội vẫn còn đó, ngẩng cao đầu hiên ngang bất khuất. Vẫn còn vô số những người anh hùng bắn hạ pháo đài bay B52 của quân địch. Cậu thiếu niên sắp tốt nghiệp lớp Tám cũng cảm thấy mình chẳng mấy chốc cũng sẽ tòng quân, cũng sẽ nối bước các vị anh hùng đi trước, ngồi lên những khẩu pháo cao xạ, ngắm bắn về phía chân trời nơi kẻ thù hung hăng lao tới.


Chỉ thi thoảng giấc mơ đó bị đánh thức, bởi chị gái yêu quái của cậu. “Vịt ơi là Vịt, Vịt cận lòi cả mắt mà còn đòi đi bắn máy bay à.” 


Phải, Việt bị cận khá sớm. Sau những đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng rồi chui vào đống rơm đọc sách ở nhà dân nơi sơ tán - ấy là theo lời xui dại của ông anh cả, rồi bị bố lấy thước may đánh lằn cả chân vì khiến bác chủ nhà tưởng đống rơm bị cháy lúc đom đóm bị sổng ra bay loạn xạ trong đống rơm -  mắt Việt càng ngày càng nhìn không rõ, từ năm lớp Bốn đã phải chuyển lên ngồi tít trên đầu mà vẫn phải nheo mắt mới nhìn rõ bảng. Thế nên ao ước được trở thành lính phòng không hay lính pháo binh của cậu, Việt luôn biết chỉ là ao ước.


Mãi tới lúc chuẩn bị tốt nghiệp lớp Mười, anh thanh niên tên Việt nghe hàng loạt lời khuyên nên làm gì, thi đại học vào đâu mà vẫn chưa quyết, vì lẽ muốn đi tòng quân ngay lập tức theo gương bao lớp đàn anh. Một ngày giáp Tết, trong lúc giúp mẹ rửa lá dong, đãi đỗ xanh chuẩn bị gói bánh chưng chiều hôm sau tức chiều Tất niên, Việt bỗng nghe mẹ thủ thỉ. “Mẹ nghĩ, con nên học Y xem sao.”


Việt chợt ngừng bàn tay cầm khăn lau lá.


“Mẹ thấy nhà mình đông người, các anh chị con chuẩn bị thành gia lập thất, sinh con đẻ cái. Mỗi người một nghề, mỗi người một tính. Thằng cả đã thành kỹ sư, thằng hai sắp thành thầy giáo, đi bộ đội cũng đã có hai đứa khác. Các chị con thì không tính vì sắp đi lấy chồng về nhà người ta. Mẹ nghĩ cái nghề nhà mình hiện nay đang cần nhất, thiếu nhất ấy là nghề bác sĩ, để còn chăm sóc bảo vệ cho tất cả gia đình. Không phải chỉ có cầm súng mới là để bảo vệ người khác đâu con ạ.” Giọng nói dịu dàng của người mẹ vang lên rành rọt, thong thả theo nhịp từng mũi kim sợi chỉ bà đang làm trên tay. Bà đang khâu lại chiếc áo quân phục cũ của anh trai Việt, anh ấy về thăm nhà đợt Tết rồi hai hôm nữa sẽ lại về đơn vị luôn.


Việt ngẩng lên nhìn mẹ mình đang ngồi gần mép ngoài phản gỗ màu nâu thẫm trong nhà. Một chân bà gập lại đặt trên phản, một chân buông thõng xuống dưới. Màu áo xanh rêu nhạt của ‘anh bộ đội’ hơi bạc màu càng khiến màu đen bóng của chiếc quần lụa thêm sáng bóng. Mẹ Việt mặc quần áo mới ngày Tết, tay lại thoăn thoắt khâu vá tấm áo bộ đội đã cũ của con trai… 


Sau một chốc, Việt rửa lá lau lá xong xuôi, đỗ xanh cũng đã đãi vỏ sạch sẽ, gạo nếp cái cũng được ngâm trong chậu cho nở. Anh đứng lên dọn gọn gàng chỗ vừa làm rồi bước ra chỗ sân gạch cạnh giếng nước, buông gàu xuống giếng múc một ít nước lên rửa tay sạch sẽ lau khô mới đi lên nhà .


“Con thấy không, tính cẩn thận, tỉ mẩn, chăm chút từng móng tay cho sạch sẽ của con ngay cả hồi về quê sơ tán ai cũng biết. Nếu không đi làm bác sĩ bảo vệ mọi người thì mẹ thấy hơi tiếc đó.” Tiếng nói của mẹ anh như cứ vương vít sau lưng, sau mỗi bước chân, khi anh bước ra ngoài phố nơi có cây cơm nguội mà nghe đâu năm đó khi bố xin cưới mẹ đã tự tay trồng. Trên thân cây có nét khắc đơn sơ như nét vẽ trẻ con, hình một khẩu pháo nhắm về phía máy bay.


Những câu nói ấy, cũng vẫn luôn văng vẳng trong tai, trong đầu óc anh một năm sau đó, khi Việt kịp chạy về vuốt mắt mẹ lần cuối trong nỗi bất lực bàng hoàng đầu tiên trong đời.


Hết năm thứ nhất ở đại học Y Hà Nội, sau khi mẹ mất, chỉ sau một đêm, Việt như vùng trưởng thành. Anh ghi danh chuyển sang Học viện Quân y, vừa theo lời dặn của mẹ, và vẫn cố gắng để được khoác lên mình chiếc áo bộ đội cho dù biết sẽ vô cùng vất vả.


Một tay cầm súng, một tay cầm dao giải phẫu, đó sẽ là cách bảo vệ mọi người của anh.


Trên thân cây cơm nguội, cạnh khẩu pháo năm nào giờ có thêm hình một cây dao giải phẫu.

(Chú thích: thời những năm 70, chương trình học phổ thông cấp 1 có 4 lớp, cấp 2 có 3 lớp, cấp 3 có 3 lớp, nên học hết lớp Mười đã là hết cấp Ba, thi lấy bằng tú tài rồi thi đại học, phải đến đầu thập kỷ 80 mới dần chuyển thành hệ phổ thông 11 năm, rồi 12 năm như bây giờ.)


***


Tháng 2 năm 1979, Trung Quốc nổ súng tấn công khắp biên giới phía Bắc, hàng ngàn chiến sĩ hi sinh nơi địa đầu Tổ quốc để bám vững từng cột mốc biên giới Việt Nam. Trong số đó, có không ít những đồng đội bằng tuổi, thậm chí ít tuổi hơn Việt.


Tháng 3 năm 1979, lệnh Tổng động viên toàn dân toàn quân kháng chiến được Chủ tịch nước ban hành. 


“Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc"


Vô số thanh niên nam nữ, người buông cày cuốc, kẻ buông bút nghiên, một lòng hưởng ứng viết đơn, viết huyết thư xin tham gia nhập ngũ.


Việt năm ấy không cần viết đơn. Anh nhận lệnh chuyển công tác sang tiểu đoàn quân y Không Số, bí mật hành quân lên Na Dương, Lạng Sơn thật nhanh để bổ sung tiếp viện cho đại đội quân y trên đó hiện giờ đang gồng mình chống chọi vô cùng vất vả.


Tiểu đoàn quân y bị xé lẻ ra thành nhiều nhóm, khởi hành không cùng lúc với nhau. Địa điểm đến cũng không phải cùng một chỗ. Việt nhận lệnh vào buổi chiều rằng sẽ đi cùng hai người đồng chí khác, chỉ kịp chào bố và anh chị trong bữa cơm tối rồi 4 giờ sáng hôm sau đã phải lên đường. Anh vẫn nhớ, bữa hôm ấy bố luộc đĩa rau muống chấm nước mắm vắt chanh, nước rau luộc trong veo có vị chua thanh thanh của trái muỗm non chị gái anh hái hôm trước, và một đĩa đậu phụ làng Mơ rán vàng tẩm nước mắm hành cùng một đĩa cà pháo muối xổi. Một bữa cơm nhà thật bình thường như khi mẹ còn sống, mà sao hôm ấy mỗi miếng cơm như khiến anh nghẹn ngào hơn.


Nhà anh ngay gần Hồ Hoàn Kiếm, đường lên phía bắc phải đi qua cầu Long Biên sang bờ bắc sông Hồng. Các anh hẹn gặp nhau ở đâu đó men đê sông sau khi qua hết cầu Long Biên.


Việt ra khỏi nhà khi trời tờ mờ sáng sau khi ra phòng thờ thắp hương chào tạm biệt mẹ. Cây cơm nguội trước nhà lá vẫn xanh mướt, hơi ẩm của sương sớm vẫn đọng li ti trên từng thớ lá đan chéo như mạng nhện. Anh khẽ vuốt nhẹ lên thân cây, ngẩng mặt nhìn ngôi nhà thân thương trước mặt. “Tạm biệt bố mẹ, chào các anh chị, con đi đây. Con ra đi để bảo vệ non sông nên không dám hẹn ngày về, mong bố mẹ thứ lỗi… ”


Rồi anh xốc lại ba lô đựng quần áo trên lưng, quay người bước vào làn sương mù giăng mắc khắp từng mái ngói của những căn nhà quen thuộc. Làn sương mờ ảo quấn lấy từng bước chân người trai trẻ, như chút vấn vương của tình thân gia đình.


Bước chân ban đầu vốn từ tốn, ngập ngừng, nhưng dần dần khi đi qua tượng Đức Mẹ trước sân Nhà Thờ Lớn, phố Hàng Trống, Bảo Khánh, rồi ra tới Bờ Hồ Gươm, bước chân anh ngày càng vững chãi, quyết tâm.


“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…”


Từng câu hát văng vẳng trong đầu người chiến sĩ chuẩn bị xa nhà. Người Hà Nội, ta là người Hà Nội, ta sẽ chiến đấu vì Hà Nội, vì Tổ quốc thân yêu.


Qua phố Hàng Đào, Hàng Đường, rồi chợ Đồng Xuân. Mỗi góc phố tĩnh lặng, mỗi hàng cây run rẩy như muốn in mình vào đáy mắt con người đang đi tới. Trong dòng người lác đác, kẻ vác thúng, kẻ gánh gồng tỏa khắp phố phường Hà Nội hôm ấy, có một người thanh niên dáng vẻ bình thường, một người con của Hà Nội đang trên đường lên tiền tuyến.


Bên kia cầu Long Biên, anh dừng lại đánh mắt tìm kiếm hai người đồng đội nhưng không thấy. Lững thững đi men đê, xung quanh vắng tanh không một bóng người. Sương mờ bảng lảng trên từng ngọn cỏ chân đê, lờ mờ một vài gốc cây đây đó.


Dưới một trong số các gốc cây ấy có một quán nước duy nhất đang mở, với một ngọn đèn dầu leo lét cháy và một người đàn ông trẻ nằm nghiêng trên chiếc chõng tre. Cũng nhờ nằm nghiêng, nên khi ấy Việt mới không nhận ra một chân của người đó hoàn toàn bị cụt từ sát bên trên đầu gối.



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout